Nguyễn Anh Tuấn
Gần đây xuất hiện bài viết của blogger Nguyễn Ngọc Long với tựa đề “Tại sao Việt Nam liên tục ‘nhai đi nhai lại’ các thông điệp phản đối Trung Quốc?”,
trình bày quan điểm về cách hành xử của chính quyền Việt Nam đối với
vấn đề chủ quyền ở biển Đông cũng như thái độ của dư luận với cách hành
xử đó.
Nội dung bài viết đan xen giữa các lập luận với những trải nghiệm,
cảm xúc cá nhân của tác giả, bởi vậy tương đối khó theo dõi. Đối với
phần trải nghiệm của tác giả, tôi xin phép không bàn tới, vì nó không
biện minh được gì nhiều cho các lập luận, mà đơn thuần chỉ khiến tôi
‘ghen tỵ’ bởi tác giả, nhờ một lý do nào đó (‘đi thăm và kiểm tra các
đảo’), đã có may mắn được đến một phần lãnh thổ máu thịt của đất nước –
điều mà nhiều người Việt Nam khác cũng mong mỏi nhưng không có cơ hội.
Về phần lập luận, tôi muốn trao đổi xung quanh hai luận điểm chính của tác giả: (1) Không thể và không nên kiện Trung Quốc ra Tòa Quốc tế, và (2) Những
thông tin về hành vi ngang ngược của Trung Quốc đối với ngư dân cũng
như chủ quyền Việt Nam do các nhà báo đưa ra trong nhiều trường hợp đã
có sự nhầm lẫn.
Về luận điểm thứ nhất: ‘không thể và không nên kiện Trung Quốc ra Tòa quốc tế’, được tác giả biện minh bằng các lý do sau:
Lý do thứ nhất là,
"Chúng ta đang bị lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc (bạn nào có
comment ý này vô cùng chuẩn xác). Nếu chúng ta chỉ cần “lên gân” với
Trung Quốc thì có thể hàng chục triệu gia đình sẽ lâm vào cảnh lầm than
bằng những đòn đánh vào kinh tế."
Chưa nói đến ảnh hưởng từ những đòn trừng phạt kinh tế của Trung Quốc
liệu có lớn đến mức mà tác giả lượng định (hàng chục triệu gia đình sẽ
lầm than?) và trách nhiệm chủ yếu của chính quyền Việt Nam trong việc
‘lệ thuộc quá nhiều’ vào Trung Quốc như hiện nay, lập luận này tiềm ẩn
những nguy hiểm trong vấn đề đối ngoại: nó tạo ra khuôn khổ cho một thái
độ nhân nhượng vô hạn định đối với nước lớn và xác lập thứ tự ưu tiên
cho lợi ích kinh tế đối với chủ quyền quốc gia.
Lý do thứ hai của tác giả là,
"Ngay cả nếu chúng ta “kiện thắng” thì tòa án Quốc tế cũng không có chức năng hành pháp."
Bỏ qua nhầm lẫn về khái niệm ( thuật ngữ ‘hành pháp’/executive thông
thường được dùng để chỉ chức năng và thẩm quyền của chính phủ; còn trên
website của mình, Tòa án Quốc tế về Luật biển ITLOS nói rằng ‘ Tòa không
có phương tiện/cách thức để thi hành các phán quyết của nó’/ the
Tribunal has no means of enforcing its decisions.), vấn đề đặt ra là,
nếu như phán quyết của ITLOS hoàn toàn không có ảnh hưởng gì thì cớ sao
nó lại tồn tại đến bây giờ và mỗi năm còn tiêu tốn đến hàng chục triệu
euro? Sao không giải tán nó đi?
Cần đặt câu hỏi này trong bối cảnh nền chính trị toàn cầu hiện đại,
nơi mà quyền lực mềm đang nổi lên như một nhân tố quan trọng trong quan
hệ quốc tế . Ngay cả những quốc gia nổi tiếng độc đoán như Trung Quốc và
Nga thời gian gần đây cũng phải chú ý đến sức ảnh hưởng của thứ quyền
lực này. Mà quyền lực mềm thì luôn gắn liền với các giá trị phổ quát,
nhân bản, bao gồm cả công lý, được thể hiện phần nào qua các phán quyết
của các Tòa án Quốc tế. Đúng là, thắng lợi của Việt Nam trong một phiên
tòa của ITLOS chưa chắc có thể đem về chủ quyền thực tế ngay cho Việt
Nam nhưng ít nhất sẽ tạo ra một hậu thuẫn quốc tế hết sức rộng lớn và
vững chắc cho tuyên bố chủ quyền của Việt Nam, đồng thời khiến yêu sách
của Trung Quốc trở nên lố bịch trong mắt công luận thế giới.
Lý do thứ ba là,
"Cùng với đó, họ sẽ dùng ảnh hưởng của mình để gây sức ép lên
cộng đồng Quốc tế và cô lập Việt Nam, bao vây kinh tế v.v… Trong khi đó,
cái mà chúng ta cần nhất bây giờ là tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng
Quốc tế.
Tôi không rõ vì sao tác giả cho rằng, một khi Việt Nam kiện Trung
Quốc ra ITLOS thì Trung Quốc sẽ ‘gây sức ép lên cộng đồng Quốc tế và cô
lập Việt Nam, bao vây kinh tế v.v…’."
Tôi cũng không rõ bằng cách nào mà Trung Quốc có thể làm được điều
này, và ‘cộng đồng quốc tế’ nào sẽ cô lập Việt Nam chỉ vì Việt Nam lựa
chọn con đường tài phán – một giải pháp văn minh trong quan hệ quốc tế -
để giải quyết tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc. Đúng ra, một khi đã
thừa nhận rằng ‘cái chúng ta cần nhất bây giờ là tranh thủ sự ủng hộ của
cộng đồng quốc tế’, tác giả phải ủng hộ giải pháp nhà nước Việt Nam
kiện Trung Quốc ra ITLOS và tìm kiếm chiến thắng ở phiên tòa này như là
cách thức tốt nhất để thu được sự chú ý và ủng hộ của dư luận quốc tế
trong một thế giới văn minh, trọng pháp.
Về luận điểm thứ hai, tác giả đề cập hai chuyện:
Một là,
Các tàu đó bị bắn phá do xâm phạm vào “lãnh hải có được vì chiếm
đóng trái phép” của Trung Quốc, nhưng lại là “lãnh hải dựa trên cơ sở
pháp lý quốc tế và căn cứ lịch sử không thể tranh cãi” của Việt Nam. Cho
nên báo chí sẽ phải đưa tin là tàu cá ngư dân bị bắn trong vùng lãnh
hải “của Việt Nam”. Thậm chí Bộ Ngoại Giao cũng phải tuyên bố như vậy.
Và chính sự nhập nhằng này cũng khiến nhiều người cho rằng chúng ta quá
hèn kém khi để cho ngư dân bị vạ lây như vậy.
Chính phủ tuyên bố một khu vực thuộc chủ quyền Việt Nam. Ngư dân tiến
vào khu vực ấy đánh bắt cá thì bị phía Trung Quốc bắn mà hoàn toàn
không nhận được sự bảo vệ nào từ phía Chính phủ. Một chính phủ như thế,
nếu không hèn, không kém, còn biết gọi là gì?
Trong khi đó tác giả lại nhận định rằng,
Chúng ta cũng chấp nhận việc “gây hiểu lầm” về năng lực bảo vệ ngư dân
Tôi không rõ sự ‘hiểu lầm’ mà tác giả muốn nói đến là gì. Song, mấy
năm qua, có không ngớt những thông tin đau lòng về ngư dân Việt trên
biển Đông, bị Trung Quốc đuổi bắn, bắt giam, đòi tiền chuộc. Ngư dân có
lẽ không cần chính phủ phải ‘gây hiểu lầm’ về năng lực bảo vệ họ, mà họ
cần được bảo vệ một cách thực chất.
Hai là,
"Tương tự với việc Trung Quốc xua đội tàu cá hàng chục chiếc
“tràn vào khu vực Trường Sa và Hoàng Sa” của Việt Nam để đánh bắt trái
phép. Trong thực tế, quanh năm suốt tháng đều có tàu cá của Trung Quốc
“mon men”đến gần các đảo của Việt Nam. Điều tương tự xảy ra nếu các tàu
này đi vào lãnh hải của các đảo thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị đánh
cướp bằng vũ lực và chiếm đóng trái phép trong quá khứ."
Những lập luận này của tác giả chỉ có thể nói lên một điều rằng, các
nhà báo Việt Nam vừa qua chẳng những đã không cường điệu mối đe dọa từ
chiến lược ‘coi biển Đông là ao nhà’ được thực hiện bằng các tàu cá của
Trung Quốc, mà còn chưa thể hiện đầy đủ mức độ nghiêm trọng của chiến
lược này. Nó cũng chứng tỏ năng lực của chính phủ Việt Nam trong việc
đối phó với chiến lược thâm hiểm của Trung Quốc, thể hiện qua tình trạng
xâm phạm ‘quanh năm suốt tháng’ của tàu cá Trung Quốc như chính tác giả
đã đề cập.
Đôi dòng
Tôi muốn chia sẻ thêm với tác giả bài viết trên một vài điểm như sau:
Thứ nhất, về lý do phê phán chính quyền,
Thực ra, lý do mà nhiều người phê phán sự nhu nhược của chính quyền
trong vấn đề biển Đông không đến từ việc phát ngôn viên Lương Thanh Nghi
‘nhai đi nhai lại’ thông điệp phản đối – điều cần thiết theo thông lệ
quốc tế để có thể thực hiện các giải pháp tài phán về sau – mà chủ yếu
đến từ việc chính quyền đã không hành động đủ mạnh mẽ theo sau những
tuyên bố này, đặc biệt là khi so sánh với những động thái quyết liệt từ
một quốc gia khác trong khu vực là Philippines.
Bên cạnh đó, liệu chính quyền có nhu nhược hay không khi năm 2005,
chín ngư dân Việt Nam bị Cảnh sát biển Trung Quốc bắn chết, và rồi tám
năm sau đó, với biết bao tiền của được đổ vào để hiện đại hóa hải quân,
ngư dân Việt Nam vẫn phải đơn độc trước làn đạn của tàu chiến Trung Quốc
trong vụ việc xảy ra với tàu cá QNg 96382 TS của ngư dân Lý Sơn tháng 3
năm nay.
Ngoài ra, liệu chính quyền có nhu nhược hay không khi người dân đi
biểu tình chống Trung Quốc bành trướng biển Đông thì bị chính quyền bắt
giữ, đánh đập và chụp mũ ‘phản động’.
Tôi nghĩ, đây mới chính là những nguyên nhân cho thái độ phê phán trên.
Thứ hai, về thái độ ứng xử với Trung Quốc,
Không thể phủ nhận sức mạnh kinh tế là một con bài quan trọng trong
tranh chấp chủ quyền, và không dễ chút nào cho một chính quyền khi phải
cân đo giữa lợi ích kinh tế và chủ quyền quốc gia trong tranh chấp với
với một nước lớn hơn. Song, việc tỏ thái độ mạnh mẽ hơn đối với Trung
Quốc trong vấn đề chủ quyền lại có thể đem đến những cơ hội mới.
Đầu tiên là tạo ra được một đồng thuận xã hội mạnh mẽ của người Việt
trong và ngoài nước, trước mối đe dọa ngày càng lớn từ phía Trung Quốc.
Đồng thuận xã hội là điều cốt yếu cho bất kỳ quốc gia nào muốn ổn định
và phát triển.
Sau nữa là mở ra những cơ hội mới để nâng tầm quan hệ với các đối tác
khác trong khu vực và trên thế giới. Hơn lúc nào hết, Việt Nam cần xóa
bỏ hình ảnh ‘đồng chí tốt – anh em tốt’ với Trung Quốc vốn tiềm ẩn khả
năng cô lập Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong việc giải quyết các
tranh chấp với nước này.
Chính sách đối ngoại quả thực không dễ để bàn luận qua đôi ba dòng. Ở
đây, tôi chỉ đưa ra một khả năng khác cho thái độ của chính quyền Việt
Nam đối với Trung Quốc, để có thể tìm kiếm được sự ủng hộ rộng rãi hơn
từ nhiều phía, so với thái độ ‘đồng chí tốt-anh em tốt’ đặt căn bản trên
ý thức hệ hiện nay. Link bài viết “Tại sao Việt Nam liên tục ‘nhai đi nhai lại’ các thông điệp phản đối Trung Quốc?” của tác giả Nguyễn Ngọc Long: http://nguyentandung.org/tai-sao-viet-nam-lien-tuc-nhai-di-nhai-lai-cac-thong-diep-phan-doi-trung-quoc.html