Thứ Tư, 11 tháng 4, 2012

Ung nhọt trong Đảng Cộng Sản Trung Quốc (bài 2)

Mạnh Kim
Định nghĩa rằng đó là cơ quan nhân sự Đảng là chưa đầy đủ đối với Ban tổ chức trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc. Để dễ liên tưởng bằng cách so sánh với một hình ảnh tưởng tượng bên Mỹ, có thể hình dung rằng đó là một ban giám sát việc bổ nhiệm toàn bộ nội các Hoa Kỳ, toàn bộ thống đốc bang lẫn phó thống đốc, toàn bộ thị trưởng các thành phố lớn, toàn bộ người đứng đầu các cơ quan pháp chế liên bang, các vị tổng giám đốc điều hành tập đoàn GE, ExxonMobil, Wal-Mart và khoảng 50 công ty khác lớn nhất Mỹ, toàn bộ chánh án Tối cao pháp viện, các tổng biên tập New York Times, Wall Street Journal và Washington Post, các giám đốc đài truyền hình và hệ thống truyền hình cáp, chủ tịch Đại học Yale, Harvard và nhiều đại học lớn khác, giám đốc các tổ chức nghiên cứu độc lập chẳng hạn Viện Brookings và Heritage Foundation. Không chỉ vậy, tiến trình bổ nhiệm luôn được thực hiện sau những cánh cửa đóng chặt, và việc bổ nhiệm luôn được công bố mà chẳng bao giờ kèm theo giải thích.

BÀI 2: NHỮNG NGƯỜI NẮM GIỮ HỒ SƠ

Trong buổi họp báo sau khi bế mạc kỳ họp thứ năm Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc khóa XI ngày 14-3-2012, Ôn Gia Bảo nhấn mạnh phải có những cải cách chính trị “khẩn cấp” ở thượng tầng Nhà nước để Đảng cộng sản Trung Quốc có thể tiếp tục phát triển và làm tốt vai trò lãnh đạo…

“Bộ Lại”

Liệu có phải đó là những cải cách trong cơ chế bổ nhiệm nhân sự? Liệu có phải đó sẽ là cuộc nội soi cần thiết để phẫu thuật những “lỗi thiết kế” của cơ quan đặc trách nhân sự Đảng với tên gọi chính thức là Ban tổ chức trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc?... Tại Trung Quốc, Ban tổ chức trung ương là một trong những cơ quan quan trọng và bí mật nhất. Trụ sở của nó tại Bắc Kinh là một tòa nhà không đề bảng, cách Thiên An Môn khoảng 1 km về phía Tây, dọc đại lộ Trường An. Trong danh bạ, không bao giờ có số điện thoại của trụ sở Ban tổ chức trung ương. Tất cả cuộc gọi từ máy điện thoại bàn trong tòa nhà Ban tổ chức trung ương cho điện thoại di động đều luôn hiển thị một dãy số 0. Cách duy nhất để người dân bên ngoài liên lạc với Ban tổ chức trung ương tại Bắc Kinh là gọi đến số 12380 và luôn nghe được câu trả lời ghi âm sẵn với nội dung đồng ý cho người gọi phản ánh bất kỳ vụ việc nào liên quan “vấn đề tổ chức cán bộ Đảng” ở cấp quận trở lên. Từ đầu năm 2009, website Ban tổ chức trung ương đã ra đời, cũng hỗ trợ “dịch vụ tiếp dân” tương tự. Trong cùng thời gian, Ban tổ chức trung ương bổ nhiệm một phát ngôn viên. Tuy nhiên, trong sáu tháng đầu làm việc, viên này không “phát” một từ nào ra bên ngoài...
Định nghĩa rằng đó là cơ quan nhân sự Đảng là chưa đầy đủ đối với Ban tổ chức trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc. Để dễ liên tưởng bằng cách so sánh với một hình ảnh tưởng tượng bên Mỹ, có thể hình dung rằng đó là một ban giám sát việc bổ nhiệm toàn bộ nội các Hoa Kỳ, toàn bộ thống đốc bang lẫn phó thống đốc, toàn bộ thị trưởng các thành phố lớn, toàn bộ người đứng đầu các cơ quan pháp chế liên bang, các vị tổng giám đốc điều hành tập đoàn GE, ExxonMobil, Wal-Mart và khoảng 50 công ty khác lớn nhất Mỹ, toàn bộ chánh án Tối cao pháp viện, các tổng biên tập New York Times, Wall Street JournalWashington Post, các giám đốc đài truyền hình và hệ thống truyền hình cáp, chủ tịch Đại học Yale, Harvard và nhiều đại học lớn khác, giám đốc các tổ chức nghiên cứu độc lập chẳng hạn Viện Brookings và Heritage Foundation. Không chỉ vậy, tiến trình bổ nhiệm luôn được thực hiện sau những cánh cửa đóng chặt, và việc bổ nhiệm luôn được công bố mà chẳng bao giờ kèm theo giải thích. Tại Bắc Kinh, Bộ chính trị quyết định việc bổ nhiệm những vị trí quan trọng nhất nhưng Ban tổ chức trung ương là người gác cổng mà tất cả ứng cử viên buộc phải đi ngang trước khi có thể chính thức tiếp nhận nhiệm sở. Nói cách khác, Ban tổ chức trung ương hoạt động với mô hình gần giống với Bộ Lại ngày xưa, nơi có quyền xem xét và bổ nhiệm quan viên, với người đứng đầu là Lại bộ thượng thư. Tất nhiên việc so sánh Bộ Lại với Ban tổ chức trung ương là một khiên cưỡng vì Bộ Lại thời phong kiến không thể tổ chức tốt bằng bộ máy Ban tổ chức trung ương của Đảng cộng sản Trung Quốc, với mức độ hoạt động nhịp nhàng và tầm “quán xuyến” bao phủ rộng đến tận cùng triệt để.
Luôn nắm trong tay hồ sơ cán sự Đảng, Ban tổ chức trung ương phối hợp với Ban phòng chống tham nhũng trung ương để có thể kiểm tra chéo bất kỳ dấu hiệu hủ hóa và suy thoái tư cách đạo đức nào trong hàng ngũ Đảng, ít nhất theo lý thuyết là vậy. Cùng lúc, Ban tổ chức trung ương cũng kiểm soát chặt chẽ hồ sơ đảng viên ở các cấp địa phương. Có thể thấy tầm mức uy thế Ban tổ chức trung ương như thế nào, qua việc chứng kiến nhiều nhân vật cao cấp đều từng kinh qua ghế trưởng ban Ban tổ chức trung ương, từ Đặng Tiểu Bình, Hồ Diệu Bang, đến Tăng Khánh Hồng. Và khi tái đắc cử nhiệm kỳ hai cuối năm 2007, Chủ tịch-Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào cũng củng cố ghế lãnh đạo bằng việc đưa một nhân vật trung thành thuộc cánh hẩu (Lý Nguyên Triều) lên chức Trưởng ban Ban tổ chức trung ương.

Mũ chuồn, áo thụng, thẻ bài ngà…

Bởi sự bao trùm trong chức năng bổ-bãi nhiệm nhân sự của Ban tổ chức trung ương (và dưới đó là các ban cán sự đảng bộ từng ngành, ban tổ chức cán bộ tỉnh ủy-quận ủy, ban tổ chức cán bộ đảng ủy đại học-bệnh viện-cơ quan cấp sở…) nên cơ chế “đầu mối” này cuối cùng đã dẫn đến nhiều hệ quả tai hại. Các vụ mua quan bán tước xảy ra ngày càng phổ biến và trầm trọng, thậm chí ngoài tầm kiểm soát. Bên ngoài hoạt động nhân sự thuần túy của Ban tổ chức trung ương là một thị trường mua bán “ghế” nhộn nhịp. Giá trị của cái thị trường “tổ chức cán bộ” đã thể hiện ở vụ án tại Tứ Xuyên năm 2007, khi một gã giả danh cán bộ Ban tổ chức cán bộ đã đòi mức phí với “giá sỉ” lên đến (tương đương) 63.000 USD để lo một chiếc “ghế đẹp” cho tay viên chức địa phương.
Kinh điển hơn là trường hợp Mã Đích – một vụ án chấn động với những tình tiết mà Bao Công tái thế cũng phải nghiêng mình bái phục. Thời còn làm phó thị trưởng Mẫu Đơn Giang (thuộc Hắc Long Giang) cuối thập niên 1980, Mã Đích và vợ chẳng bao giờ dám bật đèn khi trở về nhà sau ngày làm việc, bởi cứ thấy đèn trong nhà Mã Đích còn sáng là dân làng còn đứng xếp hàng để biếu quà. Hôm nọ, một viên quan địa phương nói nhỏ với Mã: “Ông không ăn mà sống được à? Nếu ông không nhận quà, quần chúng sẽ nghĩ ông không tin họ, không gần gũi họ. Ông cứ nhìn người khác mà xem, họ ăn, họ uống, họ đi matxa… Nếu ông là một tay chỉ huy cô độc, làm sao ông có thể làm việc được…?”. Thế rồi ngày kia, Mã Đích bị dân “bỏ rơi” thật. Ông thất cử trong một cuộc bầu cử địa phương. Nhiều năm sau, năm 2000, Mã Đích đã nghiệm được bài học quan trọng chốn quan trường. Ông đã chi cực đậm để mua chiếc ghế bí thư thị trấn Tuy Hóa, với số tiền khổng lồ trả “trọn gói” một lần gồm hơn 100.000 USD cho mụ trưởng ban tổ chức tỉnh ủy Hắc Long Giang. Mã Đích cũng trở nên lọc lõi trong nghề hơn. Ông không đưa trực tiếp tại nhà riêng mà trao gói tiền cho mụ trưởng ban tổ chức khi đương sự đang nằm viện. Ai dám nói đó là tiền hối lộ? Đó là khoản “hỗ trợ viện phí” cho bà trưởng ban tổ chức cán bộ tỉnh ủy Hắc Long Giang!
Khi về nhận nhiệm sở tại Tuy Hóa, Mã Đích đã trình diễn một màn ra mắt ấn tượng. Tháng 10-2000, ông cho triệu tập viên chức địa phương để cùng xem bộ phim tài liệu mang tựa Giáo huấn cảnh cáo đích nói về một viên chức tham nhũng tên Hồ Trường Thanh ở Giang Tây (họ Hồ bị kết tội nhận hối lộ tương đương 5 triệu USD, là viên chức cấp tỉnh đầu tiên bị tử hình kể từ thập niên 1950). Kết thúc buổi chiếu, họ Mã đăng đàn thuyết giảng về sự trong sạch guồng máy Đảng, về việc cán bộ phải làm gương và nghiêm túc chấp hành điều lệ Đảng, rằng công bộc của dân thì phải sống và làm việc theo pháp luật, đảng viên thì phải “uy vũ bất năng khuất” trước cám dỗ vật chất thì như vậy mới đáng là “thị chi vị đại trượng phu”!... Tuy nhiên, chỉ trong hai năm, Mã Đích đã trở thành “đầu lĩnh” một đường dây chuyên mua bán “ghế”, với một qui trình khép kín hoàn hảo và chỉn chu. Vào trước thời điểm họ Mã cùng hàng chục người khác bị bắt năm 2002, công tố viên cho biết, khoảng 265 viên chức - tức khoảng ½ cán bộ viên chức được bổ nhiệm bởi Ban tổ chức cán bộ dưới quản lý của cơ quan đảng bộ Tuy Hóa - đều thuộc thành phần mua hoặc bán “ghế”!
Tài khoản của “Mã gia gia”, được cậu con trai ở Bắc Kinh đứng tên mở, đã chứa đến 20 triệu tệ chỉ trong ba năm. Điều khiến người ta tiếp tục bàng hoàng là trấn Tuy Hóa còn có vô số những “tiểu Mã Đích” khác. Lâm Cương chẳng hạn, một viên chức đã chi 300.000 tệ để mua chiếc ghế bí thư đảng tại một quận nhỏ. Với dân số 330.000, cái vùng mà Lâm Cương cai quản là một xứ “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, nơi hàng ngàn thiếu niên không có tiền đi học, nơi hàng chục ngàn công nhân bị thất nghiệp triền miên và là nơi khoảng 3.500 hộ khẩu thiếu đói trầm trọng. Trong hai năm trước khi Lâm Cương bị bắt, kinh tế địa phương trở nên xơ xác như những chiếc áo rách đùm rách đụp của người dân. Thuế bị thiệt hại đến gần 30%. Tương tự “Mã đại ca” ở “bên trên”, “dưới này” “Lâm tiểu đệ” cũng kiếm cơm bằng “nghề” chạy “ghế”. Một công tố viên cho biết, “Lâm Cương đã bỏ ra 300.000 tệ để mua ghế và chỉ trong hai năm, hắn đã kiếm được 5 triệu tệ. Lãi 1.500%! Liệu trên đời này có nghề nào hốt bạc ngon lành hơn thế nữa?”…
Mạnh Kim
(còn tiếp)

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"