Thứ Tư, 29 tháng 5, 2013

Nhìn nhận về vụ bắt Trương Duy Nhất

Đàm Mai Đạo
Vụ việc blogger Trương Duy Nhất bị bắt theo điều 258 Luật Hình Sự đang trở thành đề tài thời sự nóng trên hầu hết các diễn đàn tự do. Tôi cũng muốn góp thêm một góc nhìn với tư cách từng là người cộng sản gần 30 năm trong quan niệm làm rõ hơn việc bắt giữ này.
I. Quan điểm chính trị của Trương Duy Nhất như thế nào?
Bài viết không đi sâu vào vấn đề luật pháp, dù là (điều) 258 hay 88 hoặc 79, vì nó trở nên vô nghĩa khi chiếu theo "quan điểm chính trị" của người cộng sản Việt Nam [*] hiện nay. Do đó, nếu có phản hồi nào thắc mắc và muốn tranh luận về luật pháp sẽ thất vọng khi đọc bài viết này và cho phép người viết miễn hồi đáp với những luận điểm về pháp lý.
Tuy nhiên, cần nhắc qua một chút về Quyền Con Người, mà một trong các quyền đó là quyền tự do ngôn luận.

Thực vậy, như Evelyn Beatrice Hall đã viết: "I disapprove of what you say, but I will defend to the death your right to say it". Nữ văn sĩ Evelyn Beatrice Hall tôn trọng tuyệt đối quyền tự do ngôn luận, nhưng cần lưu ý hoàn cảnh ra đời câu nói nổi tiếng này là từ việc bà hoàn toàn tin tưởng Voltaire khi chắp bút viết tác phẩm "The friends of Voltaire". Chúng ta đều biết Voltaire là một Triết gia với tư tưởng lớn vẫn còn giá trị cho đến ngày nay. Do vậy, "bảo vệ đến chết" "quyền được nói" chỉ có ý nghĩa khi tiếng nói đó là tiếng nói đại diện cho quảng đại quần chúng và đảm bảo khoa học nhằm phục vụ xã hội phát triển văn minh.
Không ít người, dù cố ý hay vô tình, khi áp dụng câu nói này để thực hiện "quyền tự do ngôn luận" của họ lại không quan tâm đến việc xâm phạm danh dự, lợi ích, đời tư v.v... của người khác (có nghĩa không phải là những người nhận lợi ích từ nhân dân, bởi bất kỳ ai, khi nhận lợi ích (lớn, nhỏ, công khai hay mờ ám) từ nhân dân đều phải chấp nhận mọi phán xét, miễn phán xét và chỉ trích đó có căn cứ).
Do đó, bảo vệ quyền tự do ngôn luận chỉ thật sự có ý nghĩa khi quyền đó nhằm cổ súy và bênh vực mạnh mẽ cho quyền tự do ngôn luận của rất nhiều người khác trong xã hội mà những ngôn luận này nhằm mục đích nâng cao nhân quyền, dân chủ cho những xã hội như Việt Nam, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên v.v... chứ nó không cổ súy cho việc dùng quyền tự do ngôn luận của một hay một vài nhóm người nhằm bảo vệ lợi ích đan xen chằng chịt để chống lại nhau/đánh phá nhau vì lợi ích (chính trị và kinh tế) của họ có mâu thuẫn (nghiêm trọng) lẫn nhau trong nhóm cầm quyền cao cấp của người cộng sản Việt Nam hiện nay.
Tệ hơn nữa, khi sử dụng lợi thế nào đó kèm theo sự nổi tiếng cá nhân như những ngôi sao mặc áo "tự do ngôn luận" nhằm lấn át, đè bẹp những tiếng nói bất đồng chính kiến khác (bởi họ không có lợi thế ấy). Nhiều lần tồi tệ hơn, khi những tiếng nói bất đồng chính kiến khác không đủ khả năng và lý luận chính trị, bởi họ chỉ là những thường dân.
Cần thiết hơn chăng, khi chúng ta đặt câu nói của Evelyn Beatrice Hall trong hoàn cảnh thực tại Việt Nam nên nhắm thẳng đích tới giá trị Nhân Quyền và Dân Chủ - những việc còn quá thiếu thốn, thay vì cách đặt vấn đề của một số blogger mấy ngày qua khi lên tiếng bênh vực cho ông Trương Duy Nhất như là "quyền tự do ngôn luận" của ông đang bị xâm phạm nghiêm trọng??? Tôi không nói về luật pháp, mà nói về cái phía sau những điều mượn "áo luật pháp", dù phía bên nào đi chăng nữa.
Đó có phải những khác biệt quá lớn giữa blogger Trương Duy Nhất và các tù nhân lương tâm, các blogger khác khi ông Nhất được gọi là "nhà bất đồng chính kiến" như RSF mô tả trong một bài viết mới đây [1]?
Không thể gọi ông Trương Duy Nhất là "nhà bất đồng chính kiến".
"Nhà bất đồng chính kiến" là gì? Có thể nói ngắn gọn: Người không đồng ý và phản bác lại chế độ cầm quyền hiện hữu một cách khoa học về quan điểm chính trị cơ bản, phổ quát mà đại đa số quốc gia trên thế giới đã cùng công nhận và cam kết thực hiện khi tham gia LHQ. Trong khi đó, blogger Trương Duy Nhất, từ tuyên bố cá nhân cho đến nội dung các bài viết không phải là "blog phản động" và luôn kiểm soát chặt chẽ phản hồi nào có ý định chống phá đảng & nhà nước (tất nhiên theo quan điểm của ông Nhất khi cho hiện hay xóa phản hồi) mà ai cũng biết.
"Phản động" - chữ mà tù nhân lương tâm Tạ Phong Tần từng đòi hỏi phải thật minh bạch, khoa học và tránh chụp mũ, nhưng chưa bao giờ chế độ cầm quyền hiện tại đáp ứng yêu cầu của chị. Nhiều người cũng biết chữ này, có thể nói, toàn bộ các tù nhân lương tâm và nhiều blogger bất đồng chính kiến khác không bao giờ dùng đến với ý nghĩa phản bội dân tộc, chống lại Tổ quốc. Chỉ những trang báo của "nhà nước" như ND, QĐND, CAND v.v... rất hay dùng trước đây, nhưng sau này đã mai một ít nhiều khi đồng loạt chuyển sang cụm từ mới "thế lực thù địch" sau khi bị quá nhiều phản đối với lập luận chỉn chu và khoa học.
Trương Duy Nhất vẫn "kiên định" với cụm từ "phản động" như ông nhiều lần tuyên bố ông không thuộc về nó, mặc dù ông chưa bao giờ định nghĩa hay tìm sự đồng thuận xã hội như thế nào.
Blogger này cũng chưa bao giờ miệt thị hay đòi giải tán (xin nhấn mạnh) tổ chức ĐCSVN hoặc giả, đòi xóa điều 4 HP như rất nhiều người khác, trong đó TS. Cù Huy Hà Vũ là nạn nhân điển hình cho việc đòi xóa điều ấy.
Không chỉ cụm từ "phản động", quan điểm chính trị của blogger Trương Duy Nhất rõ và xuyên suốt từ ngày ông mở trang "motgocnhinkhac". Vâng! Đó là "một góc nhìn khác", không phải "một cái đầu khác", bởi ai cũng biết bộ não là quan trọng nhất khi nó điều khiển mọi bộ phận cơ thể.
Ông luôn tỏ ra yêu mến và tỏ rõ thiện chí để làm sao cho ĐCSVN ngày càng tốt hơn qua nhiều bài viết, trong đó nổi bậc nhất là bài "Trị Đảng" [2]. Bài viết đó, dù lên tiếng mạnh mẽ, nhưng ông vẫn thật tâm yêu quý chế độ hiện hành, chỉ muốn nó tốt hơn, ngày càng hoàn thiện, mạnh mẽ hơn. Admin trang Dân Luận - ông Nguyễn Công Huân cũng từng cảm phục tấm lòng và sự can đảm của blogger này nhưng vẫn tỏ ra băn khoăn và nghi ngờ tính khả thi của ý kiến "trị đảng", bỏi nó chỉ là biện pháp nửa vời:
Admin gửi lúc 04:52, 03/01/2012 - mã số 48690
Sét đánh giữa trời quang :D Bác Nhất làm báo ở Việt Nam, đã được bác Tom Cat nhắc nhở mà vẫn không ngần ngại chơi một bài như dzầy, phục lá gan bác Nhất thiệt!
Tuy nhiên, dù phục thì phục, nhưng vẫn phải đóng vai trò phản biện chút: Bác Nhất viết bài này được ở phần... đặt vấn đề. Còn chỗ dựa vào dân để chỉnh đốn Đảng thì ai cũng có thể nói được, nhưng dân rốt cuộc là ai? AI? AI?
Mỗi cá nhân mở miệng ra "chỉnh đốn Đảng" đều có cơ được ngồi tù với tội danh "tuyên chiền chống phá nhà nước XHCN", ai sẽ là người bảo vệ họ? Mỗi nhà báo phanh phui một vụ tiêu cực lại có nguy cơ vô tù vì lộ mật (PMU18) hay hối lộ (vụ Hoàng Khương mới đây), thì ai sẽ dám nói nữa? Phải cho những cá nhân đó được kết lại thành một khối, không phải là những cây đũa dễ bẻ, thì mới mong đối chọi lại được với quyền lực của nhà nước. Nhưng như thế không tránh khỏi vấn đề tổ chức, đảng phái, cạnh tranh chính trị, hay đa đảng...
Tóm lại là có cửa nào để không đa đảng mà dân vẫn được quyền "chỉnh đốn Đảng" đây?
Ngoài ra, bài viết ngắn và tiêu biểu của Blogger Trương Duy Nhất có tựa "Tổng Bí thư và Thủ tướng nên ra đi" [3] cũng chỉ khuyến nghị cá nhân ông Trọng và ông Dũng nên rút lui với khả năng (mà ông Nhất cho rằng) không xứng đáng và không đáp ứng nổi trọng trách. Bài viết này cũng không hề đả động gì đến chế độ cầm quyền hiện hữu.
Ông Trương Duy Nhất chưa bao giờ chống lại nhà nước bởi ông Nhất hoàn toàn tôn trọng ĐCSVN, mà ĐCSVN (thì) lãnh đạo cả nhà nước và xã hội.
Ông Trương Duy Nhất trung trinh với ĐCSVN (như các chứng minh trên) thì tại sao ông lại không yêu mến nhà nước CHXHCNVN??? Dứt khoát, ông không hề "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân".
II. Những luận điểm khi Trương Duy Nhất bị bắt:
(Xin nhấn mạnh: đây là những quan điểm khả dĩ, chiếu theo "quan điểm chính trị" của người cộng sản hiện nay, mà tôi với tư cách cá nhân từng trải nghiệm nhiều trong các cuộc họp chi bộ, người ngoài đảng khó hình dung đến. Không hình dung đến, nhưng không có nghĩa nó không tồn tại và không bao giờ xảy ra, bởi có những sự thật hàng chục năm qua vẫn có khi mờ khi tỏ)
Ở đời có câu "Ăn để sống chứ không phải sống để ăn" và ai cũng biết muốn làm gì cũng phải... ăn cơm mỗi ngày. Do đó, cũng đáng băn khoăn, kể từ khi blogger này rời khỏi các "trang báo nhà nước", ông làm gì để sinh sống, chưa nói ông đã trưng bày nhiều hình ảnh ra nước ngoài (từ Canada cho đến Lào) và những chuyến đi dọc các tỉnh Việt Nam rất tốn kém với nhà hàng, khách sạn, rượu tây, chứ không chỉ là ngày ba bữa cơm bình thường. Đó cũng có thể là câu hỏi của Bộ công an khi thực hiện lệnh bắt ông???
Trong khi các blogger khác rất khó khăn khi lên tiếng, dù ôn hòa nhất với lý lẽ vững chắc, nội dung đạt tính khoa học cùng thời gian viết blog khá lâu nhưng bị xách nhiễu, khủng bố đủ điều thì blogger Trương Duy Nhất tỏ ra nhàn nhã với những cuộc du hí trong, ngoài nước cùng những bài viết chưa thể gọi là tầm cao hay mới lạ nếu độc giả muốn so sánh. Bài viết của ông phần lớn chỉ đạt tính thời sự nóng bỏng với ngôn từ mạnh, chắc và có đôi phần "dữ", thay vì tính tư tưởng hay chính trị cao thâm như nhiều blogger khác.
Người ta cũng thấy ông chỉ trích kịch liệt (xin nhấn mạnh) cá nhân các lãnh đạo cấp cao ở Trung ương, điều này hoàn toàn đúng bởi (như phần I tôi đã viết) "bất kỳ ai, khi nhận lợi ích (lớn, nhỏ, công khai hay mờ ám) từ nhân dân đều phải chấp nhận mọi phán xét, miễn phán xét và chỉ trích đó có căn cứ)". Nhưng tuyệt nhiên, người ta không thấy ông chỉ trích những người cùng địa phương nơi mà ông cư trú dù họ đang ở trong BCHTWĐ, ngược lại ông không ngại ngần tung hô và ủng hộ thẳng thắn. Đó có phải lý giải thêm điều chúng ta sẽ bàn tiếp sau đây?
Nếu ai từng là người cộng sản, cũng đều hiểu rõ trích dẫn dưới đây:
Chương II
NGUYÊN TẮC TỔ CHỨC VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA ĐẢNG
Điều 9.
Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Nội dung cơ bản của nguyên tắc đó là :
1. Cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng do bầu cử lập ra, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.
2. Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng là Đại hội đại biểu toàn quốc. Cơ quan lãnh đạo ở mỗi cấp là đại hội đại biểu hoặc đại hội đảng viên. Giữa hai kỳ đại hội, cơ quan lãnh đạo của Đảng là Ban Chấp hành Trung ương, ở mỗi cấp là ban chấp hành đảng bộ, chi bộ (gọi tắt là cấp uỷ).
3. Cấp uỷ các cấp báo cáo và chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước đại hội cùng cấp, trước cấp uỷ cấp trên và cấp dưới; định kỳ thông báo tình hình hoạt động của mình đến các tổ chức đảng trực thuộc, thực hiện tự phê bình và phê bình.
4. Tổ chức đảng và đảng viên phải chấp hành nghị quyết của Đảng. Thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức, các tổ chức trong toàn Đảng phục tùng Đại hội đại biểu toàn quốc và Ban Chấp hành Trung ương.
5. Nghị quyết của các cơ quan lãnh đạo của Đảng chỉ có giá trị thi hành khi có hơn một nửa số thành viên trong cơ quan đó tán thành. Trước khi biểu quyết, mỗi thành viên được phát biểu ý kiến của mình. Đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số được quyền bảo lưu và báo cáo lên cấp uỷ cấp trên cho đến Đại hội đại biểu toàn quốc, song phải chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết, không được truyền bá ý kiến trái với nghị quyết của Đảng. Cấp uỷ có thẩm quyền nghiên cứu xem xét ý kiến đó; không phân biệt đối xử với đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số.
6. Tổ chức đảng quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quyền hạn của mình, song không được trái với nguyên tắc, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của cấp trên.
Buộc lòng phải dẫn chi tiết điều 9 của điều lệ ĐCSVN như trên để hầu quý độc giả rằng:
Cần lưu ý cụm chữ "không được phép truyền bá ý kiến trái với nghị quyết của Đảng". Đó là một trong những nguyên tắc bất di bất dịch của người cộng sản.
Chắc chắn câu hỏi mà giới an ninh đặt ra cho ông Nhất sẽ là câu này khi gắn kết với việc ông biết trước việc ông Nguyễn Bá Thanh, ông Vương Đình Huệ rớt trong kỳ hội nghị vừa qua. Ai đã "truyền bá" cho ông Nhất điều bí mật này? Đó có lẽ là điều người cộng sản muốn hơn là chỉ nhắm vào cá nhân ông Nhất?
Có thể một số độc giả sẽ phá lên cười khi đọc đến đây? Thưa, người cộng sản có nhiều "tuyệt chiêu" để bằng mọi giá khai thác những điều họ muốn. Chỉ có ý chí kiên cường cộng với tấm lòng trong sáng thật sự mới vượt qua nỗi tất cả những khảo tra. Điều này chỉ có ý nghĩa đối với những ai thật sự đáng trân trọng để gọi "TÙ NHÂN LƯƠNG TÂM". Tất nhiên, Trương Duy Nhất không thể dùng "trá hàng" hay "khổ nhục kế" như anh Lê Thăng Long. Lý do? Có lẽ chúng ta hãy tự suy luận theo quan điểm của mỗi người.
Trong nội bộ cấp cao nhất của người CS trước khi bắt ai đó (dù đảng viên hay không) liên quan đến chính trị, nhất định đều có bàn bạc và biểu quyết theo nguyên tắc (như thượng dẫn) của họ. Điều này dễ chứng minh qua vụ án các tù nhân lương tâm:
A/ Trần Huỳnh Duy Thức cùng với Lê Công Định, Lê Thăng Long, Nguyễn Tiến Trung mà tác giả Nguyễn Ngọc Giao từng cho biết [4] có sự không đồng thuận trong nội bộ cấp cao, nhưng cuối cùng các vị nêu trên cũng bị bắt.
B/ Cù Huy Hà Vũ - cũng là một trong các nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng với đơn kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và công khai đòi xóa bỏ điều 4 HP đã từng bị nhân vật với bút danh Tomcat cảnh cáo bằng cụm từ "cân bằng động" như sau [5]:
Trái ngược với vụ án của Lê Công Định – Nguyễn Tiến Trung - Trần Huỳnh Duy Thức – Lê Thăng Long, Bộ chính trị tỏ ra không đồng nhất trong việc đánh giá và xử lý trường hợp của tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ bởi những mối quan hệ rất lắt léo ở cấp rất cao mà ông Vũ đang có trong tay, chính vì vậy mà chưa có bất cứ động thái nào của cơ quan chức năng với tiến sỹ Vũ, tuy nhiên sự cân bằng động này đã đi đến hồi kết khi Bộ Chính Trị đã trở [lên] tương đối thống nhất trong việc áp dụng các biện pháp mạnh sắp tới với Tiến sỹ Hà Vũ bởi số lượng những thành viên Bộ chính trị bị ông Hà Vũ công kích ngày càng nhiều thêm: Đứng đầu là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, sau đó là Chủ Tịch Nước Nguyễn Minh Triết, Bí thư thành ủy Tp HCM Lê Thanh Hải và gần đây nhất là đồng chí Út Anh – Bộ trưởng Công An Lê Hồng Anh. Chưa kể đến gần một số tướng công an và nhiều thành viên khác nằm trong Ban Chấp Hành TW Đảng. Theo nguyên tắc làm việc và bỏ phiếu tập thể cùng với những bản báo cáo mới nhất của Bộ Công An thì số phận của ông Cù Huy Hà Vũ đã được định đoạt.
Lưu ý thứ nhất: chữ "LÊN" như trong trích dẫn, cho thấy nhân vật này nhất định là người miền Bắc, không phải như đồn đoán là người trong Nam, dù TS. Vũ bị bắt tại Sài Gòn.
Lưu ý thứ hai: Có thể một số độc giả chưa quen lắm với nghĩa "cân bằng động" mà người cộng sản dùng. Do đó, tôi mạn phép giải thích: điều này có nghĩa, đứng trước một quyết định bắt giữ có liên quan đến các nhân vật cao cấp trong BCT hay TWĐ, họ luôn sử dụng phương pháp biểu quyết. Sự biểu quyết này, độc giả có thể hình dung như mặt đồng hồ bàn cân. Kim chỉ về "hướng bắt giữ" hay hướng ngược lại sẽ xê dịch, lắc lư theo chiều gió mà trong nội bộ người CS tạo ra. Tùy "kim đồng hồ" lắc tới lắc lui cho đến khi ngã ngũ. Quãng thời gian này có thể diễn ra chậm khi các phe chưa chiếm được thế thượng phong, diễn ra thật nhanh khi cân bằng đã bị phá vỡ. Như thế (tạm gọi) là "cân bằng động" (vì "kim bắt giữ", nó có nhích tới nhích lui để tìm cách sao cho ổn thỏa mọi bề).
Trong trường hợp Trương Duy Nhất bị bắt, có lẽ cân bằng đã bị phá vỡ ngay khi tin chính thức ông Nguyễn Bá Thanh và Vương Đình Huệ không vào được BCT.
Trên các trang blog hiện nay, nhiều trang đang sử dụng "hư chiêu" khi đổ cho ông này, ông kia, phe này, nhóm nọ, chẳng qua để đánh lạc hướng, tung hỏa mù theo cách "tai bay vạ gió" và thăm dò dư luận cũng như các tin tức khác, tình huống khác và kể cả...phương án kết tội khác, trong khi vẫn rốt ráo điều tra ông Trương Duy Nhất để...phá án (!). Bởi ai cũng biết, người cộng sản muốn tội nào là ra tội đó.
Với kinh nghiệm 30 năm làm người cộng sản, tôi đánh giá khách quan việc Trương Duy Nhất bị bắt là do các phe phái đánh nhau và ông Nhất trở thành vừa là nạn nhân vừa là đồng lõa (chí ít đồng lõa ở góc độ đã nhận tin mật do ai đó cung cấp), chưa nói về kinh tế cá nhân hay phục vụ, làm việc cho ai cả.
III. Kết:
Dù sao đi nữa, không nên gọi ông Nhất là "nhà bất đồng chính kiến" như RSF gọi, hay bênh vực ông ở góc độ "quyền tự do ngôn luận" bị xâm phạm theo cách diễn giải luật pháp như là "điều 258" mù mờ, vô nghĩa tựa "điều 88" chẳng hạn, bởi những cái đó trở nên vô nghĩa khi quý độc giả gắn kết với những chi tiết mà tôi vừa trình bày.
Gió đã xoay chiều, không có nghĩa nó không xoay chiều ngược lại như vụ việc bắt giữ blogger Phạm Chí Dũng, sau đó phải trả tự do và báo Tuổi trẻ đã cải chính và xin lỗi ông ấy. Gió có thể xoay nhiều chiều khác nữa, bất kể lúc nào và xin hãy lưu ý về "cân bằng động" mà người cộng sản sử dụng khi dõi theo vụ án "Một Góc Nhìn Khác", xem thử nó có gì khác ngoài điều 258, 88?!
Đàm Mai Đạo
Sài Gòn 28/5/2013
___________
Bài viết mang tính khách quan không có ý đả kích hay bôi nhọ, "đá đểu" gì blogger Trương Duy Nhất.
Bài viết được gởi đến: Trang Dân Luận, blogger Nguyễn Tường Thụy và trang Con Đường Việt Nam, trang Dân Làm Báo tùy nghi sử dụng và đăng tải.
[*] Tại sao tôi không dùng ĐCSVN? Xin thưa, nó đã không còn là một tổ chức tối thiểu cần có với tư cách một tổ chức chính danh, chính đáng và chính nghĩa, chưa bàn đến tổ chức ĐCSVN "vì dân", "vì nước". Do đó tôi đồng ý với khái niệm "người cộng sản" của tác giả Nguyễn Ngọc Già trong "Bài viết tặng người đẹp Lý Nhã Kỳ". https://danluan.org/tin-tuc/20130505/bai-viet-tang-nguoi-dep-ly-nha-ky
Nhắn tin: Anh Nguyễn Tường Thụy mến! Anh đừng băn khoăn và nặng lòng nữa. Anh hiểu ra thiện ý của tôi là tôi mừng rồi. Tôi không trách và buồn gì anh cũng như các độc giả khác đã chỉ trích nặng lời và có phần kém văn hóa. Đặc biệt anh dẫn ra ý kiến của tôi trong bài "Hãy tha thứ cho Trương Duy Nhất" đó là ý kiến cơ bản mà tôi muốn truyền tải đến mọi người.
Tôi cũng cám ơn anh Thụy khi anh rất tinh ý nhận ra một chi tiết rất nhỏ nhưng vô cùng ý nghĩa, đó là chữ "ông ta" thay vì "ông ấy" khi tôi đề cập đến ông Nguyễn Phú Trọng.
Mạn phép thưa với các quý vị người Việt hải ngoại về chi tiết nhỏ đó: Trong tiếng Việt, chữ "ông ta" và "ông ấy" cho đến "hắn", "y", "va", "chàng" v.v... đều chỉ ngôi thứ ba số ít giống đực, nhưng nó khác hẳn nhau ở cách nhìn nhận con người, nó không thể đồng nghĩa với "he", "him", "his" như trong tiếng Anh. Nói điều này, vì tôi thấy các trang báo lớn như BBC, RFA, VoA hay sử dụng chữ "anh ta", "ông ta" dù đang nói về người mà bài viết có thiện cảm hay bênh vực.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"