Thứ Tư, 29 tháng 5, 2013

Từ Phất Lộc...

Người ta khi mất cắp cứ thắc mắc "sao bọn trộm tài thế, chỉ loáng cái là mất". Thực sự bọn trộm không tài, bọn trộm bỏ cả nửa ngày quan sát liên tục để đợi khi nào có cơ hội là tiến hành. Không phải bọn trộm có mặt lúc người ta sơ hở mà đã có mặt từ lúc người ta còn cẩn thận. Bọn trộm kiên trì chờ đợi hàng tiếng đồng hồ, quan sát quy luật. Ví dụ như mỗi lần có tiếng còi xe bên trong xí nghiệp, người gác cổng sẽ bỏ trạm gác chạy ra nhấc cái barie lên. Tên trộm nghe tiếng còi xe thì đi lại gần vờ dừng châm điếu thuốc, người bảo vệ chạy ra nâng cái chắn cổng cho ô tô chở hàng ra chỉ mất có 30 giây đủ để tên trộm len chân vào. Tìm một chỗ ẩn náu đợi đến đêm hành động.

Nhiều năm sau bị triệu tập đến cơ quan an ninh điều tra, nghe hỏi liên miên đủ thứ. Một lần châm điếu thuốc, thấy anh an ninh cúi xuống tìm tờ giấy trong đống hồ sơ, bỗng nhiên tôi nhớ đến cảnh người bảo vệ cúi xuống nâng cái barie. Tôi bật cười thầm, nghĩ chính những người an ninh họ cũng cần mẫn thăm dò, quan sát, rình rập những người mà họ gọi là đối tượng. Y như chúng tôi năm xưa ngồi kiên nhẫn từ xa quan sát "đối tượng" là người bảo vệ xí nghiệp. Tôi nghĩ đến những người an ninh theo dõi tôi trên đường đi, ngoài cửa nhà, và cả những người âm thầm ngồi trong phòng lạnh mở máy tính vào xem tôi viết những gì, chụp hình lại, in ra, đánh dấu, đọc đi đọc lại tìm chỗ để kết tội. Rồi họ lấy bút xanh đánh dầu, lấy bút bi viết bên lề ghi chú điều 88, điều 254. Thật hài hước là có ngày tôi lại giống người gác cổng xí nghiệp năm xưa mà chúng tôi đã rình rập ông ta sơ hở. Còn cơ quan công an lại là những người rình rập. Phải nói kinh nghiệm rình rập trộm cắp hồi xưa giúp tôi rất nhiều trong việc đề phòng, cẩn thận hay cân nhắc kỹ khi làm gì với cơ quan công an.
Chủ cơ sở làm dây cua roa có một cậu em rất ngoan, cậu em hơn tôi chút tuổi. Cậu ta sống lành mạnh và chăm chỉ. Lúc nào cậu cũng sôi nổi, tràn trề sức sống, đẹp trai, cao to, tham gia hoạt động địa phương, làm bí thư đoàn phường. Tôi đang làm ở đó yên ổn, bỗng nhiên một chiều thấy cả nhà họ khóc um lên. Thì ra cậu mượn được cái xe máy, đèo bạn gái đi chơi lao thẳng vào đằng sau xe tải. Bạn gái cậu ngồi sau bị ngã xuống đường gãy tay. Còn cậu bị đập đầu mạnh vào đít thùng xe tải, vỡ xương sọ qua đời luôn. Nhà họ ngừng sản xuất để lo ma chay cho cậu em.
Cuộc đời thật éo le. Người như cậu ấy, hy vọng của bao nhiêu người từ gia đình, xã hội. Đi đâu cũng được quý mến thì chết một cách lãng xẹt. Trong khi tôi trộm cắp, đòi nợ thuê, chém thuê tội lỗi đầy người lại sống nhăn răng, chả biết sống sau này làm gì cho cuộc đời. Tôi thấy tương lai tôi mịt mù thăm thẳm ở đáy xã hội, nhiều khi nhìn cậu ấy cầm giấy tờ công tác xã hội, đoàn thể thấy chạnh lòng cho cậu ta. Tôi sờ đầu mình gãi cái vết sẹo bị dao chém, xoa cổ họng sờ cái sẹo cũng bị dao chém sượt qua... con người chắc có số phận. Lúc ấy tôi láng máng tin rằng con người ta sinh ra có những số mệnh của họ.
Cậu em mất đi, gia đình ấy làm ăn chệch choạc, chắc do đau buồn. Tôi nghỉ việc ở đó, loanh quanh theo đám anh chị bến bãi, trộm cắp, cờ bạc bịp. Hàng ngày lang thang ngoài đường với bọn ăn cắp ngày, đêm lang thang với bọn ăn cắp đêm. Tôi không trộm vặt, tôi chỉ lấy kho hàng và bọn buôn chuyến đánh cả xe ô tô tải hàng. Bọn đấy giàu lấy của nó một ít chả ăn thua với nó. Có thằng mất của, sáng hôm sau nó đứng nhìn nhà kho nhếch mép cười khen bọn trộm giỏi. Trộm vặt của những người khó, họ mất của khóc nức nở tội lắm. Tôi không muốn ăn cắp của người khó. Tính tôi vẫn dở hơi bởi ảnh hưởng của những câu chuyển cổ tích hồi bé đọc cho mẹ nghe.
Một hôm tôi về nhà, cưỡi trên cái xe Cup 78 màu mắm tôm lượn phành phạch quanh ngõ. Nhà tôi hỏi xe của ai, tôi nói xe của tôi. Bố tôi để ý dò xét, tôi đi vài hôm đành phải bán, lấy tiền đi Sài Gòn chơi đã đời rồi về. Cái xe ấy là công của một vụ đánh thuê cho một ông nửa trí thức nửa lưu manh. Vợ ông ta trẻ hơn ông ta nhiều tuổi, cặp kè với một thằng cùng làm. Ông dọa thằng đó thì thằng đó chửi ông ta. Đấy là ông kể với tôi thế lúc ông nằm hút thuốc phiện ở cái gác xép trên cao nhà ông. Còn tôi nằm bên cạnh đọc truyện, tôi vẫn nhớ đó là cuốn Ông Già Và Biển Cả. Ông hút đủ cơn phê, xong nằm than thở là ông nhục quá, nó đi với vợ mình còn dọa đánh cả mình. Ông cứ ngậm ngùi làm tôi não ruột. Tôi gấp sách lại hỏi nhà thằng đó ở đâu. Ông nói tên và chỗ làm. Tôi bảo nhà ông có con dao nào lấy cho tôi. Ông ta vùng ngay dậy, tỉnh táo bảo:
- Không dùng dao, phải dùng cái này mới thấu.
Ông tìm một đoạn tuýp sắt ống nước của Nga dày 5ly, đường kính gần 5cm, dài cỡ 60cm. Ông lấy săm cao su quấn quanh ông tuýp rồi đưa tôi nói.
- Vụt cái này vào chân nó hay người nó, không chết mà nó đau nhớ đời.
Tôi hỏi tên tuổi, chỗ làm đầy đủ, ông còn cho tôi xem cả ảnh thằng đó với vợ ông đi tắm biển.
Tôi cầm cái ống tuýp về nhà, chọn cái áo sơ mi màu xanh da trời, cái quần âu mầu đen ống thẳng. Dép xăng đan da, tóc chải rẽ ngôi lệch. Áo bỏ trong quần nghiêm chỉnh, cuốn cái ông tuýp vào tờ báo gọn gàng như một cuộn giấy tìm đến cơ quan thằng kia. Vào tận cơ quan, hỏi phòng nó làm việc, người ta bảo nó nghỉ ở nhà.
Tôi quay lại nhà ông, bảo ông chở tôi đến nhà thằng đó. Ông ta chở đến nơi, đứng ngoài ngõ. Tôi đi vào, nhà thằng đó ở trong ngõ sâu, nhà lại chung trong một số nhà có nhiều hộ. Phải đi qua mấy nhà, qua cái sân mới đến nhà nó. Tôi đến nơi lúc trưa vắng vẻ, nhà nó mở cửa. Tôi vào thấy hai anh em nhà nó đang nằm. Tôi ngắm nhìn xem ai là thằng cần đánh, thấy đúng tôi vụt thẳng một nhát vào đầu nghe đến "cốp" cái to. Thằng đó giật nảy người ú ớ ôm đầu vật ra một bên. Thằng kia là anh nó thì phải, vùng dậy mở mắt định la toáng, tôi phang luôn cái vào lưng. Nó ngã dúi dụi nhưng vớ được cái ghế ném đúng người tôi. Tôi nhảy lại gần nện thẳng vào đầu nó một cái, nó ngã lăn quay. Thằng em nó ăn nhát vào đầu đã tỉnh, nó chửi tôi là thằng nào. Nó vừa gượng dậy vừa chửi . Tôi cúi người lia cái ống tuýp vào ống chân nó nghe thành tiếng "kịch" khô khốc, khiến nó gào rống "ối trời ơi" rồi nằm vật ra.
Hai anh em nhà đấy nằm lăn lộn rên, tôi gằn giọng chửi nhỏ:
- Đm cho mày chết vì đi với vợ người ta còn dọa người ta nhé.
Hai anh em nhà nọ nhăn nhó đau đớn, ở dưới đất họ ngước nhìn thấy gương mặt tôi và cái ống tuýp. Họ hộc lên trong miệng những tiếng uất nghẹn xen lẫn tiếng rên vì đau, thấy họ không chửi lại câu nào nữa. Tôi đi ra sân, mấy nhà chung quanh có người ngó ra xem. Tôi cười toe toét nói:
- Bán thì bán không bán thì thôi, dền dữ mất thì giờ, đấy xem ai trả cao được hơn.
Mấy người hàng xóm ngơ ngác chưa hiểu cái gì, tôi đã đi qua và ra đầu ngõ, leo lên xe ông bạn già chuồn êm. Về đến nhà ông ta mới biết cái ghế nó ném làm tay bị sưng bầm. Ông bạn già nửa trí thức, nửa lưu manh xoa thuốc cho tôi. Miêng ông lại lẩm nhẩm:
- Khổ, chả đánh được nó lại bị nó đánh cho, phải cẩn thận chứ. Thấy khó ăn thì thôi mình đợi dịp khác, vội làm gì. Cứ giả vờ hỏi nó bán nhà hay bán xe gì đó rồi lui ra. Thanh niên chúng mày là hay nóng vội lắm. Chẹp! chẹp!
Ông bê bàn đèn ra, nằm hút, mùi thuốc phiện thơm lừng, cái mùi ngầy ngậy rất thích. Ông bảo tôi làm một điếu cho đỡ đau. Tôi lắc đầu từ chối, đợi ông hút dăm điếu đủ dừng cơn vật vã thuốc. Tôi nói:
- Cháu phang cho hai anh em vào đầu, khéo vỡ sọ. Chú chuồn đi.
Ông già giật nảy mình, ông hoảng hốt trách:
- Sao không vụt vào chân hay vào người?
Tôi trả lời:
- Tưởng nó có một thằng thì thế, hai thằng phải đánh gục thôi, đánh vào đầu nó còn cho mình như thế này, vụt vào người nó hay chân nó có khi nó cho mình nằm lại.
Ông già hối hả đánh thuốc, rít lấy rít để thêm vài điếu, bảo tôi ở lại để ông đi nghe ngóng. Tiếng đồng hồ sau về mặt xám ngoét nói hai thằng nhà nó đi cấp cứu, năm viện rồi. Nhưng không ai biết mày đâu, chúng nó điều tra cùng lắm nghi tao. Mày cầm cái xe tao mà đi, tao đi xa vào Nam kiếm cửa sống, lúc nào yên tao gọi mày.
Vậy là tôi có con xe máy, ước mơ của bao nhiêu gia đình lúc đó. Vì gia đình để ý chuyện cái xe, tôi bán đi vào Nam ăn chơi hết tiền rồi về.
Bố tôi đang bệnh, ông yếu lắm. Ông gọi tôi vào bảo:
- Nếu con thương bố, con về quê ở, đừng ở đây, con sẽ không thành người được đâu. Bố đã nói chuyện với cô chú rồi. Mai con về đó, hàng tháng bố sẽ gửi tiền cơm và cho con tiêu vặt. Con cố học được nghề trạm trổ điêu khắc gường tủ ở quê. Sau này giỏi nghề, con về nhà mở cửa hàng làm đồ gỗ cũng làm ăn được. Con thương bố thì nghe bố, bố chẳng sống bao lâu nữa.
Tôi khăn gói về quê, học nghề chạm trổ và khảm xà cừ. Ngồi gò lưng cầm cái kéo nhỏ tí cắt mẩu trai theo hình vẽ, ngón tay đau nhức nhối. Sáng ăn cơm nguội với ít lạc, trưa ăn cơm với đậu phụ, rau muống luộc, tối lại lạc rang, cà, dưa, rau luộc, nấu...

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"