Fa - Xu - Ca
Cây mai nhà mình khá đẹp. Từ sau tết, hoa bắt đầu tàn cũng là lúc chồi đâm, lộc nẩy, xanh non mơn mởn. Ấy vậy mà chỉ sau mấy hôm mình đi công tác, trở về đã thấy nó xơ xác, tàn tạ, chỉ còn lại mấy cái lá già từ mùa đông năm trước. Toàn bộ lá, lộc non đã bị lũ sâu chén sạch. Chiếc lá nào may mắn sót lại cũng chỉ xơ xác, quăn queo, trông rất thảm. Mình xem kỹ thì thấy thủ phạm là lũ sâu keo, con nhỏ thì như cái kim, con to cũng chỉ to hơn cái tăm một tý. Thế mà chỉ mấy hôm chúng đã biến nàng mai kiêu hãnh của mình trở nên thân tàn ma dại như thế này.
Với một lòng căm thù cao độ, mình xắn tay áo bắt đầu sự nghiệp diệt sâu. Lúc này vì lá không còn nhiều, nên phát hiện và diệt chúng không khó lắm. Liên tục mấy hôm bắt, sâu chắc cũng không còn bao nhiêu. Sau mấy tuần được bồi dưỡng bằng phân bón lá, chị mai nhà ta lại bắt đầu đâm một lứa lộc mới, bên cạnh đó còn xuất hiện mấy chùm nụ mới, hứa hẹn một mùa “nhị độ mai”. Nhưng chưa kịp vui thì lại đã thấy mấy cái lộc non quăn lại. Trời ạ! Chúng lại xuất hiện rồi. Nâng cao cảnh giác lần này mình tổ chức công cuộc bắt sâu sớm hơn. Mấy người nói cứ mua mấy vỉ thuốc trừ sâu về phun lên là xong, nhưng mình không làm thế được, vì bọn trẻ con hàng xóm hay chơi ở đây, mấy hôm nữa hai đứa cháu ngoại lại về, phun thuốc thì độc lắm. Cho nên cứ phải bắt thôi. Vạch lá tìm sâu mãi cũng chán, mình có sáng kiến lắc mạnh cành mai. Cũng có đôi con rơi xuống, nhưng mấy chùm nụ hoa thì rụng như sung. Đặc biệt hôm sau lắc nữa thì không có con nào rụng. Hay là chúng nó đã kịp biến chủng mới để thích nghi với chiến thuật “rung chà cá nhảy” của mình cũng nên. Thế là lại kiên trì vạch lá…Một mình bắt không xuể, mình vận động quần chúng tham gia. Khốn nỗi thằng cu thì đi suốt ngày, nó chỉ về khi đêm đã khuya, thì sâu sia gì nữa. Hơn nữa, xem ra sự yên ổn của cây mai hình như không thuộc phạm vi quan tâm của anh chàng này. Vợ mình là người vô cùng gan góc, trên đời không biết sợ gì (kể cả chồng và nhất là chồng), thế nhưng cứ nhìn thấy con sâu là kêu thét lên. Thành ra, mình cũng chỉ còn nhờ đựơc mấy đứa cháu khi chúng nó lên chơi. Hôm chủ nhật vừa rồi chợt nhớ ra có thể diệt sâu bằng loại chế phẩm chế từ gừng, tỏi và ớt, mình vội lấy gừng, tỏi và ớt rửa sạch, giã nhỏ rồi cho một ít nước vào. Sản phẩm chế biến xong có mùi thơm và cay nồng, chỉ cần có rổ ốc nữa là xì xụp được. Mình cho vào bình tưới xịt lên cây mai, sau đó đợi và kiểm tra. Lý thuyết viết như thế, nhưng không hiểu vì thuốc của mình nồng độ thấp quá hay sao mà bọn sâu vẫn sống nhăn răng. Thậm chí sáng nay kiểm tra thì thấy con nào con nấy có vẻ mập mạp và…nồng nàn hơn.
Biết mần răng đây?
Mình đem chuyện này hỏi một chuyên gia về bảo vệ thực vật. Chuyên gia cho biết trong trường hợp này thì chỉ còn cách dùng thiên địch. Tức là dùng một loại sinh vật khác có tập tính khắc với loài sâu này để tiêu diệt chúng. Với loài sâu keo này thì không có gì hơn là chim sâu. Chỉ cần vài con chim sâu thôi, cả khu vườn nhà mình sẽ không còn một con sâu nào nữa cả. Trời đất! Đơn giản thế mà không nghĩ ra. Đúng, phải dùng thiên địch! Thiên địch muôn năm!
Nhưng, tìm đâu ra chim sâu bây giờ? Trong xóm người lớn thì súng hơi, trẻ con thì súng cao su. Hễ thấy chim sâu, chim sẻ là thi tài thiện xạ. Không dính đạn thì chúng nó cũng rủ nhau đi tị nạn đâu rồi.
Và, thế là từ nay ta như chàng thi sỹ Hoàng Cầm thời trẻ, mải miết và vô vọng trong cuộc tìm kiếm lá diêu bông.
“Diêu bông hời”, thiên địch hỡi…Mi ở đâu?
Cây mai nhà mình khá đẹp. Từ sau tết, hoa bắt đầu tàn cũng là lúc chồi đâm, lộc nẩy, xanh non mơn mởn. Ấy vậy mà chỉ sau mấy hôm mình đi công tác, trở về đã thấy nó xơ xác, tàn tạ, chỉ còn lại mấy cái lá già từ mùa đông năm trước. Toàn bộ lá, lộc non đã bị lũ sâu chén sạch. Chiếc lá nào may mắn sót lại cũng chỉ xơ xác, quăn queo, trông rất thảm. Mình xem kỹ thì thấy thủ phạm là lũ sâu keo, con nhỏ thì như cái kim, con to cũng chỉ to hơn cái tăm một tý. Thế mà chỉ mấy hôm chúng đã biến nàng mai kiêu hãnh của mình trở nên thân tàn ma dại như thế này.
Với một lòng căm thù cao độ, mình xắn tay áo bắt đầu sự nghiệp diệt sâu. Lúc này vì lá không còn nhiều, nên phát hiện và diệt chúng không khó lắm. Liên tục mấy hôm bắt, sâu chắc cũng không còn bao nhiêu. Sau mấy tuần được bồi dưỡng bằng phân bón lá, chị mai nhà ta lại bắt đầu đâm một lứa lộc mới, bên cạnh đó còn xuất hiện mấy chùm nụ mới, hứa hẹn một mùa “nhị độ mai”. Nhưng chưa kịp vui thì lại đã thấy mấy cái lộc non quăn lại. Trời ạ! Chúng lại xuất hiện rồi. Nâng cao cảnh giác lần này mình tổ chức công cuộc bắt sâu sớm hơn. Mấy người nói cứ mua mấy vỉ thuốc trừ sâu về phun lên là xong, nhưng mình không làm thế được, vì bọn trẻ con hàng xóm hay chơi ở đây, mấy hôm nữa hai đứa cháu ngoại lại về, phun thuốc thì độc lắm. Cho nên cứ phải bắt thôi. Vạch lá tìm sâu mãi cũng chán, mình có sáng kiến lắc mạnh cành mai. Cũng có đôi con rơi xuống, nhưng mấy chùm nụ hoa thì rụng như sung. Đặc biệt hôm sau lắc nữa thì không có con nào rụng. Hay là chúng nó đã kịp biến chủng mới để thích nghi với chiến thuật “rung chà cá nhảy” của mình cũng nên. Thế là lại kiên trì vạch lá…Một mình bắt không xuể, mình vận động quần chúng tham gia. Khốn nỗi thằng cu thì đi suốt ngày, nó chỉ về khi đêm đã khuya, thì sâu sia gì nữa. Hơn nữa, xem ra sự yên ổn của cây mai hình như không thuộc phạm vi quan tâm của anh chàng này. Vợ mình là người vô cùng gan góc, trên đời không biết sợ gì (kể cả chồng và nhất là chồng), thế nhưng cứ nhìn thấy con sâu là kêu thét lên. Thành ra, mình cũng chỉ còn nhờ đựơc mấy đứa cháu khi chúng nó lên chơi. Hôm chủ nhật vừa rồi chợt nhớ ra có thể diệt sâu bằng loại chế phẩm chế từ gừng, tỏi và ớt, mình vội lấy gừng, tỏi và ớt rửa sạch, giã nhỏ rồi cho một ít nước vào. Sản phẩm chế biến xong có mùi thơm và cay nồng, chỉ cần có rổ ốc nữa là xì xụp được. Mình cho vào bình tưới xịt lên cây mai, sau đó đợi và kiểm tra. Lý thuyết viết như thế, nhưng không hiểu vì thuốc của mình nồng độ thấp quá hay sao mà bọn sâu vẫn sống nhăn răng. Thậm chí sáng nay kiểm tra thì thấy con nào con nấy có vẻ mập mạp và…nồng nàn hơn.
Biết mần răng đây?
Mình đem chuyện này hỏi một chuyên gia về bảo vệ thực vật. Chuyên gia cho biết trong trường hợp này thì chỉ còn cách dùng thiên địch. Tức là dùng một loại sinh vật khác có tập tính khắc với loài sâu này để tiêu diệt chúng. Với loài sâu keo này thì không có gì hơn là chim sâu. Chỉ cần vài con chim sâu thôi, cả khu vườn nhà mình sẽ không còn một con sâu nào nữa cả. Trời đất! Đơn giản thế mà không nghĩ ra. Đúng, phải dùng thiên địch! Thiên địch muôn năm!
Nhưng, tìm đâu ra chim sâu bây giờ? Trong xóm người lớn thì súng hơi, trẻ con thì súng cao su. Hễ thấy chim sâu, chim sẻ là thi tài thiện xạ. Không dính đạn thì chúng nó cũng rủ nhau đi tị nạn đâu rồi.
Và, thế là từ nay ta như chàng thi sỹ Hoàng Cầm thời trẻ, mải miết và vô vọng trong cuộc tìm kiếm lá diêu bông.
“Diêu bông hời”, thiên địch hỡi…Mi ở đâu?