24-05-2013
Tháng 8-2001, tôi ghé thăm một phóng
viên báo Tuổi Trẻ đang học báo chí ở đại học Fullerton, California. Cô
khoe, nhóm sinh viên đến từ Việt Nam vừa đấu tranh thành công để cờ đỏ
sao vàng được treo ở trại hè do trường tổ chức.
Cuộc tranh giành màu cờ tại Fullerton
trở nên kịch tính trong năm 2004 khi nhóm sinh viên gốc Việt tuyên bố
không tham dự lễ ra trường nếu cờ đỏ sao vàng được sử dụng theo yêu cầu
của các sinh viên đến từ Việt Nam. Trường Fullerton phải chọn giải pháp
không treo cờ của nước nào trong lễ tốt nghiệp.
Phần lớn người Việt đến Mỹ phải lao
động, học tập để vươn lên, họ không có nhiều thời gian để “care” (quan
tâm) đến chính trị Việt Nam. Tháng 7-1995, khi Hà Nội và Washington
thiết lập bang giao, cờ đỏ sao vàng chính thức được kéo lên trên đất Mỹ.
Thật dễ hiểu khi những người Việt vượt biển trên những chiếc thuyền
con, những người Việt đã nằm 15 năm, 17 năm trong các trại cải tạo, từ
chối đứng dưới cờ đỏ sao vàng.
Nhưng phản ứng chỉ bắt đầu quyết liệt
vào năm năm 1999, khi một người đàn ông sống tại Little Sai Gon, tên là
Trần Văn Trường, cho treo trước cửa tiệm ảnh Hồ Chí Minh cùng cờ đỏ sao
vàng. Cộng đồng người Việt đã biểu tình liên tục trong suốt 53 ngày để
phản đối. Từ California,”chiến dịch Cờ Vàng” bắt đầu, dẫn đến việc 14
tiểu bang, gần 100 thành phố công nhận cờ vàng ba sọc đỏ như một biểu
tượng của cộng đồng gốc Việt.
Cờ vàng không chỉ xuất hiện ở Mỹ.
Từ giữa thập niên 1990, nhiều nhà lãnh
đạo của Hà Nội phản ứng gay gắt khi trong các chuyến công du thấy “quần
chúng đón rước” không dùng cờ đỏ sao vàng mà chỉ dùng cờ vàng ba sọc đỏ.
Không phải quan chức Việt Nam nào cũng hiểu chính quyền sở tại không
(dại gì) đứng sau những nhóm quần chúng tự phát đó. Cho tới năm 2004,
các nhà ngoại giao Việt Nam ở Mỹ vẫn mất rất nhiều công sức để ngăn chặn
chính quyền các tiểu bang công nhận cờ vàng.
Việc chính quyền tiểu bang công nhận cờ
vàng chỉ là một động thái đối nội. Nhà nước Việt Nam Cộng hòa rõ ràng
không còn tồn tại, chính quyền Mỹ bang giao với nhà nước CHXHCN Việt Nam
và công nhận cờ đỏ sao vàng. Nhưng, chính quyền Mỹ không thể ngăn cản
cộng đồng người Mỹ gốc Việt chọn cho mình biểu tượng.
Một quan chức Việt Nam và thậm chí một
thường dân đang cầm hộ chiếu nước CHXHCN Việt Nam, trong một nghi lễ
chính thức, có quyền chỉ đứng dưới cờ đỏ sao vàng. Nhưng, một quan chức
đi làm “kiều vận” mà không dám bước vào một ngôi nhà có treo cờ vàng thì
sẽ không thể nào bước vào cộng đồng người Việt. Tất nhiên, bất cứ thành
công nào cũng cần nỗ lực từ nhiều phía.
Năm 2006, tôi gặp lại cô bạn phóng viên
Tuổi Trẻ từng học ở Fullerton. Nhà cô vào giờ đó thay vì treo cờ đỏ sao
vàng, góc nào cũng tràn ngập cờ vàng ba sọc đỏ. Tôi chưa kịp tìm hiểu đó
là sự lựa chọn mới của cô hay đó là cách để có thể hòa nhập vào “cộng
đồng”.
Năm 2008, “cộng đồng người Việt Cali” đã
biểu tình kéo dài khi người phụ trách tòa soạn tờ Người Việt, Vũ Quý
Hạo Nhiên, cho in tấm hình chụp một cái bồn ngâm chân có in biểu tượng
cờ vàng. Hạo Nhiên, thêm sự cố 2012, đã phải ra đi và biết chắc khó lòng
quay trở lại. Biểu tình năm 1999, cho dù là “ôn hòa”, cũng đã khiến cho
Trần Văn Trường phải chạy về Việt Nam.
Cờ đỏ sao vàng khó có thể xuất hiện ở California cho dù ở đó có xuất hiện một cộng đồng người Việt đến từ miền Bắc.
Nếu như nhiều người dân miền Nam trước
đây tin cờ vàng ba sọc đỏ là biểu tượng của tự do thì đối với phần lớn
người dân miền Bắc và thế hệ trẻ hiện nay ở miền Nam, cờ đỏ sao vàng
không hẳn là biểu tượng của chế độ mà là biểu tượng quốc gia. Nhiều
người đã đứng dưới lá cờ ấy để đấu tranh cho điều mà họ tin là độc lập,
tự do; nhiều người đã theo lá cờ ấy mà không phải là cộng sản.
Nhiều người dân trong nước vẫn dùng cờ đỏ khi bày tỏ lòng yêu nước.
Tất nhiên cũng cần phân biệt hành động
của một số kẻ cực đoan (chống lại cờ đỏ sao vàng) với hành vi của những
quan chức chính quyền. Ngăn cản những du học sinh đến từ Việt Nam sử
dụng cờ đỏ sao vàng cũng là một việc làm phi dân chủ. Những người hiểu
được các giá trị của tự do không thể ngăn cản người khác đứng dưới một
lá cờ mà mình không thích.
Nhiều người Mỹ vẫn treo cờ miền Nam cho
tới ngày nay cho dù nội chiến Bắc – Nam đã kết thúc từ năm 1865. Thật
khó để nghĩ tới tình huống người dân miền Nam Việt Nam được phép treo cờ
vàng sau ngày 30-4-1975. Cuộc chiến tranh kéo dài 20 năm không chỉ
thống nhất non sông mà còn để áp đặt ý thức hệ cộng sản lên người dân
Việt. Một thời, phải “yêu chủ nghĩa xã hội” mới được Đảng công nhận là
yêu nước. Ngay lá cờ nửa đỏ nửa xanh của “mặt trận dân tộc giải phóng
miền Nam” một tổ chức do Đảng cộng sản lập ra cũng đã biến mất chỉ sau
mấy tháng.
Nhiều người Việt Nam nghĩ, làm biến mất
lá cờ vàng ba sọc đỏ là khôn ngoan. Nhiều người cho rằng lá cờ đó thuộc
về một chính thể không còn tồn tại và là biểu tượng của một sự thất bại.
Nhiều người được dạy, lá cờ đó gắn liền với những xấu xa như là “Việt
gian, bán nước”.
Cuối năm 2012, sinh viên Phương Uyên và Nguyên Kha bị bắt khi rải truyền đơn ở Long An có kèm theo biểu tượng cờ vàng.
Chúng ta không có đủ thông tin để khẳng
định Phương Uyên và Nguyên Kha chủ động chọn lá cờ này hay được hướng
dẫn “bởi các thế lực bên ngoài”. Cho dù lá cờ ấy đến từ bên nào cũng cho
thấy cờ vàng đã không biến mất như nhiều người mong muốn. Cho dù không
ai biết được lá cờ nào sẽ được chọn trong tương lai, sự trở lại của cờ
vàng buộc chúng ta phải thừa nhận, trong nội bộ người Việt với nhau còn
bao gồm cả người Việt Nam quốc gia và người Việt Nam cộng sản.
Và, trong không gian nước Việt cũng không chỉ có người Việt.
Chín mươi triệu người dân Việt Nam rõ
ràng không phải là “con một cha, nhà một nóc”. Khi “mở cõi” xuống phía
Nam, các bậc tiền bối đã từng mang cuốc nhưng cũng đã từng mang gươm.
Người dân thuộc các dân tộc Tây Nguyên
và những bộ tộc Chăm chưa hẳn không còn nghĩ tới đế chế Champa. Những
chính khách đối lập ở Campuchia vẫn thường khai thác chủ nghĩa dân tộc
cực đoan khi nhắc Sài Gòn và một số tỉnh miền Tây một thời là đất đai
của họ…
Sự khác biệt đó trong cộng đồng Việt Nam
có thể là những mối đe dọa, đồng thời, cũng là nền móng để xây xựng một
Việt Nam thống nhất mà đa dạng. Một quốc gia sẽ trở nên vững mạnh khi
sự đa dạng được thừa nhận. Một quốc gia cũng có thể rơi vào sự hỗn loạn
hoặc không thể phát triển nếu sự thống nhất bị phá vỡ.
Nhưng, thống nhất quốc gia mà không dựa
trên nền tảng hòa giải quốc gia thì sự thống nhất đó chỉ là tạm thời.
Thống nhất quốc gia mà bằng cách ém nhẹm lịch sử và dùng vũ lực để dập
tắt sự trỗi dậy của những sự khác biệt thì chẳng khác nào gài vào thế hệ
tương lai một trái bom.
Nam Tư thời Tito được coi là thịnh trị,
các cuộc nổi dậy đều bị dập tắt. Nhưng, ngay những ngày đầu thời hậu
Tito, nước Nam Tư bắt đầu rơi vào một thập niên xung đột. Các sắc tộc
chém giết lẫn nhau, cơ cấu liên bang sụp đổ. Không chỉ có Nam Tư,
Indonesia hồi thập niên 1990 và Myanmar hiện nay cũng đang diễn ra những
điều tương tự.
Đừng sợ những người Khmer ở miền Tây sẽ
đòi mang đất về Campuchia trừ khi Việt Nam kém phát triển và ít tự do,
dân chủ, hơn quá nhiều so với Campuchia. Không có người dân Arizona nào
không biết đất ấy từng thuộc về Mexico nhưng không ai đòi đưa Arizona
trả về cho “đất mẹ”. Ranh giới quốc gia càng ngày càng trở nên mong
manh. Ở đâu có cơm no áo ấm hơn, ở đâu có tự do hơn, thì người dân sẽ
chọn.
Sự khác biệt và đa dạng lúc nào cũng có
thể bị kích động bởi các thế lực cực đoan. Không phải độc tài, toàn trị
mà theo kinh nghiệm của những quốc gia thành công, càng nhiều tự do thì
càng tránh cho sự khác biệt đó trở thành xung đột.
Tiến trình tự do cũng phải mất thời gian
để thuyết phục không chỉ với những người đang cầm quyền mà cả những
người dân bình thường và những thành viên trên facebook này. Trong ngày
30-4, có thể nhiều người không muốn treo cờ đỏ sao vàng (khi bị tổ dân
phố yêu cầu) nhưng chính họ, chưa chắc đã hài lòng khi nhà hàng xóm treo
cờ vàng ba sọc đỏ. Vấn đề là chính quyền phải làm sao để mọi phản ứng
đều phải ở dưới hình thức ôn hòa.
Câu chuyện đốt cờ Mỹ sau đây có thể giúp ta có thêm thời gian suy nghĩ.
Nhiều thập niên sau nội chiến
(1861-1865) nhiều người Mỹ lo ngại giá trị quốc kỳ bị giảm khi nó được
các thương gia dùng để vẽ logo và đặc biệt khi nhiều người da trắng ở
miền Nam thích treo cờ miền Nam (Confederate flag) hơn. Để phản ứng lại
điều này, 48 tiểu bang của Hoa Kỳ đã thông qua luật cấm mạo phạm quốc
kỳ, các hành động như xé, đốt, dùng cờ để quảng cáo… đều bị cấm.
Năm1905, Halter đã bị tòa tiểu bang buộc
tội “khi kỳ” khi bán những chai bia có in cờ Mỹ. Năm 1907, Halter tiếp
tục thua kiện ở Tối cao pháp viện.
Cho tới năm 1968, Quốc hội Mỹ vẫn thông
qua luật cấm “đụng chạm” tới quốc kỳ sau khi một nhóm người Mỹ chống
chiến tranh Việt Nam đốt cờ ở Central Park. Nhưng một năm sau đó, khi
nghe tin cảnh sát bắn James Meredith, một nhà hoạt động dân quyền,
Sydney Street đã đốt một lá cờ Mỹ ở một ngã tư của New York. Ông bị bắt
và bị buộc tội “khi kỳ”.
Sydney Street kháng án vì cho rằng: “Nếu
cảnh sát làm điều đó với Maredith chúng ta không cần lá cờ Mỹ”. Tối cao
pháp viện đã bác án của tòa New York vì, Hiến pháp bảo vệ quyền bày tỏ
chính kiến khác nhau, bao gồm cả quyền thách thức hay khinh thường quốc
kỳ.
Cuộc đấu tranh đã không dừng lại.
Năm 1972, một học sinh ở Massachusetts,
Goquen, bị bắt, bị xử 6 tháng tù khi may một cờ Mỹ ở đít quần. Nội vụ
được chuyển lên Tối cao pháp viện. Tối cao pháp viện tuyên bố luật tiểu
bang (dùng để xử Goquen) là vi hiến. Các vị thẩm phán Tối cao cho rằng,
trong một quốc gia đa văn hóa, có những hành động mà người này cho là
“khinh ” thì người kia lại cho là trân trọng, cho nên, chính phủ không
có quyền bảo người dân phải bày tỏ thái độ, ý kiến theo cách nào.
Năm 1984, để phản đối các chính sách của
Tổng thống Reagan, Lee Johnson đã nhúng dầu và đốt một lá cờ trước cửa
cung đại hội của đảng Cộng hòa. Ông bị bắt, bị xử tù 1 năm và phải nộp
phạt 2000 dollars. Tòa tối cao tiểu bang Texas bảo vệ Johnson và cho
rằng tòa án cấp dưới sai khi coi hành vi “gây xáo trộn xã hội” của
Johnson là “tội”. Theo Tòa tối cao Texas: Tạo ra sự bất ổn, tạo ra sự
xáo trộn, thậm chí tạo ra sự giận dữ của người dân là cần thiết, vì chỉ
khi đó chính phủ mới biết rõ nhất chính kiến người dân.
Vụ việc dẫn tới, năm1989, Tối cao pháp
viện Mỹ quyết định bãi bỏ các luật cấm đốt cờ ở 48 tiểu bang. Các quan
tòa đưa ra phán quyết này giải thích rằng, nếu tự do bày tỏ chính kiến
là có thật nó phải bao gồm cả tự do bày tỏ những ý kiến mà người khác
không đồng ý, hoặc làm người khác khó chịu. Ngay cả thái độ với quốc kỳ,
chính phủ cũng không có quyền bắt người dân chỉ được gửi đi những thông
điệp ôn hòa và không làm cho ai khó chịu. Cuộc tranh cãi kéo dài tới
nhiều năm sau, Quốc hội Mỹ có thêm 7 lần dự thảo tu chính án để chống
lại phán quyết này nhưng đều thất bại.
Việc để cho người dân treo lá cờ cũ của
phe bại trận miền Nam, việc để cho người dân quyền được bày tỏ thái độ,
kể cả bằng cách đốt cờ, đã không làm cho giá trị quốc kỳ của Hoa Kỳ giảm
xuống.
Những điều trên đây rõ ràng chưa thể xảy
ra ở Việt Nam. Nhưng chúng ta cũng không nên coi đấy là độc quyền của
Mỹ. Người dân Việt Nam cũng xứng đáng được hưởng hạnh phúc. Người dân
Việt Nam, dù là Việt hay H’mong, dù là Khmer hay Chăm… cũng xứng đáng
được gìn giữ và phát triển sự khác biệt của mình. Người Việt Nam, dù là
cộng sản hay quốc gia, cũng xứng đáng có quyền bày tỏ những gì mà mình
tin tưởng.
Không thể có tự do trong một chế độc tài
toàn trị. Nhưng, tự do cũng không thể có nếu như mỗi người dân không tự
nhận ra đó là quyền của mình. Bạn không thể hành động như một người tự
do nếu không bắt đầu bằng tự do trong chính tư duy của bạn.
Nguồn: FB Osin HuyDuc