Cánh Cò
Có ai không bức rứt khi nhìn tượng Phật của Chùa
Một Cột phải đội nón lá, mang áo mưa trong một ngôi chùa được tôn vinh
vào hàng quốc bảo này?
Hội chứng tàn phá di sản văn hóa đã trở thành di căn khi hình như hầu
hết những gì được gọi là di tích, di sản văn hóa đều bị tàn phá bởi
nhiều cách, nhiều người trong đó có Đảng.
Khai thác sự mê tín của đại bộ phận người dân nên không ít chùa chiền
miếu mạo trở thành nơi chứa chấp phù thủy, đồng bóng quái lạ nhằm móc
túi bá tánh hơn là quảng bá phật pháp hay tâm pháp. Có bao nhiêu ngôi
chùa hiện nay mà trụ trì là một cao tăng, dám từ chối mọi điều kiện cám
dỗ của bọn mua thần bán thánh? Có bao nhiêu tam cấp dẫn lên chốn thờ
phụng đã biến thành tục tằn dơ dáy vì ăn mày, móc túi, mua bán niềm tin?
Có bao nhiêu ngăn kéo của Đảng cất giữ đơn thưa các loại cho tới nay
không ai xem xét. Sự nhơ bẩn bên ngoài có bằng sự nhớp nhúa bên trong
Đảng bởi tha hóa, tự tôn, bè phái và độc tôn coi mình là thượng tầng xã
hội?
Có bao nhiêu đảng viên hiện nay dám từ chối tham nhũng vì niềm tin hết mực vào sự anh minh của Đảng?
Di sản văn hóa lụn bại và biến dạng bởi tro nhang và âm binh dày dặc
bao vây. Khách tham quan chen lấn với kẻ tham tiền làm hình ảnh nhiều
khu di tích thảm hại và nhớp nhúa. Tâm lý bầy đàn của đa số dân chúng đã
tiếp tay cho thứ di sản hổ lốn nảy nở như nấm sau mưa và người ta vô tư
dẫm nát những công trình cổ của tiền nhân bằng những thứ được gọi là
“ấn” là “chỉ” do bọn tiếm danh văn hóa từ trong Đảng đưa ra nhằm kiếm
ăn. Những ấn, chỉ ấy được một đám đông tin là dẫn tới quan trường và từ
niềm tin bệnh hoạn ấy “phong trào” xô đẩy kiếm chức vào Đảng mỗi năm lại
được “nâng lên một tầm cao mới”.
Khác với Đảng, nơi có truyền thống buôn quan bán tước từ hàng chục
năm qua, Chùa Một cột là nơi di sản văn hóa cấp quốc gia duy nhất thoát
được nạn mua thần bán thánh.
Có tên chữ là chùa Diên Hựu, chùa Một Cột được xây dựng vào nǎm Kỷ
Sửu 1049, tức còn 36 năm nữa thì ngôi chùa này sẽ đạt mốc 1.000 năm
tuổi. Với một lối kiến trúc được công nhận là hàng đầu Châu Á, chỉ một
cây cột lớn chính giữa, ngôi chùa thư thái đứng đó qua bao biến động.
Đảng bắt chước lối kiến trúc độc đáo của Chùa Một Cột nên quyết định
độc tôn. Sự độc tôn này của Đảng được ấn định trong văn kiện chính trị
lẫn trong Hiến Pháp Việt Nam.
Chùa Một Một mãi tới nay không bị ai quấy rầy làm cho biến dạng như
những di sản văn hóa chung quanh khác phải chăng nhờ sự tôn nghiêm và sự
chăm lo bảo vệ của Đảng?
Hoàn toàn không phải thế, mà ngược lại, ngôi chùa đang xuống cấp và
có nguy cơ biến dạng thành một nơi thật sự hoang phế, hoang phế đến độ
Phật có lẽ phải đội nón ra đi sau khi ngồi đó với chiếc nón lá che mưa
trong nhiều năm trời!
Chùa Một Cột tuy rất gần với UBND thành phố Hà Nội nhưng lại rất xa
Cục Di Sản vì vậy nó bị bỏ quên trong 5 năm qua mặc dù đại đức Thích Tâm
Kiêm đã khàn cổ kêu gào từ ngày 20 tháng Tư năm 2008.
Nó xuống cấp và cây cột duy nhất có cứng cách mấy cũng khó lòng chống lại cả một cấu trúc đã mục nát, nhất là mái chùa.
Có ai không bức rứt khi nhìn tượng Phật của Chùa Một Cột phải đội nón
lá, mang áo mưa trong một ngôi chùa được tôn vinh vào hàng quốc bảo
này?
Nhưng bên cạnh những bức rứt ấy thì hình ảnh đau lòng của tượng Phật
lại trở thành hài hước dưới mắt của rất nhiều người. Nó làm người ta
liên tưởng đến Hội nghị Trung Ương 7 đang nhóm họp tại Hà Nội. Trong hội
nghị ngập những tranh cãi quyết liệt này, ông Tổng Bí thư cũng đang đội
nón lá, mặc áo mưa tránh... nước bọt vì sự hung hăng quá mức của cử tọa
đảng viên.
Chùa Một Cột có tương quan mật thiết về ý nghĩa cũng như hình ảnh Một
đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cũng có thể gọi cho hoa mỹ: Đảng một ngôi.
Chùa Một Cột đang xuống cấp tệ hại cũng không khác Đảng Một Ngôi là
mấy: suy thoái, bị gậm nhấm từ trong. Đảng viên không khác kèo, cột, tấm
lợp, rui, mè... thi nhau mục rữa vì không còn lý tưởng, thay vào đó
năng lực tìm kiếm cơ hội tham nhũng, thăng quan tiến chức ngày một tinh
vi và cao siêu hơn.
Phật Thích Ca trong Chùa Một Cột đội nón lá, mặc áo mưa vì sợ ướt,
trong khi ấy người cao nhất đảng là Tổng Bí thư cũng không khác gì, đang
đội nón lá mang áo mưa trong hội trường khi cuộc họp đang diễn ra bởi
ngôn từ và tiếng nghiến răng giành giật của phe phái ầm ầm tấn công
nhau. Một bên là độc đảng, một bên là độc...lập kiếm ăn, tức nhóm lợi
ích.
Chùa Một Cột bị bỏ ngoài tai lời kêu cứu trùng tu. Đảng một ngôi cũng
bị bỏ ngoài tai lời kêu cứu khẩn thiết đổi mới Đảng từ nhiều năm qua.
Kết quả mới nhất cho thấy, Đảng Một Ngôi quyết định không kêu gọi đổi
mới Đảng nữa mà tập trung vào việc chống biến đổi khí hậu sau khi có
thêm hai Ủy viên trung ương một ông, một bà mới.
Chùa Một Cột cũng thế, sau 5 năm kêu cứu vô vọng, thức tỉnh ra và
thấy rằng cách hay nhất là cứ thế chấp tên tuổi 1.000 năm của mình nhằm
kiếm tiền tu bổ hình hài hơn là chờ đợi lòng từ bi của Đảng. Không khác
gì chờ nước biển tự cạn không lấn vào bờ sau khi Đảng kêu gào chống lại
biến đổi khí hậu.
Chiếc cột duy nhất của Chùa Một Cột có cứng cáp cách mấy rồi cũng sẽ
sụp nếu lạm dụng không chịu trùng tu. Sự độc đảng có “độc” cách mấy rồi
cũng bị đào thải vì đã hết thời, hết phương án lừa đảo lòng tin của
người dân, một đám đông trót chạy theo đảng nay đã tỏ ra mệt mỏi, đuối
sức và có dấu hiệu “suy đồi”, suy đồi chính trị như Tổng Bí Thư từng
nói.
Đảng cũng biết như thế. Sau khi thấy mình không thắng nổi nhóm lợi
ích có thể sẽ họp nhau lại lấy hình ảnh của ngôi chùa độc nhất Việt Nam
làm logo. Hình ảnh Đảng và Chùa Một Cột hợp nhất trên chiếc logo sẽ
khiến Đảng được tiếng là tìm về cội nguồn trong khi tiếp tục dẫn dắt dân
tộc. Chùa sẽ thơm lây và vé vào cửa từ đó tự động tăng lên gấp bội, vì
hằng hà sa số người trong và ngoài nước sẽ xếp hàng vào xem tượng Phật
bên trong ngôi chùa này còn đội nón lá hay đã thay vào bằng nón cối?
Chiếc nón truyền thống có từ thời chiến tranh chống Mỹ mà có kẻ ác miệng
cho là phát xuất từ Tàu.