Đã từ lâu, cứ đến ngày 30/4 là báo chí và các phương tiện truyền
thông lại đề cập đến vấn đề đoàn kết, hòa hợp dân tộc. Đặc biệt năm nay
có bài phỏng vấn Thứ trưởng Ngoại giao và Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về
người VN ở nước ngoài Nguyễn Thanh Sơn được đăng trên báo Thanh Niên số
ra ngày 30/4/2013. Sau khi đọc thì tôi có những quan sát và nhận định
sau đây xin cùng chia sẻ với các bạn.
1. Ông Sơn có nhắc lại vụ đi thăm Nghĩa trang Biên Hòa, nơi an táng
các quân nhân miền Nam đã hy sinh trước năm 1975. Theo ông thì việc này
cho thấy “sự đoàn kết, hòa hợp với kiều bào ở nước ngoài, đặc biệt là
gia đình thân nhân những người đã tham gia quân đội VNCH”.
2. Ông Sơn đã tiếp xúc với nhiều người bên Mỹ trong đó có những người
có “thâm niên chống cộng hàng chục năm”. Và ông Sơn kết luận “Chúng ta
phải tiếp tục xây dựng lòng tin. Muốn người ta tin mình mình phải làm
cái gì để người ta tin mình. Cần hiểu là nhiều người vẫn mang tư tưởng
hận thù của những người thua trận. Nhưng mà trên thực tế cuộc chiến
tranh đã qua mang lại cho đất nước nhiều mất mát đau thương. Binh lính
chế độ cũ họ cũng là con em cùng dân tộc bị đẩy vào đạn bom phi nghĩa”.
* * *
Trước tiên về vụ Nghĩa Trang Biên Hòa. Chúng ta có nên hãnh diện khi
phải đợi đến năm 2007 nghĩa là 32 năm sau chiến tranh mới có thể dân sự
hóa nghĩa trang này. Với bề dầy văn hóa hơn 4000 năm, chúng ta nghĩ sao
khi những nước như Pháp, Mỹ họ đã làm điều ấy ngay khi tiếng súng vừa
ngưng? Tại Pháp, chính phủ đã cho thu gom xác quân nhân Đức tại vùng đổ
bộ Normandie vào chung một nơi tại La Cambe. Nghĩa trang này uy nghi,
tôn nghiêm mà lại mang phong thái Đức (mà chúng ta đừng quên là chính
phát xít Đức đã xâm lăng nước Pháp). Tại Mỹ, một nước “vô văn hóa” khác,
ngay sau ngày ký văn kiện đầu hàng, chẳng hề có tập trung cải tạo, các
binh sĩ miền Nam (phe thua trận) được cấp phát tiền bạc để trở về đời
sống bình thường, thậm chí người đứng đầu phe miền Nam là tướng Lee còn
được tôn vinh như một người hùng. Để thực thi “Công cuộc Tái thiết”
nhanh chóng và dễ dàng, Phó Tổng thống Andrew Johnson, một người miền
Nam đã ra lệnh ân xá và khôi phục các quyền chính trị của nhiều người
miền Nam.
Ở VN, việc đoàn kết, hòa giải đã được nêu ra từ lâu với khẩu hiệu
“kiều bào là cánh tay nối dài của dân tộc”, và đặc biệt là sự ra đời của
nghị quyết 36/NQ-TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị nhưng đến nay mọi
chuyện vẫn y như cũ. Chuyện Nghĩa trang Biên Hòa với những từ ngữ tương
đối nhẹ nhàng của bài phỏng vấn trên chắc lại có một dụng ý nào đây!
Nhân nói đến chuyện từ ngữ, tôi vô cùng kinh ngạc với câu “Binh lính
chế độ cũ họ cũng là con em cùng dân tộc bị đẩy vào đạn bom phi nghĩa”. Ở
đây chúng ta không mất giờ để bàn xem “ai phi nghĩa?” Nhưng tôi nghĩ
ông Sơn đang ra sức vận động cho chính sách hòa giải thì nên tránh những
từ mạ lỵ này, nó xóa hết tất cả những thiện ý của ông (nếu có).
* * *
Nhưng cái quan trọng nhất trong bài phỏng vấn ông Sơn là Nhà Nước
muốn cho người đọc nhất là người đọc trong nước thấy được rằng chỉ có
một số người ở hải ngoại vẫn còn giữ những tư tưởng sai lệch, dẫn đến
những hành động chống phá đất nước. Điều này dẫn đến suy nghĩ là toàn
thể dân chúng trong nước (đại đa số) đều nhất trí với đàng và Nhà Nước.
Trong thời gian gần đây, một điều không ai có thể chối cãi được là sự
hình thành và phát triển những cá nhân, những nhóm riêng lẻ đã can đảm
đứng dậy nói lên tiếng nói của mình và của người dân đang bị đàn áp. Tất
cả, xin nhấn mạnh tất cả, họ đều chủ trương đấu tranh một cách ôn hòa,
bằng ngòi bút, bằng tư tưởng, và sẵn sàng chấp nhận những hình phạt, tù
tội một cách phi lý chỉ với mục tiêu là dân chủ hóa đất nước.
Họ là những lãnh tụ tôn giáo, các luật sư, bác sĩ, nhà giáo, phóng
viên, thương gia, nhạc sĩ, kỹ sư… thậm chí trong đó còn có các sinh viên
tuổi đời còn rất trẻ. Những người này chưa hề biết cầm súng, đặt bom.
Chỉ biết dùng ngòi bút, tư tưởng, trí tuệ và nỗ lực của mình để xây dựng
một nước Việt Nam tự do, trong đó quyền con người được thực thi một
cách nghiêm túc như trong bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền mà chính Nhà
Nước Việt Nam vào năm 1997 đã long trọng cam kết tuân thủ.
Những người này chỉ là một thiểu số can đảm đàm vượt qua hiểm nguy để
nói lên tiếng nói thay cho biết bao người khác. Chúng ta thấy trong 3
kiến nghị liên quan đến vấn đề sửa đổi Hiến Pháp, mỗi bản thu được xấp
xỉ 20 ngàn chữ ký, đó là chưa kể đến các cuộc thăm dò ý kiến, các kiến
nghị đòi thả tự do cho những người bị tù vì đấu tranh. Điều đó có nghĩa
là nếu được công bố công khai và rộng rãi, cũng như được tự do phổ biến
trên các phương tiện truyền thông, con số này dễ dàng vưọt qua hàng trăm
ngàn và thậm chí còn nhiều hơn nữa.
Rõ ràng là bây giờ trọng tâm của những nỗ lực đấu tranh đang ở trong nước chứ không phải ở hải ngoại.
Vậy cho nên nếu thực sự nhà nước muốn thực thi chính sách hòa giải
một cách nghiêm túc thì chẳng cần phải lội tuốt sang Mỹ, chẳng cần phải
“mạo hiểm với sinh mệnh chính trị của mình”, cũng chẳng cần phải đến gặp
các nhân vật hải ngoại “có thâm niên chống cộng hàng chục năm”. Tất cả
chìa khóa của vấn đề đất nước đang nằm trong nước.
Tôi nghĩ nếu thực tâm, ngay bây giờ Nhà Nước có thể làm những việc sau:
- Trả tự do cho những người bị bắt giam về những tội danh chính trị,
cụ thể là điều 79 và 88 của Bộ Luật Hình Sự, đồng thời mở ra những cuộc
đối thoại xây dựng với những tù nhân này.
- Chấm dứt tình trạng trù dập những người đang đấu tranh với mục đích
thay đổi đất nưóc, dân chủ hóa chế độ và chỉ bằng những phương tiện ôn
hòa, bất bạo động.
- Đặc biệt trong giai đoạn sửa đổi Hiến Pháp, hãy nghiêm túc tiếp thu
những đóng góp khác với bản Dự thảo của Nhà Nước, cụ thể là Bản Dự thào
do 72 nhân sĩ đã khởi xưóng, và Bàn Lên Tiếng của Hội Đồng Giám Mục
Việt Nam. Tôn trọng quyền tự do chính trị, tự do ngôn luận bằng cách
dành cho những tổ chức này quyền phát biểu, quyền vận động, quyền tranh
luận trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Phạm Minh Hoàng