Hạ Đình Nguyên
Lịch sử Việt Nam là một lịch sử chống ngoại xâm liên tục trải mấy nghìn năm. Tuổi trẻ bao giờ cũng là thế hệ đi đầu. “Một
năm bắt đầu từ mùa xuân, con người bắt đầu từ tuổi trẻ. Tôi là sinh
viên có lòng yêu nước. Nếu phiên tòa hôm nay kết tội tôi, thì mọi người
trẻ sẽ sợ hãi và không còn dám bảo vệ chủ quyền của đất nước”. Đó là lời nói của sinh viên Phương Uyên trước tòa án Long An ngày 16-5.
Thời nhà Trần, thiếu niên Trần Quốc Toản đã bóp nát quả cam trên tay vì căm giận ngoại xâm, khi nghe lén Triều đình bàn việc chống quân Nguyên (Tàu) xâm lược.
Thời chống Pháp, học sinh Trần văn Ơn làm người đưa thư gan dạ trong mặt trận chống Pháp vào buổi đầu khởi nghĩa 1945 và bị mật thám giết chết.
Thời nhà Trần, thiếu niên Trần Quốc Toản đã bóp nát quả cam trên tay vì căm giận ngoại xâm, khi nghe lén Triều đình bàn việc chống quân Nguyên (Tàu) xâm lược.
Thời chống Pháp, học sinh Trần văn Ơn làm người đưa thư gan dạ trong mặt trận chống Pháp vào buổi đầu khởi nghĩa 1945 và bị mật thám giết chết.
Thời chống Mỹ, học sinh trường Marie Curie, Võ Thị
Thắng, từ chiếc áo nữ sinh màu trắng của mình đã bước thẳng vào Đội Biệt
động Thành Sài Gòn. Khi chế độ Việt Nam Cộng hòa đưa ra tòa với bản án
20 năm tù, người nữ sinh ấy đã nở nụ cười bình thản và nói: “Tôi tin rằng chế độ này sẽ không tồn tại đến ngày tôi mãn án”.
Sinh viên Huỳnh Tấn Mẫm, cũng với tuổi 20 đã dám đương đầu với cả bộ
máy Công an – Cảnh sát – Mật vụ, chấp nhận mọi gian lao nguy hiểm đánh
đập, tù đày, tra tấn, vì lý tưởng “chống Mỹ cứu nước” theo một tình
huống lịch sử lúc bấy giờ, mà vũ khí chỉ là trái tim của mình. Đông đảo
đồng bào Sài Gòn các giới, từ lao động, tiểu thương, đến thương gia,
chính khách, trí thức đã hết lòng ủng hộ, yêu thương và đùm bọc, từ đó
dấy lên một phong trào đấu tranh vang dội của sinh viên học sinh Miền
Nam.
Đồng bào không cần biết Mẫm là ai, là thuộc tổ chức
nào, chủ nghĩa nào, và cách yêu nước nào, chỉ cần biết Mẫm là một sinh
viên yêu nước, chống Mỹ. Bộ máy cầm quyền lúc ấy tuyên truyền cả ngày
đêm Mẫm là Việt Cộng, nhưng với đồng bào, điều đó không quan trọng.
Với nhân dân Miền Nam là thế, sinh viên học sinh là
khúc ruột của mình, là tương lai dân tộc, là trái tim của Tổ quốc, vượt
lên mọi nguồn gốc chính trị. Dùng bạo lực vùi dập tuổi trẻ là vượt khỏi
lương tri của dân tộc. Yêu nước mà không ưa chủ thuyết này chủ thuyết
nọ, là quyền của mỗi người dân. Yêu nước là phẩm chất tự nhiên trong
huyết quản của thanh niên mỗi khi đất nước bị ngoại xâm, bất kể kẻ ngoại
xâm đó là ai, Pháp, Mỹ, hay Tàu! Trong phiên tòa ngày 16-5, Nguyên Kha
đã nói thẳng lời khẳng định, như một mũi tên bay vút lên không trung,
với hai ý: “Tôi không hề chống lại dân tộc tôi. Tôi chỉ chống Đảng Cộng sản. Mà chống Đảng Cộng sản thì không phải là cái tội”.
Qua câu nói này, tư duy về lòng yêu nước đã vượt lên
trên khung cảnh chính trị hiện hành, Đó là tư duy trong phạm trù đạo đức
xã hội, là tiếng nói của trái tim thay cho sự trải nghiệm chính trị.
Điều quý báu, nó bộc lộ một khí tiết, cái khí tiết tuổi trẻ thời kỳ nào
cũng có, dám nói thẳng ý nghĩ của mình giữa một trùng vây bạo lực sát
khí. Tuổi trẻ không bao giờ chống lại dân tộc mình. Đó là chân lý. Nhưng
tại sao chống Đảng Cộng sản? Kha đã nghĩ gì về Đảng Cộng sản? Vì Đảng
Cộng sản đã suy thoái, độc tài và chủ thuyết Cộng sản đã lạc hậu? Vì
Đảng Cộng sản và Chủ nghĩa Cộng sản đang mất khả năng tạo được cho thanh
niên một nguồn cảm hứng chính đáng với lý tưởng yêu nước chống ngoại
xâm? Nó còn có ý nghĩa là không chấp nhận điều 4 Hiến Pháp, đặt dân tộc
dưới quyền cai trị của một đảng phái cha truyền con nối, nó là chính
kiến không chấp nhận “chính kiến áp đặt”. Có phải đó là nhận thức của
Uyên và Kha?
Họ đã sinh ra và lớn lên, và được dạy “những bài học”
xã hội chủ nghĩa, luôn nằm gọn trong tầm quan sát bởi “cánh tay mặt”
của Đảng, tức là Đoàn Thanh niên Cộng sản, tại sao họ lại bất bình với
cơ chế do Đảng Cộng sản thiết lập và đang lãnh đạo?
Trong 20 năm qua, trước sự bành trướng và xâm lấn của
Bắc Kinh, chiếm đất, chiếm đảo, chiếm biển và đe dọa toàn diện chủ
quyền đất nước về kinh tế, chính trị, ngoại giao, lại có một sự chập
chờn rất không minh bạch trong quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với
Đảng Cộng sản Trung Quốc mà thanh niên, kể cả dân chúng không hiểu được.
Trong khi “Đường lưỡi bò” làm toàn dân đang sục sôi phẫn nộ, thế giới
lên án thì các nhân vật cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam trong phát
ngôn vẫn nhan nhản những lời lẽ kỳ quái như “Việt Nam – Trung Quốc có chung một sinh mệnh”, như “Phải mang ơn Trung Quốc”, như “Hai nước cùng chung một lý tưởng xã hội chủ nghĩa, cùng có một Đảng Cộng sản lãnh đạo, chung một đại cục”, như “Biển Đông vẫn im ắng, đâu có vấn đề gì”,… Lẽ
nào có loại ngoại xâm kia là xấu, còn loại ngoại xâm này lại hảo hảo?
Ngay trong Bản cáo trạng của phiên tòa, lời buộc tội đã bộc lộ sự thật
không lương thiện: Uyên và Kha có tội: “Nói những điều không hay về Trung Quốc”!
Như thế là thế nào? Những người lãnh đạo cao nhất của
Đảng hãy giải thích! Cảm quan con người cũng phải do Đảng lãnh đạo ư?
Tại sao không yêu cầu nói đúng mà buộc phải nói hay về
chúng? Cả nước chắc phải cười cay đắng và khinh miệt về câu nói này của
một thứ quan tòa như thể của ai đó, chứ không phải của đất nước này.
Phương Uyên đã thanh thản trả lời, gọi đúng tên sự thật: “Chúng tôi làm để thức tỉnh mọi người trước hiểm họa Trung Quốc xâm lăng đất nước”.
Vì Đảng Cộng sản Việt Nam đã không làm rõ, nếu không
nói là che mắt nhân dân với những tuyên truyền mập mờ, nên Uyên đã phải
làm cho mọi người “thức tỉnh”. Chắc chắn là dân Việt Nam đều đã thức
tỉnh. Chính ông cố Tổng bí thư Lê Duẩn đã từng gọi đích danh Trung Quốc
là kẻ thù truyền kiếp… Vậy thì “mọi người” là ai đây? Là những ai có
luận điểm thân thiện với kẻ thù, là kẻ nối giáo cho giặc? Là cái xấu to
nhất trong mọi cái xấu, một cái xấu nguy hiểm lại bóng bẩy muốn che mắt
cả thời đại? Phương Uyên, người con gái áo trắng 21 tuổi nói tiếp, cũng
hiền lành và đơn giản như một người con ngoan của mọi gia đình, trước
khi tra tay vào còng, với đôi mắt trong, không nhỏ một giọt lệ: “Chúng tôi làm là xuất phát từ tấm lòng yêu nước, nhằm chống cái xấu để làm cho xã hội tốt đẹp tươi sáng hơn”.
Uyên và Kha đã tạo nên nhiều giọt nước mắt chảy vào
lòng của bao người. Các em có một sức mạnh nghìn cân sao? Không, các em
chỉ có một chiếc áo học trò cũng mong manh như tấm thân của mình, đơn
côi ra đi từ một gia đình làm ăn tần tảo. Nhưng câu nói của các em, mà chính các em đã hiểu rõ, là chuyến đò đưa các em qua sông Vị để gặp Tần bạo chúa.
Các em bình thản mà bao ngày qua sống trong uy hiếp, bạo lực đã không
thắng được. Các em mang theo một trái tim hồng hòa bình, trái tim vẫn
đang gõ đều nhịp bình yên, khi ngẩng cao đầu trước vành móng ngựa. Trái
tim thuần khiết của các em đã kích hoạt tinh thần yêu nước cho biết bao
người. Về khí phách thì không kém lời hô của anh Nguyễn Văn Trỗi. Nhưng
Kinh Kha thì đã làm được gì, mà sử Trung Quốc đã ghi chép nhiều đời? Anh
Trỗi thì kịp làm được gì mà được ghi vào sử sách chống ngoại xâm? Anh
Trỗi bị xử tử, Kinh Kha có lẽ bị tùng xẻo, các em thì vào nhà lao, nhưng
ý nghĩa cũng chẳng khác gì nhau mấy. Có người sẽ cho rằng các em là dại
khờ, nông nổi? Thế thì, các thanh niên Trần Phú, Nguyễn Văn Cừ, Minh
Khai, Nguyễn Thái Học, Phạm Hồng Thái, và hàng vạn, hàng triệu thanh
niên đã ngã xuống trên các trận địa, hoặc chịu tù đày, đều là dại khờ
nông nổi cả sao? Còn những kẻ đang nắm quyền lực, tung hoành với tham
vọng, mới là người khôn? Đúng là khôn, nhưng cái khôn ấy thật đáng sợ,
vì nó đẫm máu, nó dìm dân tộc và cả nó xuống bùn đen!
Hành vi cụ thể của các em không to tát, nhưng là biểu
trưng cho năng lượng mới, tầm nhìn mới của thế hệ, gõ đúng nhịp của yêu
cầu lịch sử dân tộc và thời đại bão giông này. Nó càng được thăng hoa
lên gấp bội lần trong sự cộng hưởng của nhân dân và của dư luận thế
giới, bởi sự tương phản đáng tiếc với cách hành xử không xứng đáng và
nhãn quan vô cùng giới hạn của những kẻ đang nắm quyền.
Người trẻ không có toan tính, không vì bất cứ lợi ích
riêng tư nào, để có thể tương xứng với việc đánh đổi mạng sống quý báu
của mình trên các trận địa, hoặc hy sinh tuổi thanh xuân của mình trong
lao tù, ngoài tấm lòng yêu nước trong sáng, như bao thế hệ chống Pháp,
chống Mỹ. Hành động chống phương Bắc hôm nay, như Uyên, như Kha tuy chưa
bộc lộ nhiều, nhưng suy nghĩ như thế, một tâm thế như thế, hẳn
là của số rất đông thế hệ trẻ. Họ đang sống có ý thức, kiên trì, chịu
đựng gian khổ, cùng với số phận của dân tộc. Đáng tiếc một lần nữa, vì
nó càng tương phản với một số “thái tử đảng”, con cháu của các
quan chức cao cấp, đang phè phỡn ăn chơi hay được ngang nhiên truyền
ngôi nhờ uy thế của gia đình. “Vinh dự” thay cho những gia phong và dòng
họ, các quý tử đang phây phây hãnh tiến, chỉ một bước là tới đỉnh cao,
sang cả và quyền lực, không cần chi lẽ công bằng, hay tính lương thiện!
Đó là một loại kiêu ngạo mang tính đặc sản của triều đại.
Đảng Cộng sản Việt Nam vì sự nhập nhoạng nào mà làm
cho giới trẻ không hiểu được “chính nghĩa” của mình chăng? Thì hãy đối
thoại cùng giới trẻ, lấy “chính nghĩa” ra mà thảo luận, làm cho sáng tỏ!
Đó là khởi đầu cho cách làm của một xã hội văn minh. Hay không làm
được, vì không đủ dũng cảm để đối diện sự thật? Các chuyên gia Tuyên
giáo từ trung ương đến địa phương, ăn lương của nhân dân để làm gì, núp
trốn ở đâu? Sao chỉ dùng hệ thống bạo lực trấn áp, phủ khắp từ nhà ở, ra
đường phố, đến tòa án, dùng công an cảnh sát giơ mặt ra chịu trận thay?
Hay đó là bản chất của chế độ?
Trung Quốc đã từng muốn “dạy cho Việt Nam một bài
học”, rất tiếc không phải là bài học văn hóa, mà bài học của 60 vạn quân
dao búa tràn sang chém giết và đốt phá. Đó cách hành xử của bọn kẻ
cướp. Tại sao Đảng Cộng sản Việt Nam lại cho thanh niên ta “những bài
học” kiểu ấy, bằng những đòn thù nhẫn tâm và hệ thống nhà tù? Thanh niên
Việt Nam đã không chịu học bài học của Trung Quốc, nên Đảng Cộng sản
Việt Nam đã ra tay dạy “phụ đạo” thay cho bọn chúng, như bao lần diễn ra
trên đường phố Hà Nội – Sài Gòn, và ở các phiên tòa? Vấn đề không chỉ
có vài chục hay vài trăm Uyên – Kha, mà là hàng triệu thanh niên đang
trưởng thành với tốc độ nhanh chóng. Liệu rằng “chuyên chính vô sản” có
kịp “phủ sóng”?
Bản án của Uyên – Kha là một bản án thất bại nhiều
mặt của hệ thống nhà nước. Công tác “dân vận” mà Hội nghị Trung ương 7
mới đề ra, chưa triển khai đã thấy phá sản, vì chứng bệnh nan y của cái ý
thức hệ toàn trị!
Lịch sử nhân loại đã từng cho thấy, lòng yêu nước có
thể biến dạng và chấm dứt khi đạt đến ngai vàng, bởi lòng tham quyền
lực. Theo đà tiến bộ của khoa học và tư tưởng, nhân loại đã vật vã đấu
tranh suốt cả trăm năm của thế kỷ XIX, để tìm đến nội dung dân chủ, với
thiết chế “tam quyền phân lập”, hòng ngăn chặn lòng tham của bản năng
trỗi dậy không thể tránh khỏi, trong não trạng kẻ cầm quyền.
Vì không có đấng Tổng bí thư nào là Thánh nhân. Cũng
không có tập thể nào là tập thể Thánh nhân. “Dân chủ tập trung” chỉ là
hư từ của một quỷ kế đội danh giai cấp. Liên minh Công Nông soi không
thấy bóng mình trong ấy, chỉ thấy lớp lớp máu và xương.
Không ai có thể cướp đoạt lòng yêu nước của thanh niên để lái con tàu Tổ quốc về cõi tối tăm.
Nhân cách của triều đại, quý hiếm như củi mùa đông xứ
tuyết. Nhưng áo trắng học trò thì nhiều như lá mùa xuân. Đó là sức
sống, là trái tim của dân tộc.
Uyên – Kha và một số bạn trẻ trong kia, đang để lại cho đời một làn hương trầm, thơm nức và quyến rũ.
Ôi, tuổi trẻ Việt Nam thân thương!
20-5-2013
H. Đ. N.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.