Vấn đề cốt lõi phải là niềm tin. Nhân dân ta đã
nguyện một lòng tin theo Đảng và Nhà nước, cho nên lời khuyên ở đây mà
tôi muốn dành cho các thế lực thù địch, là hãy quay về với nhân dân, hãy
tin vào Ủy ban dự thảo, tin vào lời nói của ông Phan Trung Lý.(tranh
Szumowski)
Gửi các thế lực thù địch!
Chiều hôm qua 20-5, đồng loạt các báo đưa tin: Không đổi tên nước,
Vẫn giữ nguyên tên nước CHXHCN Việt Nam, Khẳng định vai trò lãnh đạo của
Đảng…
Ông Phan Trung Lý trong bản báo cáo đọc tại Quốc hội đã cho biết: Ủy
ban dự thảo sửa đổi hiến pháp đề nghị giữ nguyên các vấn đề lớn về: Tên
nước, vai trò lãnh đạo của Đảng, các lực lượng vũ trang và sở hữu toàn
dân về đất đai.
Các “thế lực thù địch” lập tức có những bài, những câu tỏ ra không
hài lòng, rằng: vở hài kịch hạ màn, vẫn giữ nguyên như thế thì lấy ý
kiến của nhân dân làm gì cho tốn tiền, tốn sức và tốn thời gian, nguyễn y
vân là vẫn y nguyên…
Dư luận viên Vo Văn Ve tôi lâu nay nằm im không buồn nói, nay thấy
thế thì chịu không được, giống như cầu thủ đã giải nghệ lâu ngày nhớ sân
cỏ đành xỏ giày tiếp tục ra sân “đá”.
Quí vị “các thế lực thù địch” có biết rằng đợt lấy ý kiến đóng góp
của nhân dân vào dự thảo hiến pháp vừa qua là một đợt sinh hoạt chính
trị vô cùng quan trọng và rộng khắp, với con số khổng lồ 26.091.000 lượt
người góp ý kiến, hơn 28.000 cuộc hội nghị, hội thảo, tọa đàm về góp ý
hiến pháp? Quí vị có tưởng tượng nổi không, nếu Ủy ban dự thảo sửa đổi
hiến pháp có 100 người thì trung bình mỗi người phải đọc, ghi chép hơn
260.000 bản góp ý. Người ta đã làm việc vất vả khó nhọc đến mức phi
thường như thế, quí vị không hoan nghênh thì thôi, lại còn đi nói thế
này thế nọ.
Những con số trên cho dù có vẻ không thể tin nổi nhưng đó là con số
thực một trăm phần trăm. Có được kết quả đáng tư hào như thế là do cách
làm đầy thông minh sáng tạo, đưa phiếu về cho từng hộ gia đình, dù muốn
hay không thì dân cũng phải góp ý. Về mặt này, chắn chắn anh bạn vàng
Trung Quốc còn phải xách cặp đến học hỏi chúng ta nhiều.
Quí vị có biết vì sao Ủy ban dự thảo đề nghị giữ nguyên các vấn đề
lớn nói trên không? Ấy là do sợ bị xuyên tạc rằng chúng ta xa rời mục
tiêu, con đường lên chủ nghĩa xã hội. Ai có thể xuyên tạc? Thì chính là
quí vị chứ còn là ai nữa. Qua đây, quí vị nên cảm thấy ân hận rằng giá
như lâu nay quí vị không ồn ào, ý kiến ý cò lôi thôi, thì rất có thể lần
này sẽ đổi tên nước thật, và cũng có thể có một số thay đổi khác mang
tính tự nhiên. Chung qui cũng do cái tính bộp chộp của quí vị mà thôi.
Trong bối cảnh tình hình quốc tế vô cùng nhạy cảm như hiện nay, việc
giữ nguyên những nội dung cơ bản nói trên là hết sức cần thiết và là tất
yếu. Điều này đã được ông Phan Trung Lý nhiều lần khẳng định. Quí vị
phải tin vào quá trình làm việc của Ủy ban dự thảo, phải tin vào ông
Phan Trung Lý. Những vấn đề được Ủy ban dự thảo trình lên Quốc hội đều
đã được đại đa số nhân dân đồng tình. Tôi khẳng định lại là đã được đại
đa số nhân dân đồng tình. Sự đồng tình của đại đa số nhân dân, tuy rất
khó chứng minh bằng con số cụ thể là bao nhiêu phần trăm, nhưng đã được
ông Phan Trung Lý thể hiện rất rõ trong báo cáo. Vấn đề ở đây không phải
là chuyện dễ hay khó chứng minh, mà là vấn đề niềm tin. Vấn đề cốt lõi
phải là niềm tin. Nhân dân ta đã nguyện một lòng tin theo Đảng và Nhà
nước, cho nên lời khuyên ở đây mà tôi muốn dành cho các thế lực thù
địch, là hãy quay về với nhân dân, hãy tin vào Ủy ban dự thảo, tin vào
lời nói của ông Phan Trung Lý.
Qua diễn biến của phiên họp chiều qua, các thế lực thù địch có thể
thấy được tầm vóc to lớn và vai trò hết sức quan trọng của Ủy ban dự
thảo sửa đổi hiến pháp và của ông Phan Trung Lý. Các vị ấy muốn đưa
trình cái gì ra cho Quốc hội là quyền của họ. Và rồi Quốc hội sẽ quyết
theo hướng mà họ đã gợi ý thôi. Cho nên các thế lực thù địch cần phải
biết phân biết thận, í lộn, biết thân biết phận mà đừng có xuyên tạc
nữa, đừng có ý kiến ý cò lôi thôi rắc rối nữa. Không những thế, các vị
cần phải có niềm tin tuyệt đối vào những đề xuất của Ủy ban dự thảo và
của ông Phan Trung Lý, nhá.
Nhiều kẻ trong các thế lực thù địch, không hiểu biết gì về nghệ
thuật, bèn la toáng lên rằng: Tấn hài kịch đã hạ màn! Tưởng chừng như là
một phát hiện vĩ đại lắm. Nói thật với quí vị, muôn đời không bao giờ
nó là hài kịch. Một vở kịch hoành tráng về chính trị, về chính trường
như thế, sao lại gọi là hài kịch? Phải gọi cho nó đúng với tên tuổi của
nó: chính kịch. Quả tình Vo Văn Ve tôi chưa thấy ai yếu kém về cảm thụ
nghệ thuật như thế, yếu đến nỗi không phân biệt được đâu là hài kịch,
đâu là chính kịch.
Hỡi các thế lực thù địch! Quí vị là ai, ở đâu, hình hài quí vị ra
sao… còn đang là một vấn đề khoa học gây tranh cãi. Nhưng qua các nguồn
thông tin chính thống thì quí vị đang hiện diện khắp mọi nơi mọi chốn,
đến mức có lúc tôi bi quan nghĩ rằng chưa có một đất nước nào lại có
nhiều thế lực thù địch như nước ta. Ở đâu đâu cũng thấy có cụm từ ”thế
lực thù địch”, từ các trang báo cho đến các bài diễn văn, các văn bản,
văn kiện…
Nhưng cho dù thế nào đi nữa, tôi vẫn tin cho đến một ngày kia, quí vị
sẽ thấm nhuần và chọn đi theo niềm tin vào chủ nghĩa xã hội. Khi đó,
quí vị sẽ trở thành thù địch của các thế lực thù địch, quí vị sẽ được
nhận lương cao của một dư luận viên như tôi đang được nhận lâu nay. Và
điều quan trọng hơn, quí vị sẽ được nhận sổ hưu, đủ để nuôi vợ con và bồ
nhí, cho đến ngày đi gặp Mác và Lê-nin…