Chủ Nhật, 19 tháng 5, 2013

Xử án Uyên-Kha: Quẻ xấu cho chế độ

Nguyễn Quốc Quân
Kính gửi quí cơ quan truyền thông báo chí,
Ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á Châu thuộc tổ chức Human Rights Watch cho rằng việc đưa người dân ra tòa xử chỉ vì họ phát tán tờ rơi chỉ trích chính phủ là một việc làm lố bịch và biểu hiện sự bất an của nhà cầm quyền Việt Nam. Đồng quan điểm với ông, Ts Nguyễn Quốc Quân cho rằng bản án khắc nghiệt và vô lý dành cho Phương Uyên và Nguyên Kha rõ ràng là một thách thức đối với công luận, đối với những giá trị của thế giới văn minh, và cao hơn tất cả, nó là một thách thức đối với nhân dân Việt Nam.
Kính chuyển đến quý vị bài viết “Xử án Uyên-Kha: Quẻ xấu cho chế độ” của Ts Nguyễn Quốc Quân và kính mong được tiếp tay phổ biến.
Trân trọng
Ban Liên Lạc Truyền Thông Đảng Việt Tân
* * *
Kết quả vụ xử án hai em sinh viên Uyên và Kha ngày 16 tháng 5 vừa qua đang tạo nên một làn sóng phẫn nộ từ trong nước ra đến hải ngoại. Bộ sậu lãnh đạo Việt Nam càng hiện nguyên hình là những tên thái thú của thế kỷ 21. Chúng ta biết rất nhiều cán bộ lãnh đạo CS, kể cả ở cấp Bộ Chính Trị và Trung Ương Đảng, gần đây túa nhau đi lễ đình chùa, cầu đồng cốt, cậy tâm linh nhưng quả thật họ đã quên bốc quẻ trước khi xử Phương Uyên và Nguyên Kha. Đối với tôi, đây là một quẻ cực xấu cho chế độ.
Vì giới lãnh đạo đảng CSVN ngày nay thuộc sử Tàu hơn sử Việt, nên cho phép tôi nói bằng ngôn ngữ của họ. Chuyện kể rằng, ngày xưa...

Nước Sở muốn đánh nước Ngô. Sứ của Ngô được cử sang Sở để tìm hiểu, tướng Sở muốn thị uy với quân Ngô nên giết luôn sứ thần nước Ngô để lấy máu bôi lên trống.
Trước khi giết, tướng Sở hỏi:
- Trước khi đến đây nhà người có xem bói chứ?
Đáp:
- Có
Tướng Sở hỏi:
- Bói quẻ có tốt không?
Đáp:
- Tốt
- Nay ta muốn dùng máu ngươi để bôi trống trận, vậy quẻ tốt ở chỗ nào?

Sứ nhà Ngô ung dung đáp:
- Chính vì vậy mới là quẻ tốt đấy! Vua Ngô phái tôi sang đây vốn là để xem thái độ của tướng nước Sở như thế nào. Nếu tướng quân nổi giận thì nước Ngô sẽ đào hào cho sâu thêm, đắp luỹ cho cao thêm; nếu tướng quân không nổi giận thì nước Ngô sẽ thư thả. Nay tướng quân giết tôi, nước Ngô nhất định sẽ phòng thủ gắt gao. Hơn nữa quẻ đó bói cho cả nước, không phải bói cho riêng một bề tôi. Giết một bề tôi mà bảo toàn được một nước, thì sao không gọi là tốt được? Tướng quân có lấy máu tôi bôi lên trống, nếu chết rồi mà tôi còn biết được, thì tự khắc khi tác chiến tôi sẽ làm cho trống không kêu.
Kết quả là tướng nhà Sở đã phải trả tự do cho sứ nhà Ngô.
Dân tộc Việt Nam là một dân tộc có truyền thống hào hùng chống ngoại xâm. Một ngàn năm Bắc thuộc với những hình phạt hà khắc như xẻ mũi thích chữ vào mặt còn chưa khuất phục được nhân dân Việt Nam. Nay qua bản án dành cho Uyên và Kha, lãnh đạo ĐCSVN đã ngang nhiên và công khai khoác lên mình bộ áo gấm làm tay sai cho Tàu! Tướng nhà Sở còn biết run tay trước chí khí của sứ nhà Ngô, thế mà bộ sậu lãnh đạo CSVN dám thị uy với 90 triệu người dân Việt Nam và đạp đổ mọi giá trị tốt đẹp của thế giới văn minh. Đây chính là bản án cáo chung của cả một chế độ.
Trong suốt phiên toà, cái gọi là nền tư pháp Việt Nam không hề dám nhắc đến cái lý do chính, đó là hai sinh viên Uyên và Kha chống Trung Quốc xâm lược. Trong khi đó, em Nguyễn Phương Uyên đã khẳng khái nhìn thẳng vào mắt từng viên thẩm phán: "Tôi là sinh viên yêu nước, nếu phiên tòa hôm nay kết tội tôi, thì những người trẻ khác sẽ sợ hãi và không còn dám bảo vệ chủ quyền của đất nước. Nếu một sinh viên, tuổi trẻ như tôi mà bị kết án tù vì yêu nước thì thật sự tôi không cam tâm".
Cái bệnh sợ Trung Quốc đã được truyền nhiễm lây đến cả các viên công an cấp nhỏ “còn Đảng còn Mình”. Tôi còn nhớ trong những tháng ngồi tù, lúc chuyện vãn – sau mấy tiếng đồng hồ lấy “khẩu cung”, một thiếu úy an ninh điều tra nói: “Anh cứ đòi chống Trung Quốc, tẩy chay hàng Trung Quốc, … anh cứ thử tháo hết linh kiện làm từ Trung Quốc trong máy laptop xem nó còn lại gì; anh thử bảo một người dân cởi tất cả những gì làm ở Trung Quốc mang trên người như giày dép, áo quần, ... rồi xem họ có dám bước ra ngoài đường không!” Tôi phẫn nộ thì ít, mà ngạc nhiên thì nhiều, trước thái độ chủ bại tuyệt đối của anh ấy. Khựng lại một lúc, tôi hỏi mà như một lời than thở: “Thế các anh, chấp nhận Chết lâm sàng vì Trung Quốc hay là tình nguyện Sống đồng loã với Tội Ác!”
Riêng Đinh Nguyên Kha đã thẳng thắn trước toà: "Tôi trước sau vẫn là một người yêu nước, yêu dân tộc tôi. Tôi không hề chống dân tộc tôi, tôi chỉ chống đảng cộng sản. Mà chống đảng thì không phải là tội".
Chính chị Tạ Phong Tần đã bị đám Hội Đồng Xét Xử quyết định cưỡng chế ra khỏi phiên toà sơ thẩm của chị vì đã bắt bí Đảng Cộng Sản như em Nguyên Kha. Anh Điếu Cày kể lại rằng khi phiên toà bắt đầu, lúc được hỏi có ý kiến gì về các thẩm phán trong Hội Đồng Xét Xử (HĐXX) không; thì chị Tạ Phong Tần đã hỏi lại cùng với lập luận mang đại ý rằng: Không chấp nhận Đảng Viên ĐCS có mặt trong HĐXX; vì theo điều 88 bộ luật hình sự, đó là những người “bị hại” trong vụ án này. Những người “bị hại” không được tiến hành tố tụng để bảo đảm sự vô tư theo điều 14 bộ luật tố tụng hình sự. Chị thẳng thắn và cương quyết yêu cầu các đảng viên ĐCS rời khỏi vai trò trong HĐXX. Họ đã cứng họng và cưỡng chế chị rời khỏi phiên toà xử chính chị.
Luật Pháp Việt Nam luôn dành ưu thế tuyệt đối cho kẻ cầm quyền, thế mà chính họ cũng chẳng dám thực thi những điều do họ ghi ra trên giấy trắng mực đen! Bản án vô lý này rõ ràng là một thách thức đối với công luận, đối với những giá trị của thế giới văn minh, và cao hơn tất cả, nó là một thách thức đối với nhân dân Việt Nam.
Chắc chắn, 90 triệu người dân Việt và con cháu họ không thể chấp nhận sống hết đời này qua đời khác trong một hoàn cảnh như thế.
Và dân tộc Việt Nam đã trả lời ngay trước toà - qua các câu nói của Phương Uyên, của Nguyên Kha, và những giọt nước mắt hãnh diện của hai bà mẹ. Đây đúng là một quẻ cực xấu cho chế độ độc tài toàn trị./.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"