Thứ Hai, 2 tháng 4, 2012

Việt Nam – Miến Điện: Đối tác hay đối thủ?


Tổng thống Miến Điện Thein Sein (trái) bắt tay với chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang. Ảnh AFP
Những thay đổi liên tiếp của Miến Điện trong một năm nay được đánh giá là sẽ mở ra một cơ hội mới cho không những Miến Điện mà còn các nước khác trong vai trò đầu tư, bao gồm cả Việt Nam.
Tuy nhiên, ngoài việc trở thành một đối tác, phải chăng nước này sẽ trở thành một đối thủ của Việt Nam trong một tương lai gần? Đó là câu hỏi mà Quỳnh Chi tìm hiểu và tường trình.

Đối tác tiềm năng
Hàng loạt những đổi mới về chính trị, xã hội và kinh tế trong vòng một năm nay của Miến Điện chẳng những giúp nước này thoát khỏi thế cô lập mà còn cho thấy khả năng gỡ bỏ được dần những cấm vận của EU và Hoa Kỳ. Những thay đổi của chính quyền dân sự mới không nằm ngoài mục tiêu mang đến lòng tin cho quốc tế, đặc biệt là các nhà tài trợ, đầu tư. Đó là khởi đầu cho ván cờ mà tất cả các bên đều trở thành người chiến thắng, trong đó có cả Việt Nam.
Từ ngày 11 đến ngày 15 tháng 3 vừa qua, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) đã đến thăm Miến Điện, tổ chức triển lãm và hội thảo về Đầu tư – Thương mại – Du lịch TP.HCM. Theo báo cáo, có khoảng 50 doanh nghiệp tham dự. Chuyến thăm đã mang đến những hợp đồng đầu tư, kinh doanh, hợp tác cho 11 đơn vị Việt Nam.
Phát biểu với báo giới, bà Phó Nam Phượng – Giám đốc ITPC cho biết, “sắp tới sẽ tiếp tục có nhiều chương trình xúc tiến sang Miến Điện” – cho thấy triển vọng kinh doanh cho các doanh nghiệp Việt Nam tại một xứ sở từng bị cô lập này.
Việt Nam hiện đặt muc tiêu tăng vốn đầu tư trực tiếp vào Myanmar từ mức 500 triệu USD lên 2 tỷ USD và tăng kim ngạch thương mại song phương từ 167 triệu USD vào năm ngoái lên 500 triệu USD trong thời gian từ nay tới năm 2015. Có thể thấy, bên cạnh Lào và Campuchia, Miến Điện đang trở thành một thị trường mới của các doanh nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những triển vọng hợp tác để Naypyidaw trở thành đối tác tiềm năng của Hà Nội, đã có ý kiến cho rằng người bạn láng giềng này có thể trở thành đối thủ mạnh của Việt Nam trong tương lai gần.
Dự luật mới về đầu tư của Miến Điện thu hút quan tâm cho các nhà thầu nước ngoài vì bao gồm việc miễn thuế cho các nhà đầu tư quốc tế trong vòng 5 năm, bảo đảm không quốc hữu hóa, đầu tư không cần liên kết với doanh nghiệp địa phương, và nới lỏng kiểm soát tư hữu đất đai.
Đặc biệt, việc kiềm chế đồng kyat của chính phủ Miến Điện từ lâu một “nút thắt” ngăn cản các nhà đầu tư nước ngoài cũng được thông báo sẽ cải thiện. Chính phủ nước này đã không báo từ đầu tháng 4, đồng kyat sẽ được thả nổi. Đây chắc chắn là một dấu hiệu lớn tạo lòng tin cho các nhà đầu tư. IMF hồi tháng này cũng cho rằng việc thả nổi đồng kyat có thể mở ra cho Miến Điện tiềm năng trở thành nền kinh tế kế tiếp đi đầu Châu Á. Phát biểu về vấn đề này, TS Nguyễn Quang A, nguyên viện trưởng viện IDS cho biết:
“Với những sự chuyển đổi nhanh chóng thì Miến có thể trở thành một đối tác và đối thủ mạnh của Việt Nam. Trước đây khi làm ăn với Miến thì có rất nhiều khó khăn, nhất là việc kiềm chế đồng kyat nhưng bây giờ họ thông báo sẽ thả nổi đồng kyat, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư.”
Chưa kể đến giá nhân công rẻ, một trong những thế mạnh rất lớn của Miến Điện nằm ở nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào chưa khai phá bao gồm nông nghiệp, quặng kim, dầu thô, khí đốt và đất hiếm. Phát biểu vào tháng 2 trên đài CNBC, nhà đầu tư và kinh tế Jim Rogers gọi đây là “một cơ hội đáng kinh ngạc” và cho rằng “Tôi sẽ rót hết tiền vào Miến Điện nếu có thể”.
Cuối năm ngoái, khi những thay đổi của Miến Điện bắt đầu được chú ý, ông Kimihiro Ishikane, phó Tổng giám đốc về Quan hệ Châu Á và Đại dương thuộc bộ Ngoại giao Nhật Bản chia sẻ với báo giới rằng Tokyo đang tìm kiếm những cơ hội tại Naypyidaw và nhấn mạnh rằng thủy lộ từ hải cảng ở Miến Điện đóng vai trò “rất quan trọng trong việc kết nối”. Và một khi sự kết nối này hình thành, nó là một sự lựa chọn tuyệt vời cho những quốc gia thường vận chuyển hàng hóa qua eo biển Malacca, trong đó có Trung Quốc.
Miến Điện nằm giữa hai nền kinh tế đang nổi Ấn Độ và Trung Quốc với những cảng trên Ấn Độ dương và biển Andaman. Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu những cảng này được phát triển, đầu tư và nâng cấp, sẽ có thể trở thành một thủy lộ quan trọng thay thế những con đường hàng hải nguy hiểm như eo biển Malacca hay còn gọi là “nút thắt cổ chai”.
Nếu thủy lộ này được phát triển, nó sẽ hình thành một con đường vận chuyển hàng hóa nhanh hơn từ Trung Đông hoặc Châu Phi đến Trung Quốc và các quốc gia khác dọc theo sông Mê Kông.
Đối thủ trong tương lai?
Sự cải cách chính trị đã mang đến cho Miến Điện một thay đổi toàn diện, đồng bộ hơn và tạo tiền đề vững chắc hơn cho sự phát triển. Nhiều người cho rằng Miến Điện sẽ giống như Việt Nam trong thời kỳ bắt đầu đổi mới năm 1986, tuy nhiên nếu nhìn một cách tổng quát, sẽ thấy có sự khác biệt giữa sự đổi mới của Miến Điện ngày nay với Việt Nam hay Trung Quốc cách đây hơn 20 năm. TS Nguyễn Quang A nhận xét:
“Có một sự khác xa giữa những diễn biến của Miến Điện trong khoảng 1 năm nay so với Việt Nam hay Trung Quốc thời trước. Khác ở chỗ Miến Điện đi theo đường dân chủ, nhưng Việt Nam và Trung Quốc chỉ mở cửa kinh tế thôi. Chắc khoảng 5- 7 năm nữa mới đánh giá Miến thành công như thế nào trong sự đổi mới nhưng nếu họ thành công thì đó là một học tốt cho nhiều nước khác. Mỗi một nước có thể chuyển đổi để phù hợp nhất với quốc gia họ.”
Sau đổi mới, từ năm 1995, Việt Nam bắt đầu gia nhập quốc tế. Tại Hội nghị Ngoại giao lần 27 được tổ chức vào tháng 12 năm ngoái, TT Nguyễn Tấn Dũng cũng thúc đẩy công tác xây dựng Chiến lược Tổng thể về hội nhập kinh tế quốc tế. Không còn nghi ngờ gì khi cho rằng mục tiêu của các nền kinh tế là sự hội nhập. Và để có một sự hội nhập tốt dĩ nhiên là các nước phải có các giá trị chung.
Những thay đổi chính trị, dân sự của Miến Điện có thể sẽ trở thành một điểm sáng giúp nước này tiếp cận thế giới dễ dàng hơn, mở ra cơ hội tiếp cận nguồn vốn FDI và ODA. Đó cũng là lý do vì sao cả Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản đã lên tiếng về một tương lai hợp tác để cải thiện kinh tế, xã hội cho Miến Điện. Mặc dù còn dè dặt nhưng những cải cách tại Miến Điện cho phép người ta hy vọng về những bước tiến dân chủ nơi đây. Đặc biệt đối với những nước đang bị theo dõi về thì những cải cách chính trị ở Miến Điện là một dầu hiệu không thể xem thường. Ông Phil Robertson, Phó giám đốc khu vực Châu Á tổ chức HRW cũng nhận xét:
“Xét về khía cạnh nhân quyền như thả tù nhân chính trị, ngăn chặn biểu tình hoặc kiểm soát truyền thông thì Miến Điện và Việt Nam đang đi hai hướng đối lập. Việt Nam tiếp tục ngày càng tệ còn Miến Điện ít ra làm người ta hy vọng sẽ cải thiện. Mọi người bắt đầu nói đến chuyện Việt Nam đang thua trong cuộc đua nhân quyền.”
Không thể phủ nhận để phát triển bền vững, Miến Điện cần hoàn thiện hành lang pháp lý đủ rộng cho các nhà đầu tư, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, và hoàn thiện chính sách xã hội. Tất cả những vấn đề này cần thời gian. Và hiện tại còn quá sớm để nói Miến Điện có thể trở thành đối thủ hay đối tác của Việt Nam.
Tuy nhiên, nếu Miến Điện tiếp tục mở cửa và thay đổi như những gì họ đang làm, chỉ trong vài năm tới họ sẽ có đủ thời gian để chuẩn bị những vấn đề đó. Theo bài viết nhan đề “Miến Điện có thời gian để vội vã một cách thông minh” đăng trên Finacial Times hồi tuần trước của ông Ajay Chhibber, Trợ lý Tổng thư ký LHQ và là giám đốc khu vực Châu Á Thái Bình Dương của UNDP, Miến Điện mặc dù chưa đuổi kịp mức sống của các nước láng giềng nhưng họ có thể tránh được vết xe đổ của các nước đi trước. Đây chắn chắn là một thế mạnh của Miến. TS Nguyễn Quang A nhận xét:
“Sự phát triển kinh tế phụ thuộc vào nhiều thứ; hạ tầng cơ sở “cứng” và “mềm”. Cho nên dẫu có tiến nhanh thế nào thì cũng cần một thời gian nhất định để lấp khoảng trống đó. Nhưng nói như thế không có nghĩa rằng Miến sẽ mãi theo sau Việt Nam. Bởi vì nếu cứ tiếp tục thay đổi thì việc đầu tư của các nước khác sẽ mạnh hơn rất nhiều.”
Nếu xét về đổi mới, kinh tế Miến Điện đi sau Việt Nam đến 20 năm. Đó là một con số có thể làm cho nhiều người lạc quan về mối quan hệ “đối tác” của hai nước. Tuy nhiên, trước khi trở thành nước nghèo nhất khu vực, Miến Điện từng là nước giàu có thứ hai ở Đông Nam Á dưới thời cai trị của Anh vào thế kỷ trước. Đó là một trong những ví dụ cho thấy kinh tế, xã hội không thể phát triển chỉ dựa theo thời gian mà còn phụ thuộc rất nhiều vào đường lối, chính sách, quản trị và nhất là một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh. Và nó cũng là một ví dụ cho thấy điều gì cũng có thể xảy ra.
Nguồn: RFA

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"