Lê Mai
Trong khi các cánh quân đang buộc phải
rút lui khỏi Huế trong Mậu Thân 68 thì Trung đoàn 9 chủ lực do Lê Khả
Phiêu làm Chính ủy lại được tăng cường vào chiến trường. Gạo hết, tất cả
đều rất khó khăn, dựa vào dân cũng có hạn, vì dân đâu có nhiều gạo mà
san sẻ cho bộ đội. Theo tự truyện của nhà sử học Nguyễn Đắc Xuân, ông
Trần Anh Liên, Chính ủy cánh Bắc ra lệnh cho Đội công tác thanh niên đi
quyên góp lương thực cung cấp cho Trung đoàn 9. Có người kêu lên:
- Trời ơi, người ta đã rút ra rồi mà các ông còn vào chiến trường nữa, khổ đến thế này!
Vẫn theo tự truyện nêu trên, năm 1997,
ông Nguyễn Đắc Xuân đến giúp ông Trần Anh Liên biên tập cuốn hồi ký,
nhân xem truyền hình, được biết Hội nghị lần thứ 4, Ban chấp hành Trung
ương Đảng (khóa VIII) vừa bầu Lê Khả Phiêu làm Tổng bí thư.
Ông Trần Anh Liên hỏi ông Nguyễn Đắc Xuân:
- Anh có nhớ Trung đoàn 9 vào chiến
trường nhằm lúc có lệnh rút lui, không chiến đấu được lại thiếu gạo nhờ
anh em mình chạy gạo cho họ hồi Tết Mậu Thân không?
- Dạ nhớ chứ! Em bị các bạn thanh niên Huế thắc mắc vì sao đơn vị đang thiếu gạo mà lại đem gạo chia cho bộ đội chủ lực.
Ông Liên cười khặc khặc:
- Đúng rồi, đúng rồi. Ông Chính ủy đơn vị
thiếu gạo ấy là Lê Khả Phiêu vừa được bầu làm Tổng bí thư đấy. Ông ta
tiến bộ nhanh thật.
Trước đó, tháng 1.1994, Lê Khả Phiêu được
bầu vào Bộ chính trị. Như vậy, việc ông ta vào Bộ chính trị hay lên
Tổng bí thư đều không phải diễn ra trong Đại hội Đảng toàn quốc, mà là
Đại hội giữa nhiệm kỳ và Hội nghị Trung ương.
Rời Cambodia, ông Lê Đức Anh trở về nước
năm 1986, làm Tổng tham mưu trưởng rồi Bộ trưởng Quốc phòng. Sau khi
quân VN rút khỏi Cambodia, ông Lê Khả Phiêu cũng trở về nước với chức vụ
Phó Chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Con đường thăng tiến
đến đỉnh cao quyền lực của ông Phiêu diễn ra khá nhanh chóng.
Cũng là gặp Giang Trạch Dân, nhưng hai
ông họ Lê mỗi người có một cách ứng xử khác nhau. Ta biết, TQ luôn luôn
tìm mọi cách tác động vào nội bộ VN và họ sử dụng rất nhiều âm mưu, thủ
đoạn thâm độc. Để bình thường hóa quan hệ Việt – Trung, tháng 8.1991,
với tư cách “đặc phái viên của Bộ chính trị”, ông Lê Đức Anh sang thăm
nội bộ TQ. Trước khi vào hội đàm, có ít phút trò chuyện, Giang nói với
Lê Đức Anh: “Tôi ở địa phương mới lên làm Tổng bí thư. Trước chưa biết,
nhưng nay nghiên cứu lịch sử mới biết Trường Sa là của TQ”. Ông Lê Đức
Anh đáp: “Tôi cũng giống như đồng chí, tôi ở chiến trường mới về. Khi về
Trung ương có dịp nghiên cứu về lịch sử, địa lý và pháp lý thì thấy rõ,
Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc lãnh thổ VN”. Nghe vậy, Giang không nói
gì nữa, chỉ cười. Rõ ràng, đây là một cú nắn gân của Giang.
Khi Lê Khả Phiêu làm Tổng bí thư, Giang
lại đề nghị cuộc gặp với ông Phiêu để bàn về biên giới và biển Đông.
Đáng chú ý là trong những người cùng đi có Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn
Mạnh Cầm và Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Trần Đình Hoan bị phía TQ
ngăn lại, không cho vào hội đàm. Sự việc này đã gây nên nhiều phiền phức
cho Lê Khả Phiêu sau này. Vào ngày cuối cùng của năm 1999, truyền hình
đột ngột loan tin về việc ký Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa VN và
TQ – một Hiệp ước có rất nhiều tranh cãi cho đến nay.
Dường như Lê Khả Phiêu muốn tạo ra một sự
khác biệt so với những người tiền nhiệm và có vẻ ông đã làm được điều
đó, chí ít là ở bề nổi. Cuộc họp báo quốc tế do Tổng bí thư chủ trì sau
khi nhận chức không lâu với gần 200 phóng viên trong nước và quốc tế
tham dự quả là một sự kiện đặc biệt. Ngồi “rỉ tai, mách nước” bên cạnh
Lê Khả Phiêu là Nguyễn Mạnh Cầm, Bộ trưởng Ngoại giao. Cũng có đôi câu
hỏi tương đối khó từ phóng viên phương Tây, nhưng ông ta trả lời khá
trôi chảy. Các ngài đổi mới, chấp nhận kinh tế thị trường, vậy tại sao
Thủ tướng Phan Văn Khải mới đây lại tuyên bố không đi theo chủ nghĩa tư
bản? Ngài xuất thân từ quân đội, liệu ngài có hiểu biết về kinh tế hay
không? Theo ông Phiêu, Phan Văn Khải trả lời như vậy là đúng. Còn nói
tôi xuất thân từ quân đội, thì nhiều người tiền nhiệm của tôi như Nguyễn
Văn Linh, Đỗ Mười cũng vậy. Dĩ nhiên, chúng tôi nắm vững các vấn đề về
kinh tế…
Về lĩnh vực chống tham nhũng, ông Lê Khả
Phiêu cũng nổi lên rất ấn tượng, mà đầu tiên là vụ cắt chức Ngô Xuân
Lộc, Phó Thủ tướng. Sau khi thôi chức Tổng bí thư, phát biểu của ông về
xây dựng, chính đốn Đảng, về chống tham nhũng, chống chủ nghĩa cá nhân
ngày càng mạnh mẽ.
“Cống ở xã tôi cũng bị xơi một nửa” – câu nói rất hay của ông Lê Khả Phiêu nhân trả lời phỏng vấn tờ Tuổi trẻ năm 2005:
“Ngay ở xã tôi, làm cái cống cũng bị xơi
hơn một nửa. Tôi về thì bà con bảo: hai trăm triệu mà xơi tới trăm hai,
còn có tám chục. Đấy mới chỉ là công trình nhỏ thôi đấy”. Ở đây, “xơi”
là một từ được ông dùng rất “đắt”.
Đó là chuyện ở xã ông Lê Khả Phiêu. Còn với bản thân ông thì sao?
- “Tôi nói thật có chuyện họ đến biếu tiền, năm nghìn, mười nghìn chứ không ít đâu”.
- “Năm, mười nghìn đô?”.
- “Đô chứ. Lúc tôi còn thường trực Bộ Chính trị đã có rồi, lúc làm Tổng bí thư càng có”.
Thật khó mà tin được một ông Tổng bí thư
bộc lộ vấn đề chống tham nhũng một cách thẳng thắn đến thế. Năm 2009,
trang mạng BBC có loan truyền hình ảnh đến thăm nhà cựu Tổng bí thư Lê
Khả Phiêu. Người ta thấy, trong nhà ông có từ cặp ngà voi đến một chiếc
lư được bảo quản cận thận trong hộp kính, chiếc trống đồng, còn trên sân
thượng là vườn sau rạch – những hình ảnh chẳng biết hư thực ra sao.
Thời gian gần đây, người ta ít khi thấy
ông Lê Khả Phiêu lên tiếng, kể cả việc triển khai Nghị quyết 4 về phê
bình và tự phê bình mới đây, trong khi ông đi thăm đây đó lại khá nhiều.
Cũng có ý kiến cho rằng, việc ông thường xuất hiện với một ông “quan
to” Chính phủ gây nên sự “phản cảm” – vì uy tín ông “quan to” ấy rất
thấp và ngày càng xuống thấp. Nhưng, trong chính trị, người ta hiểu
rằng, thông điệp mà ông phát ra, có lẽ, chính là ở sự “sát cánh” ấy.
Bốn ông họ Lê – thực ra chỉ có ba ông họ
Lê thôi, còn một ông họ Phan (Phan Đình Khải – Lê Đức Thọ). Những chức
danh quan trọng nhất trong thiết chế chính trị VN, bốn ông họ Lê đều đã
từng nắm giữ: Tổng bí thư, Bí thư thứ nhất, Chủ tịch nước, Trưởng ban Tổ
chức Trung ương, Bí thư Quân ủy Trung ương, Tổng tham mưu trưởng, Bộ
trưởng Quốc phòng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị, Thượng tướng, Đại
tướng…
Có những sự trùng hợp kỳ lạ: Lê Duẩn và
Lê Đức Thọ là một “cặp bài trùng” nổi tiếng, cộng tác chặt chẽ với nhau
từ những ngày chống Pháp, ấy thế mà thời gian cuối đời hai ông lại có
những ngã rẽ đáng kinh ngạc. Còn ông Lê Đức Anh và Lê Khả Phiêu, có thể
nói điều gì tương tự? Việc ông Lê Khả Phiêu lên Tổng bí thư, tất nhiên
ảnh hưởng của ông Lê Đức Anh rất lớn; ngược lại, cũng từ ảnh hưởng của
ông Lê Đức Anh và hai ông có vấn khác mà ông Phiêu bị hạ bệ. Thời tiết
chính trị, thật chẳng bao giờ có thể dự đoán chính xác được.
Bốn ông họ Lê đều nổi danh trong lịch sử VN hiện đại và chúng ta tin rằng rồi đây lịch sử sẽ dành cho họ những hàng chữ nét đậm.