Thứ Năm, 2 tháng 5, 2013

'Cần dân xúc tác để đối thoại vì nước'

BBC
 
Đoàn ông Hoàng Duy Hùng thăm cựu Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ở Bình Dương

Trả lời BBC Tiếng Việt nhân dịp kỷ niệm 30/4/1975, nghị viên Hoàng Duy Hùng (Al Hoàng) từ Houston, Hoa Kỳ nói Việt Nam cần 'hợp nguyên chính trị', tách Đảng Cộng sản làm hai, dựa vào thế giới và nhân dân để tiến bộ.

Sau chuyến về thăm Việt Nam (23/03-7/04) qua lời mời từ Bộ Ngoại giao Việt Nam và thành phố Đà Nẵng, đô thị kết nghĩa với Houston, luật sư Hoàng Duy Hùng, cho rằng người Việt đối lập cần giúp đỡ hệ thống chính trị Việt Nam cải tổ.

Trước hết, luật sư Hoàng Duy Hùng giải thích khái niệm Hợp Nguyên mà ông nêu ra khi trả lời nhiều báo chí trong nước, như một cách thức xoá bỏ mâu thuẫn, khép lại quá khứ:

Ông Hoàng Duy Hùng: Danh từ 'hợp nguyên' là do sáng kiến của ông Nguyễn Sĩ Bình. Trong một buổi bàn luận, chúng tôi thấy hiện nay có Đảng Cộng Sản đang cầm quyền ở thế mạnh, người dân thụ động và người dân phản kháng được gọi là 'bất đồng chính kiến' hợp lực với người hải ngoại chỉ trích nhà nước. Chúng tôi tranh luận có bao giờ Đảng Cộng Sản tự nhượng quyền cho những người bất đồng chính kiến thì câu trả lời là không.


Ông Hoàng Duy Hùng đã giao tiếp với cả các giới chính trị Đài Loan và Trung Quốc

Chúng tôi bàn luận tiếp có bao giờ những người bất đồng chính kiến và những người ở hải ngoại sẽ tự động không chống đối nhà nước nữa hay không thì câu trả lời cũng là không? Vậy thì kẻ cầm quyền sẽ cầm quyền và kẻ chống cứ chống để rồi dân tộc Việt Nam mãi phân ly. Chúng tôi đi đến kết luận là lấy người dân thầm lặng là đại đa số quần chúng làm chất xúc tác cho sự 'hợp nguyên'.

Hợp nguyên chính là sự tổng hợp của Âm và Dương. Hợp nguyên là sự tổng hợp của Đảng đang cầm quyền và những người bất đồng chính kiến. Đảng cầm quyền nói là để phục vụ cho dân, những người bất đồng chính kiến cũng nói phục vụ dân. Do vậy, hợp nguyên là sự xúc tác của dân để cho Đảng đang cầm quyền và những người bất đồng phải ngồi lại làm việc với nhau trên những sự đồng thuận và ôn hòa đối thoại giải quyết những bất đồng để cho đất nước được phồn thịnh.

Hợp nguyên là là việc trên những sự đồng thuận và ôn hòa đối thoại giải quyết những bất đồng, tức là cổ suý cho tích cực và giảm thiểu tiêu cực. Có 10 cái xấu mà ôn hòa tranh đấu giải quyết từng mỗi điểm xấu, từ 10 xuống 9, rồi từ 9 xuống 8, mỗi cái xấu giảm thiểu là mỗi cái tốt và sự thành công tăng lên.

Ý niệm này một phần giống như chủ nghĩa thực dụng (utilitarianism) của hai triết gia Jeremy Bentham (1748-1832) và John Stuart Mills (1806-1873), cho rằng giữa hai cái xấu thì đối để phải chọn cái xấu ít hơn và giữa hai cái tốt thì phải cổ suý cho cái tốt hơn. Hợp nguyên giống chủ nghĩa Thực Dụng một phần nhưng lại đặt nặng bản sắc và giá trị dân tộc Việt lên trên tất cả để phát huy sức mạnh dân tộc Việt lên tới mức tối đa.

BBC: Ông cũng nói đa đảng không nhất thiết là dân chủ, vậy lưỡng đảng thì sao? Là một nghị viên thành phố Houston và thành viên đảng Cộng hoà Mỹ, ông muốn gợi ý hai phái Cộng hoà (nếu có) và Cộng sản sẽ hợp tác, trên căn bản hợp nguyên?

Điều kiện để dân chủ

  • Dân trí cao, biết tôn trọng nguyên tắc đa số thắng thiểu số
  • Tự do ngôn luận và thông tin hai chiều được tôn trọng
  • Những cơ sở dân sự, phi vị lợi vững mạnh
  • Hạ tầng cơ sở kinh tế tốt
  • Quân đội phải được phi chính trị hóa

Chúng ta đã thấy nhiều nước có đa đảng như Nga, Campuchia hay một số quốc gia ở Phi Châu nhưng lại không có dân chủ. Để có dân chủ, ngoài yếu tố đa đảng ra thì cần có những yếu tố khác song hành.

Tôi ủng hộ đa đảng (thật ra lưỡng đảng) đi song hành với những yếu tố xây dựng dân chủ khác mà tôi đã nêu (xem Điều kiện cho dân chủ bên phải). Tôi ủng hộ Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong Kiến Nghị Thư yêu cầu có đa đảng và tôi kêu gọi mọi người ký vào Kiến Nghị Thư này. Nhưng tôi e ngại nhiều đảng phái quá sẽ không xây dựng được đất nước nên tôi cho rằng hệ thống lưỡng đảng ở Hoa Kỳ đem áp dụng cho Việt Nam là tốt nhất, và đó cũng là sự “hợp nguyên” như tôi vừa trình bày ở trên. Hoa Kỳ có nhiều đảng nhưng chỉ có hai đảng mạnh là Dân Chủ và Cộng Hòa, ấy thế mà hai đảng này nhiều khi cọ xát hoặc tẩy chay bất cộng tác với nhau làm cho cả nước bị trì trệ. Suy cho cùng, hệ thống lưỡng đảng này là tương đối ổn thỏa nhất để xây dựng và phát triển Việt Nam.

Trong gần bốn năm qua, với tư cách nghị viên của thành Phố Houston đặc trách về châu Á, tôi đã tiếp xúc nhiều phái đoàn ở Trung Quốc cử người qua Houston học hỏi lưỡng đảng. Tôi chia sẻ với họ ở Trung Quốc lúc đầu có một đảng như một chiếc xe có chân đạp ga chạy rất nhanh, phát triển vùn vụt, nhưng khi cần thắng lại thì không có vì không có đối lập nên nhiều công trình xây hôm trước thì tháng sau hư hỏng và tai nạn xảy ra liên tục. Họ đồng ý và họ cho rằng cần có đảng đối lập như một cái thắng cho cái đạp ga đó, và họ cho rằng có đối lập thì phải có tiến trình cho đối lập, không thể nào qua đêm tuyên bố chấp nhận đối lập được. Họ cho rằng tiến trình chấp nhận có đối lập thì phải từ ba năm trở lên. Hợp nguyên là hãy dùng ưu điểm của nhau như cần số đạp ga và cần số thắng để bổ túc cho nhau thì sự xây dựng ngày càng vững mạnh thêm.

BBC:Các sáng kiến và ý tưởng ông nêu ra cho đến nay được đón nhận ra sao từ các giới hoạt động chính trị cả Mỹ và Việt ở Hoa Kỳ?

"Cuộc chiến ý thức hệ Quốc Cộng là một tai nạn lớn trên quê hương Việt Nam"

Tôi nói chuyện với nhiều người thì thấy những ý tưởng đó được đón nhận cách nồng nhiệt. Ở hải ngoại, khi tiếp xúc từng người (Việt) hay từng nhóm nhỏ (Việt) thì ai nấy cũng cho rằng đó là giải pháp tốt đẹp nhất cho Việt Nam nhưng họ lại e ngại không dám công khai ủng hộ hoặc đứng gần tôi vì sợ bị 'dính miểng' bởi những người cực đoan. Tôi nói chuyện với các chính khách Mỹ, thí dụ các bạn đồng nghiệp, thì họ nói rằng giải pháp đó mới giúp cho Việt Nam giàu mạnh chớ còn mang gánh nặng của cuộc chiến 38 năm về trước không giải quyết được vấn đề. Họ nói tôi hãy ráng làm việc sao cho đóng lại trang sử đau thương chiến tranh ý thức hệ Quốc - Cộng đã dày xéo quê hương Việt Nam mà đã chấm dứt gần bốn thập niên rồi.

Tháng 3/2013, tôi vào Việt Nam hai tuần công tác để từng bước môt kết nghĩa chị em Houston và Đà Nẵng, tôi có dịp tiếp xúc nhiều người và tôi thấy đa phần đều hoan nghênh ý kiến đó. Mới đây trong bài phỏng vấn với trang mạng Thanh Niên trong nước, tôi vẫn nêu ra ý tưởng đó và tôi thấy hầu hết những góp ý phản hồi của người đọc đều ủng hộ cho tư tưởng này.

BBC:Ý tưởng tăng cường hợp tác Mỹ -Việt của ông muốn làm thế nào để chống tham nhũng tại Việt Nam hiện nay?

Tham nhũng là một tệ nạn ở mọi chính phủ, chỉ tùy theo mức độ. Không thể nào tin vào sự 'thánh thiện' của một cá nhân mà phải dựa vào cơ chế kiểm soát. Cơ chế kiểm soát ngăn chận sự tham nhũng chính lá hệ thống lưỡng đảng, tam quyền phân lập, hệ thống luật pháp nghiêm minh, và tự do ngôn luận và nghiệp vụ báo chí cao. Trong lúc đợi cho có đa đảng hoặc tam quyền phân lập thì chúng ta cổ suý cho các nhà báo thi hành nghiệp vụ báo chí của mình dám trình bày sự thật. Sức mạnh của truyền thông chắc chắn sẽ giảm bớt phần nào tệ nạn tham nhũng. Phóng viên báo chí dễ dàng thi hành chức năng của mình khi họ thấy sự có mặt nhiều của người ngoại quốc và được sự ủng hộ của họ cho thông tin sự thật và hai chiều.

BBC:Theo ông các quan điểm muốn tăng dân chủ, tách Đảng Cộng sản ra khỏi hệ thống toà án nhằm tạo tính độc lập cho toà án ở Việt Nam để chống tham nhũng hiệu quả hơn có hợp lý không?

Ở Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây, Tam Quyền Phân Lập và không một đảng chính trị nào có quyền trên tư pháp là một trong nền móng vững chắc cho dân chủ và ngăn chận nhiều tệ nạn xã hội gồm luôn cả hối lộ và tham nhũng. Tôi ủng hộ hoàn toàn cho tính độc lập ở tòa án Việt Nam vì như vậy mới chống tham nhũng một cách hữu hiệu.

"Nhà nước cần nhanh chóng thi hành tam quyền phân lập cũng như chấp nhận kỳ tới mở cửa Quốc Hội cho những người trong và ngoài nước không phải là đảng viên Cộng Sản được tham gia"

BBC:Ông nghĩ sao về các nhóm lợi ích hiện bị cho là gây hại cho kinh tế Việt Nam?

Trong chuyến về Việt Nam vừa qua tôi thấy dân chúng rất 'bức xúc' về vấn đề này vì họ cho rằng nhóm lợi ích đã làm thất thoát tài sản quốc gia quá nhiều và họ cho rằng nếu nhà nước không xử lý cho đúng và kịp thời thì bất mãn sẽ dâng cao, tạo nên nguy cơ lớn cho chính phủ. Đây là sức ép lớn để Nhà nước cần nhanh chóng thi hành tam quyền phân lập cũng như chấp nhận kỳ tới mở cửa Quốc Hội cho những người trong và ngoài nước không phải là đảng viên Cộng Sản được tham gia ứng cử và bầu cử mà không phải thông qua Mặt Trận Tổ Quốc.

BBC:Nhân dịp 30/4 không nhìn lại mà nhìn tới 20-30 năm nữa ông có viễn kiến gì cho Việt Nam, hệ thống chính trị sẽ ra sao? Kinh tế theo mô hình gì mới hay vẫn theo mô hình của ngày hôm nay?

Cuộc chiến ý thức hệ Quốc Cộng là một tai nạn lớn trên quê hương Việt Nam. Nhiều bạn trẻ và cá nhân tôi cho rằng đã đến lúc phải đóng lại trang sử đau thương này để đưa Việt Nam cất cánh bay cao trong bầu trời Thịnh Vượng thật sự sánh vai cùng các dân tộc bạn trên thế giới. Thế giới ngày hôm nay có những từ ngữ mới đó là “interdependence” để bổ túc cho “dependence” nên không ai và không quốc gia nào có thể tự cô lập mình nữa. Chính vì “interdependence” đó nên chủ nghĩa Cộng Sản và kinh tế tập trung trên danh nghĩa thì có thể có chớ trong thực tế thì không còn nữa.

"Tôi ủng hộ hoàn toàn cho tính độc lập ở tòa án Việt Nam vì như vậy mới chống tham nhũng hữu hiệu"
LS Hoàng Duy Hùng

Trong vài thập niên tới, chắc chắn Việt Nam không theo mô hình kinh tế tập trung nữa và cũng sẽ không theo mô hình nửa vời vừa tư hữu hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tôi cho rằng hiện nay bề ngoài VN còn mang nhãn hiệu Cộng sản hay xã hội chủ nghĩa, nhưng thực chất ở trong Việt Nam đã từ bỏ chủ nghĩa này rồi. Tôi dự trù trong thế hệ tới, chủ nghĩa dân tộc Việt lấy quyền lợi dân tộc Việt làm hàng đầu sẽ ngự trị mạnh mẽ trên quê hương Việt Nam. Chính vì không còn đặt nặng chủ nghĩa Cộng sản làm kim chỉ nam chỉ đường cho nhà nước, tôi dự trù nhà nước Việt Nam sẽ có những thay đổi lớn trong vài thập niên tới.

Để giúp cho sự thay đổi này có hữu hiệu theo chiều hướng đi lên, dựa trên những gì đang bàn thảo ở Việt Nam, tôi đề nghị thay đổi Quốc Hiệu và Đảng Cộng Sản tách thành hai đảng...Bây giờ là lúc chấn hưng dân tình, nên đổi tên là Nam Việt hay Đại Việt, đó là hình thức khẳng định tính bất khuất của toàn dân Việt 'Nam Quốc Sơn Hà Nam Đế Cư' trong bối cảnh Trung Quốc lấn sân trên Biển Đông.

Tôi cũng được biết nhiều người trong Đảng Cộng Sản Việt Nam hiện nay rất cấp tiến và ngược lại cũng còn có nhiều người rất bảo thủ. Xưa nước Mỹ có Đảng Whig là mạnh, nhưng sau Nội Chiến Nam Bắc Hoa Kỳ (1861-1865), để đáp ứng cho nhu cầu tiến bộ của lịch sử, nhiều nhân vật trong Đảng Whig theo hai khuynh hướng bảo thủ và cấp tiến như Abraham Lincoln và Andrew Jackson đã tách ra thành hai đảng.

Nếu Đảng Cộng Sản Việt Nam thuận theo sự tiến bộ tách ra thành hai đảng, thí dụ, Đảng Cộng Hòa (bảo thủ) và Đảng Xã Hội hay Dân Chủ (cấp tiến) thì đó chính là đột phá của lịch sử giải quyết nhiều bế tắc trong nhiều năm qua ngay ở trong nội bộ của Đảng Cộng Sản cũng như ở ngay chính những người bất đồng chính kiến và ở hải ngoại. Lúc đó, những người bất đồng chính kiến có thể tham gia một trong hai đảng mà không cảm thấy khó khăn.

Tóm lại, 20-30 năm tới, hệ thống chính trị và kinh tế của Việt Nam sẽ thay đổi có chiều hướng đi lên, và điểm chắc chắn, không thể có kinh tế tập trung nữa, không thể có độc đảng nữa vì thế giới lúc đó là thế giới của nương tựa lẫn nhau (interdependence) đa phương hỗ trợ cho nhau cùng phát triển tồn tại là sức mạnh của cả thế giới cũng như của dân tộc Việt. Thay đổi tới mức độ nào, nhanh chóng còn tùy thuộc những người có ý thức ở trong nhà nước cũng như ở những người yêu nước ở trong nước cũng như ở hải ngoại.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"