Phạm Hồng Sơn
Tòa án sơ thẩm tại Long An ngày 16/05/2013 đã tuyên án đối với hai
thanh niên, Nguyễn Phương Uyên, 21 tuổi, 6 năm tù kèm thêm 3 năm quản
chế và Đinh Nguyên Kha, 25 tuổi, 8 năm tù, 3 năm quản chế. Theo những gì
cáo trạng liệt kê
thì họ có tội và lĩnh án như thế vì họ đã dám bày tỏ một cách ôn hòa
tình yêu tổ quốc và sự bất bình đối với chính thể hiện tại. Điều rất
đáng nói nữa là án tù (kể cả quản chế – một hình thức tù hợp pháp) trung
bình hơn 10 năm cho mỗi thanh niên yêu nước đã được tuyên đúng vào ngày
nhiều vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam phải chịu lệnh cấm đánh
bắt cá của nhà nước Trung Quốc. Nghe nói về bản án, nhiều người đã thốt
lên: “Ác quá!”, “Quá ác!”, “Quá nặng!”
Nhưng nhìn ở phương diện đấu tranh Thiện – Ác thì kết quả đó thể hiện
đúng qui luật. Khi cái Ác đã đạt đến độ ngày càng bất chấp dư luận,
không cần che đậy thì đương nhiên nó sẽ phải càng bạo liệt hơn với những
cái Thiện dám cương cường chống lại nó. Mà cái cương cường của Phương
Uyên và Nguyên Kha có một nét khác hẳn, ngoài tuổi rất trẻ, so với những
cương cường trước, đó là họ đã dám công khai đưa ra một thông điệp, dù
rất giản dị: Nếu muốn cứu nước, chống ngoại xâm thì cần chống Đảng (Cộng
sản Việt Nam)[1]. Họ lý luận vì luật pháp không có điều nào cấm chống
Đảng và họ nhận thấy điều cần thiết đó qua thái độ của Đảng trước hành
vi xâm lăng từ Trung Quốc.
Có thể nói một trong những nan giải trong cuộc đấu tranh với độc tài ở
Việt Nam hiện nay đó là việc cả cái Ác và (phần lớn) cái Thiện đều dùng
chiến thuật lừa nhau. Hai bên đều tránh nói sự thật mà cả hai cùng biết
dù cả hai cùng biết là đang lừa.
Ví dụ, Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) biết rõ chả còn mấy ai tin rằng
Đảng thực muốn hay có khả năng chống tham nhũng, tự chỉnh đốn theo xu
thế tiến bộ hay muốn bảo vệ lãnh thổ trước Trung Quốc nhưng ĐCSVN vẫn
không ngừng tuyên truyền, kêu gọi về những vấn đề đó. Ngược lại, đa phần
những người tỏ sự bất bình, muốn tiến bộ cũng biết rằng ĐCSVN chẳng tin
họ có thiện cảm thực với Đảng nhưng đa phần vẫn bày tỏ, tin tưởng vào
sự tiến bộ của Đảng, thậm chí còn tỏ rõ sự trung thành và bảo vệ Đảng.
Rất nhiều người biết Hồ Chí Minh là người đã sinh ra chế độ độc tài hiện
nay và biết ĐCSVN vẫn đang áp dụng những cách cai trị từ thời Hồ Chí
Minh nhưng họ vẫn thể hiện coi như Hồ Chí Minh là tấm gương, mẫu mực.
Hoặc đa phần rất chán ngán, nhà nước chính thể hiện nay nhưng vẫn thường
phân bua, né tránh: “Không, tôi không chống nhà nước”. Trong khi đó,
pháp luật không nói gì tới cấm chống Đảng và đạo đức hiển nhiên ngàn đời
luôn dạy con người rằng cần phải chống lại mọi thứ xấu xa, ác độc, kể
cả nhà nước.
Thế mà Nguyễn Phương Uyên đã khẳng khái trước tòa thế này: “Tôi
dùng máu viết khẩu hiệu ‘Tàu khựa cút khỏi Biển Đông’ và ‘Đảng Cộng sản
chết đi’, khẩu hiệu bị cho là ‘phỉ báng Đảng Cộng sản Việt Nam’, là vì
tôi thể hiện lòng yêu nước khi tôi căm phẫn Trung Quốc xâm chiếm Việt
Nam đến tột cùng sự phẫn uất.”
Còn Đinh Nguyên Kha thì nói thẳng với tòa: “Tôi
trước sau vẫn là một người yêu nước, yêu dân tộc tôi. Tôi không hề
chống dân tộc tôi, tôi chỉ chống Đảng Cộng sản. Mà chống Đảng thì không
phải là tội.”
Nếu coi chính thể và nhân quần là hai bóng hình của nhau thì có thể
thấy đặc tính thiếu trung thực của cả chính thể và nhân quần Việt Nam
hiện nay là điều tất yếu. Nhưng cũng thấy sự tất yếu thay đổi của chính
thể nếu nhân quần thay đổi.
Những lời mộc mạc mà khẳng khái của hai thanh niên tỉnh lẻ, còn rất
trẻ và chưa nhiều học vấn như Phương Uyên và Nguyên Kha là một thể hiện
lương tâm xã hội vẫn còn sự nguyên sơ, trong trắng hay đang có bước
chuyển lại về dạng trong trắng, nguyên sơ. Không nguyên sơ không thể nói
ra những thứ mà đa phần xã hội đều biết, nhưng im lặng. Không trong
trắng không đời nào lại thốt ra những điều mà cầm chắc chỉ chuốc thêm
hằn thù của cái Ác. Đó chính là sự trinh bạch lương tâm – điều tối thiểu
cho mọi xã hội muốn phục Thiện, diệt Ác.
© 2013 Phạm Hồng Sơn & pro&contra
_________________
[1] Quan điểm đấu tranh (chống, tấn công,…) của tôi – Phạm Hồng Sơn –
người viết bài này trước sau như một là dựa trên triết lý đấu tranh bất
bạo động (non-violent struggle).