Thứ Hai, 27 tháng 5, 2013

THỬ PHÂN TÍCH NGUYÊN NHÂN TRƯƠNG DUY NHẤT BỊ BẮT

BS Hồ Hải
Bài đọc liên quan:

Tôi ít khi viết về những cá nhân. Vì viết khen thì cũng không xong, mà viết chê thì lại hóa ra mình chẳng ra chi, vì chuyện bếp núc của một cá nhân. Nhưng trong câu chuyện của cựu nhà báo, blogger Trương Duy Nhất bị bắt, nên phải viết để phân tích cho rõ tường tận mọi việc, để đúng tiêu chí của tôi đề ra ở blog này là, chia sẻ kiến thức đến mọi người. Nên trong bài viết này có gì mà mọi người không đồng ý thì hãy bàn luận thật rốt ráo, để tránh những việc đáng tiếc như trường hợp của Nhất.

Tiếc cho Trương Duy Nhất thì có nhiều cái để tiếc. Cái tiếc thứ nhất là tuổi đang chín muồi, sung sức và có chí khí để góp phần cho xã hội tốt nhất của một đời người, nhưng gãy gánh giữa đường.

Cái tiếc thứ hai là, cách viết của Nhất ngắn gọn mà đủ ý, nhưng lại bỏ chiến trường báo chí để viết blog. Dẫu sao, ở nước Việt ngày nay, quyền lực thứ tư vẫn còn là độc quyền của đảng cầm quyền. Ở trong chiến trường ấy, nếu có trí, có dũng, có mưu, thì bút pháp sẽ có thần để nói lên những gì dân thấp cổ bé miệng không nói được, hơn là bỏ chiến trường để ra đối đầu với một sức mạnh độc quyền.

Cái tiếc thứ ba đối với Nhất là, đã ra khỏi chiến trường báo chí, thì sao lại còn nặng lòng phe phái và chính trị, chính em để rồi có những bài viết xưng tụng chính khách đấu nhau như bài phỏng vấn trên BBC: Tại sao kỳ vọng vào ông Nguyễn Bá Thanh?

Nhưng chỉ nếu chỉ có một loạt bài Nhất cho người ta thấy anh đang đứng về ông trưởng ban nội chính trung ương đảng, thì không ai làm Nhất phải bị bắt khẩn cấp như báo Tuổi Trẻ đưa tin.

Đằng này, Nhất lại viết trên blog của mình 2 bài rất nặng ký mà theo tôi nó là giọt nước làm tràn ly để Nhất phải bị bắt theo điều 258 thuộc bộ luật hình sự quy định, đó là bài Tổng Bí Thư và Thủ Tướng nên ra đi ngày 24/4/2013, và bài Hai tân ủy viên Bộ chính trị vào ngày 04/5/2013.

Chỉ cần đọc, nhìn nhận sự vật khách quan trong 3 bài viết này cho thấy rằng, Nhất đang nằm trong một phe phái chính trị đang đấu đá nhau giữa nghị trường đóng kín ở Việt Nam hiện nay. Trong cuộc chiến tranh, chỉ có chiến sĩ và nhân dân xung trận, các chính khách ngồi trên bàn hội nghị để hưởng oản khi trở thành bên thắng cuộc, hoặc xách gói ra đi nếu trở thành bên thua cuộc. Nhất là những chiến sĩ đã chọn nhầm cửa đặt cược cho ván cờ chính trị, thì phải lãnh đủ.

Nhất không là vật tế thần để nhằm mấy cái đích rất tiện lợi thì chỉ có các chính khách thiểu năng trí tuệ. Còn đối với các chính khách lõi đời của Việt Nam hiện tại thì bắt nhất tiện cả đôi đường. Thứ nhất là răn đe toàn bộ hệ thống thông tin ngoài luồng hệ thống thông tin của đảng cầm quyền. Thứ hai là trừ hậu họa một mầm móng đang chỉ trích, mà lại là chỉ trích đích danh từng nhà quản trị đất nước về những sai trái, mà lại không có chứng cứ thuyết phục.

Trong một thể chế chính trị kinh tế xã hội như ở Việt Nam hiện nay, như tôi đã viết trong bài Ngây thơ và không tưởng, là:

Tôi thì tôi nhìn sự việc dưới góc nhìn khoa học xã hội. Nhà nước Việt là nhà nước điều hành kinh tế chính trị bằng, nghị quyết, nghị định, và quy định do ban nghiên cứu trung ương soạn thảo. Sau đó, các ủy viên trung ương họp để sửa chữa, rồi trình cho quốc hội xem xét thông qua. Tất cả đều do các đảng viên cao cấp của đảng cầm quyền làm việc này. Nên việc điều hành đất nước là việc của tập thể, mà hay nghe nói là "sở hữu toàn dân" kể cả trong điều hành đất nước. Vì thế, trách nhiệm không của riêng ai, và trách nhiệm cá nhân lại càng không tưởng. Và một cá nhân ông ủy viên kia không thể bẻ nạn chống Trời.
Thứ nữa, cái tư tưởng 2 phàm là của Mao chủ tịch, là chiến lược xuyên suốt trong sự nghiệp đoàn kết trong đảng cầm quyền. Hai cái phàm là này tôi đã từng viết trên blog này. Nó rất đơn giản, nhưng vô cùng chặt chẽ và đúng cho một hình thái chính trị kiểu nửa phong kiến, nửa quân phiệt. Một là, Mao và đảng nói là đúng. Hai là, cán bộ của đảng phải có tỳ vết. Tỳ vết là cái để cán bộ luôn phải biết giữ gìn sự đoàn kết và trung thành tuyệt đối với đảng cầm quyền. Ai đi ra khỏi cái đường ray định hướng, chiến lược sẽ bị cái phàm là thứ hai nghiền nát.

Trong khi đó, Nhất lại đi kết tội cho từng cá nhân và đi bênh vực cho một cá nhân khác. Thế có tiếc cho cách nhìn khác, lạ của Nhất không, nếu không nói là ngắn theo kiểu cái dũng của con nhà võ, hơn là một nhà văn quân sư tầm cỡ?
Là trí thức nước Việt, ở trong thời buổi nhiễu nhương này, tốt nhất là, không nên đứng về phe phái nào, mà nên nói lên những cái sai, cái đúng, vạch ra con đường đi của tổ quốc và dân tộc. Đó là cách của người trí thức chân chính bao đời của nhân loại.

Con đường sự nghiệp của Nhất xem như chấm dứt kể từ đây. Nhất chỉ còn 2 con đường để chọn. Một là thỏa hiệp để ra khỏi án tù, và hai là chịu mức án nặng nhất theo điều luật 258 của bộ luật hình sự của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam là, từ 2 đến 7 năm ngồi bóc lịch. Vì với nhân cách của Nhất, theo như tôi đã được biết qua đọc những gì Nhất viết, không có chuyện lững lờ hay chịu tội để được giảm án.

Cầu chúc cho Nhất, cho cả tôi và cả dân tộc này sức khỏe, hanh thông và nhiều phước lành. 

Asia Clinic, 13h08' ngày thứ Hai, 27/5/2013

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"