Thứ Ba, 21 tháng 5, 2013

Dự thảo hiến pháp lần 3 đã tiếp thu những gì từ nhân dân?

Dự thảo Hiến pháp 1992 sau khi lấy ý kiến nhân dân với 3 lần chỉnh sửa đã được công bố trước Quốc hội chiều nay 20.5. Điểm mới nhất trong bản dự thảo lần này có thể tóm gọn trong 4 chữ “tiếp tục giữ nguyên” đối với những vấn đề cơ bản nhất.

Tiếp tục giữ nguyên tên nước

Dù đã dẫn cụ thể những lập luận của những ý kiến đề nghị lấy lại tên gọi Việt Nam dân chủ cộng hòa vì “tên gọi này gắn liền với sự ra đời của chính thể cộng hòa đầu tiên ở nước ta, là thành quả của cuộc cách mạng giành độc lập tháng Tám năm 1945. Tên gọi này đã được chính thức ghi nhận trong Bản tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên đọc ngày 02 tháng 9 năm 1945 và tiếp tục được khẳng định trong Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, thể hiện rõ thể chế chính trị của nước ta là cộng hòa, bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước dân chủ”. Tuy nhiên, trong Dự thảo, tên nước tiếp tục được giữ nguyên “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Lý do giữ nguyên, Theo Ủy ban sửa đổi là “nhằm tiếp tục khẳng định mục tiêu, con đường xây dựng và phát triển đất nước lên chủ nghĩa xã hội, bảo đảm tính ổn định, tránh việc phải thay đổi về quốc huy, con dấu, quốc hiệu trên các văn bản, giấy tờ..”

Tiếp tục khẳng định sự lãnh đạo của Đảng

Báo cáo giải trình tiếp thu cho biết “Về cơ bản, ý kiến nhân dân tán thành việc khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, tán thành bổ sung quy định Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”.
Xung quanh điều 4, có tới 4 loại ý kiến được liệt kê: Thứ nhất, tán thành với nội dung Điều 4 như trong Dự thảo đã công bố vì đã thể hiện một cách đầy đủ các nội dung và tinh thần của Cương lĩnh, Điều lệ Đảng về bản chất giai cấp, nền tảng tư tưởng của Đảng. Thứ 2: Chỉ cần khẳng định vai trò của Đảng trong Hiến pháp là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Báo cáo cũng công khai nói tới những ý kiến “đề nghị không quy định Điều 4 vì Đảng là tổ chức chính trị, được tổ chức và hoạt động theo Cương lĩnh và Điều lệ”.
Ủy ban khẳng định trước Quốc hội: Việc giữ Điều 4 quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng là cần thiết… khẳng định tính lịch sử, tính tất yếu khách quan sự lãnh đạo của Đảng đối với quá trình cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nước ta. Dự thảo đã bổ sung quy định về bản chất của Đảng theo tinh thần mới của Cương lĩnh, đó là: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng”. Chính do bản chất và nền tảng tư tưởng của Đảng như vậy nên nhân dân ta mới thừa nhận vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng và ghi nhận vào Hiến pháp – đạo luật cơ bản của Nhà nước.

Tiếp tục giữ định hướng XHCN đối với nền kinh tế

Về tính chất và các thành phần kinh tế, kết quả tổng hợp cho thấy có nhất nhiều luồng ý kiến. Thứ nhất: Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển, kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế. Kinh tế đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển. Luồng ý kiến thứ 2 đề nghị sửa: Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Và luồng ý kiến đề nghị sửa: Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Tức là bỏ, không quy định cụ thể vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước.
Một số ý kiến khác cũng đề nghị bỏ cụm từ “định hướng XHCN”, chỉ quy định tính chất của nền kinh tế nước ta là kinh tế thị trường đồng thời quy định rõ thêm về “tự do sở hữu, tự do kinh doanh và tự do cạnh tranh” vì đó là những điều kiện của nền kinh tế thị trường…
Một lần nữa nhắc lại việc “bám sát tinh thần Cương lĩnh”, Ủy ban cho rằng: Việc xác định tính chất nền kinh tế đóng vai trò quan trọng và có tính quyết định đối với định hướng phát triển Nhà nước XHCN ở nước ta. Tính chất định hướng XHCN của nền kinh tế Việt Nam bảo đảm mọi thành viên trong xã hội sẽ được hưởng thụ một cách công bằng hơn và tốt hơn các giá trị cũng như lợi ích của sự phát triển kinh tế. Định hướng XHCN của nền kinh tế sẽ tạo tiền đề cho việc khắc phục những hậu quả, khiếm khuyết của kinh tế thị trường cũng như những tác động tiêu cực trong quá trình xây dựng, phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế của nước ta.

Tiếp tục không quy định đa sở hữu về đất đai

Đối với vấn đề đất đai, cũng có 3 loại ý kiến liên quan đến vấn đề sở hữu: Đa số ý kiến cho rằng quy định đất đai, các tài nguyên thiên thiên, các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý… thuộc sở hữu toàn dân là phù hợp. Loại ý kiến thứ 2 đề nghị đa dạng hóa sở hữu đất đai, trong đó có sở hữu tập thể, sở hữu cộng đồng và sở hữu tư nhân về đất ở. Ý kiến này cho rằng quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân là không rõ về chủ thể sở hữu. Loại ý kiến thứ ba đề nghị tách thành hai điều, một điều quy định về sở hữu toàn dân, một điều quy định về sở hữu nhà nước. Ý kiến này cho rằng, cần có sự phân biệt rạch ròi giữa đất đai là tài nguyên quốc gia – thuộc sở hữu toàn dân với những đất đai mà toàn dân đã giao cho Nhà nước – một chủ thể cụ thể quản lý, sở hữu.
Ủy ban cho rằng: Quy định đất đai, các tài nguyên thiên thiên, các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý… thuộc sở hữu toàn dân là quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã được xác định từ năm 1980 đến nay. Vấn đề sở hữu về đất đai không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề chính trị – xã hội. Và vì vậy, đề nghị giữ nguyên cách dùng khái niệm “sở hữu toàn dân” và không quy định đa sở hữu về đất đai.
Bản dự thảo Hiến pháp công bố hôm qua cũng ghi rõ: Lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"