Chủ Nhật, 19 tháng 10, 2014

Ngày về

Phạm Thị Hoài

“Chúng ta đang sống trong một hoàn cảnh thật khốn nạn. Sau hàng thế kỉ ngoại thuộc, sau ba chục năm trời nhiễu nhương, nay nước nhà được thanh bình, dân tộc bắt tay xây dựng đất nước, thì chúng ta lại bỏ xứ ra đi, chúng ta lại vắng mặt, lại đứng ngoài vòng.”
“Không về được, chúng ta tự thấy sống một đời vô duyên, lãng xẹt. Cần thì chưa chắc tổ quốc đã cần đến mình; chưa chắc mình sẽ có một đóng góp nào đáng kể. Những kẻ có ý thức cao nhất về mình cũng không bao giờ dám tự nhận mình là cả một cần thiết cho quốc gia. Tuy nhiên, nghĩ rằng ở cái xứ nghèo khó nhỏ bé của mình đồng bào đang rầm rập xây dựng mà mình không được dự phần vào, tự dưng có một cảm tưởng tưng hửng, dần dần ngấm thành một đau đớn.”
“Lòng chúng ta lúc nào cũng tha thiết với quê hương, nhưng quê hương lại không còn như xưa. Cho nên chúng ta lâm cảnh bẽ bàng.”

“Về ư? Dẫu có về được, ta đâu còn về để tiếp tục đời sống như trước, mà chỉ để tăng cường hàng ngũ nô lệ. Đành rằng sống chết không cần, nhưng đã sống ta lại cam chịu sống như vậy sao? Sống để răm rắp vâng lời, để suốt đời ca ngợi lãnh đạo sáng suốt, để đem thân trâu ngựa củng cố một chế độ độc tài, vun bồi quyền lợi của một tầng lớp thống trị?”

“Bị kẹt dưới chế độ độc tài là đáng thương; còn như quyết định tự nguyện nhảy vào cúi đầu phục vụ độc tài lại đáng nguyền rủa. Kẹt cứng! Đồng bào ta, có lớp bị kẹt lại trong nước, có lớp lại bị kẹt… ở ngoài nước!”
Những dòng trên đây là của một nhà văn miền Nam nổi tiếng, trong tùy bút “Ngày về” in năm 1987 tại California [1]. Hai mươi lăm năm sau những tâm sự khắc khoải này và ba mươi bảy năm sau khi rời quê hương, một phần nhỏ tác phẩm của ông đã trở về. Hai đầu sách, Quê hương tôiTạp văn được Nhã Nam xuất bản tại Việt Nam. Chỉ có điều bút danh nổi tiếng của ông, Võ Phiến, được thay bằng Tràng Thiên, một bút danh ít người biết đến.
Tất nhiên điều đó không bình thường. Nó để lại một dư vị không dễ chịu. Dư vị của ngụy trang. Nhưng ngụy trang là hành vi gắn liền với toàn bộ sự tồn tại Việt Nam, với tất cả những mặt khuất và điểm sáng của nó. Ở đây tôi thiên vị các điểm sáng. Chúng ta thử nhìn câu chuyện Võ Phiến cải tên này qua một sự cố khác, sự cố Chuyện ở nông trại, tác phẩm lừng danh về những con lợn làm cách mạng để rồi thiết lập chính cái nguyên trạng mà chúng lật đổ, cũng do Nhã Nam xuất bản không lâu sau Lolita [2] và Võ Phiến.
* * *
Trong vụ tác phẩm chống toàn trị cộng sản kinh điển của George Orwell lọt lưới kiểm duyệt ở Việt Nam, công đầu chắc chắn thuộc về những người làm sách. Tuy không thể cho Chuyện ở nông trại một sự hiện diện rầm rộ trên truyền thông như với tác phẩm nổi tiếng và tai tiếng của Nabokov [3], nhưng chỉ riêng việc nó được cấp phép xuất bản và bản dịch không bị cắt xén đã đủ ngoạn mục. Song trong trường hợp tác phẩm đặc biệt này, ngoài bản lĩnh và sự dấn thân khéo léo của những người làm sách, phải có những may mắn khác.
May mắn đáng kê ra đầu tiên là sự dốt nát của bộ máy kiểm duyệt văn hóa tại Việt Nam. Ai từng làm việc với nó đều vẫn phải sửng sốt dù đã được nhiều lần báo trước. Trình độ của đại đa số các cán bộ kiểm duyệt có một quyền quyết định nào đó thường thấp đến mức “hạn chế” còn là một mĩ từ quá rộng lượng để chỉ. Guồng máy công quyền ở mọi nơi đều là chốn nương thân lí tưởng cho sự tầm thường, nhưng ở đất nước này guồng máy ấy do một bàn tay vô hình ưa mỉa mai sắp đặt: hệt như ở các lĩnh vực khác, tiêu chuẩn của người quản lí văn hóa dường như trước hết phải là không biết gì về văn hóa. Nghe họ mở miệng – đúng ra phải gọi là mở băng – bạn sẽ chỉ có một cảm giác duy nhất là tuyệt vọng. Tuyệt vọng khi nghe họ giải thích, chẳng hạn vì sao Kafka là một “trường hợp có vấn đề”, và càng tuyệt vọng hơn khi một lúc nào đó, khoảng hai thập niên sau, trái đất vẫn quay dù chúng ta đứng im, lại nghe họ giải thích vì sao trường hợp ấy không có vấn đề nữa. Trước một thành trì u mê được dán kín tem quyền lực như vậy bạn không có cơ hội nào hết. Hoặc là bạn phát điên. Hoặc là bạn trở thành một nhà hiền triết. Ngoài hai khả năng khá gần nhau này, bạn còn có thể tê liệt như một lựa chọn dễ dàng hơn. Tôi từng liệt toàn thân khi lịch sự ngồi nghe một cán bộ tuyên huấn cỡ kha khá kể chuyện ông ấy đã liều bảo vệ một tác phẩm đang bị “đánh” của tôi như thế nào. Tư duy của ông ấy – nếu có thể gọi đó là tư duy – không hề bị xúc phạm trước một chân lý đại loại như: một nhà văn rửa tay trước khi viết là một nhà văn trong sạch, nhân đạo và tiến bộ. Còn sự đổi mới tư duy táo bạo của ông ấy nằm ở nhận thức rằng tôi tuy không rửa tay nhưng vẫn trong sạch, nhân đạo và tiến bộ, vì tay tôi có bẩn đâu mà phải rửa. Mạng lưới kiểm duyệt thỉnh thoảng thủng ra một hai lỗ, có khi cho cả một tác phẩm lớn chui vừa, từ sự dốt nát đó. Thuyết phục kẻ giáo điều thường vô ích. Nhưng một kẻ giáo điều mù tịt đôi khi lại bất ngờ có một quyết định sáng sủa, vì hắn thậm chí không đủ hiểu biết để ý thức về quyết định đó của mình.
Những phẩm chất trứ danh khác của bộ máy nói trên là quan liêu, lười nhác và tắc trách. Tôi đảm bảo rằng nếu thay tên George Orwell bằng Eric Athur Blair, tên thật của ông, hay H. Lewis Always, một bút danh khác của ông, và đổi 1984 thành Tấm lòng của người Anh Cả; hoặc nếu thay Arthur Koestler bằng Kösztler Artúr và lấy tên bản gốc tiếng Đức Sonnenfinsternis dịch thành Một vầng nhật thực thay vì dịch theo những nhan đề đã quá nổi tiếng của bản tiếng Anh Darkness at Noon hay bản tiếng Pháp Le Zéro et l’Infini, thì cả hai tác phẩm thuộc hàng chống toàn trị và chống cộng đầu bảng này đều được duyệt êm ru tại Việt Nam và báo Nhân dân sẽ nhiệt tình quảng cáo. Trong trường hợp Animal Farm, rất có thể vụ vỡ đê kiểm duyệt xảy ra vì bản thảo được mang một cái tên đồng quê hiền lành, Chuyện ở nông trại.
*
Vì thế tôi mừng cho một phần Võ Phiến đã chui lọt một trong những cái lỗ tất yếu ngày càng to ra trong bức tường kiểm duyệt ngày càng kém chất lượng ở Việt Nam. Một ngày không xa, Đêm giã từ Hà Nội có thể được xuất bản với tên tác giả là Nguyễn Đăng, một bút danh của Mai Thảo. Nếu phải đổi thành Hà Nội đêm tiễn biệt, Giọt nước mắt đêm chia tay Hà Thành, Thăng Long đêm biệt li… để Mai Thảo được trở về cố hương, tôi sẽ lựa chọn sự ngụy trang ấy. Bản thân tôi, không được thông báo trước, cũng có lần xuất hiện trên một tạp chí ít người đọc ở trong nước, với cái tên chỉ dùng trong gia đình và một nhóm nhỏ bạn bè.
Trong số những nhà văn miền Nam được mệnh danh là „những tên biệt kích của chủ nghĩa thực dân mới trên mặt trận văn hóa-tư tưởng“ thì Duyên Anh ngồi tù 5 năm rưỡi, mất tại Pháp; Hồ Hữu Tường ngồi tù 5 năm, ra tù thì qua đời tại Việt Nam; Nguyễn Mạnh Côn chết trong tù; Vũ Khắc Khoan di tản, mất tại Hoa Kỳ; Mai Thảo vượt biên, mất tại Hoa Kỳ; Doãn Quốc Sỹ ngồi tù 14 năm, hiện sống ở Hoa Kỳ; Nhã Ca đi tù 2 năm, hiện sống ở Hoa Kỳ; Võ Phiến di tản, hiện sống tại Hoa Kỳ; Nhất Hạnh đã ra nước ngoài từ 1967; Dương Nghiễm Mậu ngồi tù 2 năm, hiện sống tại Việt Nam… Năm 2007, 4 tập truyện ngắn của Dương Nghiễm Mậu vừa được in lại ở trong nước thì biến mất, rất nhanh, sau khi những pháo đài à la Vũ Hạnh khạc đạn, loại đạn tồn kho quân khí tư tưởng từ vài chục năm trước, thô sơ cổ lỗ nhưng vẫn đủ sức sát thương. Nhưng từ khi Võ Phiến alias Tràng Thiên tái xuất, không thấy ông Vũ Hạnh, người đích thân phụ trách phần viết về Võ Phiến trong tác phẩm chống „biệt kích văn hóa“ khét tiếng nói trên, đem súng ra lau. Một dấu hiệu tích cực. Như thể dù phải len lén đi đêm, văn học miền Nam và văn học hải ngoại cuối cùng cũng gửi được một đại diện đáng kể của mình đến dự cuộc tọa đàm không chính thức và đã rất trễ giờ về hòa giải dân tộc.
*
Song ngày vui ngắn chẳng tày gang. Bây giờ chúng ta được biết cái giá phải trả cho tấm vé ngày về của Võ Phiến. Hóa ra việc cải tên chỉ là một động tác rất phụ. Con trai ông, cũng một nhà văn, bút danh Thu Tứ, người đã „chọn lựa và biên tập“ hai tác phẩm Quê hương tôiTạp văn nói trên, tuyên bố rõ trong bài „Trường hợp Võ Phiến“: „Chúng tôi cố chọn những tác phẩm vừa giá trị nhất vừa hoặc không chứa hoặc chứa rất ít nội dung chính trị. Nếu có nội dung chính trị, khi biên tập chúng tôi loại bỏ hết. Mục đích của việc chọn và bỏ như thế là đưa những thành tựu văn học đỉnh điểm của văn nghiệp Võ Phiến đến với người đọc mà không gây hại cho nước.“ Trong phần còn lại của bài viết khá dài này, ông Thu Tứ phê phán toàn bộ hành trình tư tưởng chống cộng của cha mình để đi đến kết luận về giá trị của Võ Phiến: „Văn nghiệp Võ Phiến vừa tích cực vừa tiêu cực. Tích cực, đáng lưu truyền, là phần văn học. Tiêu cực, đáng bỏ đi, là phần chính trị“ cũng như điều kiện để Võ Phiến có thể trở về: „Sai lầm chính trị đã đưa tác phẩm Võ Phiến ra khỏi lòng dân tộc. Đất nước đã độc lập, thống nhất lâu rồi. Nay đến lúc, nhân danh bảo tồn những giá trị văn hóa Việt Nam, đưa tác phẩm Võ Phiến trở về, sau khi lọc bỏ nội dung chính trị.“
Tuyên bố của ông Thu Tứ xuất hiện trên trang Góc nhìn vào tháng 8/2014, song đến khi được Tuần báo Văn nghệ TP HCM đăng lại cuối tháng 9 và đầu tháng 10/2014 nó mới thực sự được chú ý. Như có thể đoán trước, nó cũng vừa được báo Nhân dân và báo Tuyên giáo đăng lại. Còn thiếu báo Thanh tra, báo Quân đội và báo Văn nghệ của Hội Nhà văn là thành trì tư tưởng chính thống điểm danh xong. Năm ngoái, cái liên minh già nua ấy đã khoe cơ bắp trước tác giả trẻ Nhã Thuyên. Tương lai thuộc về ai, điều ấy không cần bàn cãi. Nhã Thuyên có rất nhiều tài năng, rất nhiều lao động cả học thuật và nghệ thuật. Cái liên minh ấy có những chiếc răng kiểm duyệt cuối cùng. Ông Thu Tứ chỉ góp thêm một chiếc lá vàng vào mùa thu của các vị trưởng lão.
Tôi không coi việc làm của con trai nhà văn Võ Phiến là hành động „đấu tố cha“ hay „bất hiếu“, như phần lớn phía dư luận đang phẫn nộ, đặc biệt ở hải ngoại. Máu mủ không phải là tiêu chuẩn để xác định đúng sai thiện ác. Chẳng lẽ chúng ta phải ca ngợi từ Kim Chính Nhật đến Kim Chính Ân, những người con trung thành nhất với cha ông? Lịch sử quá nhiều điên đảo và phân cực của Việt Nam tất yếu chia cắt và chia rẽ, thậm chí con người này đả đảo con người kia ngay trong một con người. Con cái Phạm Quỳnh bất hiếu chăng, khi tận trung phục vụ cho chế độ đã giết cha mình? Cù Huy Hà Vũ là một nghịch tử chăng, khi chống lại cái chế độ mà cha mình là một trong những công thần khai quốc? Chúng ta lấy quyền gì mà đem những quả tạ đạo đức ra đặt ùm ùm, lúc thì lên cán cân bên này, lúc thì lên cán cân bên kia, chỉ để lẩy cho được cái kết quả trọng lượng đang cần cho sổ sách trong những trường hợp như thế? „Trường hợp Thu Tứ“ chỉ là điển hình cho những xung đột đã và đang giằng xé người Việt trong mọi quan hệ và trên mọi bình diện. Nạn nhân là tất cả mọi thứ, riêng gì đâu tình phụ tử.
Nếu ông Thu Tứ chỉ đoạn tuyệt với cha mình về quan điểm chính trị, tôi không chia sẻ, nhưng đó là quyền tự do của ông, như của bất kì ai, mà tôi thấy tranh luận là vô ích. Song điều khiến tôi sởn gai ốc là ông biến cái quyền tự do tư tưởng ấy của bản thân thành quyền tự do thanh trừng tư tưởng của người khác, và người đó là thân phụ ông, nhà văn Võ Phiến, với tất cả lòng tin cậy ruột thịt đã cấp cho ông tấm giấy ủy quyền. Giấy phép gọt Võ Phiến cho vừa khuôn Thu Tứ. Không thể trớ trêu hơn. Đội quân đấu tranh tư tưởng của chính quyền Việt Nam có thể cả cười: nó sẽ tế nhị rút lui, khi gia đình đã đủ là trận tuyến.
Quả thật có những nghệ sĩ lớn đã nhỏ hẳn đi khi làm chiến sĩ tư tưởng và ngược lại. Người ngưỡng mộ nhà thơ Pablo Neruda ước gì bài tụng ca Stalin của đồng chí đảng viên cộng sản Pablo Neruda chỉ là một cơn ác mộng lạc đường. Người yêu thơ Lê Đạt muốn tống khứ 626 dòng Trường ca Bác năm 1970, viết ngày giỗ đầu Hồ Chủ tịch (Mây trắng đền Hùng/Râu Bác ung dung. Suối Lê Nin/ Núi Mác… Ôi/ Đến cả hình hài/ Bác/ cũng chẳng mang đi… Bác để lại/ cho ta/bốn biển/ sâu xa/ tình đồng chí. Bác để lại/ cho ta/ tất cả/ Bác Hồ), sau tất cả những sỉ nhục dành cho Nhân văn-Giai phẩm. Biết đâu một ngày nào hậu duệ của Tố Hữu sẽ đòi đốt sạch di sản của cha, một nhà thơ không phải là không có năng khiếu, chỉ giữ lại bài thơ „Khi con tu hú“, với tên tác giả là Lê Tư Lành, để giữ gìn nghệ thuật chân chính. Như ông Thu Tứ tin rằng phải cắt phăng khối nọc độc, phần tác phẩm chứa tư tưởng chống chế độ cộng sản của Võ Phiến, thì mới bảo toàn được giá trị sự nghiệp văn học của cha mình.
Những quan niệm lang băm trung cổ như thế vẫn sống sót trong thời hiện đại, nơi văn chương đã lặng lẽ rút lui khỏi ý thức xã hội. Ngày về âm thầm của một tác giả lớn có dấy lên được một chút dư luận cũng chỉ vì tiếng động của dao kéo kiểm duyệt. Trong „trường hợp Võ Phiến”, kiểm duyệt tại gia đã đi trước kiểm duyệt quốc gia.
© 2014 pro&contra
_______________
[1] Võ Phiến, Tùy bút, quyển 2, Văn Nghệ, California 1987, tr. 317-318, 323-324
[2] Bất chấp sự tranh cãi về dịch thuật, việc Lolita chính thức xuất hiện trong tiếng Việt là một bước tiến đáng ghi nhận của đời sống văn học tại Việt Nam.
[3] Cả Nhã Nam lẫn NXB Hội Nhà văn đều không đưa thông tin về cuốn sách lên mạng. Lời đồn cuốn sách đã bị thu hồi cũng không được phía nào xác nhận hay bác bỏ.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"