Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2013

Việt phủ Thành Chương, phá hay giữ?

Innova, biên tập viên Dân Luận



Tuần vừa qua, dư luận trong nước xôn xao về vấn đề xử phạt vi phạm hành chính trong xây dựng đối với tòa phủ của họa sĩ Thành Chương, nhà của ca sĩ Mỹ Linh và một số cá nhân khác trên diện tích đất rừng ở ngoại vi Hà Nội. Đối với trường hợp Mỹ Linh và các cá nhân khác, vì không nắm rõ nên không lạm bàn. Tuy nhiên, đối với Việt phủ Thành Chương, người viết đã có cơ hội ghé thăm nên muốn trình bày một số suy nghĩ xung quanh vấn đề này.
Sự phát hiện vi phạm ở vào thế đã rồi này, đặt chính quyền Hà Nội vào tình huống rất khó xử. Một mặt, họ khẳng định các công trình xây dựng này là không giấy phép. Mặt khác, họ không giải thích được tại sao một công trình khá có tiếng như vậy có thể tồn tại hơn mười năm trời mà các cấp quản lý không hề hay biết. Câu hỏi hiện nay buộc Hà Nội phải quyết định là nên phá bỏ công trình này hay cấp giấy phép cho nó tồn tại. Nếu đập thì nó sẽ tạo ra một tai tiếng đối với cách ứng xử với các công trình mang tính văn hóa. Nếu giữ thì nó sẽ tạo tiền lệ hợp thức hóa cho một loạt các vi phạm tương tự. Chưa kể, trong mọi tình huống, họ phải xử lý sự vô trách nhiệm trong bộ máy của mình. Sau cùng cũng không thể không tự vấn, chẳng lẽ chủ nhân của tòa phủ trị giá hàng chục triệu đô này, ông Thành Chương dám nhắm mắt làm liều với khoản đầu tư của mình? Ai đã bật đèn xanh cho ông, khoản đầu tư lớn đó đến từ đâu, và liệu đó là niềm đam mê của ông với nghệ thuật hay đó là một bài toán kinh doanh?


Thiết kế khá hài hòa với thiên nhiên của tòa phủ

Trước hết về câu hỏi “Giữ hay đập”. Bỏ qua các vấn đề về giá trị văn hóa của tòa phủ này cộng thêm với sự hài hòa tương đối với thiên nhiên thì câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta nên chấp nhận bao nhiêu tòa phủ như vậy trên một ngọn đồi. Một mình tòa phủ Thành Chương đứng thì khung cảnh sẽ đẹp, nhưng nếu mười tòa phủ tương tự mọc trên một ngọn đồi thì đó là thảm họa. Đây là vấn đề thường gặp trong ngành du lịch mà Đà Lạt là ví dụ đắt giá. Khởi đầu thường một công ty đến xây dựng nhà nghỉ, khách sạn tại một địa điểm đẹp. Nhưng dần dần các công ty khác kéo đến cùng xây dựng rồi sau cùng thì che phá hết cảnh quan tự nhiên. Tất nhiên một ngọn đồi ở Sóc Sơn không thể nào đi so sánh với Đà Lạt, nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao cái quyền xây dựng một tòa phủ tại địa điểm đẹp như vậy chỉ nên thuộc về họa sĩ Thành Chương. Tại sao những người khác không có quyền đến xây dựng tiếp theo sau.
Để trả lời câu hỏi đầu tiên này, giải pháp đặt ra thường là quy hoạch giới hạn số công trình tại những địa điểm đẹp, và đấu giá quyền sử dụng đất tại các điểm đó. Ví dụ, để bảo tồn sự hoang sơ của thiên nhiên, chính quyền Hà Nội có thể giới hạn cấp phép duy nhất 3 công trình tại ngọn đồi trên. Khi đó ai muốn chiếm địa điểm đẹp phải tham gia đấu giá công khai. Người thắng không chỉ trả giá cao nhất mà còn phải trình bày một dự án xây dựng có sự hòa hợp với môi trường thiên nhiên. Rất tiếc, phần lớn các thành phố du lịch ở Việt Nam như Đà Lạt, Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Nẵng đều bị ít nhiều phá hỏng bởi lối quy hoạch vô cảm phá hoại tự nhiên. Vấn đề giới hạn xây dựng chưa bao giờ được đặt ra một cách nghiêm túc khi đứng trước các dự án đầu tư du lịch hay cá nhân lắm tiền.
Nói đến tiền , chúng ta không thể ngây thơ bỏ qua câu hỏi liên quan đến kinh tế của công trình trên. Trước hết phải giới thiệu diện tích đất của công trình trải rộng trên 10000 m2. Thứ hai, mục đích sử dụng đất ban đầu là trồng rừng. Nhờ đó, chi phí chuyển nhượng đất cho tòa phủ là khá rẻ mạt so với giá đất xây dựng ở Hà Nội. Nói cách khác, nếu muốn xây dựng đúng phép thì lẽ ra ông họa sĩ phải trả tiền đất gấp hàng trăm, thậm chí hàng ngàn lần so với cái giá phải trả ở khu đất đồi trồng rừng kia. Chỉ cần lách luật xây dựng, ông vừa giảm giá đất đầu tư cho công trình mình hàng trăm, hàng ngàn lần. Trong khi đó, ông lại được một địa điểm đắc địa xây dựng tòa phủ của mình. Đi xa hơn nữa, từ vài năm trở lại đây, khu Việt phủ Thành Chương còn bán vé tham quan như một địa điểm du lịch: 100 ngàn đồng đối với khách tham quan và 4 triệu đồng đối với các đôi uyên ương chụp ảnh cưới. Tức ông họa sĩ đã đi một mạch âm thầm từ đất rừng sang đất ở và sau cùng là đất kinh doanh. Nếu so sánh khu Việt phủ này với các khu du lịch khác như khu Đại Nam ở Bình Dương thì đích đến của cả hai đều như nhau. Nhưng cách làm của khu Việt phủ Thành Chương thì lắc léo hơn.

... đến nơi lưu giữ những góc đẹp rất Việt...

Một cách công bằng, không thể không khen ngợi trình độ mỹ thuật của ông họa sĩ Thành Chương khi xây dựng tòa phủ trên. Cũng không thể không khen ngợi tầm nhìn kinh doanh văn hóa du lịch của ông, từ hơn mười năm trước. Tuy nhiên không thể lấy mục đích biện minh cho phương tiện. Chính quyền Hà Nội phải suy nghĩ về hình thức xử phạt thích đáng. Xét yếu tố hài hòa tự nhiên lẫn kinh tế thì công trình trên không đáng bị đập bỏ. Vấn đề quan trọng là phân chia lợi ích như thế nào giữa ông họa sĩ và lợi ích nhà nước. Bên cạnh đó, hai câu hỏi phụ nhiều người quan tâm là tại sao chính quyền không phát hiện sai phạm sớm hơn và nguồn gốc vốn đầu tư của ông nghệ sĩ.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"