Đặng Phương Bích
Chuyện cũ kể lại thôi. Đôi khi cái khó khăn nhất lại đến từ phía
bạn không ngờ tới. Bạn hăm hở viết thư gửi cho người đại diện của bạn,
mọi việc viết thư, dán phong bì xong xuôi, chỉ mỗi việc điền cái địa chỉ
của người đại diện cho bạn là xong. Cứ tưởng anh Gúc gồ là nhất, gõ một
nhát là sao Hỏa cũng hiện ra ngay cho bạn. Thế mà riêng cái địa chỉ của
các đại biểu quốc hội Việt Nam, thì đến anh Gúc gồ cũng bó tay.com
Kiến nghị về Sửa đổi Hiến pháp do 72 nhân sĩ, trí thức khởi xướng
soạn thảo (gọi tắt là KN72) gửi lên Ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã
loan tải trên mạng từ tháng ngày 4/2/2013. Có lẽ đây là lần đầu tiên ở
nước ta, người dân vượt qua một sự mặc định ngầm bấy lâu nay là theo
kiểu “đảng cử, dân bầu”, để giành lấy tiếng nói của mình. Có thể so với
gần 90 triệu người dân Việt Nam, thì con số gần 15 ngàn người ký vào KN
72 là quá ít ỏi, nhưng nó giá trị ở chỗ là đó mới là tiếng nói chủ động
của người dân, chứ không phó mặc cho “đảng và nhà nước lo” nữa. Và nếu
so với số Đại biểu Quốc hội là 500 người thì đó là một con số không nhỏ.
Tuy nhiên, để đảm bảo chắc chắn các đại biểu của dân sẽ đọc được KN
72 trước khi kỳ họp Quốc hội năm nay bắt đầu, các nhân sĩ, trí thức muốn
gửi kiến nghị này đến tận tay từng đại biểu quốc hội. Đương nhiên việc
gửi thư, kèm với KN72 cho 500 đại biểu Quốc hội trong cả nước thì phải
nhờ đến cánh “quần chúng” hỗ trợ.
Yêu cầu gửi thư rất gấp, chỉ trong hai ngày là phải gửi xong, để cho
các đại biểu Quốc hội còn có thì giờ ngâm cứu. Giáo sư Chu Hảo nhờ Xuân
Diện và nhóm bạn bè làm giúp công việc văn thư này. Đương nhiên chúng
tôi vui vẻ làm ngay tức thì.
Nói thì đơn giản, đến lúc bắt tay vào rồi mới thấy khó đủ thứ. Việc
gấp nên chỉ huy động được dăm bảy người đến giúp. Gọi được người rồi lại
lo tìm địa điểm để làm. Nghĩ mãi mới ra nhà KTS Trần Thanh Vân là lý
tưởng nhất. May mà chị Vân có nhà và chị nhận lời ngay.
Từ việc photo 500 bản KN 72, kèm theo 500 lá thư ngỏ của các bác nhân
sĩ trí thức, cho đến tìm được danh sách 500 đại biểu của 63 tỉnh thành,
chả khó khăn gì - loáng cái là xong. Tất cả bọn chúng tôi bò ra ghi đủ
tên 500 vị đại biểu vào thư, rồi nhặt cả “thóc và gạo” cho vào từng
phong bì.
Lâu ngày quen gõ bàn phím, ko cầm đến bút nên ai nấy đều mỏi nhừ cả
tay. Có người bảo nên in tên và địa chỉ ra rồi cắt dán đơn giản hơn.
Nhưng tôi từng làm văn thư trái mùa hơn mươi năm nên biết, riêng việc
cắt dán ngần ấy cả tên người gửi lẫn người nhận rồi quyết dán thì còn
lâu “gấp tỷ”.
Lúc đầu khi thắc mắc về địa chỉ các đại biểu Quốc hội, Xuân Diện nói:
Yên trí, trên mạng khắc có hết! Đến lúc vào mạng, tìm toát mồ hôi chả
thấy bóng nhạn tăm cá nào. Chả nhẽ 500 ông đại biểu tàng hình à? Địa chỉ
nhà riêng thì còn bảo sợ bọn khủng bố (rõ là chỉ sợ hão - ở Việt Nam
bói đâu ra bọn khủng bố?), nhưng địa chỉ cơ quan làm việc cũng lại cũng
không có nốt là sao?
Tìm ngược tìm xuôi mãi không ra, Xuân Diện bèn bốc máy hỏi thầy của
hắn là giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, xem các đại biểu Quốc hội hoặc các UB
của Quốc hội có cuốn sổ danh bạ địa chỉ không. Hi hi! Hóa ra ngay cả
giáo sư cũng không có cuốn danh bạ ấy. Có lẽ đây là nguyên tắc giữ bí
mật của Quốc hội chăng?
Hu hu! Đến bác Thuyết cũng chả biết thì dân chúng tôi làm sao mà biết
được đây hở giời? Tôi chợt nghĩ đến những người dân khốn khổ, khi bị
chính quyền “bắt nạt” thì quay ra cầu cứu Quốc hội. Nhưng với tình trạng
như thế này thì làm sao tiếng kếu cứu của người dân đến được tai Quốc
hội đây? Tôi nhớ đến những cuộc vi hành bí mật của các đại biểu xuống
địa phương (hay còn gọi là tiếp xúc cử tri). Nói là bí mật vì cả đời tôi
chưa bao giờ được nghe địa phương thông báo, về chuyện có ông bà đại
biểu quốc hội nào đó về tiếp xúc cử tri.
Mà có tiếp xúc cử tri, thì người ta cũng chỉ cho các đại biểu ưu tú
của cử tri diện kiến đại biểu Quốc hội thôi. Các đại biểu cử tri ưu tú
này lại được ngấm ngầm chỉ định, chứ có bao giờ dân được họp để bầu ra
cử tri đại diện cho mình đâu?
Không lẽ tắc tị? Mọi người đành chọn phương án, gửi tất về đoàn đại
biểu Quốc hội của các tỉnh thành. Vừa gửi vừa run, sợ văn thư nó thấy
“nhạy cảm”, lại bỏ vào sọt rác thì khốn! Nhưng tôi bảo, bố bảo văn thư
dám bỏ sọt rác, vì đây là thư phát chuyển nhanh, người nhận phải ký tên
đàng hoàng. Mà văn thư chỉ là người chuyển thư, chả dại gì mà họ làm
vậy. Chỉ có điều tréo ngoe là các vị đại biểu thường ứng cử khác với địa
phương mình sinh sống, và nếu thế, các đoàn đại biểu tỉnh thành lại
phải gửi một lần nữa đến nơi các vị ấy cư trú. Ví dụ ông Dương Trung
Quốc sống và làm việc tại Hà Nội, nhưng chúng tôi lại phải gửi về đoàn
đại biểu quốc hội tỉnh Đồng Nai cho ông ấy chẳng hạn, rất rắc rối và bất
tiện.
Mất gần hai ngày giời chúng tôi mới viết xong 500 cái phong bì con,
tra vào 63 cái phong bì to, viết thêm 63 cái phiếu phát chuyển nhanh.
Vừa làm vừa soát đi soát lại để tránh nhầm lẫn.
Mấy hôm sau, qua kiểm chứng thì thấy rải rác một số vị đại biểu quốc
hội cộm cán ở các nơi đã nhận được tài liệu trên. Hy vọng là 500 vị kể
cả cộm cán hay không cũng nhận đủ cả. Giờ chỉ còn chờ xem các vị ấy có
lên tiếng hay không, và có lên tiếng một cách xứng đáng với vai trò là
đại biểu thực sự của nhân dân hay không. Cái này thì riêng cá nhân tôi
không mấy lạc quan. Tuy nhiên tôi thấy việc gửi vẫn cứ phải gửi, kẻo có
một ngày, các vị ấy phải trả lời trước tòa án nào đó, các vị ấy lại chối
đây đẩy, bảo có thấy các ông bà nhân dân nói gì đâu?
Qua một lần tiếp xúc với các đại biểu Quốc hội bằng văn thư như thế
này, tôi lại thấy con đường để tiếng nói của người dân đến được với các
vị đại biểu của mình còn vất vả và xa xôi lắm. Chả biết các vị ấy nói
giời nói bể gì ở trong quốc hội, chứ việc quản lý nhà nước yếu kém,
không hiệu quả của chính quyền thể hiện quá rõ ngay cả trên các phương
tiện thông tin truyền thông hàng ngày. Vậy vai trò giám sát của các vị
ấy có được sử dụng tý nào không, hay thực chất cũng chỉ là trò vừa đá
bóng vừa thỏi còi mà thôi? (cùng chịu sự lãnh đạo của đảng cả mà).
Hai ngày mới hoàn thành công việc, sẽ là sơ suất nếu không có lời cảm
ơn chị Trần Thanh Vân, đã cho mượn tư gia và đãi chúng tôi một bữa trưa
thịnh soạn.