Thứ Tư, 22 tháng 5, 2013

Dân chủ và cái giá phải trả

T.N.T.
John C. Maxwell trong cuốn Phát triển kỹ năng lãnh đạo có viết: “Có hai con đường dành cho mọi người. Đó là, họ có thể hưởng thụ trước và trả giá sau, hoặc trả giá trước và hưởng thụ sau. Bất kể lựa chọn của bạn là gì, điều chắc chắn là, cuộc sống bao giờ cũng đòi hỏi bạn phải trả giá... Người bạn của tôi, Bill Klassen, thường nhắc nhở tôi rằng: ‘Cái giá phải trả sau bao giờ cũng đắt.’” (Chương 9, mục “Hôm nay làm, ngày mai có kết quả”)
Từ lịch sử đấu tranh cho dân chủ trên thế giới… đến việc thực thi ‘dân chủ’ tại Việt Nam
Nhìn lại lịch sử đấu tranh dân chủ của khối XHCN của các nước Đông Âu và Liên Xô trước kia (Xem thêm: Đừng xuyên tạc lịch sử để đưa những điều sai trái vào Dự thảo Hiến pháp sửa đổi, của tác giả Nguyễn Trung, trang Bauxite Việt nam, 17/05/2013) [1], hay làn sóng Mùa xuân Ả rập tại các quốc gia Ả rập gần đây cho thấy... máu của nhân dân đã phải đổ xuống trong nhiều năm để có được một chính thể tự do dân chủ! Họ đã phải và sẵn sàng trả ‘giá đắt’ cho tương lai tươi sáng cho đất nước họ. Nhà văn Nguyên Ngọc đã nhận diện đúng vấn đề: Dân chủ không phải cái đem cho!

Tại Việt Nam, những tiếng nói đấu tranh cho tự do dân chủ đã từng lên tiếng ngay trong lòng XHCN tại miền Bắc những năm 1970s, tại miền Nam với phong trào phản chiến của học sinh-sinh viên, và những năm gần đây tiếng nói dân chủ cất lên ngày một mạnh mẽ từ mọi thành phần, không kể tuổi tác, địa vị… trong nước cũng như ngoài nước, của những người Việt Nam có lương tri và của cả những người nước ngoài yêu mến hoặc quan tâm đến tình hình dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam (Xem thêm: Bất đồng là biểu hiện của lòng yêu nước, của Bùi Văn Phú, BBC Vietnamese đăng ngày 10/05/2013) [2].
Cho dù, đa phần những người tham gia đấu tranh nếu không bị chính quyền làm khó dễ, thì cũng bị ngăn chặn, cô lập hoặc bắt bớ, bỏ tù… nhưng vô tình, bởi tìm mọi cách để dập tắt, họ đã làm bùng lên ‘ngọn lửa’ đấu tranh cho dân chủ trong lòng người dân lâu nay vẫn đang cháy âm ỉ. Bằng chứng là, đã có hàng loạt bài viết của những tác giả ‘mới toanh’ tràn ngập trên các trang mạng ‘lề trái’ khi vụ án hai em học sinh Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha vừa mới khép lại, với bản án 6 & 8 năm tù cho Uyên & Kha vì ‘cái tội’ rải tờ rơi chống Đảng, chống Trung Quốc (bản cáo trạng tuyên án với tội danh ‘tuyên truyền chống Nhà nước XHCN VN’ (?)). Điều kỳ lạ ở đây là, cũng một dạng những khuyết tật của ‘một bộ phận không nhỏ đảng viên suy thoái về đạo đức chính trị’ nếu nói qua miệng của đồng chí TBT thì là ‘phê & tự phê’, còn nếu nhân dân nói ra thì lại là lời của ‘thế lực thù địch’(?). Bỏ qua phương thức đấu tranh theo cách ‘học trò’ của hai em, chính tấm lòng trong trắng, sự can đảm và khí phách của các em đã đánh thức nhiều tâm hồn ‘đóng băng’ hoặc ‘bàng quan’ với thế sự của những người có lương tri trong nước. Điều này chứng tỏ, làn sóng dân chủ đang bắt đầu cuộn chảy nhanh hơn và mạnh hơn…
Vì sao?
Hiện tình trì trệ, xuống cấp của đất nước, xã hội Việt Nam những năm qua, với những ai đi nhiều, thấy nhiều và nghe nhiều… thì không thể thờ ơ, vô cảm mãi được. Hơn 38 năm qua, sau ngày đất nước thống nhất, nhân dân Việt Nam đã không ‘vô ơn’ mà kiên nhẫn ‘chịu sự lãnh đạo/dẫn dắt của Đảng’ dưới ‘ngọn cờ tiên phong’ của CNXH đi đến… bờ vực suy thoái, không những về kinh kế mà cả về môi trường, con người, lẫn đạo đức xã hội. Nhưng, có vẻ như Đảng đã ‘vô nghĩa’ khi vẫn kiên trì bám trụ vai trò lãnh đạo và CNXH, cái mà – dù không nói ra nhưng ai cũng hiểu – phần lớn chỉ mang lại lợi ích cho một ‘nhóm thiểu số’ nào đó, theo như lời khẳng định trong bài phát biểu của TBT Nguyễn Phú Trọng, đọc trước hội nghị BCH TƯ Đảng ngày 02/5/2013 tại Hà Nội:
“Nhà nước ta, tiếp tục khẳng định Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nòng cốt là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa…” [3]
Qua nhiều kiến nghị, góp ý xác đáng của nhân dân, trong và ngoài nước, với bản Dự thảo Hiến pháp 2012 cho thấy đâu là con đường sáng đúng đắn phải đi, đâu là thể chế chính trị dân chủ, văn minh và tiến bộ mà nhân dân mong muốn, để có được trọn vẹn “độc lập – tự do – hạnh phúc” sau vài chục năm chiến tranh triền miên. Một kịch bản cuối cùng cho bản Hiến pháp 2012 sẽ được Quốc hội thông qua vào cuối năm chắc chắn sẽ không nằm ngoài những ‘ý kiến chỉ đạo’ nêu trên! (Với trên 90% đại biểu Quốc hội là Đảng viên thì ai cũng dễ dàng hình dung được cái ‘hình hài’ của kịch bản trên: một cây bon-sai Việt nam đã qua uốn nắn, tỉa gọt cho vừa mắt, trong cái chậu kiểng XHCN, và được gắn mác ĐCS VN).
Có ý kiến cho rằng, “bỏ Điều 4 (trong bản Dự thảo Hiến pháp 1992) là tự sát”. Tôi thì cho là ngược lại. Chẳng có một đảng cầm quyền ‘xứng tầm’ nào lại đi hiến định quyền lãnh đạo của mình trong Hiến pháp. Và một đảng khi cố tìm cách làm điều đó, nghĩa là họ cho thấy mình đang yếu hoặc kém năng lực lãnh đạo.
Thực tiễn phát triển của các nước XHCN trên thế giới đã cho thấy cái mô hình trên đi ngược lại với xu thế phát triển của thế giới văn minh, tiến bộ. Bởi vì nó đã, đang và sẽ lặp lại sai lầm cố hữu của CNTB (kiểu cũ): duy trì một nhà nước độc tài, một thể chế toàn trị lạc hậu, phi dân chủ.
Trong thế kỷ 21 này, khi mà xu thế hội nhập và toàn cầu hóa ngày càng mở rộng và có sự ràng buộc lẫn nhau giữa các nước, xã hội văn minh tiến bộ ngày nay cho thấy vai trò lãnh đạo của đảng cầm quyền không thể có được do tiếm quyền, càng không phải do duy trì chế độ độc tài, toàn trị mà do sự thuyết phục và chứng tỏ được năng lực quản trị đất nước của nó, phù hợp với lợi ích của đa số nhân dân. Với một thể chế dân chủ, ĐCS muốn tiếp tục lãnh đạo nhân dân Việt Nam? Không thành vấn đề, miễn là họ vận động được nhân dân tin tưởng bỏ phiếu thông qua tranh cử và chứng tỏ được năng lực của họ bằng thành quả đạt được trong nhiệm kỳ trước đó.
Tôi không nghi ngờ về sự cầu thị và lòng nhiệt thành của TBT trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, “tiếp tục đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính trị...” như trong lời phát biểu bế mạc hội nghị trên[4]. Nhưng tôi e rằng, bản thân cái thể chế toàn trị không đủ uy lực cũng như thiết chế đủ mạnh để làm thay đổi về ‘chất’ bộ máy quản lý cồng kềnh và quan liêu, bao cấp đan xen nhiều ‘lợi ích nhóm’ đã định hình trong nhiều năm qua. Bởi vì, vấn đề nhận diện và giải pháp đề xuất nêu trong báo cáo bế mạc hội nghị giống như phần nổi của một tảng băng trôi: cái chúng ta nhìn thấy chỉ là một phần rất nhỏ nổi trên mặt nước, còn phần chìm (lợi ích nhóm, tư duy ‘nhiệm kỳ’, chủ nghĩa ‘thân hữu’...) thì lớn hơn nhiều, có thể mang đến những thảm họa giống như con tàu Titanic năm 1912. Thực tế là, ngay trong kỳ đại hội, cái ‘mong muốn và đề xuất’ nhân sự mới của TBT cũng không đạt được như ý định ban đầu. Thử hỏi, với một số đông đối tượng đảng viên, xa hơn nữa là nhân dân, thì liệu BCH TƯ có kiểm soát được không? Cho dù Đảng có ‘dân vận’ khéo đến thế nào nhưng một khi người dân không được ‘làm chủ’ thực sự thì sẽ dẫn đến tình trạng: dân không muốn đẩy thì con tàu chỉ đứng im hoặc trôi xuôi dòng. Tâm lý chung là không ai muốn nỗ lực làm việc để cho số ít người khác hưởng.
Đổi mới thể chế chính trị sẽ giải quyết cốt lõi các vấn đề nêu trên, tất nhiên là theo từng bước ưu tiên. Bởi vì, một thể chế dân chủ sẽ đạt được sự đồng thuận tối đa của nhân dân, huy động được mọi nguồn lực trong nước và cả ngoài nước. Khi đó, đảng cầm quyền (hoặc ĐCS hay một liên minh, hoặc một đảng phái nào đó) sẽ buộc phải ‘tự đổi mới’ từng ngày, nếu không muốn bị thay thế. (Không ai muốn ‘mua dây tự buộc mình’ trừ phi họ ‘buộc phải thay đổi để tồn tại’). Lúc này, người dân – với vai trò ‘làm chủ’ thực sự – sẽ cùng tham gia giám sát những hoạt động của các cơ quan công quyền, vì điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chính lợi ích thiết thực hàng ngày của họ. Một chính quyền mạnh sẽ chỉ chú ý và nỗ lực phát huy ‘thế mạnh’ của nó. Ngược lại, một chính quyền yếu sẽ chỉ lo cố thủ và tìm cách khắc phục những ‘điểm yếu’ của nó. Kết quả như thế nào thì lịch sử phát triển của các nước dân chủ trên thế giới đã cho thấy rõ: Đất nước nào phát huy được sức mạnh nội lực và sức mạnh tổng hợp của đại đa số nhân dân sẽ luôn đi trước và dẫn đầu.
Khi Đảng/Nhà nước và nhân dân nhìn về… hai phía!
Điều này thường xảy ra với những nhà nước độc tài, chuyên chế. Chắc chắn mỗi bên sẽ cố gắng tìm mọi cách để bảo vệ lợi ích ‘chính đáng’ của mình (suốt chiều dài lịch sử nhân loại cho thấy, thường thì ‘chính nghĩa’ luôn thuộc về người bảo vệ lợi ích cho số đông – nhân dân, và kẻ mạnh chưa chắc sẽ là người chiến thắng cuối cùng). Cũng có một vài ngoại lệ với những nhà nước độc đảng được lãnh đạo bởi một ‘minh quân’ trong các thời kỳ cần phải tái thiết hoặc chấn hưng đất nước, nhưng với các trường hợp này xác suất thành công thường thấp và giai đoạn phát triển ít khi kéo dài.
Với câu hỏi lớn nhất mà chính trị Việt Nam đang phải đối diện những lời kêu gọi đòi phải dân chủ hóa, hãng tư vấn Business Monitor International (BMI) đã đưa ra ba kịch bản cho khả năng thay đổi chính trị Việt Nam trong thời gian tới, gồm tình huống cơ bản, tình huống tốt nhất, và tình huống xấu nhất.
(1) Chế độ kỹ trị. Theo kịch bản này, Đảng Cộng sản VN biến chuyển thành một chế độ kỹ trị, theo đó BMI dự đoán Đảng sẽ chuyển hướng để Chính phủ nhắm vào việc duy trì mức tăng trưởng kinh tế cao và đảm bảo phân phối của cải một cách tương đối hợp lý cho toàn bộ dân chúng.
(2) Từng bước tự do hóa chính trị. Theo BMI, đây sẽ là tình huống tốt nhất, với việc ĐCS áp dụng những chuyển biến nêu trong kịch bản một, đồng thời kết hợp với việc dần dần tiến tới tự do hóa chính trị. Việt Nam sẽ đi từ hệ thống độc đảng sang hệ thống một đảng nắm quyền chi phối trong các kỳ bầu cử.
(3) Bạo loạn và đàn áp bạo lực. Là khả năng xấu nhất trong ba kịch bản. Tình hình tồi tệ về kinh tế sẽ thúc đẩy mạnh việc thay đổi thể chế, nhưng BMI đánh giá rằng trước các cuộc biểu tình rộng khắp trên đường phố và sự thách thức toàn diện về cơ chế độc đảng lãnh đạo, một bộ phận trong Đảng sẽ ủng hộ việc dùng các lực lượng an ninh đàn áp người biểu tình để tiếp tục níu giữ quyền lực. Nếu tình huống này xảy ra, Việt Nam nhiều khả năng sẽ phải đương đầu với không chỉ tình trạng bị cô lập về mặt ngoại giao mà còn bị suy yếu kinh tế do ảnh hưởng tới việc xuất khẩu và đầu tư trực tiếp của nước ngoài, BMI đánh giá (Ba kịch bản chính trị Việt Nam, BBC Vietnamese, 11/03.2013) [5]
Với tình hình thực tế tại Việt Nam hiện nay, tôi nghiêng về tình huống 3+2 là nhân dân sẽ tiếp tục đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền một cách ôn hòa nhưng kiên trì, cho đến khi đạt được một bản Hiến pháp mới dân chủ, tự do hóa chính trị, trong đó khẳng định nhân dân là nguồn gốc của quyền lực, trực tiếp lựa chọn đảng lãnh đạo thông qua bầu cử tự do.
Rồi sẽ có thêm nhiều cuộc biểu tình, bãi công, dã ngoại nhân quyền... rộng khắp trên cả nước, với nhiều thành phần tham gia. Một vài tiếng nói dân chủ thì lạc lõng nhưng hàng trăm, hàng ngàn tiếng nói cất lên cùng lúc thì sẽ tạo ra một âm thanh cuồng nộ. Ý thức trách nhiệm trước vận mệnh tương lai của chính mỗi người, của đất nước, sự căm phẫn trước những hành động xâm lấn từng bước chủ quyền biển đảo Việt Nam của Trung Quốc sẽ kết nối mọi người lại với nhau. Sự năng động, mạnh mẽ và quyết đoán của một bộ phận giới trẻ Việt Nam ngày nay đã thổi một luồng sinh khí mới – đúng hơn là đã đánh thức, một xã hội có xu thế tâm lý an phận, cam chịu, và e sợ của nhiều người. Các em hiểu rằng nếu sợ hãi, không những ảnh hưởng đến tương lai của chính các em mà nỗi sợ này sẽ tiếp tục truyền sang đời con cháu các em. Các em đã, đang và sẽ sẵn sàng ‘trả giá’ cho một tương lai tươi sáng hơn, vì một Việt Nam tự do, dân chủ và phồn vinh.
Vô cùng cảm phục giới trẻ Việt Nam – chủ nhân tương lai của Việt Nam! Các em đang tiếp nối truyền thống yêu nước, đấu tranh buất khuất của cha ông. Hãy tin rằng ‘cái giá’ các em phải trả hôm nay sẽ đem lại quả ngọt cho ngày mai. Nhất định là như vậy!
T.N.T.
Tham khảo:

Nguồn: Bauxite Vietnam

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"