Phạm Thị Hoài
Tháng 5 20, 2013
Trong tập 4, bộ Hồ Chí Minh Toàn tập, có một văn bản ngắn như sau :
Lời kêu gọi đồng bào Bắc Bộ
Hỡi đồng bào Bắc Bộ!
Việc bất hợp tác sáng hôm qua chẳng những không do mệnh lệnh Chính phủ mà trái với chính sách Chính phủ. Việc đó tỏ rằng một số quốc dân chưa hiểu kỷ luật. Biết theo những mệnh lệnh Chính phủ, làm cho thế giới thấy rằng dân tộc ta xứng đáng độc lập, Chính phủ ta có đủ oai quyền. Vậy tôi, Hồ Chí Minh, Chủ tịch Chính phủ Lâm thời, hạ lệnh cho nhân dân Bắc Bộ lập tức đình chỉ việc bất hợp tác, giữ thái độ bình tĩnh giúp Chính phủ giữ gìn trật tự.
Đồng bào yêu mến tôi, nghe lời tôi.
Người đọc không được biết gì về bối cảnh của lời kêu gọi đó, ngoài xuất xứ rằng nó được in trong cuốn Lời Hồ Chủ tịch
của Nxb Tiến Hóa, Hà Nội, năm 1946, trang 45. Nhân dân Bắc Bộ đã biểu
thị sự bất hợp tác với ai và như thế nào [1]? “Sáng hôm qua” là sáng
ngày nào trong những ngày đầy ắp sự kiện phức tạp của hai năm 1945-1946
[2]? Hi vọng sẽ có nhà nghiên cứu lấp được lỗ hổng thông tin đó. Phần
mình, tôi chú ý đến văn bản lạ này vì chỉ qua vài dòng, chân dung ông Hồ
được bổ sung thêm một số nét, khiến việc đọc phía sau mặt chữ trở nên
thú vị. Phía sau mặt chữ, chứ không phải giữa hai hàng chữ. Thông điệp ở
đây là rõ ràng, không có gì hàm hồ, bóng gió.
Một người như thế nào thì có thể cho phép mình phát ngôn: “Tôi hạ
lệnh cho nhân dân”? Trong mọi ngôn ngữ, câu này đều tất yếu gây ra ấn
tượng về một nhà độc tài. Các nhà lãnh đạo quốc gia ở những thể chế phi
độc tài không buột miệng ra một câu như vậy ngay cả khi ngủ mơ, ngay cả
trong những khoảnh khắc họ không muốn gì hơn là được làm chính xác như
thế. Nhưng ngay cả một Putin, một Lý Quang Diệu, một Hugo Chávez cũng
không phát ngôn như vậy. Còn Hồ Chí Minh?
Cho đến trước đó chỉ có kinh nghiệm hoạt động cách mạng và tham gia
lãnh đạo một số phong trào, tổ chức, đảng phái bí mật, ông Hồ dường như
xa lạ với tất cả những gì làm nên một chính khách chuyên nghiệp. Ông
cũng không chuẩn bị cho mình và các đồng chí của ông một cơ sở lí luận
và tư tưởng cho việc cầm quyền trong một nhà nước hoàn toàn mới, sinh ra
từ việc chôn vùi nhà nước cũ [3]. Những năm tháng đầu tiên đứng đầu một
nước Việt Nam mới, tác phong và ngôn ngữ của ông là của một bậc cha chú
cai quản gia đình hay của một giáo chủ, một trưởng thượng, hơn là của
một nguyên thủ quốc gia. Tuyệt đối tin vào uy tín của mình với quốc dân,
toàn bộ uy lực khi hạ lệnh cho nhân dân của ông xuất phát từ lập luận: đồng bào yêu mến tôi thì nghe lời tôi.
Các học trò của ông sau này, không người nào có thể tự tin vào uy tín
của mình để hồn nhiên buông ra một lời như vậy. Tất nhiên vâng lời lãnh
tụ theo tiếng gọi của tình cảm là một trong những cách cai trị ưa thích
của các nhà độc tài và không hiếm khi kĩ năng mị dân của họ thăng hoa
thành nghệ thuật tự lừa mị [4]. Nhân dân Bắc Triều Tiên chắc chắn cũng
được giáo dục để có tình yêu trói buộc như thế với ba đời lãnh tụ họ
Kim, và nhân dân Cuba với hai đời lãnh tụ họ Castro. Song ở trường hợp
đang đề cập, tôi không khỏi có cảm giác rằng phát ngôn của ông Hồ, với
tất cả tính gia trưởng của nó, có một sự ngây thơ và chân thành phù hợp
với giai đoạn mà cuộc cách mạng của những người cộng sản Việt Nam còn ấu
trĩ, ít nhiều trong trắng, chưa quay ra ăn thịt những đứa con của mình
và nhe nanh vuốt với mọi đảng phái chính trị khác từng một thời đồng
hành. Nhiều lần tôi đã cảm động khi đọc một số bức thư, lời kêu gọi của
Hồ Chủ tịch ở giai đoạn này và trong vài năm đầu của cuộc kháng chiến
chống Pháp. Ở đó tôi thấy một chính khách bất đắc dĩ, tầm vóc tư tưởng
không có gì kiệt xuất, nhận thức về thế giới tương đối sơ sài, kinh
nghiệm điều hành quốc gia ít ỏi, nhưng đầy lãng mạn và còn đậm tính cách
riêng tư.
Với thời gian, những nét riêng tư ít nhiều chân thực của Hồ Chí Minh
dần nhường chỗ cho một hình ảnh nhân tạo ngày càng hoàn hảo. Sự hấp dẫn
của cá nhân con người Hồ Chí Minh dần nhường chỗ cho sự sùng bái biểu
tượng Hồ Chí Minh. Ông không còn hạ lệnh cho nhân dân nữa, dù đồng bào không thôi yêu mến ông và vẫn sẵn sàng nghe lời
ông. Song nhà nước mà ông liên tục đứng đầu gần một phần tư thế kỉ cho
đến khi qua đời đã trở thành một chính thể độc tài hoàn thiện. Ngôn ngữ
cá nhân ít nhiều xác thực của lời kêu gọi nêu trên, bất chấp nội dung
của nó, sẽ dần nhường chỗ cho một ngôn ngữ tuyên truyền công cộng thô
thiển và giáo điều, cơ sở của toàn bộ ngôn ngữ tuyên giáo kinh hoàng mà
hiện nay chúng ta còn phải chịu đựng. Càng đọc Hồ Chí Minh sau này, tôi
càng thấy là các nhà tuyên giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam cho đến giờ
phút này không làm một việc gì khác ngoài lặp lại chính xác không những
cái gọi là “tư tưởng Hồ Chí Minh”, mà còn áp dụng trung thành cả những
cách diễn đạt, những lập luận và những thuật ngữ chính trị mà ông là cha
đẻ.
Hồ Chí Minh là một nhân vật lắp ghép từ rất nhiều mảnh to nhỏ, lỗ đen
và khoảng trống. Trong bức tranh chiết trung lạ lùng này, mảng mầu của
hai năm 1945-1946 có lẽ là tươi thắm hơn cả.
© 2013 pro&contra
________________________
[1] Trong bản đăng lúc đầu, ở đoạn này tôi viết: “Nhân dân Bắc Bộ đã
biểu thị sự bất hợp tác với chính quyền mới như thế nào? Vì lí do gì?”.
Có ý kiến độc giả lưu ý rằng trong bối cảnh lịch sử khi đó, ông Hồ muốn
nói đến sự bất hợp tác với Pháp. Tôi ghi nhận góp ý xác đáng đó, và xin
phép sửa lại thành: “Nhân dân Bắc Bộ đã biểu thị sự bất hợp tác với ai
và như thế nào?”. Xin cảm ơn độc giả.
[2] Chính phủ Lâm thời chỉ tồn tại đến hết năm 1945 và từ ngày
01-01-1946 được thay thế bằng Chính phủ Liên hiệp Lâm thời. Như vậy, có
thể lời kêu gọi này liên quan đến một sự kiện diễn ra ngay trong năm
1945 nhưng năm 1946 mới được đưa vào sách.
[3] Trước Cách mạng tháng Mười, khi lưu vong và sống trong một túp
lều ở Phần Lan, Lenin đã viết tác phẩm kinh điển về nhà nước chuyên
chính vô sản Nhà nước và cách mạng. Không ai yêu cầu ở Hồ Chí
Minh một tầm vóc tương tự, nhưng trước tác chính luận chủ đạo của ông,
nếu ông cũng chính là Nguyễn Ái Quốc, trước tháng Tám 1945, gồm: Bản án chế độ thực dân Pháp (1925), Đường cách mệnh (1925-1927) tập hợp bài giảng về kiến thức chính trị phổ thông ở các lớp huấn luyện chính trị Quảng Châu và Chiến thuật du kích
(1942-1944), cho thấy một sự nghèo nàn đáng chú ý ở một nhà cách mạng
có ảnh hưởng quyết định đến số phận của một dân tộc cho đến tận bây giờ.
[4] Trong phiên họp ngày 13-11-1989
của Quốc hội Cộng hòa Dân chủ Đức, phiên họp đầu tiên sau khi Bức tường
Berlin sụp đổ, khi bị chất vấn trách nhiệm, ông Erich Mielke, Bộ trưởng
An ninh Quốc gia (Stasi) Đông Đức đã thốt lên: “Tôi yêu mến tất cả mọi
người cơ mà… Tôi phấn đấu cho tình yêu đó cơ mà.” (Ich liebe doch alle
Menschen. Ich setze mich doch dafür ein.)