Thứ Tư, 29 tháng 5, 2013

Lạm bàn… khác về Trương Duy Nhất

Hiệu Minh
Anh Trương Duy Nhất. Ảnh: internet
Hồi sang Ba Lan, rồi Bulgaria và sau này sang Mỹ, nhiều bạn bè có hỏi, tại sao nước anh bé thế mà thắng Mỹ.
Tôi kể rằng, thời đó, thấy ai chết vì bom đạn, vì đi chiến trường, chúng tôi gọi đùa là bị Mỹ “cắt hộ khẩu”. Hàng triệu người coi cái chết nhẹ tựa lông hồng.
Mấy hôm nay, tin blogger Trương Duy Nhất bị bắt, gây hiệu ứng dữ dội trong thế giới mạng. Nhưng tôi thì không ngạc nhiên vì chuyện đó. Tôi tin, anh Nhất cũng chẳng ngạc nhiên.
Là một blogger “nóng”, việc bị bắt có thể tiên liệu được, vấn đề là thời gian và xảy ra lúc nào thôi.
Trên thế giới, bloggers dính vòng lao lý vì nhiều lý do, do họ biết quá nhiều và viết quá nhiều liên quan đến hậu trường chính trị ở tầm cao.
Anh Duy Nhất bị bắt không phải là trường hợp duy nhất tại Việt Nam. Trước đó đã có mấy chục người. Sau anh sẽ còn nhiều người khác nữa. Hiệu Minh Blog có bị đóng cửa vì một lý do nào đó cũng là bình thường.

Nhân loại chứng kiến hàng ngàn bloggers bị giam cầm và hãm hại. Chuyện đó xưa như internet. Đối đầu với giới có quyền lực trong tay là trò chơi với lửa.
Nhưng không phải vì thế mà giới blogger, quyền lực của nhân dân, lại chấp nhận im lặng. Sự vận động của nhân loại là không ngừng, chỉ có điều nơi chậm, nơi nhanh.
Không hiểu sao anh Nhất lại lấy tên blog của mình là “Một góc nhìn khác”. Đã duy nhất thì không thể có cái thứ hai.
Anh sinh ra ở một đất nước mà đảng CS là lực lượng duy nhất lãnh đạo đất nước. Anh Duy Nhất theo “góc nhìn khác” thì không thể được.
700 tờ báo đều duy nhất theo một hiệu lệnh, viết gì, đăng gì. Nhà báo không thể… nhìn khác và viết khác.
Còn rất nhiều cái duy nhất khác ở đất nước này.
Thời điểm anh Nhất bị bắt có nhiều điểm trùng hợp.
Cuộc “tắm rửa” nhằm làm trong sạch từ trung ương đến địa phương do TBT khởi sướng đã có những tín hiệu không vui sau hội nghị TW 7. Sắp tới là cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội.
Dã tâm lấn chiếm cả đất lẫn tư tưởng, Trung Quốc sẽ mừng thấy láng giềng càng yếu, càng dễ cai trị và dắt mũi.
Bộ Ngoại giao Mỹ vừa quyết định không đưa VN trở lại danh sách CPC. Thật ra, đòn này khá hiểm. Tưởng người ta không nói gì, cứ thế làm tới, là mắc bẫy cao bồi.
Phương Tây “rất vui” khi thấy đất nước rối ren, tham nhũng, lạm quyền tràn lan, Trung Quốc đang đe dọa biển đảo. Nhìn quanh chẳng có bạn hay đồng minh nào thật sự.
Sự bất bình trong dân chúng chính là đòn quyết định thay đổi, chứ không phải CPC hay sự can thiệp từ bên ngoài.
Obama từng ngồi xem mùa Xuân Ả Rập múa bụng. Trước đó là Nixon, Reagan ngồi trên lưng ngựa ngắm các cuộc cách mạng hoa.
Tuy nhiên ở ta, với hệ thống truyền thông một chiều, dân thường ít nhìn ra mặt trái. Phần đông vẫn thấy mọi việc đang ổn.
Tại kỳ họp Quốc hội, ông PGĐ CA Quảng Nam nhận xét rằng “Người dân không quan tâm tên nước như thế nào”.
ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) còn tự tin hơn “Nếu trưng cầu, một câu trả lời gần như chắc chắn là đa số người dân vẫn tin tưởng vào Đảng, chúng ta sẽ có kết quả tích cực về điều 4. Những xu hướng, tư tưởng khác, sẽ không còn lý gì để tranh luận”.
Không hiểu sao, tôi thấy không phải hai ông này nói không có lý.
Có lẽ đa số dân đọc báo mạng quan tâm đến chân dài, Lý Nhã Kỳ, Nick Vujicic, Thái Nhã Vân nude với sư, hay các sao lộ hàng hơn là chuyện blogger bị bắt. Cứ xem “bài đọc nhiều nhất” trên các trang mạng sẽ rõ hơn.
Nhưng internet đã bạch hóa lịch sử rất nhiều và tiếp tục đóng vai trò chia sẻ thông tin, sẽ không còn vùng cấm nào mà không bị động chạm trên thế giới ảo.
Giới bloggers cũng đóng góp nhiều cho mục đích này. Lợi có, hại có, trong thế giới đa chiều phải chấp nhận những cái khác biệt. Nếu biết sử dụng thông tin, nó trở nên sức mạnh trong quản lý.
Dư luận tạo nên những “nồi áp suất” lên chính quyền. Nếu không được tháo van đúng lúc, mà cứ tiếp tục “đun sôi” như đất đai bị chiếm dưới danh nghĩa phát triển, sự bất công trong xã hội tăng lên từng ngày, bắt bớ không có lý do, “tự tử” trong đồn công an, tòa xử kiểu kangaroo…rất có thể bị “nổ” ngoài ý muốn.
Thein Sein, Tổng thống Myanmar, kẻ độc tài, từng ra lệnh giam giữ và thủ tiêu không biết bao nhiêu người dám trái ý.
Cuối cùng Thein Sein vẫn phải nhượng bộ. Báo chí tư nhân ra đời, không bị kiểm duyệt và tha hàng ngàn tù nhân chính trị.
Bởi không thay đổi thì dân Miến Điện sẽ không để yên dù họ theo đạo Phật hiền hòa.
Vừa nhậm chức kỳ hai hồi đầu năm 2013, Obama liền thăm Myanmar. Thein Sein vừa đến Nhà Trắng tuần trước.
Khả năng tự điều chỉnh của Myanmar là một ví dụ tuyệt vời khi lãnh đạo cấp cao kịp hiểu ra thời… phải thế.
Nhiều người hy vọng lãnh đạo VN cũng theo chiều hướng đó. Tuy nhiên, trong thời điểm này, mọi chỉ dấu cho thấy, họ chưa muốn cải tiến một khi chiến lược theo đuổi hiện nay vẫn OK.
Anh Trương Duy Nhất là con tốt trên bàn cờ. Cú ra đòn mang tính răn đe những kẻ dám nói trái chiều và sự thật. Và nó xảy ngay trước thềm cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội cũng là một tín hiệu gửi đi cho ai đó.
Họ sẽ bắt tiếp cho tới khi không còn bloggers để bắt chỉ vì dám…nghĩ khác.
Blogger vào tù phải quen như thời chiến “cắt hộ khẩu” thì xã hội sẽ dân chủ hơn.
Cũng hy vọng, nếu người có quyền lực hiểu rằng, cách đóng góp của blogger chưa chắc đã hay, nhưng thay vì bắt bớ, có thể làm khác.
Hiệu Minh. 28-5-2013
Tặng anh Trương Duy Nhất và các bạn đọc blog mấy bông hồng chụp cuối tuần vừa rồi ở Virginia.

Sóng đôi. Ảnh: HM

Dưới gốc hoa hồng. Ảnh: HM

Những cánh hoa hồng không đơn độc. Ảnh: HM

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"