Ông
Nguyễn Văn Hải, tức nhà báo Điếu Cày, vừa được đưa thẳng từ nhà tù ở
Việt Nam sang Hoa Kỳ. Không có thân nhân đi cùng và gia đình cũng không
được thông báo cho đến khi ông đã ra khỏi quê hương.
Sự kiện ông được thả là kết quả của những
vận động từ cộng đồng người Việt hải ngoại, đặc biệt là tại Hoa Kỳ, và
các tổ chức nhân quyền quốc tế với chính phủ Mỹ nhằm đem lại ảnh hưởng
tích cực trong khi hai nước đang có những bước tiến để nâng quan hệ lên
tầm mức cao hơn.
Trường hợp ông Hải bị án tù 12 năm với
tội danh “Tuyên truyền chống nhà nước” đã được chính giới Mỹ quan tâm từ
nhiều năm qua. Tổng thống Barack Obama phát biểu trong ngày Tự do Báo
chí Thế giới 2012 đã nhắc đến Điếu Cày như một thí dụ về sự thiếu tự do
báo chí ở nhiều nơi trên thế giới.
Ông Hải cũng đã được Hội Bảo vệ Ký giả
(Committee to Protect Journalists) và Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human
Rights Watch) trao giải tự do báo chí.
‘Khích lệ’
Trước những yêu cầu của Washington, Hà
Nội thả Điếu Cày, như một tín hiệu tích cực để đáp lại việc Hoa Kỳ nới
lỏng chính sách cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, để dễ dàng hơn
cho Hà Nội trong việc thương thảo gia nhập TPP và xa hơn là để tạo cơ
hội thuận tiện cho Tổng thống Barack Obama ghé thăm Việt Nam trước khi
hết nhiệm kỳ.
Việc Việt Nam thả tù nhân lương tâm là
điều khích lệ cho những ai đang dấn thân tranh đấu cho quê hương vì họ
biết rằng thế giới không quên những khao khát tự do, dân chủ của dân
Việt.
Nhưng để có nhân quyền, tự do dân chủ thì con đường vẫn còn dài và gian nan.
Từ bao năm qua, trước công luận và những
yêu cầu của thế giới, Hà Nội luôn nói rằng họ không giam tù chính trị,
mà chỉ bỏ tù những ai phạm luật.
Tòa án tại quốc gia này thường dùng các
điều 79, 88 và 258 để kết án những ai phát biểu quan điểm bất đồng với
nhà nước. Họ bị kêu án với tội danh tuyên truyền chống phá nhà nước, âm
mưu lật đổ chính quyền nhân dân hay lợi dụng tự do dân chủ để phá hoại
tình đoàn kết dân tộc.
Thực tế họ đã làm gì phạm luật? Điếu Cày
xuống đường biểu tình chống Trung Quốc, thành lập Câu lạc bộ Nhà báo Tự
do. Basam Nguyễn Hữu Vinh làm blog tổng hợp tin tức. Tạ Phong Tần, Phan
Thanh Nghiên, Việt Khang, Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha, Bùi Thị
Minh Hằng phản đối Trung Quốc hung hăng trên biển.
Trần Khải Thanh Thủy, Lê Quốc Quân bênh
vực dân oan, nêu lên những tệ nạn xã hội. Những chức sắc tôn giáo Nguyễn
Văn Lý, Nguyễn Công Chính đòi tự do tôn giáo.
Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Phạm
Hồng Sơn, Lê Thị Công Nhân, Trần Huỳnh Duy Thức lên tiếng kêu gọi cải
cách chính trị. Đỗ Thị Minh Hạnh, Đoàn Huy Chương cổ vũ thành lập công
đoàn độc lập.
Nhờ can thiệp của quốc tế nhiều người đã
được thả. Riêng Tạ Phong Tần, Bùi Minh Hằng, Lê Quốc Quân, Nguyễn Văn Lý
vẫn còn bị giam giữ.
‘Còn vài chục tù nhân lương tâm’
Theo các tổ chức nhân quyền hiện còn vài chục tù nhân lương tâm ở Việt Nam.
Đối với người trong nước Hà Nội sẵn sàng
bỏ tù, sách nhiễu, cấm cản di chuyển. Với người Việt hải ngoại, Hà Nội
phản bác lại việc tranh đấu cho một nước Việt Nam tự do dân chủ bằng
cách nối kết những hoạt động này với biểu tượng cờ vàng.
Truyền thông trong nước cũng thường đưa
ra lập luận rằng người hải ngoại tranh đấu chỉ vì muốn khôi phục lại chế
độ Việt Nam Cộng hòa đã chết từ lâu.
Trong thập niên 1980 và đầu 90 những
người lên tiếng cho tự do, nhân quyền tại Việt Nam là nhiều người đã có
những gắn bó với sinh hoạt tại miền Nam trong hai mươi năm, như Đoàn
Viết Hoạt, Nguyễn Văn Huy, Chân Tín, Đoàn Thanh Liêm, Nguyễn Đan Quế.
Sau có những tiếng nói từ miền Bắc của
Trần Xuân Bách, Phan Đình Diệu, Trần Độ, Dương Thu Hương; hay từ những
người miền Nam từng theo cộng sản như Nguyễn Hộ, Hà Sĩ Phu, Bảo Cự, Tạ
Bá Tòng, Lữ Phương.
Khoảng mười năm trở lại đây, nhiều bạn
trẻ từ mọi miền đất nước đã dấn thân tranh đấu: Nguyễn Ngọc Như Quỳnh
(Mẹ Nấm), Huỳnh Thục Vy, Đinh Nguyên Kha, Phan Thanh Nghiên, Đỗ Thị Minh
Hạnh, Đoàn Huy Chương.
Họ không có liên hệ đến quá khứ chiến
tranh mà lớn lên trong một đất nước thống nhất. Sống dưới chế độ xã hội
chủ nghĩa ở Việt Nam, dù thông tin bưng bít, dù bị tuyên truyền, nhưng
họ đã nhìn ra những sai lầm trong chính sách, những bức xúc trong xã hội
và có những trăn trở về sự độc lập, vẹn toàn lãnh thổ.
Họ nhận ra rằng quyền căn bản của dân ghi
trong Hiến pháp đang bị chà đạp. Họ nhìn thấy nguy cơ đất nước bị Trung
Quốc xâm chiếm ngày một lớn. Họ đã lên tiếng. Họ muốn bày tỏ lòng yêu
nước.
Và nhiều người đã phải vào tù. Nếu chưa
bị bắt thì bị quấy nhiễu trong công việc, gia đình bị bao vây nhiều
phía, từ đi lại đến đời sống kinh tế. Nhiều người khác bị buộc phải sống
lưu vong.
Trong thập niên 1990, những người tù như
Đoàn Viết Hoạt, Đoàn Thanh Liêm bị trục xuất khỏi Việt Nam trong khi
đang thi hành bản án do nhà nước áp đặp lên.
Mấy tháng trước Cù Huy Hà Vũ đã bị trục
xuất sang Hoa Kỳ. Hôm qua, Hà Nội lại đưa Điếu Cày Nguyễn Văn Hải thẳng
từ nhà tù ra sân bay để đi Mỹ.
Xã hội Việt Nam ngày nay có tiến bộ và
cởi mở hơn so với những năm ngay sau chiến tranh, nhưng cách đối xử của
chính quyền cộng sản Việt Nam với những người bất đồng chính kiến, với
tù nhân lương tâm vẫn không thay đổi.
Điều 4 Hiến Pháp Việt Nam nay không phù hợp xu thế thời đại. Các điều 79, 88, 258 luật hình sự là phản tiến bộ.
Qua các vụ xử tù nhân lương tâm, những ép
buộc người bất đồng chính kiến phải lựa chọn ở tù hay lưu vong, như sự
kiện Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, lãnh đạo Hà Nội khó có được một cái nhìn
thiện cảm của thế giới.
Bùi Văn Phú (BBC)
Bài viết phản ánh quan điểm và cách hành văn của tác giả là một nhà báo tự do hiện sống tại vùng Vịnh San Francisco, California.