Quách Hoàng Lân chuyển ngữ
Đó là phép màu Myanmar.
Hay đó là niềm hy vọng cho đất nước gần 50 triệu dân nằm giữa các
cường quốc châu Á là Ấn Độ và Trung Quốc. Chỉ ba năm trước đây, Myanmar
đã bị cai trị một cách tàn bạo bởi một trong những chính quyền quân
phiệt nhất trên thế giới, ngày hôm nay, Myanmar đã trở thành một nền dân
chủ non trẻ đầy hứa hẹn.
Trong nhiều thập kỷ, Myanmar, còn được gọi là Miến Điện, đã được biết
đến thông qua cuộc đấu tranh anh hùng của Aung San Suu Kyi, người đã
đoạt giải Nobel và đã trải qua hơn 15 năm bị quản thúc tại gia, bị cách
ly khỏi chồng và con trai của mình bởi những viên cai ngục quân sự.
Nhưng bà tiếp tục cuộc đấu tranh để cải cách đất nước bị cô lập với
thế giới bên ngoài, và bây giờ khát vọng của bà đang dần trở thành
hiện thực với tốc độ đáng kinh ngạc.
Bà có thể là biểu tượng của nền dân chủ tại Miến Điện, nhưng đất nước
của bà giờ đây đã điền thêm tên một người nữa vào biểu tượng của cải
cách: Tổng thống Thein Sein. Ông đang có chuyến công du ở Mỹ để hội ngộ
với Tổng thống Obama – lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Miến Điện đã đến
thăm Nhà Trắng kể từ năm 1966.
“Bản thân tôi rất ngạc nhiên trước tốc độ cải thiện của mối quan hệ
song phương của chúng ta“- Tổng thống Thein Sein nói với phóng viên
Christiane Amanpour của CNN trong một chương trình truyền hình đặc biệt
vào chủ nhật- “Nhưng không có bạn bè nào là vĩnh viễn hay kẻ thù nào là
vĩnh viễn trong các mối quan hệ quốc tế.”
Trong tháng 11/2012, Tổng thống Obama đã trở thành nhà lãnh đạo đầu
tiên của Mỹ đến thăm Myanmar. Vào thời điểm đó, ông đã thừa nhận rằng
đất nước Myanmar đang cố gắng để tiến lên.
“Tôi không nghĩ rằng bất cứ ai và dưới bất kỳ ảo tưởng nào có thể cho
rằng Miến Điện đã về đích, rằng họ đã đạt được cái cần phải đạt
được”-Obama nói trong tháng 11 – ”Mặt khác, nếu chúng ta cứ chờ cho đến
khi họ đã đạt được một nền dân chủ hoàn hảo rồi mới bình thường hóa
quan hệ với họ, thì tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ phải chờ đợi một thời gian
dài khủng khiếp nữa.“
Mặc dù Myanmar đã thực lòng thay đổi, tự do hóa kinh tế, dỡ bỏ việc
kiểm duyệt báo chí, và tiến tới nền dân chủ đại nghị, một số vấn đề
chính yếu vẫn tồn tại. Vẫn còn hiện hữu sự nghèo đói, buôn bán ma túy,
tham nhũng và sự bùng nổ của bạo lực sắc tộc, đặc biệt là những cuộc tấn
công và thảm sát vào người Hồi giáo thiểu số trong một đất nước gồm đa
số Phật giáo.
Các nhân sỹ của nhóm nhân quyền hôm nay đã cáo buộc lực lượng chính
phủ và an ninh đứng yên không ngăn cản những vụ thảm sát, và kêu gọi một
cuộc điều tra độc lập về các vụ giết người.
Tổng thống Thein Sein đang công du ở Washington với hy vọng rằng
người Mỹ sẽ dỡ bỏ nốt một số biện pháp trừng phạt kinh tế vẫn còn áp đặt
lên Miến Điện.
Ngay bây giờ, Hoa Kỳ và Trung Quốc đang tranh dành ảnh hưởng tại
Myanmar, mặc dù Tổng thống Thein Sein có ý không thừa nhận điều đó.
“Tôi phải nói rằng không có sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Chính sách đối ngoại của chúng tôi là chúng tôi duy trì quan hệ hữu nghị
với tất cả các nước trên thế giới, và sẽ tiếp tục duy trì quan hệ hữu
nghị với Trung Quốc. Cùng lúc đó, chúng tôi sẽ cố gắng để duy trì và cải
thiện quan hệ của chúng tôi với Hoa Kỳ,” ông nói với Amanpour.
Trung Quốc đang lo lắng. Họ đang tiến hành một hoạt động quan hệ công
chúng chưa từng có trong nội địa Myanmar để thuyết phục mọi người rằng
tất cả các khoản đầu tư của họ cũng sẽ có lợi cho Myanmar.
“Trung Quốc tiếp tục là hàng xóm thân thiện của chúng tôi“, Tổng thống Thein Sein cho biết.
Trong nhiều năm, chính quyền quân sự đã được biết đến như một trong
những thể chế đàn áp tàn bạo nhất trên thế giới, bây giờ Tổng thống
Thein Sein ngân lên một giai điệu hoàn toàn khác.
“Là một trong những công dân của Myanmar, tôi đang cố gắng hết sức
mình để thực hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân”-ông nói- “Chúng tôi
có một chính phủ lập hiến cùng với đó là các nghị viên được bầu ra một
cách dân chủ. Vì vậy, nhiệm vụ của chính phủ là thực hiện ý chí và
nguyện vọng của nhân dân. Những cải cách mà chúng tôi đang khởi tạo là ý
muốn của đa số người dân. “
Mặc dù bà Aung San Suu Kyi đã bị quản thúc tại gia trong nhiều năm
dưới chế độ của Tổng thống Thein Sein, hiện nay ông đang làm việc với bà
ấy.
“Khi tôi gặp bà ấy, chúng tôi đã cố gắng để đạt được một số điểm
tương đồng vì lợi ích của nhân dân và đất nước. Vì vậy, chúng tôi đã
đồng ý với nhau trên nhiều điểm. Đồng thời, chúng tôi cũng có quan điểm
khác nhau trên một số vấn đề”-Tổng thống Thein Sein cho biết-“Nhưng
chúng tôi đã có thể đồng ý rằng chúng tôi sẽ gác lại những bất đồng và
giải quyết sự khác biệt của chúng tôi thông qua đàm phán.”
Aung San Suu Kyi nói với Amanpour trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 9
năm ngoái rằng mà bà không bao giờ thù hận những gì chính quyền đã làm
đối với bà ấy.
“Đó là chính trị. Tôi rất thích vị các tướng. Tôi có khuynh hướng yêu
mến mọi người. Tôi luôn luôn hòa thuận với những quân nhân. Bạn đừng
quên rằng cha tôi là người sáng lập ra quân đội Miến Điện,” bà cho
biết.
Trong hơn một năm, đã có một sự bùng nổ bạo động nhắm vào người Hồi giáo Rohingya, cùng với các nhóm khác.
Chính phủ đã bị chỉ trích vì đã không nỗ lực để ngăn chặn điều này.
“Chúng tôi không có chính sách phân biệt đối xử dựa trên tôn giáo hay
chủng tộc”,-Tổng thống Thein Sein nói với Amanpour- “Cuộc bạo động này
bắt đầu từ một hành vi phạm tội và sau đó đã dẫn đến bạo lực. Chúng tôi
đang làm hết sức mình để có khống chế bạo lực trong khi đảm bảo các quy
định của pháp luật.”
Tổng thống Obama nói rằng không có lý do gì biện minh cho bạo lực đối với những người vô tội.
“Tất cả các công dân ở nước chúng tôi phải có khả năng được hưởng các
quyền cơ bản của họ”, Tổng thống Thein Sein cho biết- “Đồng thời, chúng
tôi cũng phải bảo vệ quyền lợi của họ và những quyền theo quy định của
pháp luật của chúng tôi.”
Ngay trước chuyến đi này Tổng thống Thein Sein phóng thích hai mươi
tù nhân chính trị – như ông thường làm trước các cuộc đàm phán với
phương Tây.
Amanpour: Nhưng liệu ông có phóng thích tất cả các tù nhân chính trị còn lại?
“Một số tù nhân mà chúng tôi vẫn còn giam giữ bởi vì họ đã phạm một
số tội như giết người, hiếp dâm. Nhưng họ sẽ được phóng thích, dựa trên
các khuyến nghị của Ủy ban”- Tổng thống Thein Sein cho biết.
Amanpour: Nhưng ông cảm thấy thoải mái hơn trong bộ quân phục cũ mà
ông đã dùng? Hay là trong bộ đồ dân sự mới được may thông qua tiến trình
dân chủ?
“Là Tổng thống, tôi có nhiều nhiệm vụ hơn”,-Tổng thống Thein Sein
thừa nhận- ” Phục vụ nhân dân và đất nước luôn là một nhiệm vụ nặng nề
và là một trách nhiệm nặng nề.”