Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2013

Cáo trạng Trần Huỳnh Duy Thức dưới góc nhìn Quyền Con Người

Nguyễn Văn Thạnh

Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại

Ngày 24 tháng 5 năm 2009, Trần Huỳnh Duy Thức bị bắt tại nhà riêng với tội danh ban đầu là trộm cắp cước điện thoại, nhưng sau đó ra tòa với các cáo buộc hoạt động chính trị nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Cùng với một số bạn hữu như Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Lê Thăng Long bị tòa án nhân dân TP.Hồ Chí Minh đưa ra xét xử vào ngày 20 tháng 01 năm 2010, riêng cá nhân ông bị tuyên án 16 năm tù giam.
Như vậy cho đến ngày hôm nay, ông Trần Huỳnh Duy Thức đã ở đúng 4 năm tù. Ai có thấu hiểu “nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại”, thì mới biết là thời gian ở tù dài đằng đẵng như thế nào; chưa nói là cơ nghiệp ông tạo dựng cả đời giá hàng trăm tỷ và một tương lai rộng mở bị tiêu tan.
Không một ai được sinh ra trên đời lại muốn ở tù cả. Nhà tù là nơi để trừng phạt những người phạm tội. Rõ ràng như thế, có tội mới vào tù. Ở tù là cách mà một cá nhân phải trải qua để trả giá cho những hành động tội phạm của mình đồng thời răng đe những cá nhân khác nhìn vào đó mà không được làm những việc giống người đó làm. Vậy ông Thức phạm tội gì?

Theo cáo trạng của viện kiểm sát nhân dân TP HCM:
- Cuối năm 2005, Trần Huỳnh Duy Thức thành lập tổ chức chống nhà nước CHXHCN Việt Nam có tên gọi “nhóm nghiên cứu Chấn” và viết bài tuyên truyền lôi kéo một số đối tượng tham gia tổ chức này hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.
- Trần Huỳnh Duy Thức đã cấu kết chặt chẽ với tổi chức phản động có tên gọi “Đảng Dân Chủ Việt Nam”, cùng Nguyễn Sĩ Bình, Lê Công Định bàn bạc thống nhất phương thức hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, như: xây dựng một kế hoạch tổng thể dưới dạng một cuốn sách có tên gọi: con đường Việt Nam nhằm thay đổi thể chế chính trị; đề ra kế hoạch 5 người; nhận trách nhiệm thành lập tổ chức chống nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có tên gọi Đảng Xã Hội Việt Nam để phát triển lực lượng cho tổ chức Đảng Dân Chủ Việt Nam. Trần Huỳnh Duy Thức được Nguyễn Sĩ Bình chuyển cho tài liệu có tên gọi “thông tri” của “Đảng Dân Chủ Việt Nam” để tham gia vào kế hoạch hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.
- Quá trình thành lập tổ chức chống nhà nước có tên gọi “nhóm nghiên cứu Chấn” và tham gia hoạt động của tổ chức phản động có tên gọi Đảng Dân Chủ Việt Nam, Trần Huỳnh Duy Thức đã làm ra 53 tài liệu và tàng trữ 7 tài liệu có nội dung tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam, xuyên tạc sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của chính phủ, phục vụ hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Chi tiết bản cáo trạng xem tại đây.
Từ những hoạt động trên, bản cáo trạng kết luận: hành vi nêu trên của Trần Huỳnh Duy Thức đã phạm vào tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, qui định tại khoản 1 điều 79 bộ luật hình sự nước cộng hòa xã hội chủ nghia Việt Nam”.
Tất cả những điều trên đưa ông Thức đến bản án 16 năm tù giam, ngoài ra còn bị quản chế 5 năm tại địa phương sau khi đã chấp hành xong hình phạt tù.
Không biết quí bạn đọc sau khi nghiên cứu xong bản cáo trạng và bản án được tuyên có suy nghĩ gì, riêng tôi: giật mình và tức giận.
Giật mình bởi lẽ: tất cả những hoạt động mà ông Thức làm để rồi bị tòa án cáo buộc hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân thì gần như ai cũng có thể bị. Một nhóm nghiên cứu Chấn có 3 người với suy nghĩ tiên đoán là đất nước khủng hoảng, họ ngồi lại với nhau bàn thảo tình hình, tự nghiên cứu các vấn đề, đưa ra những giả thiết mình cho là đúng. Vậy là đã thành tổ chức chống nhà nước CHXHCN Việt Nam. Thiệt hết biết. Tôi phải nói là những tổ chức kiểu này thì bất cứ ai có lòng ưu tư với đất nước gần như tham gia vào rất nhiều. Việc tham gia hoạt động những kiểu như vậy là quyền công dân, quyền con người. Không thể kết tội những điều thế này được.
Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền năm 1948 đã nêu rõ:
Điều 19.
Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ ý kiến; kể cả tự do bảo lưu quan điểm mà không bị can thiệp; cũng như tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền bá các ý tưởng và thông tin bằng bất kỳ phương tiện truyền thông nào,và không có giới hạn về biên giới.
Điều 20.
Khoản 1. Mọi người đều có quyền tự do hội họp và lập hội một cách hoà bình.
Điều 21.
Khoản 1. Mọi người đều có quyền tham gia quản lý đất nước mình, một cách trực tiếp hoặc thông qua các đại diện mà họ được tự do lựa chọn.

Tất cả các điều này được tái khẳng định trong công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đặt bút ký kết tham gia năm 1982.
Đây không chỉ vấn đề pháp lý mà còn là vấn đề đạo lý, làm gì mà có chính quyền mong manh mới có tổng cộng 4-5 người ngồi lại với nhau mà có thể “lật đổ được”; nghe rất buồn cười, nó vừa hàm hồ, vừa trẻ con; vừa suy diễn kiểu hoang tưởng.
Tôi giật mình còn bởi lẽ: trong cuộc sống chúng ta tiếp xúc không biết bao nhiêu người, có người tốt, có người xấu; tốt hay xấu còn tùy vào góc nhìn của người đánh giá. Chuyện lãnh đạo đất nước đánh giá một cá nhân, một tổ chức nào là không tốt, là “phản động” là chuyện của họ. Người dân không liên quan trong vấn đề đánh giá, nhận định này. Họ hoàn toàn có quyền tiếp xúc, bàn thảo công việc. Việc ông Thức có đi gặp ông Nguyễn Sĩ Bình để bàn thảo dự định của mình trong tương lai là quyền của ông, hoàn toàn hợp pháp. Không thể lấy cái này rồi suy diễn ra để kết tội được. Một ngày tôi tiếp xúc, giao tiếp, trao đổi trên không gian ảo, ngoài đời thực không biết bao nhiêu người, nếu theo kiểu này, một ngày nào đó an ninh ập vào bắt tôi với cáo buộc cấu kết với đối tượng phản động A, B, C. Điều này là không thể về mặt lý luận đạo lý và pháp lý. Hai điều (19,20) được viện dẫn ra trong tuyên ngôn quốc tế nhân quyền năm 1948 ở trên đã bảo đảm tính pháp lý cho hoạt động này; ngoài ra trong thực tế cuộc sống không thể có một chính quyền bị lật đổ theo kiểu này được.
Bởi lẽ:
Nhân dân là chủ thể tuyệt đối của chính quyền, họ trao quyền cho bất cứ ai mà họ tin tưởng, họ cho là xứng đáng thay mặt họ cầm quyền qua các cuộc bầu cử. Ai, tổ chức nào muốn nắm chính quyền đều phải tuân thủ luật chơi này mới được nhân dân thừa nhận, mới được quốc tế công nhận. Nếu không tham gia cuộc chơi này liệu cơ hội nào để ông Thức và những người bạn ông lật đổ được chính quyền nhân dân với 90 triệu dân, hàng trăm ngàn công an, cảnh sát, quân đội cùng hệ thống hành chính được tổ chức chặt chẽ từ trên xuống dưới!
Nếu suy diễn như bản cáo trạng trên, một tiếng hét của tôi cũng có thể lật đổ chính quyền nhân dân, bởi lẽ nó có thể làm cho tài xế lái xe chở nguyên thủ giật mình, gây tai nạn dẫn đến chết nguyên thủ và mất chính quyền!
Tôi tức giận vì lẽ: chúng ta phải thừa nhận với nhau rằng, một chính quyền không bao giờ hoàn hảo, luôn luôn chưa đựng những khuyết tật, những sai lầm. Lịch sử đã chứng minh nhận định này hùng hồn, không thể bác bỏ. Việc ông Thức và nhóm bạn viết những bài chỉ ra những sai lầm trong quản lý xã hội, vận hành kinh tế vừa là quyền của ông, vừa là phúc đức cho dân tộc, cho đất nước. Sẽ như thế nào, nếu ai ai cũng tung hô: lãnh đạo ta là đỉnh cao trí tuệ của nhân loại, Đảng ta là thiên tài, là sáng suốt, đường lối chính sách của Đảng ta là tuyệt đối đúng; chính phủ ta thật là tài tình, thật là anh minh? Chẳng lẽ Đảng, chính phủ muốn tạo ra một không khí nịnh bợ quanh mình?
Cả tuyên ngôn nhân quyền quốc tế 1948 và hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam đều thừa nhận người dân có quyền nêu quan điểm, chính kiến, có quyền hoạt động đóng góp cho quản lý đất nước, quản lý xã hội. Cái gì mà gọi là nói xấu, xuyên tạc đường lối của Đảng, sự điều hành của chính phủ? Những cáo buộc kiểu này nghe rất là lạc hậu và độc tài. Nếu dùng lý lẽ kiểu này để buộc tội thì sẽ không còn tiếng nói phản biện, người nắm quyền chỉ còn nghe lời khen và sự nịnh hót ru ngủ. Chính quyền như thế, không phải là một chính quyền của dân, một chính quyền lập ra nhằm mục đích tối hậu là bảo vệ quyền con người. Nó là một chính quyền của kẻ cai trị tự tôn và ngạo mạn.
Tôi tức giận còn vì lẽ hiện nay những điều ông Thức và nhóm nghiên cứu Chấn viết đã xảy ra đúng. Kinh tế khủng hoảng, tham nhũng hoàng hành; doanh nghiệp lớp phá sản, lớp bị ngoại quốc thâu tóm. Trong khi người thấy nó, cảnh báo cho toàn dân, cho toàn lãnh đạo thì đang bị ở tù. Nói điều đúng thì không thể qui kết là hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân được.
Tôi tức giận còn vì lẽ: tất cả những nghiên cứu, dự báo của nhóm nghiên cứu Chấn không có gì là bí mật, âm mưu, nó hoàn toàn minh bạch, nó được gửi đi cho tất cả các vị lãnh đạo cấp cao từ tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tưởng, chủ tịch quốc hội. Nếu là một nước văn minh, chính quyền đúng bản chất của dân, vì dân thì các vị này phải quan tâm nghiên cứu để ứng dụng có lợi cho dân cho nước, còn ở ta thì chỉ nhận được sự im lặng không một câu trả lời. Đây là những lãnh đạo của dân hay là của một lực lượng chiếm đóng?
Hiện nay, Trần Huỳnh Duy Thức vẫn đang bị đày đọa trong tù và câu hỏi đặt ra là ai chịu trách nhiệm khi tống giam những hiền tài của dân tộc?
Nguyễn Văn Thạnh
Theo: Con Đường Việt Nam

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"