Thứ Ba, 10 tháng 4, 2012

Những ngày tháng khổ sai của người tù cải tạo


Lão Ngoan Đồng
-
Tôi không phải là một văn sĩ, cũng không phải là một người viết báo, lại càng không phải là người chuyên làm phóng sự. Tôi chỉ là một quân nhân bình thường trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, trong bài hồi ký nầy, tôi chỉ muốn ghi lại những gì đã làm cho một quân nhân không thực hiện được trọn vẹn lời thề cho Tổ Quốc, Danh Dự, Trách Nhiệm, mà đành phải chịu muôn vàn sĩ nhục của kẻ thù.
Những dòng chữ mộc mạc sau đây là những nỗi niềm bi hận của chính bản thân tôi, nếu không ở trong hoàn cảnh đó, khó có thể tưỡng tượng nỗi, mong được những người đồng cảnh ngộ chia xẻ.
***
Khoảng đầu tháng 6 năm 1975, vào lúc giữa trưa, trong một ngôi nhà mà tôi đang lẩn trốn, ở một vùng quê trên bờ sông Cữu Long, hai tên bộ đội du kích xã, tay cầm súng AK trong vị thế sẵn sàng, xông vào nhà với vẽ mặt như muốn ăn tươi nuốt sống người khác, ra lệnh :” bốn tên sĩ quan ngụy quân trốn cải tạo ra đây, để tụi tao đưa bọn bây đi học tập cải tạo” (bốn tên ở đây là 4 anh em tôi). Chúng tôi được bọn nó đưa đến khám lớn Vĩnh Long, đã có sẳn ba, bốn trăm người, và nghe những người vào khám trước tôi, nói rằng đã có 2 người hồi chánh và một sĩ quan VNCH đã bị xử tử tại sân vận động Vĩnh Long. Kể từ ngày đó, anh em chúng tôi đã ở vào cảnh ngộ cá chậu chim lồng, không biết số phận mình sẽ ra sao?
Sau khoảng thời gian gần 2 tháng, anh em chúng tôi bị phân tán mỗi người một nơi. Riêng tôi cùng với khoảng 100 Huynh Đệ khác, “được” bọn cai tù di chuyễn đến một nơi mà bọn chúng gọi là “trại cải tạo lao động”, trại nầy nằm bên kia bờ kinh của chợ xã Ngã Tư Nhà Đài (thuộc quận Vũng Liêm,Vĩnh Long). Kể từ đó, tôi đã trãi qua những ngày đau khổ nhục nhằn của một người tù cải tạo.
Chung quanh trại nầy vài cây số, là những khoảnh ruộng của những người dân địa phương đang thời kỳ cần làm cỏ lúa. Bọn cai tù đến các chủ ruộng đó lãnh làm cỏ ruộng mướn. Tiền của dân trả, chúng bỏ túi, việc cắt cỏ lúa chúng bắt anh em tù cải tạo phài làm. Người nông dân cắt cỏ lúa bằng những dụng cụ đặc biệt (dao bứng mạ hoặc cây phảng), nhưng bọn Việt cộng gian ác không cho làm như vậy kể cả một thanh gỗ. Bắt tù cải tạo phải dùng những ngón tay xương xẩu của mình đào sâu xuống gốc để móc cỏ lên. Động tác nầy lập đi lập lại hàng trăm, ngàn lần mỗi ngày, khiến cho những đầu ngón và khâu móng tay bị rách, bị trầy mà không có thuốc chữa. Nhiều anh em tay bị nhiễm trùng, các đầu ngón tay bị sưng mủ, ung thúi. Có vài người bị thương quá nặng, bọn chúng phải đưa đến nhà thương để cắt bỏ những ngón tay đó đi.
Có một khoảnh ruộng khoảng 10 công đất (1 hecta), mà người chủ chưa thể dọn đất sẳn sàng để cấy lúa, bọn cai tù nhận làm mướn công việc dọn đất, đó là công việc của “người thay trâu”. Việc trước tiên là cắt cỏ lát, chúng lại bắt anh em tù cải tạo làm cỏ bằng tay, sau đó là phải trục và bùa đất ruộng. Để thay thế trâu hay bò kéo, chúng bắt 2 anh em tù cải tạo vát cái “ách” trên cổ đi phía trước, với 2 sợi dây dài buộc vào 2 đầu cái ách kéo theo cái trục hoặc cái bừa phía sau, được đẩy tiếp sức bằng 2 người tù cải tạo khác. Nhìn cảnh ấy thật là bi thương và lòng đầy căm phẫn, nhưng không ai dám nói lời nào, vì luôn luôn có nhiều tên bộ đội đứng vây quanh chúng tôi, súng AK hướng về những người tù cải tạo, sẵn sàng nổ súng nếu có xáo trộn gì.
Ở tại trại Ngả Tư Nhà đài làm trâu kéo cày khoảng hơn 2 tháng, không còn việc khổ sai nào khác, bọn Việt cộng di chuyễn chúng tôi đến một đia điểm cách đó khoảng chừng 5 cây số (5 km) gọi là chợ Thầy Phó Giang. Bên hông chợ có một con kinh là kinh Ngã Co, chúng cho chúng tôi trú ngụ trong những nhà của dân dọc theo bờ kinh, cách xa chợ khoảng 2 Km, hai người một nhà, còn bọn chúng, quân số khoảng một trung đội (trên 20 người) ở rải rác,bao vây ba mặt chung quanh chúng tôi. Vùng nầy trước đây là vùng xôi đậu (ngày thuộc Quốc Gia kiểm soát, đêm Việt cộng lẻn về cai trị). Cũng với chính sách trả thù hèn mạc, chúng bắt chúng tôi đào ao, vét mương vuờn mướn cho dân trong vùng. Vì là vùng xôi đậu trước đây, nên các người chủ vườn không dám làm công việc đào vét hàng năm ,để tu bổ những mảnh vườn nầy, sợ nguy hiểm đến tính mạng nếu có chạm trán giữa quân đội quốc gia và lực lượng du kích việt cộng, nên đành phải bỏ hoang .
Bỏ hoang lâu ngày, lớp bùn phù sa rất dầy, phải được vét hết, và quăng (có động tác khác với ném) lên bờ vườn, nên công việc nầy rất nặng nhọc và nguy hiểm thường xuyên xảy ra. Nguy hiểm vì lẫn lộn trong lớp bùn, còn sót lại những quả lựu đạn, đạn M79, đạn súng cối (mortier) chưa nổ. Mỗi lần một qủa đạn nào bị phát hiện kip thời tránh được tai họa, Huynh đệ chúng tôi, đều chấp tay tạ ơn trời đất đã phù hộ chúng tôi. Có một lần, một quả đạn M79 lẫn lộn trong bùn nằm trong gào xúc đất của tôi, Khi gào đất được quăng lên mặt bờ vườn thì phát nổ. May mắn thay, vì chúng tôi ở dưới đáy mương thấp hơn nơi quả đạn nổ chừng 2 thước nên không ai bị thương.
Thời gian ở tại kinh Ngã Co nầy, mới thấy được lòng dân dù trước đây họ là dân ở trong “vùng giải phóng”(xin phép được dùng chữ của họ). Trong khi làm khổ sai từ 6 giờ sáng đến 6 giờ chiều, mỗi ngày được nghĩ trưa khoảng 1 giờ để ăn cơm trưa. Những bữa cơm trưa nầy do chủ vườn cho chúng tôi ăn, đối với tù cải tạo thì những bữa cơm nầy là “đại yến”. Những người dân ở đây họ rất thương cảm với những nỗi nhục nhằn mà chúng tôi đang gánh chịu. Có những bữa cơm với những món thịt gà, thịt vịt từ những đàn gà ,vịt khoảng vài ba con mà họ đang nuôi . Có nhiều người nhìn chúng tôi với hai hàng lệ lưng tròng, đã nói rằng : “Chúng nó (ám chỉ bọn Việt cộng) là những con thú vật, không phải là người.”
Mỗi lần di chuyễn phải ra lộ xe để được chở đi. Tại nơi nầy, đã có những em bé khoảng chừng mười một, mưòi hai tuổi, hai tay xách 2 chùm bánh dừa (bánh gạo nếp nhân chuối hoăc đậu, được gói trong lá dừa), chạy đến gần chúng tôi, tay trao bánh cho chúng tôi, miệng thì nói : “Ba, Má con không dám, sai tụi con đến cho mấy chú để ăn ấm lòng”. (Còn cái gì an ủi ấm lòng hơn hành động nầy không ? xin cho tôi biết).
Gần đến ngày bọn Việt cộng “đảng cử dân bầu” cái quốc hội bù nhìn để “thống nhất” đất nước (vào khoảng cuối năm 1975, không nhớ rõ lắm) bọn chúng giải tất cả Huynh Đệ chúng tôi từ nhiều nơi khác nhau, về khám lớn Trà Vinh. Thời gian ở tại khám Trà Vinh nghe tin là Mao Trạch Đông chết.
Sau khi bọn VC làm chuyện bầu bán xong, bọn chúng mới tuyễn lựa trong số huynh đệ chúng tôi, chia thành 2 nhóm: nhóm thứ nhứt là thành phần “cực kỳ ngoan cố, nhiều nợ máu với nhân dân“ (gồm an ninh, tình báo, chiến tranh chính trị, tiểu khu trưởng, chi khu trưởng, phân chi khu trưởng, sĩ quan cảnh sát, các tiểu đoàn trưởng Bộ Binh, Biệt Động Quân, Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Phi công, các bác sĩ quân y, các linh mục và hòa thượng tuyên úy, các công chức cao cấp), tôi nằm trong thành phần nầy. Thành phần thứ hai, ít nợ máu hơn (sĩ quan các binh chủng yểm trợ kỹ thuật, đại đội trưởng, trung đội trưỏng). Về sự chọn lựa nầy, chúng tôi gọi đùa trong đau khổ là tuyển lựa ca sĩ.
Nhóm của tôi , trong một buổi hoàng hôn, được đưa lên xe cargo GMC mui bạt đậy kín, chạy trong đêm về phía Trung Tâm Huấn Luyện Chi Lăng , dưới chân núi Cấm trong dãy núi Thất Sơn, thuộc tỉnh Châu Đốc. Đây là trại tù cải tạo, mà bọn Việt cộng gọi là “Liên trại 3 học tập cải tạo”. Nơi đây đã có sẳn khoảng hơn một ngàn huynh đệ, và có cả Nữ Quân Nhân đã bị tuyển lựa đưa về đây từ khắp nơi trong Quân Khu IV thuộc Vùng IV Chiến Thuật.
Trại tù Chi Lăng được cai quản bởi một bộ phận của một trung đoàn Việt cộng, thủ trưởng (chỉ huy trưởng) của trại tù tên thiếu tá Trần Thâu, tự Hai Thâu mà lần “lên lớp” đầu tiên hắn tự giới thiệu, trước khi gia nhập du kích xã, hắn là tên chăn trâu cho một điền chủ trong tỉnh Châu Đốc, hắn rất hảnh diện vì hắn thuộc giai cấp “bần cố nông”.
Trong lần lên lớp đầu tiên đó, hắn tự khoe rằng nhờ ơn bác và đảng, mà hắn từ tên chăn trâu, trở thành là thầy dạy chính trị và triết lý cộng sản cho những tên “sĩ quan ngụy“, điều đó chứng tỏ là hắn là thành phần ưu tú của cách mạng, là một triết gia, hơn hẳn các huynh đệ chúng tôi. Cũng trong lần đó, có vài anh phản đối lại các luận điệu buộc tội của hắn, và chỉ cho hắn biết là hắn đã nói sai về việc hắn cho rằng chủ nghĩa cộng sản với triết lý của Phật Giáo là tương đồng.
Để giằn mặt, hắn ra lệnh cho mấy tên bộ đội bắt các huynh đệ đó, với tội danh ngoan cố phản cách mạng, còng tay lại, đem nhốt vào connex (thùng sắt dùng để di chuyển hàng hóa), và giữa đêm khuya hôm ấy, chúng tôi nghe những tiếng rên la thảm thiết từ nơi những connex đó. Sáng ra chúng tôi mới biết được là bọn chúng đã đánh đập các huynh đệ một các dã man, thương tích rất trầm trọng, phải khiêng đến bịnh xá để săn sóc (do chúng lập ra, điều hành bởi các Quân y sĩ tù cải tạo).
Cũng tại nơi đây đã có 4 người cuả Phục Quốc quân thuộc lực lượng Khăn Trắng của Phật Giáo Hòa Hảo trong vùng Long Xuyên Châu Đốc, bị nhốt trong những connex và đã bị chúng tra tấn, đánh đập cho đến chết. Có 2 tù cải tạo vượt Ngục, bị chúng bắt được, đem ra hàng rào vòng đai xử bắn, chúng nói rằng hai người nầy đã leo rào trốn trại , đạp phải mìn (mine) đã tử thương.
Trong những lần lên lớp, khi thì ban ngày, có lúc ban đêm , chúng bắt tù cải tạo phải làm bản tự khai để khai báo lý lịch 3 đời, những tội ác của mình đối với nhân dân và cách mạng, ai nói rằng mình không có tội gì cả, thì chúng cho là không thành thật cải tạo, bắt buộc phải nói là có tội và là tội gì. Cuối cùng thì cá nhân tôi khai là có tội vì đã làm nhà cho lính ngụy ở (khu gia binh, doanh trại), làm cầu, xa lộ lớn cho Mỹ Ngụy dùng chở vũ khí, đạn dược để bắn giết cách mạng, chừng đó chúng mới chịu tha cho việc kê khai tội ác.
Thời gian ở Chi Lăng, chúng thường xuyên hành hạ tinh thần tù cải tạo bằng những cách như điểm danh trong lúc nữa đêm; gọi lên văn phòng làm việc vào ban đêm riêng rẽ từng người một, để không ai biết người kia lên làm việc vì lý do gì, gây nghi kỵ lẫn nhau là có người làm điềm chỉ viên (antenne) giữa tù cải tạo với nhau, để không tụ họp bàn cách chống lại bọn chúng. Còn những tên bộ đội canh giữ chúng tôi khi đi lao dịch, mỗi lần bảo chúng tôi làm việc gì đó, chúng ra lệnh với miệng lưỡi của đám du côn, chửi mắn chúng tôi bằng những lời lẽ tục-tằng thô-bỉ, dù rằng trong số chúng tôi có nhiều người tuổi đáng cha, chú của chúng. Chúng tôi đã phải nhẫn nhục để sống, vì còn sống mới có cơ hội phục hận.
Với chánh sách kềm hãm ý chí của tù cải tạo, chúng dùng cách bỏ đói, cho ăn vừa đủ sống, lúc nào dạ dầy của huynh đệ chúng tôi cũng đòi hỏi, không còn tâm trí để nghĩ đến việc gì khác hơn là thực phẩm. Khẩu phần cả ngày của một tù cải tạo là một chén (bát) lúc thì cơm trộn cát sỏi, lúc thì bo bo với một chút muối hột, họa hoằn lắm thì được một miếng thịt mở nhỏ bằng ngón tay út. Vì thiếu chất đạm, nên nếu tay chân bị thương, vết thương khó lành được, dể đưa đến bệnh hoại thư. Khi bệnh hoạn, không có thuốc gì khác hơn là xuyên tâm liên cho bá bệnh (xuyên tâm liên là loại thuốc chế bằng lá cây của Việt công). Chúng cấm tuyệt đối, không cho đội nầy nói chuyện hay liên lạc với đội khác (1 đội có khoảng 40 người) .
Trong thời gian ở Chi Lăng, Huynh đệ chúng tôi không đủ quần áo để thay đổi. Lợi dụng khi đi làm công việc khổ sai, chúng tôi moi lên được những bao đựng cát (làm tuyến phòng thủ của Trung Tâm Huấn Luyện Chi Lăng khi trước), dùng để may quần áo thêm để mặc. Sau nầy, trước khi chuyển trại đế Vườn Đào (thuộc quận Cai Lậy, Mỹ Tho), chúng phát cho mỗi người một bộ quần áo trận cũ của QLVNCH, bâu áo bị cắt đi, sau lưng sơn hai chữ CT, có nghiã là Cải Tạo. Đến khoảng cuối năm 1977, chúng di chuyển Huynh đệ chúng tôi đến Vườn Đào, bắt chúng tôi phải tự xây nhà tù cho mình. Tại đây, chính sách nhục hình của chúng vẫn tái diễn như khi ở Chi Lăng, và cũng tại đây, Trung Tá Nguyễn Đức Xích, Tham Mưu Trưởng tiểu khu An Xuyên ( không biết tôi nhớ tên tiểu khu đúng không) đã bị nhốt vào connex không cho nước uống đến kiệt sức, và đã xử bắn ông tại hàng rào vòng đai phía sau vào nửa khuya, bảo là ông vượt ngục, đạp phải lựu đạn gài nên tử thương, và Đại Úy Quách Dược Thanh, giảng viên Đại Học Chính Trị Đà Lạt, đã bị chúng bỏ thuốc độc giết chết. Hai vị cố sĩ quan đó đã bị chúng gán tội là âm mưu tổ chức đánh chiếm trại để giải thoát tù cải tạo.
Mùa nước nổi năm 1978, nước ngập đến ngang ngực, thường ngày nằm ngủ trên nền đất, nước dâng cao quá, phải dùng thân 3 cây chuối ghép lại để ngủ trên mặt nước, có đêm quần áo thấm nước, không thể chợp mắt được.
Khoảng tháng 6 năm 1979, bọn chúng cho biết (qua lời của tên Ba Minh, cấp bực đại úy, sĩ quan quản huấn): nhà nước chưa có chánh sách mới, có nghiã là chưa biết chừng nào được thả, tôi mới nghĩ đến phương cách để vượt ngục (trước tôi, đã có 5 Huynh Đệ vượt ngục, 3 người thành công, 2 người bị bắt lại và đã bị xử tử).
Tôi chắc rằng trong thâm tâm các Huynh Đệ, ai cũng nghĩ đến vượt ngục, nhưng tự hỏi khi thoát ra được rồi thì đi đâu? Và lại càng làm khổ cho gia đình, vì họ đã và đang sống hết sức khổ cực, bàn ghế, tủ giường, quần áo đã bán hết rồi để nuôi sống đàn con dạị, nay phải lo lắng cho chồng trốn tránh nữa thì làm sao kham nỗi ?
Tôi là người may mắn hơn, lợi dụng lúc đi làm “phu khuân vát”, trong những lần chở đồ tiếp tế cho trại tù, tại Mỹ Tho và Cần Thơ (bột mì, bo bo, củi, muối, v.v…), tôi liên lạc được với một Huynh Đệ, đã được thả ra sau ba năm làm tù cải tạo. Thế là tôi có đường để thoát thân. Tháng 9 năm 1979, nhân lúc đến Cần Thơ, lợi dụng chỗ đông người, tôi đã vụt chạy vào đám đông và trốn đến được nhà người Huynh Đệ đó, lập tức anh di chuyễn tôi đến một nơi khác an toàn hơn. Tuy đã thoát, nhưng không dám liên lạc để gập gia đình, vợ con, chỉ viết thư nhờ người báo tin là đã bình an.
Tôi đã lẫn trốn gần một năm trời, di chuyễn rất nhiều nơi bằng giấy tờ giả đóng mộc khoai lang, có lúc lẫn về Sài Gòn, có khi thì trốn về miệt vườn, có lúc phải lênh đênh trên sông Tiền Giang giữa Mỹ Thuận và Cái Bè, trên chiếc xuồng ba lá, tối nghỉ qua đêm trên xuồng giữa các đám bần .
Mãi đến tháng 6 năm 1980, người Huynh Đệ đã giúp tôi vượt ngục, đưa tôi xuống một chiếc ghe “cà dom cui “ dài khoảng 12 thước, loại ghe đi sông của vùng Châu Đốc, và tôi đã vượt biên trên chiếc ghe nầy vào lúc 18 giờ ngày 30 tháng 6 năm 1980, cùng với 78 người khác, trong số đó gồm có quân nhân, công chức, một dân biểu Quốc Hội Việt Nam Cộng Hòa, và Quận Trưởng Quận Bình Minh Lê Quang Trường (dân biểu Nguyễn Hữu Quang, và cố trung tá Lê quang Trường đã định cư tại Vancouver, Canada) .
Trên đường đến Mã Lai, ghe của chúng tôi bị 8 chiếc tàu đánh cá của Thái Lan biến thành hải tặc đánh cướp, và vì sóng to, bọn tàu cướp nầy va chạm vào ghe nên ghe của chúng tôi bị bể ra và từ từ chìm xuống . May mắn thay, sau khi bọn hải tặc bỏ đi, có một chiếc tàu đánh cá khác của Mã Lai đã cứu vớt chúng tôi, và đã đưa chúng tôi đến trại tỵ nạn Pulau Bidong, Mã Lai vào đúng ngày 4 tháng 7 năm 1980. Và trùng hơp thay ! Ngày tôi đến được bến bờ tự do lại đúng vào ngày INDEPENDENT của Hoa Kỳ.
Vì sự bất mãn người đồng minh phản bội, tôi đã xù Mỹ dù đã được nhận, tôi xin được tỵ nạn tại Canada, và đã an toàn đến Canada, xứ lạnh nhưng tình nồng, vào ngày 23 tháng 9 năm 1980, sau đúng một năm kể từ ngày vượt ngục ngày 23 tháng 9 năm 1979 (lại một sự trùng hợp không ngờ). Sau đó tôi được đoàn tụ với gia đình vợ con qua bảo lảnh vào 19 tháng 12 năm 1983 ,và cũng là lần đầu tiên tôi gặp được đứa con út của tôi đã được 8 tuổi.
***
Trên đây là câu chuyện của tôi, một cựu tù cải tạo, những chi tiết vượt ngục đã được đơn giản vì an toàn của những người còn ở lại. Những bi thương và khổ ải mà tôi đã trải qua, không bút mực nào tả xiết, cũng giống như những người tù cải tạo khác. Dù bị đày ảỉ ở ngoài Bắc hay trong Nam, chúng tôi đều có chung số phận của những người đã từng tin vào sự láo khoét của bọn Việt cộng, và đã khờ dại nghĩ rằng: “chính phủ nào người ta sống được thì chắc mình cũng sống được”.
Winnipeg, Tháng Tư Đen 2012
Lão Ngoan Đồng

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"