Ngô Nhân Dụng
Kinh nghiệm đổi mới kinh tế ở các nước cộng sản cho
thấy việc cải tổ chậm chạp, đổi mới nửa vời thay vì thay đổi toàn diện,
đã tạo thêm nhiều cơ hội cho các cán bộ cao cấp kiếm lời nhờ “thu tô.”
Trong kinh tế học, thu tô (rent-seeking) là những hành động kiếm lời mà
không cung cấp một dịch vụ hay sản xuất một hàng hóa có ích lợi nào cho
nền kinh tế. Buôn quan bán chức, làm dụng quyền thế ăn hối lộ đều là
“thu tô,” nhưng còn nhiều loại thu tô khác nữa.
Trong bài trước, mục này đã nêu lên vài hành động thu tô như lạm dụng
các độc quyền mua bán nhờ hệ thống cung cấp giấy phép; vay nợ ngân hàng
nhà nước với lãi suất quá thấp so với thị trường; lợi dụng hệ thống hai
thứ giá cả trong lúc tranh tối, tranh sáng. Các đại gia đỏ thu tô nổi
tiếng nhất phần lớn là ở các nước thuộc Liên Xô cũ, nhất là tại Nga,
Ukraine, và Kyrgyz vùng Trung Á. Các nước bị tư bản đỏ lộng hành cũng là
những nước mà tiến trình cải tổ kinh tế cũng như chính trị chậm nhất.
Ngược lại, các quốc gia vùng Baltic cũng thuộc Liên xô cũ như Estonia,
Latva, Lithuania, và các nước Trung Âu như Ba Lan, Tiệp, đều thay đổi
nhanh chóng cả kinh tế lẫn chính trị thì họ vừa thoát nạn tư bản đỏ
hoành hành, mà kinh tế sau đó lại phát triển vững vàng hơn. Trong một
bài sau sẽ trình bày vụ ăn cướp lịch sử tạo nên các đại gia đỏ ở Nga
trong chương trình tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước.
Nguồn gốc các đại gia đỏ làm giầu nhờ thu tô do đâu mà ra? Các cuộc
nghiên cứu trong 20 năm đổi mới ở 27 nước cựu cộng sản cho thấy các đại
gia đỏ phát sinh từ bốn thành phần chính.
Thứ nhất là giai cấp nắm quyền lực cao nhất trong thời cộng sản thì
dễ dàng tự biến thành tư bản đỏ sau khi chế độ cộng sản đổ. Giai cấp này
thường được gọi tên là Nomeklatura. Tại các nước Trung Á thuộc Liên Xô
cũ, thân nhân và tay chân của các ông tổng thống Nazarbayev (Kazakhstan)
hoặc Alyiev (Azerbaijan) đã trở thành chủ tịch, tổng giám đốc các công
ty lớn nhất nước. TạiUkraine, có những đại gia là người cộng tác làm ăn
với Tổng Thống Kuchna. Một lãnh tụ cộng sản địa phương như Lazarenko,
từng làm thủ tướng, đã biến thành một đại gia kiểm soát ngành năng lượng
(ông này sau trốn sang Mỹ, bị bắt về tội rửa tiền). Tại Nga, các lãnh
tụ hàng đầu của đảng cộng sản không có thời giờ đủ để tự biến thành đại
gia đỏ, nhường phần đó cho thế hệ con em, nằm trong Ðoàn Thanh niên Cộng
sản. Bù lại, giới lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước ở Nga lại đóng vai
trò quan trọng nhất trong chương trình tư nhân hóa các doanh nghiệp mà
họ là quản đốc, để chuyển tài sản công thành của cải riêng.
Thành phần thứ hai của các đại gia đỏ chính là đám cán bộ cao cấp
hạng nhì, nằm trong bộ máy chính quyền cộng sản. Thí dụ rõ nhất là
Vladimir Olegovitch Potanin, người chỉ đứng đầu một vụ trong Bộ Ngoại
Thương. Bố mẹ Potanin đã giữ các chức vụ quan trọng trong chế độ, cho
nên ông ta mới theo chân bố vào ngồi cái ghế tốt Soyuzpromexport đó. Khi
gió vừa đổi chiều, Potanin đã đổi hướng ngay, năm 1991 bỏ nghề công
chức ra lập công ty Interros tư doanh; thành lập ngân hàng xuất nhập
cảng ONEXIM năm 1993, rồi sử dụng mạng lưới quen biết cũ trong chính
quyền để kiểm soát tất cả tài sản và hệ thống thân chủ của Ngân hàng
Comecom bị giải tán. Năm 2004 Interros được Ngân Hàng Thế Giới xếp hàng
thứ năm trong số các đại công ty ở Nga; cũng làm chủ 30% công ty khoáng
sản vĩ đại Norilsk Nickel. Sự nghiệp của Potanin cứ thế tiến mãi, cho
tới thời Putin vẫn còn nguyên địa vị mặc dù nhiều đại gia đỏ cùng thời
đã bị bắt bỏ tù hay đày biệt xứ.
Một đại gia đỏ Nga khác là Vagit Alikperov, năm 1990 đang làm thứ
trưởng Bộ Dầu Khí Liên Xô trước khi sụp đổ. Rời khỏi chính quyền,
Alikperov cùng với các bạn đồng sở cũ lập công ty dầu khí LUKoil, rồi
“giải tư,” bán hết phần sở hữu của chính phủ cho các đại gia. Hiện nay
LUKoil là công ty dầu khí đứng hàng thứ sáu trên thế giới, mà dự trữ
dưới đất lớn chỉ thua công ty Mỹ Exxon. LUKoil là công ty Nga đầu tiên
đã mua một công ty dầu khí Mỹ, Getty, cùng với 1,300 cây xăng ở nước Mỹ.
Một thành phần khác của các đại gia đỏ là đoàn viên Ðoàn Thanh niên
Cộng sản tại Nga (Komsomol). Dưới chế độ cộng sản, các lãnh tụ lo cho
con cháu vào học các trường lớn nhất rồi dùng Komsomol làm nơi nuôi
dưỡng, bao bọc cho chúng chiếm các địa vị lãnh đạo. Mikhail Borisovitch
Khodorkovsky là một phó thư ký đoàn tại Moskva, đã cùng các đoàn viên
khác dùng một số tiền trong quỹ hoạt động thương mại, sau đó liên kết
với một ngân hàng nhà nước lập ra ngân hàng MENATEP. Khodorkovsky là
người đã bày mưu đưa ra chương trình các doanh nghiệp nhà nước “trả nợ
bằng cổ phần” (loans for shares). Theo kế này, lúc đầu thì ngân hàng của
các đại gia đỏ cho các xí nghiệp vay tiền, sau họ biến nợ thành cổ
phần, chiếm đa số các cổ phần, rồi làm chủ các doanh nghiệp nhà nước.
Nhờ kế đó, Khodorkovsky trở thành ông chủ của công ty năng lượng lớn
nhất Nga Yukos, trong một vụ tư nhân hóa nhơ bẩn vì nhiều người bị giết,
trong đó có thị trưởng thị xã Nefteyugansk, nơi có nhiều mỏ của Yukos.
Nhầm lẫn của Khodorkovsky là đã bỏ tiền chống lại Putin trong cuộc bầu
cử năm 2000, đến năm 2003, bị Putin bắt bỏ tù, nay còn đang thụ án.
Một đoàn viên Ðoàn Thanh niên Cộng sản nổi tiếng nữa là Vladimir
Gusinsky, từng phụ trách tổ chức các dạ hội âm nhạc cho Komsomol.
Gusinsky đã tổ chức một ngân hàng MOST rồi lập đài truyền hình tư nhân
đầu tiên ở Nga. Dùng báo đài chống Putin, năm 2000 Gusinsky bị bắt, rồi
trốn sang Tây Ban Nha lúc được tạm tha.
Oleg Deripaska cũng là một đoàn viên Konsomol, lúc đi học còn nghèo
khó đến nỗi có ngày chỉ lo kiếm đủ thức ăn. Bỏ học, đi làm nghề buôn sắt
vụn, vậy mà tới năm 1994, mới 27 tuổi, Deripaska đã làm chủ 20% cổ phần
của một công ty nhôm lớn. Ðến năm 2008, tạp chí Forbes liệt ông vào
bảng các người giầu nhất thế giới, với tài sản gần 28 tỷ đô la, đến năm
2011 chỉ còn 17 tỷ đô la Mỹ! Deripaska hiện nay vẫn còn địa vị nhờ đã
ủng hộ Putin. Có lần Deripaska đi theo Putin tới làng Pikalyevo, nơi các
công nhân đang đình công đòi trả lương đầy đủ; trong một công ty do
Deripaska làm chủ. Trước ống kính truyền hình, Putin sai người gọi
Deripaska tới; bắt ký một tờ giấy cam kết giải quyết lương bổng cho công
nhân; Deripaska ngoan ngoãn ký tên. Rồi Putin còn làm nhục nhà tỉ phú
hơn nữa, bảo Deripaska phải trả lại cho mình cái bút mới dùng.
Thành phần thứ ba trong số các đại gia đỏ là những người ngoài đảng
cộng sản nhưng liên kết làm ăn với các quan chức. Boris Abramovitch
Berezovsky thuộc loại này, đã trở thành một đại gia nhờ chiếm được các
công ty dầu lửa và công nghiệp, quản lý công ty hàng không Aeroflot và
đưa công ty này đến gần phá sản. Ðến thời Putin, Berezovsky mất địa vị
phải trốn sang sống ở nước Anh, và chết vào năm ngoái.
Với các đại gia đỏ chiếm của công làm của riêng, năm 2004 nước Nga có
36 nhà tỷ phú đô la Mỹ trong số gần 700 người khắp thế giới, mặc dù nền
kinh tế chỉ lớn bằng 2% kinh tế thế giới. Trong khi đó các nước cùng
một tổng sản lượng nội địa bằng Nga như Canada chỉ có 16 người, Hòa Lan
có bốn người.
Tại sao nước Nga sản xuất ra nhiều đại gia đỏ như vậy? Bởi vì trong
quá khứ, dưới chế độ cộng sản, quyền lực ở Nga được tập trung mạnh nhất
so với các nước cộng sản khác ở Châu Âu. Khi chế độ cộng sản sụp đổ,
chính quyền mới nằm trong tay Yeltsin, một cựu ủy viên Bộ Chính Trị, và
chính ông này không có chút kinh nghiệm nào về kinh tế thị trường cũng
như sinh hoạt trong thể chế dân chủ. Sau khi chế độ sụp đổ năm 1991,
quyền hành ở Nga vẫn còn nằm trong một Xô Viết Tối Cao thoát xác, dưới
danh nghĩa Quốc hội. Cả Quốc hội này đã được bầu lên trong thời gian còn
chế độ cộng sản, và họ bảo vệ quyền lợi của giai cấp thống trị cũ.
Yeltsin đã thỏa hiệp với nhóm thống trị này khi thi hành việc cải tổ
kinh tế, tạo cơ hội cho họ lũng đoạn! Ðây là một bài học cho những nước
chuyển hình từ độc tài sang dân chủ.