Thứ Năm, 30 tháng 5, 2013

Du khách Trung Quốc đã thay thế hình ảnh Người Mỹ Xấu xí

Alexander Abad-Santos  
Diên Vỹ chuyển ngữ
28.05.2013
Các Du khách Mỹ Xấu xí hãy vui lên, bạn đã được thay thế bởi Người Du khách Trung Quốc Xấu xí. Tuần qua một cậu thiếu niên 15 tuổi đã khắc dòng chữ “Đinh Cẩm Hạo đã đến đây” vào bức tường của Ngôi đền Luxor, khiến cả thế giới chú ý, nhưng câu hỏi quan trọng hơn là liệu Đinh Cẩm Hạo là một trường hợp cá biệt hay là một thói quen? Liệu các bảo vệ tại Bảo tàng Quốc gia Prado của Tây Ban Nha nên cảnh giác trước du khách Trung Quốc? Liệu các hướng dẫn viên tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York phải nên đề phòng? Nói cho cùng, các bảo vệ và hướng dẫn viên ấy nên luôn cảnh giác, nhưng câu trả lời thì phức tạp hơn nhiều, cũng như trong trường hợp của người Mỹ, chứ không đơn giản là về chuyện một quốc gia có đám dân du lịch tồi tệ.
Tình trạng kinh tế của Du khách Trung Quốc so với Người Mỹ Xấu xí

Tự rất lâu người Mỹ đã giữ danh hiệu và hình ảnh đổ đồng của những du khách kệch cỡm nhất trên hành tinh này. Một số thì quá ồn ào, những người khác thì dị hợm, nhiều người thì quá béo, số khác thì quá khó tính, và một số ít thật không may lại bao gồm tất cả những phẩm chất trên - nói chung là mọi người trên khắp thế giới đều phật lòng khi gặp người Mỹ. Nhưng dạo sau này thì bức biếm hoạ trên cũng đang nhạt dần. “Người Mỹ xấu xí - hình ảnh đổ đồng của một gã du khách ngu độn, vụng về, tự cao tự đại - đã chết. Anh ta đã mất đi cùng với nước Mỹ từng bá quyền thế giới, với đồng đô la được giá và tính ngây thơ của người Mỹ trong giữa thế kỷ 20,” Gregory Rodriguez đã viết trên tờ Los Angeles Times vào năm 2011. Rodriguez chỉ ra một số yếu tố vì sao hình ảnh du khách “người Mỹ xấu xí” đã nhạt phai: người Mỹ trở nên đa chủng hơn, có thái độ dè dặt hơn sau sự kiện 11/9. Nhưng yếu tố về đồng đô la mất giá của ông vẫn đúng cho đến hôm nay. “Người Mỹ thô lỗ hơn khi đồng đô la còn mạnh,” một tiếp viên lâu năm tại quán rượu Cerveceria Alemana ở Madrid nói với Rodridguez. Và nếu ta nhìn vào hiện tượng đồng đô la đang mất giá cũng như nền kinh tế Mỹ trong năm năm qua, và sử dụng logic của người tiếp viên và Rodridguez, thì rõ là không sai khi kết luận rằng người Mỹ ít đi du lịch hơn và những ai trong họ khi ra nước ngoài thì trở nên điềm đạm hơn.
Trung Quốc thì ngược lại. Kinh tế Trung Quốc phát triển tốt đẹp trong những năm gần đây, có nghĩa là họ có nhiều tiền hơn để tiêu xài vào du lịch. “Năm 2012, người Trung Quốc đã qua mặt người Mỹ và người Đức về khoản chi tiêu vào du lịch quốc tế, với 83 triệu người tiêu xài ở mức kỷ lục là 102 tỉ đô la cho việc du lịch ra nước ngoài,” CNN tường thuật vào tháng trước. Nhiều người du lịch hơn khiến cho du khách Trung Quốc hiện diện rõ hơn dưới mắt mọi người, và tạo điều kiện cho mọi người trên thế giới có được một thứ khuôn mẫu để bắt đầu đổ đồng. Và cũng như những người Mỹ thô lỗ và lắm đòi hỏi khi đồng đô la được giá, người Trung Quốc cũng thế. “Những du khách Trung Quốc giàu có đang vượt qua những giới hạn và thật không may là một số nơi đã phải khuất phục trước họ... Đặc biệt là những kẻ mới giàu lên, họ cho rằng 'Nếu ta trả tiền thì ta là Thượng đế,'” Mei Zhang, chủ nhân của một công ty du lịch Trung Quốc nói với CNN.
Những thói xấu
Như Zhang đã trình bày với CNN, một trong những điểm chính của một du khách xấu tính là bắt nơi mình đến “phục tùng” theo ý muốn của mình. Điều này không đơn giản chỉ nhờ lắm tiền, mà còn bắt nơi mình đến thăm phải thay đổi theo phong cách của mình bất chấp phong tục địa phương. Không có bằng chứng nào cho thấy du khách Trung Quốc cư xử tệ hơn hoặc khác hơn du khách từ những quốc gia khác, nhưng trên khắp thế giới, đã có dấu hiệu là họ đang nổi tiếng về việc này.
- Tại bảo tàng Louvre ở Paris, có một tấm bảng lưu ý mọi người không được tiểu và đại tiện trong khu vực này. Nó được viết bằng tiếng Trung, nhà báo Gwynn Guidford của trang tin Quartz cho biết.
- Ở những nơi khác tại Paris, du khách Trung Quốc đã khiến công ty Zadig & Voltaire bực bội, thương hiệu thời trang này tuyên bố vào tháng Mười rằng khách sạn của họ sắp khai trương vào năm 2014 chắc chắn sẽ không tiếp nhận du khách Trung Quốc.
- Tại các ngôi chùa Phật giáo ở Chiang Mai, Thái Lan, các vị sư và nhân viên nhà chùa gặp khó khăn trong việc giải thích cho du khách Trung Quốc rằng họ không được phép mặc quần ngắn vào chùa. "Mặc dù một số du khách hiểu biết chút tiếng Anh nhưng vẫn khó để nói chuyện với họ. Khi được hỏi tại sao nhóm của anh ta lại đến Chiang Mai vào dịp Tết Nguyên đán Trung Quốc, người đàn ông Trung Quốc vào độ 30 chỉ ngón cái vào ngực mình và trịnh trọng tuyên bố: 'Vì tôi giàu.'" Vint Chavala viết trên tờ The Nation của Thái vào tháng Hai.
- Trên một diễn đàn Thái, du khách Trung Quốc đã bị nêu đích danh vì thói lái xe ẩu, ồn ào, không chịu xếp hàng và thậm chí để con cái phóng uế trong những hồ bơi công cộng.
- Tại trường Đại học Nữ Ewha ở Nam Hàn, các du khách Trung Quốc đã biến ngôi trường tư này thành địa điểm chụp ảnh và thường xuyên tảng lờ những tấm biển “cấm vào”. “Ewha khi phát âm bằng tiếng Trung trở thành “Lê Hoa”, nghe tương tự như “Lợi ích”. Bên cạnh đó, ký tự tiếng Trung của Ewha còn mang nghĩa “Tinh khiết”,” trang blog Koreabang viết vào tháng trước.
- Tại Singapore, theo bài báo trên tờ New York Times vào năm 2005, du khách Trung Quốc nổi tiếng là nói chuyện quá lớn. “Trời ơi, họ nói chuyện lớn đến nỗi tôi phải nói lớn theo làm đau cả cuống họng,” một nhân viên bán hàng kể với tờ Times.
- Theo một tường thuật của CNN vào tháng Tư, hãng Hong Kong Airlines đã phải dạy võ thuật cho các tiếp viên của mình nhằm đối phó với những hành khách say rượu từ đại lục.
- Hôm tháng Hai, một bà mẹ Trung Quốc cho rằng chẳng có gì sai trái khi bà để con trai mình đái vào một cái chai ngay giữa một nhà hàng ở Hong Kong. Nhiều người lại không nghĩ như bà.
- Và còn nữa, một cậu bé đã khắc tên mình vào kim tự tháp ở Ai Cập.
Nói đúng ra thì không phải mọi sự kiện đều được ghi nhận, nhưng trên đây là những vụ điển hình nhất, lưu lại tiếng vang trên báo chí và mạng xã hội.
Du lịch trong nước
Trong khi du khách Trung Quốc đã để nhiều tai tiếng về hành xử bậy bạ của mình ở nước ngoài, cũng nên lưu ý là các địa điểm du lịch trong nước cũng bị mang tiếng. Ví dụ như tình cảnh các thú vật bị đối xử tại các vườn thú ở Trung Quốc thì thật thảm thương. Bản thân các vườn thú (thật sự mà nói) đã là những nơi buồn thảm (dù không tệ như Sea World). Nhưng ở Trung Quốc, đã có hàng loạt vụ tấn công vào các thú nuôi, như vụ một gã điên đã cắn và giết chết một con đà điểu hôm tháng Giêng hoặc chuyện những người khách cũng trong tháng ấy đã liên tục ném tuyết vào những con sư tử ở Vườn thú Hàng Châu, hoặc vụ những người khách tại vườn thú Thâm Quyến đã suýt giết chết những con cá sấu bằng cách chọi đồ vào chuồng của chúng vì họ tưởng chúng là những con vật giả. Rõ ràng, những hành xử này không thể nào xảy ra tại các vườn thú ở Mỹ. Nhưng điều này cũng hơi khác với việc mặc quần ngắn cũn vào chùa hoặc tụt quần phóng uế trong điện Tuileries. Và nó cũng hơi khác với việc một người đàn ông Trung Quốc đập vỡ cửa kính của di tích tại Tử Cấm Thành.
Và nó cũng hơi khác với việc vẽ vời bôi phá một kim tự tháp Ai Cập. Nhưng về câu chuyện phá phách đáng tiếc (và hơi buồn cười) “Đinh Cẩm Hạo đã đến đây” trên, hành động này có thể bắt nguồn từ phong trào tranh vẽ đường phố đang nổi lên ở Trung Quốc từ năm 2005. Cây bút Carolyn Look có một bài viết hay về sự xuất hiện của nghệ thuật đường phố tại Bắc Kinh và Thượng Hải cũng như phong trào đi ngược chủ lưu văn hoá đã làm gì để phản bác lại quan điểm rằng Trung Quốc chỉ là một cường quốc kinh tế thiếu sáng tạo. “Ngày nay, tranh đường phố là một trào lưu sắp bùng nổ ở Trung Quốc,” Look viết. Bà cho rằng nạn vẽ trên tường của các toà nhà, bao gồm cả những ngôi nhà cổ ở Bắc Kinh là một hiện tượng tích cực, “Trong nhiều khía cạnh, tranh đường phố ở Bắc Kinh ít chỉ trích chính quyền hơn là nhắm vào tính thụ động của người dân. Nó đã bắt họ thật sự mở mắt ra.”
Phản ứng của Trung Quốc
Bố mẹ Đinh đã liên tục xin lỗi về việc con mình phá hoại cổ vật. Và điều này thật đáng mừng. Câu chuyện sẽ khác đi nếu bố mẹ Đinh cho rằng con mình chẳng làm điều gì sai trái và không nhận lấy bất kỳ trách nhiệm nào. Nhưng vấn đề lớn hơn là hình ảnh của Trung Quốc. Hành động phá phách của Đinh xảy ra chỉ vài ngày sau khi một trong những phó thủ tướng Trung Quốc kêu gọi người dân trong nước nên lịch sự hơn. Phó Thủ tướng Uông Dương tuyên bố:
“Việc tăng cường chất lượng hành xử văn minh của người dân và xây dựng một hình ảnh đẹp về du khách Trung Quốc là nhiệm vụ của mọi cấp mọi ngành liên quan của chính quyền... Hướng dẫn du khách Trung Quốc ý thức việc tuân thủ trật tự công cộng và quy tắc xã hội, tôn trọng tín ngưỡng và phong tục địa phương, cẩn trọng trong cách ứng xử và ăn nói... và bảo vệ môi trường.”
Và như Guilford giải thích, dường như Trung Quốc đang cố gắng gột rửa hình ảnh ngành du lịch của mình: “Tháng trước Trung Quốc thông báo rằng sẽ đưa ra Luật Du lịch, có hiệu quả vào tháng Mười. Luật này sẽ cho phép các cơ quan du lịch quyền xử phạt những du khách nào ‘vi phạm các quy tắc xã hội,’ tuy nhiên nó cũng nhắm vào việc tẩy rửa ngành du lịch trong nước."
Tuy thế, một số phản ứng từ lục địa về hành động phá phách của Đinh lại mang tính rất trẻ con với bào chữa “họ cũng làm thế đấy thôi”. Tác giả Abe Sauer viết rằng khi phát hiện ra thủ phạm phá hoại đền Luxor là người Trung Quốc, “đông đảo phóng viên Trung Quốc đã chỉ ra rằng Vạn Lý Trường Thành cũng bị bôi bẩn” bởi hình vẽ bậy của phương Tây.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"