Nhà giáo Trương Quang Đệ
Tôi thấy đã đến lúc cần thiết phải chốt lại một số nguyên tắc điều
hành sự sống, trong đó có cả vấn đề lãnh đạo chính trị và văn hoá, kinh
tế. Các đây ít lâu, nghị viện châu Âu thông qua nghị quyết lên án chủ
nghĩa cộng sản, coi đó là thể chế chính trị cần tránh bằng bất kì giá
nào. Các nước Đông Âu nhất trí bỏ phiếu thuận còn các nước Tây Âu thì do
dự. Điều đó thật dễ hiểu: Đông Âu đã từng bị Liên xô áp đặt một chế độ
mà họ kinh hãi, không muốn chế độ ấy tái diễn dưới danh nghĩa nào đi
nữa, còn Tây Âu vẫn còn lưu luyến không khí cánh tả thời xưa. Chúng ta
đã từng sống dưới chế độ do Staline và Mao chỉ đường, đã từng làm những
chuyện phiền hà cho dân tộc. Sau này, bất kì ai lãnh đạo đất nước, chúng
ta mong muốn họ rút kinh nghiệm lịch sử để tuân thủ những nguyên tắc
quan trọng như sau:
1. Một chủ trương chính trị nào đó gây ra việc giết hại dù chỉ là một
thường dân vô tội đều phải bị lên án. Ai đề ra chủ trương đó phải chịu
trách nhiệm, phải bị cách chức, xử lí trước pháp luật và nhà nước phải
bồi thường cho những nạn nhân.
2. Không được phép tước đoạt, dầu với danh nghĩa nào, tài sản của
nhân dân như ruộng đất, nhà cửa, phương tiện đi lại, trâu bò v.v… Chỉ
được quyền tịch thu của cải vì thi hành án.
3. Bất kì ai lãnh đạo cũng phải lấy sự tiến bộ làm chuẩn, không dưới
danh nghĩa nào để hạn chế sự tiến bộ. Trong những nhân tố tạo nên sự
tiến bộ có tự do cá nhân, quyền con người, tự do ngôn luận, tự do tôn
giáo và nam nữ bình đẳng. Nhà nước phải thế tục (không có màu sắc tôn
giáo), của toàn dân không phân biệt tôn giáo, chủng tộc. Nhà nước không
để một tôn giáo nào lên trên các tôn giáo khác. Bộ văn hoá qui định
những lễ nghi phú hợp với nguyên tắc trung tính của chính phủ. Hiện nay,
các vị lãnh đạo có thói quen thắp hương vái lạy ở các tượng đài liệt sĩ
hay các nơi thờ cúng. Họ không nhận ra rằng làm như vậy là lấy việc thờ
cúng tổ tiên – trên cơ sở Nho và Lão – làm tôn giáo chủ đạo trong đời
sống. Đáng ra họ chỉ đứng nghiêm thực hiện một phút mặc niệm là đủ, vì
đó là điều mà mọi tôn giáo đều chấp nhận.
4. Xây dựng nhà nước pháp quyền lành mạnh như đồng thời lấy sự khoan
dung làm phương châm xử thế. Hiện nay tuy đã muộn nhưng việc hoà hợp dân
tộc vẫn còn là nghĩa vụ hàng đầu của các nhà lãnh đạo, là thước đo lòng
yêu nước của họ. Sau 1975, nhầm tưởng rằng chủ nghĩa cộng sản sẽ thắng
lợi hoàn toàn trên trái đất, các nhà lãnh đạo Việt Nam không cần hoà
giải dân tộc nữa, muốn thực thi đấu tranh giai cấp toàn diện ngay. Nước
ta đã bỏ lỡ cơ hội quí giá mà phải ba mươi năm sau mới thấy ra.
5. Từ bỏ mọi giáo điều, mọi lí thuyết không phù hợp với lòng dân. Chỉ
thực hiện điều gì mà con tim cảm nhận là có ích cho dân, cho nước.
6. Vững tin vào sự mở cửa thông thoáng trong quan hệ quốc tế. Việc
hội nhập quốc tế, việc từ bỏ tham vọng đấu tranh giải phóng loài người
theo kiểu Lê Nin phải dứt khoát và thành thực. Hội nhập và làm bạn với
toàn thế giới chỉ có lợi chứ không có hại gì hết. Sự bế quan tỏa cảng,
sự cảnh giác chống người nước ngoài, việc kì thị chủng tộc đều là biểu
hiện của chế độ lạc hậu, lỗi thời.
7. Tìm cách xoá bỏ tất cả những hình thức bạo lực trong đời sống
chính trị xã hội. Thay những cuộc hội nghị vô bổ bằng những điều tra xã
hội học, những trao đổi ý kiến thẳng thắn trên các phương tiện thông tin
đại chúng, đặc biệt là các quan chức phải đàm thoại thường xuyên trên
mạng với cánh trẻ.
Rút từ bút kí Thời hội nhập
Tác giả gửi Quê Choa, bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả