Trong cuộc bầu cử bổ túc 45 ghế dân biểu (cho các đơn vị tân lập) ngày 1 tháng 4 vừa qua, Liên minh Quốc gia Vì Dân chủ – LMQG/DC (National League for Democracy –NLD) của bà Aung San Suu Kyi đã
đề cử 44 đại diện ra tranh cử tại 44 đơn vị toàn quốc,
và đã thắng lớn tại 43 đơn vị. Bà Suu Kyi là một trong những dân biểu
đắc cử. Có nhiều đơn vị đảng viên LMQG/DC thắng với 90% số phiếu đi bầu.
Chính quyền của tổng thống Thein Sein đã công nhận kết quả bầu cử.
Không ai ngạc nhiên về kết quả của cuộc bầu cử. Nhưng
nếu nhân dân toàn quốc phấn khởi, không phải thành phần nào cũng phấn
khởi. Tại thủ đô Naypyidaw, các ký gỉa nước ngoài ghi nhận sự than phiền
của một số quân nhân ngoài đường phố, bày tỏ sự lo ngại của họ trước
thắng lợi quá to lớn này của LMQG/DC.
Tuy nhiên người ta không biết sự lo ngại của thành phần
sĩ quan và quân nhân cấp thấp có phải là mối lo của các tướng lãnh đang
thật sự cầm quyền không.
Theo dõi tiến trình dân chủ trong hai năm qua, nguời ta
có lý do để yên tâm, vì những nhân vật liên hệ – các tướng lãnh cầm
quyền và bà Aung San Suu Kyi – đều trải qua một qúa trình đấu tranh dai
dẳng cho đến khi nhận ra rằng quốc gia đang bị một thế lực khổng lồ bên
cạnh khống chế (chứ không phải là các đế quốc Tây phương), họ đã tìm
cách làm hòa với nhau để cứu nước.
Quá trình tranh chấp quyền lực tại Myanmar khởi đầu từ
năm 1990 sau khi LMQG/DC thắng lớn chiếm 80% ghế quốc hội trong một cuộc
bầu cử toàn quốc, nhưng không được các tướng lãnh trong Hội đồng Lãnh
đạo công nhận. Bà Suu Kyi bị quản thúc tại gia nhiều lần – khi bắt khi
thả – dai dẳng trong gần 20 năm. Cho đến cuối năm 2010 bà được tân tổng
thống Thein Sein, một tướng lãnh hồi hưu trả tự do. Bà dùng uy tín cá
nhân vận động thế giới Tây phương giải tỏa dần sự bao vây kinh tế và
chính trị đối với Myanmar. Đổi lại tổng thống Thein Sein thả tù nhân
chính trị, nới lỏng sự tự do ngôn luận và cho phép các đảng chính trị,
trong đó có LMQG/DC của bà Aung San Suu Kyi hoạt động (www.tranbinhnam.com à Bình luận à 410).
Đắc cử dân biểu, từ nay bà Aung San Suu Kyi và LMQG/DC
có tiếng nói tại quốc hội. Và tiếng nói của bà là tiếng nói uy tín được
chính quyền và nhân dân lắng nghe, và quốc tế theo dõi. Tuy nhiên sức
mạnh nghị trường, nếu có, sẽ do ảnh hưởng cá nhân của bà hơn là sức mạnh
của lá phiếu. Với 43 ghế dân biểu LMQG/DC chiếm 6.7% trong hơn 664 ghế
trong cả hai viện quốc hội. Theo Hiến pháp Hội đồng Quân nhân Quốc Phòng
(Commander-in-Chief of Burma’s Defence Services) đề cử 25% đại biểu
(166 người) trong giới quân nhân tại chức hay đã nghỉ hưu. Số 68.3% còn
lại đều là đảng viên của đảng Đoàn kết Xây Dựng (ĐKXD –
Union Solidarity and Development Party -USDP), đắc cử từ cuộc bầu cử do
các tướng lãnh đạo diễn năm 2010. LMQG/DC đã tẩy chay cuộc bầu cử này.
Tuy nhiên thế chính trị giữa các tướng lãnh và LMQG/DC
có thể thay đổi một cách căn bản trong cuộc bầu cử toàn quốc năm 2015
tới. Với sự ủng hộ của dân chúng như trong cuộc bầu cử vừa qua, LMQG/DC
sẽ thắng dễ dàng và có thể chiếm hầu hết trong số 75 % ghế trong hai
viện quốc hội.
Với đa số đó LMQG/DC có thể kiểm soát nghị trình quốc
hội và làm lu mờ thế của Hội đồng Quân nhân Quốc Phòng. Theo Hiến pháp
2008 bà Aung San Suu Kyi không đủ điều kiện để ứng cử tổng thống (Hiến
pháp đòi hỏi chồng/vợ và con cái không được mang quốc tịch nước ngoài
trong khi chồng và các con bà đều có quốc tịch Anh). Nhưng LMQG/DC có
đủ phiếu để bầu một ứng viên khác của Liên Minh làm tổng thống.
Các tướng lãnh và đảng ĐKXD có chịu nhường quyền hành
một cách dễ dàng như vậy không? Câu hỏi là một vấn nạn lớn của Myanmar
trong thời gian tới. Vấn đề ổn định chính trị của Myanmar sẽ tùy thuộc
vào sự khéo léo và tế nhị của bà Aung San Suu Kyi và thái độ của các
nước Tây Phương. Tại trụ sở của LMQG/DC trong đêm chiến thắng 1/4 bà nói
với đảng viên và dân chúng nhu cầu của tự chế.
Âu châu và Hoa Kỳ cũng cần thận trọng vì nắm trong tay
chìa khóa của cấm vận. Trong hai lĩnh vực kinh tế và quốc phòng cần ưu
tiên giải tỏa kinh tế để đời sống của nhân dân Myanmar sau nhiều thập
niên thiếu thốn được cải thiện nhanh chóng. Phần quân sự đi sau sẽ làm
cho các tướng lãnh bị ràng buộc đôi chút đồng thời không làm cho Trung
quốc lo ngại. Sự đóng góp ảnh hưởng của bà Aung San Suu Kyi đối với
chương trình giải tỏa cấm vận cũng cần được bà Suu Kyi cân nhắc kỹ
lưỡng.
Nhìn con đường tiến tới dân chủ trước mắt của Myanmar
qua hai nhân vật: tướng Thein Sein và bà Aung San Suu Kyi chúng ta có
quyền hy vọng mặc dù vẫn chưa cất bỏ hoàn toàn được sự lo âu.
Một nền dân chủ đẹp nhưng quá máy móc như của Hoa Kỳ
hiện nay cũng không là một cái gương tốt cho Myanmar. Sinh hoạt quốc hội
Hoa kỳ đang nhiễm nặng màu sắc đảng phái. Và màu sắc này đã nhuộm cả
Tối Cao Pháp Viện là cơ chế nhất thiết phải miễn nhiễm mới có thể làm
nhiệm vụ trọng tài một cách công minh.
Thế nhưng qua mấy ngày đầu tháng 4/2012 khi Tối Cao Pháp
Viện công khai trao đổi trao đổi ý kiến về tính hợp hiến của luật cải
tổ hệ thống chăm lo sức khỏe (Healthcare Reform) liên quan đến khoản
buộc mọi người dân phải mua bảo hiểm sức khỏe thì các vị thẩm phán đã
chia thành phe tùy theo quý ông bà ấy được một ông tổng thống Dân Chủ
hay Cộng Hòa bổ nhiệm. Và khi tổng thống Obama (Dân Chủ) bày tỏ sự quan
tâm của ông trước hiện tượng “phe đảng” này thì từ phía Cộng hòa rộ lên
những tiếng nói phản đối kết tội ông tổng thống vi phạm hiến pháp khi
nghi ngờ tính công minh của Tối Cao Pháp viện!
Hoa Kỳ vẫn được xem là “ngọn đèn sáng trên đồi”
(Light on the Hill – theo lời tổng thống Ronald Reagan) của thế giới
nên các biểu hiện đảng phái hiện nay nếu phe các tướng lãnh tại Myanmar
và bà Aung San Suu Kyi lấy làm mẫu mực thì Myanmar không có một chỗ nào
để đi đến hơn là đáy vực .
Nhưng chúng ta hy vọng Myanmar với những nhân vật biết
lo cho an ninh đất nước và đời sống của dân sẽ biết tự chế chọn con
đường trung dung.
Nếu Myanmar thành công qua quá trình này, Myanmar sẽ là tấm gương lớn cho Việt Nam và cho cả thế giới.