Nói, nói nữa và nói mãi, tất cả sự phản đối dường như vô tác dụng
đối với ngành tư pháp và công an Việt Nam trong vấn nạn công an sử dụng
bạo lực với người dân.
Tôi, một người con có bố bị công an đánh chết, mọi người, những người
quan tâm đến tình hình chung trong xã hội, đất nước, hay thậm chí là
những người dân thường ngày đêm lo lao động kiếm sống đều biết được rằng
sức mạnh của ngành công an trong xã hội hiện nay lớn đến thế nào. Chế
độ này đang dần trở thành chế độ công an trị, họ có thể làm những gì họ
thích bởi quyền hạn của họ ngày một nhiều, dường như không có một sự
chế tài thực sự nào dành cho họ.
Những bản án bất công liên tiếp, những cách xử lý có tính chất bao
che đã chứng minh một điều rằng tội ác của lực lượng công an đã được cả
ngành tư pháp, bộ máy pháp luật Việt Nam dung túng. Trong khi đó người
dân chỉ cần cự cãi lại công an rất dễ bị ghép cho tội danh chống người
thi hành công vụ và phải lĩnh án nhiều tháng, năm tù.
Tôi cứ đếm rồi lại đếm, đăng rồi lại đăng ngày càng nhiều tin tức
người dân bị công an bạo hành trên facebook của mình. Một lần đăng là
một lần rớt nước mắt, cũng là một lần đau xót khi biết được rằng những
chuyện đó vẫn tiếp diễn hằng ngày và đang trở thành những câu chuyện hết
sức bình thường trước phản ứng bất lực vì sợ hãi của người dân.
Tôi nên làm gì, chúng ta nên làm gì khi mà sự bất công đến hồi man rợ?
Khi mà thượng sĩ công nổ súng giết người sau khi đã còng tay nạn
nhân chỉ phải lĩnh án 2 năm tù giam. Sự phi nghĩa đang diễn ra một cách
công khai và trắng trợn nhất mà chúng ta có thể thấy. Sự việc xảy ra
vào ngày 10/12/2012, ông Bùi Văn Lợi (45 tuổi) đi xem đá gà trên sới
gà tại Bắc Giang và sau đó kết quả là ông đã bị tên công an giết người
Nguyễn Duy Tùng nổ súng bắn chết sau khi đã bị còng tay. Sau hơn 6
tháng quên lãng, vụ án được đem ra xét xử và kết thúc là bản án 2 năm
tù giam cho kẻ sát nhân. Một lần nữa, bộ mặt của Tòa án Bắc Giang, cũng
như cả ngành tư pháp Việt Nam tiếp tục bị những kẻ nắm quyền lực, mang
danh thi hành pháp luật phỉ nhổ vào.
Tôi nói là một lần nữa bởi đây không phải lần đầu Tòa án Việt Nam
kết luận ra được những bản án đáng kinh tởm đến như vậy về những sự vụ
công an lạm quyền đánh chết dân. Và câu hỏi đặt ra cho chúng ta bây giờ
là chúng ta có thể làm gì để ngăn chặn tình trạng này tiếp diễn?
Chúng ta không thể làm gì vì chúng ta là dân đen, sẽ có rất nhiều
người suy nghĩ như vậy. Và chúng ta sẽ thực sự không thể nào thay đổi
được hiện trạng này nếu chúng ta tiếp tục nghĩ như vậy. Điều chúng ta
cần phải làm hiện nay là lên tiếng để bảo vệ quyền lợi và tính mạng của
bản thân, cũng như những người xung quanh. Với diễn biến thực tế, tình
trạng này sẽ còn diễn ra và diễn ra mạnh.
Ngày hôm nay có thể là gia đình chúng tôi, ngày mai nỗi đau đó có
thể rơi vào gia đình các bạn. Có ai muốn điều đó xảy ra với bản thân
mình, tôi chưa từng nghĩ điều đó sẽ xảy đến với gia đình tôi, nhưng khi
nó đến, tôi phải học cách chấp nhận và đối mặt. Đừng ngồi im và để sự
mất mát đó tìm đến với gia đình mỗi chúng ta trong sự vô cảm của chính
mình.
Có vô số những gia đình đã và đang trải qua đau đớn bởi vấn nạn này
gây ra. Những vụ án công an giết người rõ ràng nhưng lại bị gắn mác tự
tử, tự thương. Và sự im lặng, quên lãng đáng sợ của dư luận khiến nỗi
đau chồng chất lên nỗi đau. Chúng ta phải lên tiếng và không chỉ là sự
lên tiếng suông được nữa, thật khó để chúng ta còn tin vào những gì họ
nói là “vì dân”. Chúng ta cần phải làm gì đó để phản đối những bản án
bất công của ngành tư pháp Việt Nam đối với những nạn nhân bị công an
lạm quyền đánh và đánh chết. Chúng ta cần phải nói tiếng nói của mình,
chúng ta không cam chịu bất công, và yêu cầu đòi hỏi những quyền chính
đáng là tính mạng và nhân phẩm của người dân cần phải được tôn trọng.
Vậy chúng ta có thể làm gì khi chúng ta không có quyền trong tay? Chúng
ta có quyền biểu tình phản đối, đó là quyền quy định trong Hiến Pháp.
Khi tôi đề cập đến chuyện biểu tình ở đây không có nghĩa là tôi cổ
súy cho việc thể hiện bức xúc bằng hành động gay gắt như la hét, ném đá,
sử dụng vũ lực, bạo động... Ý tưởng biểu tình ở đây là sự liên kết
bằng những hành động cụ thể cùng những bước chân đồng hành với chúng tôi
bằng sự cảm thông, chia sẻ và tâm tình mong muốn sự đổi thay.
Chúng tôi cần mọi người đi cùng chúng tôi, ủng hộ chúng tôi trong lúc này.
Chúng ta phải có hành động phản đối cụ thể để yêu cầu luật pháp hiện hành trả lại công lý cho người dân.