Thứ Năm, 2 tháng 5, 2013

Bốn ông họ Lê (Phần 3 )

Con người ta khác nhau là ở phong cách. Người nào không có phong cách riêng, phải thấy rằng người đó không có gì hết. Nếu như phong cách của Trường Chinh là từ tốn, nghiêm trang, nói năng cân nhắc thận trọng, ít khi ngắt lời người khác thì phong cách của Lê Duẩn lại sôi nổi, mạnh mẽ, quyết đoán. Một khi ông đã định làm gì là làm ngay hoặc cho phép làm ngay.
Lê Duẩn có một cái đầu luôn luôn suy nghĩ, sáng tạo, ông đánh giá sự vật, hiện tượng một cách sắc sảo, có tầm nhìn xa.
Tháng 8 năm 1975, phát biểu tại cuộc họp trù bị của Hội nghị Trung ương lần thứ 24, Lê Duẩn đã có cái nhìn rất thoáng đối với nền kinh tế miền Nam:
“Xưa nay ở miền Bắc chúng ta có một số sai lầm, là vì chúng ta đã đi sai quy luật. Nếu chúng ta đi sai quy luật mà đưa vào miền Nam thì càng sai lầm. Vì vậy, nay có được miền Nam là để chúng ta thấy lại cho rõ hơn. Tại sao chúng nó là tư bản, chúng nó bóc lột người ta dữ mà năng suất lao động vẫn cao”.
“Tại sao người thợ ở ngoài này không bằng người thợ ở trong kia? Mình trả lời làm sao? Anh là chủ nghĩa xã hội mà tại sao anh không được bằng trong kia, anh trả lời làm sao?”

“Ở miền Bắc trước đây phải hợp tác hóa ngay lập tức…Nhưng miền Nam bây giờ không thể làm như vậy. Miền Nam bây giờ anh không để cho giai cấp tư sản phần nào đấy, mà nông dân thì phần nào hóa tư sản rồi, anh mà làm sai đi thì công nông không liên minh được đâu. Phải có tư sản, phải cho nó phát triển phần nào đã”.
Tiếc rằng, những tư tưởng đó không được phát triển, có thể bị chìm đi trong không khí say sưa vì thắng lợi và mười năm sau đó, dưới sự lãnh đạo của ông, kinh tế VN xuống dốc thê thảm, lâm vào khủng hoảng chưa từng có. Những sai lầm, khuyết điểm đó, “anh Ba là người chủ trì có trách nhiệm lớn” – Võ Nguyên Giáp.
Có thể nhận xét, Lê Duẩn là “nhà cách mạng thành công, người xây dựng thất bại” hay không?
Tư tưởng về chiến tranh của Lê Duẩn bao giờ cũng sâu sắc. Một lần, Lê Duẩn gọi Lê Trọng Tấn và Lê Đức Anh lên chỉ thị, cố gắng giải phóng xong Cambodia sớm rồi rút quân về Nam Bộ làm ruộng. Lúc bấy giờ, trong Trung ương cũng có nhiều ý kiến khác nhau về chiến lược tại Cambodia. Nhưng rồi trên thực tế, VN đã ở lại Cambodia hơn mười năm với 200 ngàn quân, 4 Ủy viên Bộ chính trị, 9 Ủy viên Trung ương, 2 Phó thủ tướng, 30 Thứ trưởng, 54 Thường trực tỉnh ủy đã từng có mặt và trực tiếp làm nhiệm vụ tại Cambodia (theo Huỳnh Anh Dũng, cựu Đại sứ VN tại Cambodia).
Ngày 25.12.1978, VN sử dụng một lực lượng hùng hậu gồm bộ binh, hải quân, không quân, xe tăng, thiết giáp….tổng tấn công Cambodia. Tướng Lê Trọng Tấn là Tư lệnh chiến dịch. Còn Lê Đức Thọ, đại diện của Bộ chính trị, giám sát tổng quát cuộc hành quân, trực tiếp chỉ đạo toàn bộ việc giải quyết cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam.
Với sức mạnh quân sự tuyệt đối của VN, Cambodia nhanh chóng sụp đổ.
Sau khi giải phóng Cambodia, Lê Đức Thọ là “Toàn quyền” Cambodia, Lê Đức Anh là Tư lệnh quân tình nguyện VN và Lê Khả Phiêu là Phó Tư lệnh chính trị quân tình nguyện. Ba ông họ Lê đóng vai trò quan trọng nhất tại Cambodia, tất nhiên, dưới sự chỉ đạo tối cao của một ông họ Lê khác từ Hà Nội – Lê Duẩn.
Hơn mười năm quân đội VN ở Cambodia là một trong những giai đoạn khó khăn, phức tạp nhất trong lịch sử VN hiện đại, để lại nhiều vấn đề mà cho đến nay cũng chưa thể đánh giá hết được.
Chúng ta đều biết, trong thời gian tướng Lê Đức Anh chỉ huy quân tình nguyện VN đã xẩy ra sự kiện Xiêm Riệp, phản ánh sự ấu trĩ không thể tin nổi của quân báo VN tại Cambodia. Bọn Pol Pot, được các cố vấn TQ bày mưu, bèn cho một tên Trung đoàn phó ra trá hàng nhằm đánh phá từ bên trong. Đáng ngạc nhiên là quân báo VN lại mắc mưu trá hàng của tên này một cách dễ dàng. Hàng loạt cán bộ bị bắt. Xe của bộ đội VN đi đến đâu là ở đó khiếp sợ. Cho đến khi một cán bộ cao cấp của Cambodia tự sát để phản đối, VN mới nhận ra sai lầm.
Tướng Lê Đức Anh cho rằng, khi xẩy ra vụ Xiêm Riệp, ông ta đang chữa mắt ở Liên Xô, Lê Đức Thọ điện gọi về gấp. Bộ chính trị họp xét vụ này, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã phê phán rất gay gắt và đề nghị một mức kỷ luật rất nặng đối với toàn bộ cán bộ chủ chốt của Bộ tư lệnh mặt trận 479 và 719 có liên quan đến vụ việc. Sau khi bàn bạc, Bộ chính trị giao cho Lê Đức Anh xử lý. Vấn đề là có chuyện tướng Hồ Quang Hóa đã ra Hà Nội báo cáo “cấp trên”. Vậy “cấp trên” đó là ai? Lê Đức Anh đã khéo léo đề nghị chỉ xin xử lý “những việc cụ thể” và “những con người cụ thể”, Bộ chính trị đồng ý. Rốt cuộc, chỉ có tướng Hồ Quang Hóa và Tư Thanh bị kỷ luật, mỗi người bị hạ một cấp và cho về nước. Bộ chính trị lại cử Chu Huy Mân sang xin lỗi đảng Cambodia.
Việc tướng Lê Đức Anh cho xây dựng tuyến tuần tra biên giới, biệt danh là K5, dài tới 800 cây số, cho đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi. Một số ý kiến cho rằng K5 tốn kém và không cần thiết.
Tướng Lê Đức Anh là người khá sáng tạo khi chấp hành lệnh của cấp trên. Sau Hiệp định Pari, lệnh của trên là lui quân về vùng U Minh để củng cố, bấy giờ ông là Tư lệnh Quân khu IX cho rằng, nếu lui là mất đất, mất dân và ra lệnh cho Tham mưu trưởng cho quân ở yên, không có lui gì hết. Tại Cambodia, ông không chấp nhận bỏ chế độ Đảng ủy trong quân đội, dù Đại tướng cố vấn Liên Xô nói, đồng chí không chấp hành là không mácxít. Ông đáp, đồng chí hãy chỉ cho tôi, cả bản tiếng Nga và bản tiếng Việt, chỗ nào Mác nói trong quân đội không cần chế độ đảng ủy thì tôi nhận là sai và xin chấp hành. Bộ chính trị sau đó họp ở Sài Gòn nhất trí với ý kiến của ông.
Năm 1974, Lê Đức Anh được phong vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng, đến năm 1984, ông đã là Đại tướng. Sau khi hai Đại tướng Hoàng Văn Thái và Lê Trọng Tấn mất đột ngột, Lê Đức Anh lên làm Bộ trưởng Quốc phòng. Trước Đại hội VII, ngày 24.6.1991, Lê Đức Anh gửi thư cho “anh Linh, anh Tô, Bộ chính trị, Ban bí thư”: “Xin Đảng cho phép tôi, phân công cho tôi chuyên trách công tác tổng kết kinh nghiệm chiến tranh…và xin được rút khỏi danh sách đề cử vào Bộ chính trị Trung ương khóa VII”. Thế nhưng, Lê Đức Anh vẫn trúng cử Trung ương, Bộ chính trị và năm 1992, Quốc hội đã bầu Lê Đức Anh làm Chủ tịch nước.
Đạo đức cộng sản như vậy, chớ đâu phải như đạo đức phong kiến.
Trước mắt tôi là cuốn Tam Quốc chí, kể chuyện Tào Phi (con cả Tào Tháo) phế bỏ vua Hiến Đế. Các “cố vấn” của Phi ép vua Hiến Đế phải thảo chiếu nhường ngôi cho Phi. Tào Phi nghe xong chiếu, muốn nhận ngay. Song, Tư Mã Ý can rằng, chớ nên nhận vội, điện hạ hãy dâng biểu nói nhún mà từ đi, để bịt miệng thiên hạ dèm chê. Phi nghe lời, sai làm bài biểu, nói nhún rằng đức mình mỏng lắm, xin cầu người đại hiền khác để nối vào ngôi trời. Vua xem xong, trong bụng nghi hoặc, hỏi quần thần, Ngụy Vương khiêm tốn không chịu nhận, thì làm thế nào? Hoa Hâm tâu, bệ hạ phải giáng chiếu lần nữa, Ngụy Vương tất phải nghe. Phi tiếp được tờ chiếu, mừng rỡ lắm, bảo Giả Hủ, tuy rằng hai lần có chiếu, nhưng vẫn còn ngại đời sau chê cười ta thoán thiết, thì làm thế nào? Hủ thưa, việc ấy cực dễ, hãy sai Hoa Hâm nói với vua làm một cái đền thụ thiện, chọn ngày lành tháng tốt, hội cả công khanh lớn nhỏ đến hết ở dưới đền, để thiên tử nhường ngôi cho điện hạ, như thế thì không còn ai nghi việc gì, mà bịt được mồm thiên hạ. Tào Phi lên ngôi vua như thế đấy.
Năm 1997, Lê Đức Anh thôi chức Chủ tịch nước và cùng năm đó, một ông họ Lê khác trở thành Tổng Bí thư trong một Hội nghị Trung ương chứ không phải Đại hội Đảng – Lê Khả Phiêu.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"