Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2013

Phát giác âm mưu lập đảng đối lập?

Nguyển Văn Huy
Ngày  1/5/2013, bảy nhân vật "có vấn đề" hẹn nhau ăn cơm trưa tại nhà anh Phạm Văn Trội tại xã Chương Dương - Thường Tín - Hà Nội.
Phạm Văn Trội, 41 tuổi, tốt nghiệp cử nhân khoa học xã hội, đã từng bị xử 4 năm tù về tội tuyên truyền chống nhà nước, vừa được trả tự do nhưng vẫn còn trong tình trạng quản chế.
Sáu người kia là : Phạm Hồng Sơn, 45 tuổi bác sĩ y khoa, thạc sĩ quản trị, từng bị bắt và buộc tội gián điệp, sau được đổi sang tội "tuyên truyền chống nhà nước" và bị xử 5 năm tù ;  Mai Xuân Dũng cán bộ nhiếp ảnh nghỉ hưu hay giao du với những thành có vấn đề ; Vũ Quốc Ngữ, thạc sĩ, thành viên nhóm No U rất năng nổ trong các cuộc biểu tình, ; Đỗ Việt Khoa từng được phong là thay giáo gương mẫu và người thời đại nhưng gần đây không còn gương mẫu nữa và có nhiều vấn đề ; Hoàng Dũng trong nhóm Con Đường Việt Nam ; Hoàng Tùng  bạn Phạm Văn Trội ; Nguyễn Văn Đài, một luật sư đã quá quen thuộc với giới phản kháng, công an, và cả nhà tù. Trừ Nguyễn Văn Đài bị chặn không đến được, những người khác đều có mặt. Nói chung đây là những gương mặt rất quen thuộc với công an, một nửa đã đi tù, nửa còn lại có mọi triển vọng sẽ vào tù nếu chế độ không thay đổi.

Ngay khi họ đến nhà Phạm văn Trội thì một toán công an ba người cũng đã vào nhà, tự nhiên như công an nhân dân, chủ nhà mời ra cũng không ra. Thấy họ tự nhiên quá đám bạn bè bèn làm như không có ai, thì nhau kể những chuyện công an sách nhiễu, chuyện ở tù, chuyện các phiên tòa. Toán công an cũng thấy khó chịu bèn rủ nhau ra ngoài. Thế là Phạm Văn Trội lợi dụng cơ hội khóa cổng lại không cho ai vào nữa. Lập tức một lực lượng công an vài chục người kéo tới. Họ gọi điện thoại vào nhà và la hét đòi được mời vào. Phạm Văn Trội vẫn không mở, mọi người tiếp tục ăn nhưng bữa nhậu cũng đã mất vui vì không khí căng thẳng. Họ ăn vội rồi ra về để tránh phiền phức cho gia đình Phạm Văn Trội.
Nhưng ra đến ngoài tất cả năm người Phạm Hồng Sơn, Mai Xuân Dũng, Vũ Quốc Ngữ, Đỗ Việt Khoa, Hoàng Dũng đều bị áp giải về trụ sở công an xã Chương Dương. Tại đây họ thấy các quan chức công an trung ương và thành phố Hà Nội đã đến từ trước và chờ đợi để thẩm vấn họ. Thì ra chính quyền tưởng họ tới đây hội họp để thành lập tổ chức đối lập và đã có một kế hoạch lớn phối hợp các cấp trung ương, thành phố và huyện xã để đối phó. Các nghi can lần lượt bị thẩm vấn và rõ ràng đây chỉ là một bữa nhậu giữa bạn bè. Tất cả được trả tự do sau ba giờ làm việc.
Thực ra những người này cũng không hoàn toàn vô tội. Tại sao họ lại chống Trung Quốc và đòi dân chủ ? Tại sao họ không biết rằng nhà nước đang rất nhạy cảm trước một đối lập dân chủ ngày càng có phối hợp và tổ chức ?
Hai vợ chồng Phạm Văn Trội và Huyền Trang không ý thức được điều này nên đã kéo tới trụ sở công an xã Chương Dương phản đối. Họ bị chặn lại không cho vào vì "không liên can".
- Tại sao lại không liên can ? Phạm Văn Trôi hỏi. Anh bắt khách mời của tôi mà anh lại nói là tôi không liên can là sao ?
Cuộc cãi cọ kéo dài. Trong mẩu băng ghi âm nhận được Huyền Trang liên tục la lên : "cá nhân tôi có vấn đề, tôi cần gặp Ủy Ban Nhân Dân xã. Tại sao các anh lại bắt khách của tôi", trong khi người trưởng công an xã vẫn tỏ ra rất bình tĩnh. Anh ta giải là vì Phạm Văn Trội còn ở trong tình trạng quản chế nên những người đến thăm Trội cần được kiểm tra. Phạm Văn Trội phản đối rằng không hề có điều luật nào như thế cả. Người trưởng công an xã khuyên Trội nên bình tĩnh, không nên bức xúc vì không có vấn đề gì cả. Cuộc cãi cọ kéo dài cho đến khi tất cả những người bị bắt được trả tự do, cặp vợ chồng Phạm Văn Trội và Huyền Trang mới chịu ra về. Trước khi về Trội còn hăm he : "Các anh sẽ không ngạc nhiên nếu tôi đưa vụ này ra cho thế giới biết".
Làm như thế giới chưa biết chính quyền cộng sản Việt Nam.
Nguyễn Văn Huy

Sau đây là lời thuật của Mai Xuân Dũng, gửi lên mạng lúc 22 giờ Hà Nội ngày 01/05/2013
“LÀM VIỆC” VỚI AN NINH A&PA & LOCAL...
Đúng ra không định viết về hơn ba giờ đồng hồ “làm việc” với an ninh Bộ (angel), thành phố (PA), huyện Thường tín và xã Chương dương (LOCAL) bởi chẳng có gì thú vị. Dĩ nhiên. Nhưng sẽ thật là vô ơn nếu không viết mấy lời cảm ơn và chia sẻ với bạn hữu đã thông tin trên mạng kịp thời & lo lắng cho mấy anh em bị các “đồng chí” an ninh “mời” về trụ sở đúng ngày Quốc tế Lao động.
Hy vọng mấy dòng này cũng “đến tai” các “đồng chí” ấy. (Chắc là thế).
Sáng hôm nay mấy anh em Mai Dzung, Pham Hong Son, Ngu Vu Quoc, và Hoàng Dũng Cdvn…đến chơi với thầy giáo Đỗ Việt Khoa rồi đi thăm hỏi gia đình cựu tù nhân lương tâm Phạm Văn Trội ở xã Chương Dương.
Bất ngờ là khi anh em đến nhà đã thấy anh Trội đang tiếp “khách lạ”. Chủ giới thiệu khách “hai bên” mới biết một anh là đội trưởng an ninh huyện Thường Tín (tên là Bê) và hai an ninh trẻ khác. Ngoài ra có một bạn (sau mới biết tên là Đệ, bạn ai không rõ) ngồi đó. Mọi người trò chuyện với nhau vui vẻ.
Có lẽ thấy ngồi đây có vẻ vô duyên (hoặc còn vì lý do nào đó) “đồng chí” trưởng an ninh huyện và hai “phụ tá” ra về.
Đã đến giờ cơm trưa, vợ chồng anh Trội mời mọi người ở lại dùng bữa và sai con mang khóa ra khóa cổng. Chừng hai mươi phút sau mọi người nghe thấy ồn ào bên ngoài. Ối giời, nhìn ra thấy lố nhố những là công sai ơi ới đòi vào nhà dù rằng chủ nhà đã ra có nhời “Giời đánh tránh miếng ăn, hẹn các anh ăn cơm xong sẽ tiếp”.
Để tránh phiền phức cho chủ nhà vì liên tục bị điện thoại và sông sai thì liên tục gọi vọng như hò đò nên anh em cố nuốt cho xong bữa, xin phép ra về.
Ra đến cổng, mọi người bị hơn một chục “đồng chí” với nhiều sắc phục bao vây “mời” rất quyết liệt về làm việc tại ủy ban xã Chương dương. Cuộc “đón rước” thật rầm. Mấy công sai mặc sắc phục màu đất thó tỏ ra khá căng thẳng và thô lỗ. (Chắc tỏ ra mẫn cán với “đồng chí” chỉ huy và nhằm mục đích gì thì ai cũng rõ rồi). He he.
Tới ủy ban, thấy đỗ rình rang trong sân ba cái xe hơi, một biển xanh 80B 4806 của bộ, hai biển xanh 31A của Thành phố và huyện Thường tín. (Chà chà, vinh rự, vinh rự…)
Ngoài sân là hơn hai mươi vị lố nhố rất nhiều ca lờ (colors). Chả mấy khi anh em được “trọng thị" cỡ đó.
Ban đầu 7 anh em ngồi cùng phòng. Tự tay “đồng chí” trưởng an ninh huyện pha trà Thái, “đồng chí Điệp” phó an ninh mời thuốc lá Vinataba. Hì,,,
Hết tuần trà lần lượt anh em bị mời đi làm “làm việc” riêng. Tôi “làm việc “ với anh an ninh trên bộ tên là Nam. Còn ba “đồng chí” an ninh khác ngồi đó ghi chép và chăm chú lục lọi gì đó trên inh tờ néc.
“Sếp” Nam có vẻ mặt dễ nhìn nhưng đôi mắt chăm chú, lạnh như rắn cạp nong. (Xin lỗi “đồng chí” Nam nhé, chả biết dùng từ gì chuẩn hơn thế).
Phải nói là Nam vào chuyện khá trơn. (Nghĩ bụng, tay này mà tán gái chắc cũng vào hàng “ráo xư” chứ chẳng chơi).
Dù rất khó chịu vì bị “mời làm việc” quá tùy tiện nhưng nghĩ rằng các “đồng chí” ấy chẳng qua cũng là cái đinh ốc trong cỗ máy chính quyền thôi nên cũng chấp nhận trả lời nếu thấy hợp lý. (Tỷ dụ như về nhà cửa, quê quán, công việc chẳng hạn). Nếu thấy các“đồng chí” đặt ra nhiều câu hỏi lượn lách, đánh võng theo giáo trình an ninh mà thấy không hợp lý (Đời tư, các liên kết gì đó nếu có) thì từ chối thẳng luôn vì các bạn vẫn là công dân tự do. Nói chung các bạn trẻ chưa bao giờ phải “làm việc” với an ninh nên cố gắng thả lỏng, thư thái, suy nghĩ kỹ từng câu trả lời. Chả đi đâu mà vội.
“Đồng chí” Nam yêu cầu ghi cho mấy thông tin về bản thân (nhân thân, quá trình công tác). Cái này ok thôi. (Dù biết rằng họ chả lạ gì mà cũng chẳng cần căng thẳng lý luận với nhau).
Trong khi Nam “hỏi chiện” thì một “đồng chí” an ninh khác ngồi gõ phành phạch lên bàn phím máy vi tính rồi “Á à, ông Dũng này có đầy trên mạng đây, tuần hành biểu tình suốt đây mà”. He he.
Trong khi Nam hỏi, “đồng chí” Bê trưởng an ninh huyện thảo biên bản xong đưa bảo “anh xem rồi ký vào đây”. Mềnh giả nhời “tôi thấy không cần thiết phải đọc”. Và dĩ nhiên chả ký tá gì cả vì các anh mời tôi vào nói chuyện thì ta chỉ nói chiện, phải phạm pháp gì đâu, nếu có phạm pháp thì chỉ là mấy anh đã “quyết liệt mời” chúng tôi vào đây vô lý mà thôi.
Nam ra ngoài để lại ba “đồng chí” ngồi canh chừng. Sau lại có thêm Ngu Vu Quoc hình như xong “việc” sang đây. Hai anh em ngồi tám chuyện mùa màng với Trưởng công an xã tên Cường một lúc thì anh Sơn cũng ra. Họ cho hay đã xong việc rồi (Chắc lãnh đạo bộ đến giờ đi tiếp khách chăng?) và bảo chúng tôi về.
Dù bị đẩy ra cổng, anh em nhất định chờ nhau, “điểm danh” đủ mạng mới chịu ra ngoài.
(Những chi tiết về “chiến thuật” của các “đồng chí” an ninh thì nhiều, có lẽ nên để dịp khác đề cập tới).
Điều muốn nói là anh em rất cảm động trong lúc phải “làm việc” với an ninh, luôn nhận được điện thoại thăm hỏi của bạn hữu. Chân thành cảm ơn tấm lòng quý báu chân tình của các bạn. Chúng ta tự hào là những người tử tế trong một xã hội hiện nay mà sự tử tế là quá xa xỉ. Nhưng tôi tin sự tử tế dù có thể gặp nhiều cam go và chưa chắc đã đến gần nhưng tương lai về một xã hội công bằng chắc chắn sẽ phải tới.
Mai Xuân Dũng

Nguồn Thông Luận

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"