Bài viết của ông Jonathan London trên blog của ông "Đừng giữ một giấc mơ đã chết, hãy tập trung vào hiện tại” mà sau đó
được BBC đăng lại đã gây nhiều tranh cãi mà hai bài viết „Con đường nào
đi tới?” và „Tôi thấy giấc mơ vẫn còn đó” của ông sau đó có vẻ chỉ làm
chìm sóng gió một cách miễn cưỡng.
Tuy ông Jonathan London nói về bài viết coi cờ vàng “đã chết” là “có
một số thiếu sót nghiêm trọng và nội dung bài viết đã gây buồn lòng và
làm tổn thương nhiều người” nhưng tôi lại cảm thấy băn khoăn nhiều hơn
an ủi.
Có hai vấn đề ông đưa ra. Một là ông xin lỗi và không muốn xúc phạm
tình cảm của những ai trân trọng cờ vàng. Hai là ông vẫn duy trì quan
điểm nên dẹp chuyện vẫy cờ sang một bên khi chưa lo xong chuyện thay đổi
thể chế. Giữa hai vấn đề, người đọc được bồi bổ thêm kiến thức về những
suy nghĩ của ông với Việt Nam.
Thứ nhất, việc phân giải bản chất của tác giả, xin lỗi và nhận lời
xin lỗi hay không là việc mà tôi xin miễn bình luận, coi đây như một
trong các yếu tố có thể xuất hiện trong lúc tranh luận và mỗi người
trong công chúng có đặc quyền tha thứ riêng. Nhưng những yếu tố còn lại
làm tôi vô cùng e ngại mà theo tôi không thể khép lại sau các bài viết
của ông tiến sĩ.
Ướp sống?
Coi chuyện vẫy cờ là „chướng ngại vật” trong môi trường đấu tranh dân
chủ cho Việt Nam dĩ nhiên đẩy cờ vàng ra rìa công cuộc chống đối cam go
hiện nay đồng thời làm những người muốn nhận lời xin lỗi từ ông như tôi
đặt thêm dấu hỏi ông xin lỗi điều gì và đang nhắn nhủ chúng tôi điều
gì. Nói nôm na, ông bỗng dưng nhận thấy giấc mơ cờ vàng „chưa chết”
nhưng khuyên hãy ướp mạng sống của nó trong lúc chờ thời cơ. Hỡi ơi!
Tôi có những bất đồng tương tự khi đọc các suy nghĩ của ông trong bài „Có con đường nào đi tới?”. Xin lần lượt liệt kê.
Thời Cộng Hòa Nhân Dân Ba Lan, tướng Wojciech Jaruzelski từng phải
bất ngờ ban lệnh thiết quân luật, chỉ trong vòng 3 năm đẩy hơn 10 ngàn
người hoạt động dân chủ vào trại giam, chưa tính số nạn nhân bị thủ
tiêu. Nhân mạng, tù đầy, uy hiếp…. Tất cả chỉ để ướp lạnh mọi giấc mơ.
Cuối cùng thì giấc mơ thành hiện thực không chỉ đối với Ba Lan trong khi
có người mong nó bị chết cóng từ lâu mà tốt nhất là đi vào quên lãng.
Nói cho cùng, nếu cứ ướp lạnh „have a dream” của Nelson Mandela thì không rõ ngày nay văn minh nhân loại nằm ở xó xỉnh nào đây.
Có quá nhiều giấc mơ thực sự sống cùng dân tộc và con người thực với
trái tim biết khát khao luôn là ác mộng của độc tài. Bởi thế mà đã hơn
50 năm sau khi Đại Lai Lạt Ma rời quê lánh nạn, nhà cầm quyền Trung Quốc
vẫn phải chật vật đối phó với những ước mơ của ông. Dĩ nhiên lá cờ
truyền thống của Tây Tạng là biểu tượng bị cấm đoán khay khắt nhất và
Trung Quốc liệt kê vô vàn lý do để biện hộ cho việc cấm đoán đó. Y như
đảng cộng sản Việt Nam đang làm với cờ vàng.
Tạm thôi?
Tôi không thấy trên thế giới có học giả nào khuyên Đạt Lai Lạt Ma rời
bỏ ước mơ hay giả bộ phủ nhận biểu tượng Tây Tạng để coi đó là sách
lược đối với Trung Quốc dẫu sự giành giật ở Tây Tạng đang ngày một tàn
nhẫn mà hậu quả tới nay là các vụ tự thiêu diễn ra gần như triền miên.
Hãy nhìn sang Tây Tạng, Miến Điện, Ba Lan… để biết không thể vừa hòa
mình vào lô-gích của độc tài, vừa bài trừ tệ nạn do chính độc tài tạo
ra.
Ở Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi thà để đối phương trù dập mình, chứ
không chấp thuận chùn bước dù luôn có cơ hội „chủ động tạm thôi”.
Đi ngược lại mong muốn của độc tài nghĩa là nắm bắt cơ hội duy nhất
và con đường duy nhất cho chúng ta xoay đổi thế cờ. Vì thế việc học giả
Jonathan London lên tiếng ủng hộ ý tưởng „tạm ngưng vẫy cờ” làm tôi vô
cùng khó hiểu, nhất là khi ông tiếp tục hứa hẹn ủng hộ nhân dân Việt Nam
trên con đường dân chủ hóa đất nước.
„Chúng ta”?
Ở Việt Nam, từ nay tới khi tình thế ngã ngũ, muốn hay không, sẽ luôn
có hai phe: một phe ít nhiều thuộc đảng cộng sản và một phe của của xã
hội ít nhiều tổn thương. Qua bài viết của tiến sĩ Jonathan London tôi
được biết trong hàng ngũ đảng có „nhiều người thông minh tận tụy” và họ
có những khát vọng „như tất cả chúng ta”. Tôi thật sự phát hốt và cáo
lỗi xin ông đừng cho tôi vào đám „chúng ta” đó.
Tại sao việc họ „bị trói trong các thể chế còn khiếm khuyết” là điều
được dĩ nhiên công nhận như một thực tế khách quan, như những bối rối
trong lúc đợi chờ Gov-ba-chốp hoặc Kim Dae Jung xuất hiện tại Việt Nam?
Trong khi đó „chúng tôi” phải tiếp tục chứng kiến bao phiên tòa phi lý,
bao bản án phi nhân mà tác giả là „thể chế khiếm khuyết” được mông má
bởi những nhân vật „thông minh tận tụy”. Tôi không thể tin và không thể
chấp nhận lời nói ngọt ngào rằng nỗi uất giận và khát khao của tôi và
của những người trong đảng cộng sản „cũng như nhau”. Khát vọng của những
ông bố bà mẹ có con bị chế độ vùi dập, khát vọng của những người muốn
tìm sự thật cho những án mạng khuất tất trong đồn công an, khát vọng của
những thuyền nhân tìm tự do trên biển, khát vọng của dân oan bị cướp
đoạt đất sống và khát vọng của những người „điên tiết” bởi bài viết của
ông không thể đem so sánh bừa phứa với khát vọng của 3 triệu đảng viên
phần lớn tồn tại được nhờ các „khiếm khuyết” vì e rằng việc so sánh này
khiến ông phải xin lỗi thêm lần nữa.
Cờ lạ?
Tiến sĩ Jonathan London cho rằng có thể dung hòa giữa việc tạm ngưng
vẫy cờ vàng và tạm ngưng bàn chuyện quốc kì trong hi vọng „một ngày nào
đó Việt Nam sẽ có một lá cờ mà tất cả mọi người cùng chấp nhận” trong
khi ông tiếp tục khuyến khích chúng tôi nhìn xem có những con đường nào
đi tới.
Phải bàn luôn chuyện quốc kì cho ra nhẽ, bởi tôi thấy có xu hướng
trong những bài viết và lời bình của ông J.London muốn người Việt tham
vọng mang thêm một lá cờ lạ nào đó vào Việt Nam. Lại thêm một ý kiến làm
tôi phải phản đối.
Sẽ là mị dân khi nói các dân tộc có thể đi vào tương lai mà không
mang theo hành trang quá khứ. Cũng không có lá cờ nào dĩ nhiên được một
thể chế dân chủ nào đó vẽ ra mà không màng tới các giá trị truyền thống
vượt thời gian và phi đảng phái.
Việt Nam được thế giới biết tới như một dân tộc khác biệt tại Á Châu
với màu vàng tượng trưng cho giáo lý Phật Pháp tiểu thừa. Màu vàng cũng
là màu của người chủ quốc vương trên ngai vàng. Nếu có tìm thêm màu sắc
của các cuộc khởi nghĩa như Trần Hưng Đạo, bà Trưng bà Triệu… thì cũng
rất khó tìm ra màu đỏ. Tìm sao vàng càng bó tay. Trong trường hợp Việt
Nam, màu đỏ thật sự đại diện cùng sự có mặt của phong trào cộng sản nước
Nga. Kể cả „bác” Hồ cũng không dấu điều đó khi bắt trước Trung Quốc
nhập nội cờ đỏ từ rất xa về Việt Nam.
Chỉ có các giá trị và truyền thống mới là điểm dựa có sức đột phá
tiếp sức cho mọi thế hệ dân chủ Việt Nam, từ Hòa Thượng Thích Quảng Độ,
linh mục Nguyễn Văn Lý, tới các bạn trẻ mới vào tù gần đây. Khi độc tài
tưởng đã hạ bệ được „chúng ta” bằng bạo lực thì giá trị truyền thống là
giá đỡ có thật và hiên ngang nhất bảo vệ sự sống dân tộc dẫu có người
vẫn chưa nhận ra điều đó. Việc người Việt trưng cờ vàng không chỉ là
việc nhắc nhở quá khứ hay nâng niu cảm xúc mà đang thực hiện công cuộc
xây dựng tương lai bằng cách duy trì giá trị dân tộc thâu suốt. Nguyễn
Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha hiên ngang trước tòa bởi có được sự nâng
đỡ vô giá đó và trên hết thấu hiểu sức mạnh đó.
Dân chủ nhà nước yêu dân chủ ngoài luồng?
Ông Jonathan London nói vì có câu chuyện vẫy cờ mà môi trường dân chủ
Việt Nam gặp „chướng ngại vật” khi ông gộp những người „thuộc bộ máy
nhà nước” và những người „đối lập với nhà nước” vào cùng một khối. Tôi
hoài nghi điều này bởi trên thực tế, phe nhà nước chỉ nhập cuộc dân chủ
khi tình thế đã ngã ngũ hoặc đã bị dồn tới chân tường. Việc vẫy cờ màu
gì trước và sau đó chỉ là một trong các cớ câu giờ.
Còn nếu xét việc vẫy cờ từ góc nhìn của những nhà hoạt động dân chủ
„ngoài luồng” thì nguồn cảm hứng không bao giờ mâu thuẫn với hành động
bởi họ gánh mạo hiểm quá cao. Các nhà hoạt động thấu hiểu điều gì là giá
trị cần ưu tiên khi bị bài trừ. Lá cờ, nếu đã là nguồn cảm hứng, thì sẽ
không thể đồng thời là chướng ngại vật trong công cuộc đeo đuổi mục
đích. Nỗ lực của người Việt tị nạn trước kia cho tới Nguyễn Phương Uyên
ngày nay đã chứng minh sức mạnh phi thường của sự liên kết đó.
Ngoài ra, các „chướng ngại vật”, nếu có, cũng không thành vấn đề phải
dấu nhẹm. Các nhà hoạt động dân chủ Việt Nam theo tôi không muốn ngoảnh
mặt làm ngơ với các „chướng ngại vật” mà trước sau phải đối diện. Ngoài
việc quốc kì, chúng ta còn phải tranh luật dài dài để đòi công bằng cho
các thân nhân và chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa, phải giải quyết được các
oan ức đất đai, phải biết thành tâm tưởng nhớ boat people bỏ mạng tìm tự
do, phải đòi công bằng cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất trong
khi vẫn phải đối diện với Giáo Hội Phật Giáo của nhà nước…
Hai chân mạo hiểm ngã ba đường
Người Việt hiện nay đang thực sự dành vai trò thách thức đối phương
qua tự do tư duy và tinh thần bất khuất. Những con đường nào cho Việt
Nam ư? Bài học của những cuộc các mạng đã thành công cho thấy con đường
chính nghĩa chỉ có một, nhưng ý kiến thì nhiều. Có ý kiến cho rằng có
thể đặt hai chân ở hai bờ chiến tuyến để giữ vai trò khó định nghĩa như
ông J.London với tờ Nhân Dân. Cũng có gợi ý khác về con đường kém vinh
quang, đầy mạo hiểm ở giữa khoảng không của hai cái chân đôi khi được
gọi là cây cầu hòa hợp… Không biết có tới được đích hay không nhưng chắc
chắn chui qua háng chân là con đường luồn lách và cúi đầu.
Tôi không cho rằng đội ngũ dân chủ Việt Nam có xu hướng tìm giải pháp
trung dung dẫu phía bên kia là đảng cộng sản đang nỗ lực vận động cho ý
tưởng này.
Theo dõi hướng đi của thế hệ trước như Hòa Thượng Thích Huyền Quang,
tù nhân lương tâm Trương Văn Sương, Nguyễn Hữu Cầu… và theo dõi động lực
vận hành của cỗ xe dân chủ thời nay thì có thể đi tới kết luận rằng
người vạch đường thấu đáo nhất là người đã gán số phận mình quyết cho cỗ
xe chạy tới đích. Kẻ đứng giữa ngã ba đường tất nhiên có thể khua
khoắng chướng ngại vật với dụng ý tốt nhưng e đó là hành vi vô bổ đầy
mạo hiểm. Hơn nữa, khi đã thống nhất cỗ xe đang chạy là cơ hội duy nhất
kéo Việt Nam rời độc tài thì chúng ta đừng phân vân mà hãy chủ động vịn
tay tiếp sức. Về phía mình, tôi sẽ cố gắng dẫu tôi sinh sau 1975, từng
có nhiều năm học dưới mái trường xã hội chủ nghĩa tại Hà Nội và nay đang
hoạt động xã hội tại Ba Lan.
25 tháng 5 năm 2013, Warszawa
© Tôn Vân Anh