Mặc Lâm, biên tập viên RFA
Dân Luận: Trên FB đã có một số tranh luận liên quan đến hình ảnh cờ Vàng được sử dụng khi đón blogger Điếu Cày. Chúng tôi xin chọn một số ý kiến tiêu biểu để đăng tải:
Nhà báo Đức Trần: Mình là dân yêu chuộng cờ vàng tự do và không từ bỏ lập trường chính nghĩa nằm ở ngọn vàng ba sọc, nhưng mỗi lần thấy cảnh các ông bà Quận Cam cầm cờ vàng đón các nhà bất đồng chính kiến từ trong nước sang là bực bội quá! Cứ tìm cách sấn tới và dí vào ống kính rất là "cưỡng cầu truy vấn". Lý tưởng và tình yêu cũng hãy để đến một cách tự nhiên. Người ta lớn lên từ miền Bắc, không có ký ức ngọn cờ này, lại mới ở tù ra. Làm như thế không những thật là mất lịch sự tối thiểu mà còn vô lễ mạo với ngọn cờ của mình.
Blogger Hồ Lan Hương: Vừa xem clip ngắn về ông Điếu, thấy có người cố nhét lá cờ vàng vào tay ổng. Kỳ quá. Tư tưởng của ổng để ổng tự chọn đê. Bắt chước cộng sản nhét kứt vào mồm dân à?
Giáo sư Jonathan London: Khi đón Nguyễn Văn Hải ở Sân Bây LAX thực sự cần thiết có cả cờ vàng không? Nó sẽ giúp sự phát triển chính trị của Việt Nam như thế nào? Bao giờ người Việt Nam sẽ khắc phục những trở ngại chính trị cũ và cùng nhau đấu tranh vì một xã hội mới, thống nhất, dân chủ? Hãy lấy những tượng trưng chính trị mới mà ai là người Việt và muốn có tiến bộ xã hội đều có thể nắm lấy. Hoặc là đầu tranh vì những giá trị thay vì những ký hiệu. Cứ thăm gia những chiến tranh của hôm qua làm sao nhìn rõ tới tương lai? Nghe rồi: "Một ông tây sinh năm 1969 và không lớn lên ở Việt Nam thì làm sao hiểu được." Đúng thế. Tôi cũng hiểu những hạn chế nhất định của mình. Tôi cũng biết một số điều khác. Chủ nghĩa tượng trưng có những sức mạnh và nguy cơ của nó. Muốn vẫy cờ nào là việc của mọi người. Muốn phát triển đất nước Việt Nam thì đấu tranh tập thể dưới một "lều lớn" là mới được. Đồng ý hay không đều được. Chỉ muốn chia sẻ đề nghị này với những ý định tốt nhất.
Blogger Điếu Cày đến tới phi trường Los Angeles vào lúc 9 giờ đêm 21 tháng 10 năm 2014. RFA
Sau một lúc hưng phấn và nghỉ ngơi đủ sức, blogger Điếu Cày Nguyễn
Văn Hải sẽ chính thức có một cuộc sống khác mà với rất nhiều người kỳ
vọng vào anh tin rằng sẽ không ít khó khăn nếu anh tiếp tục con đường
chính trị và tranh đấu cho dân chủ nhân quyền.
Tranh đấu trong nước mới có hiệu quả?
Câu nói “nếu một người tranh đấu bị buộc ra khỏi đất nước của mình sẽ
như cây bị bật gốc không còn khả năng tranh đấu nữa” hầu như đúng trong
rất nhiều trường hợp và riêng Việt Nam thì cái “rất nhiều” ấy xem ra
lớn hơn so với những dân tộc có cùng hoàn cảnh khác. Phải chăng chỉ
tranh đấu trong nước thì hiệu quả mới cao và nhất là tiếng nói, hành vi
cùng những hy sinh của họ mới được người dân đồng tình, chia sẻ?
Có thể nói rằng mọi cuộc cách mạng đều xảy ra từ cái nôi của nơi cần
làm cách mạng để thay đổi. Khó có thể ngồi từ xa bấm nút để một cuộc
cách mạng xảy ra dù nhỏ nhất, bởi sự hy sinh và gắn bó từ đầu mới làm
nên uy tín của một người tranh đấu. Vắng mặt nơi sôi động là điểm yếu
nhất của một người tranh đấu. Điều này rõ ràng không còn là ẩn số tuy
nhiên có rất nhiều hoàn cảnh mà người tranh đấu có thể thực hiện tại hải
ngoại với mục tiêu và chiến lược khác hẳn với cách tranh đấu tại quê
hương của mình mà vẫn thành công, góp phần cho những tiếng nói mạnh hơn
từ trong nước.
Người tranh đấu tại Hoa kỳ chẳng hạn sẽ có lợi thế rất lớn khi làm
chứng nhân nói lên những sai phạm lớn nhỏ của nhà cầm quyền và trả lời
trực tiếp các câu hỏi có liên quan trước Quốc hội hay từng nhà lập pháp.
Sự làm chứng của một người càng có bề dày tranh đấu trong nước bao
nhiêu thì sức nặng càng lớn bấy nhiêu.
Trường hợp này thích hợp với blogger Điếu Cày hơn nhiều khuôn mặt
khác vì anh được chú ý từ trước và chính Bộ ngoại giao Hoa Kỳ trực tiếp
vận động cho anh. Khó khăn về ngôn ngữ xem ra không phải là câu hỏi lớn
nhất so với rất nhiều tù nhân lương tâm khác khi có cơ hội đến Mỹ.
Tuy nhiên là một người Việt, Điếu Cày phải sinh hoạt trong cộng đồng
có cùng tiếng nói. Anh cần dựa vào sức mạnh vốn từng được vun đắp gần 40
năm qua với rất nhiều công sức của hàng trăm ngàn người để trang bị cho
mình những kiến thức cần thiết trong hoàn cảnh chung của đất nước. Thế
nhưng theo ý kiến của nhiều người đi trước thì sự chia sẻ giữa người mới
thoát khỏi Việt Nam với một cộng đồng đầy màu sắc như cộng đồng người
Việt tại hải ngoại không phải là việc dễ dàng. Giáo sư Đoàn Viết Hoạt
một tù nhân lương tâm và cũng bị trục xuất khỏi Việt Nam sang Mỹ vào năm
1998 như Điếu Cày nhận xét việc này qua kinh nghiệm nhiều năm lưu vong
của mình, ông nói:
“Trong cộng đồng người Việt hải ngoại có rất nhiều vấn đề, có thể
những người ở trong nước ra không quen thuộc với cộng đồng hải ngoại
nhất là cộng đồng thuộc miền Nam của Việt Nam Cộng Hòa trước đây. Có thể
rất nhiều anh em tới Mỹ sẽ bị bỡ ngỡ và không có được cái uy tín, tầm
vóc nhất là ngôn ngữ và những vấn đề được đưa ra trong cộng đồng cho nên
sự tiếp nhận của cộng đồng không mạnh mẽ.”
Tại sao có cùng mục tiêu tranh đấu, cùng một ước muốn xây dựng quê
hương lại khó tìm sự đồng thuận trong cùng một cộng đồng với nhau như
vậy? Bà Trần Khải Thanh Thủy một người bất đồng chính kiến khác được Hoa
kỳ can thiệp và đến Mỹ từ năm 2011. Trong ba năm sống và sinh hoạt
chính trị với nhiều tổ chức, đảng phái bà có cái nhìn như sau:
“Tất nhiên là mình cũng có một chút buồn vì tính cộng đồng người Việt
Nam mình quá kém, vài người ngồi với nhau thì không sao nhưng cứ năm
bảy người ngồi với nhau thì có người muốn ngồi lên đầu nhau để chỉ huy,
áp đặt ý kiến chủ quan của mình. Rất nhiều người không đủ trình độ và
nhận thức nhưng cứ nghĩ rằng cái tôi của mình quá lớn.
Bản chất đám đông của hải ngoại cho thấy rất nhiều tổ chức đảng phái
nọ kia là ỷ lại, dựa dẫm và triệt tiêu năng lực cái tôi của nhau. Tôi đã
đi hết từ hội đoàn này sang một số tổ chức khác thì thấy người làm thì
ít mà người ỷ lại, dựa dẫm thì nhiều. Có khi những người càng làm nhiều
thì lại càng bị chỉ trích phê phán. Đây là đặc điểm cố hữu chẳng thể nào
thay đổi trong một sớm một chiều được. Quan trọng là mình phải tự mở
đường mình đi. Tự mình phải tin vào giá trị tự thân của mình.”
Khác biệt địa lý và quan điểm?
Giáo sư Đoàn Viết Hoạt cho rằng trở ngại này có một phần do khác biệt
địa lý và sinh hoạt chính trị giữa người trong và ngoài nước. Khi được
hỏi phải chăng có những quan điểm, cách giải quyết vấn đề giữa những
người đấu tranh với nhau ngay từ đầu đã khác xa thậm chí gay gắt và
tương phản đã khiến bất đồng, sự hiềm khích phát sinh và dẫn đến tẩy
chay nhau làm cho nhiều người sinh ra chán nản và im lặng không còn muốn
hoạt động nữa?
“Vâng, đúng cái quan điểm, ngôn ngữ và cách đưa ra các vấn đề đối với
cộng đồng hải ngoại có thể không thích hợp giữa người trong nước ra
khiến cộng đồng hải ngoại không nắm bắt được với nhau nhất là trong giai
đoạn đầu. Mục tiêu chung, căn bản thì không khác biệt nhưng ngôn ngữ
dùng và những vấn đề đặt ra hoặc cách trình bày cách đưa ra giải pháp có
thể không đồng nhất với nhau, từ đó có thể gây ra sự bất mãn hoặc là
không ủng hộ… đó là trở ngại mà tôi nghĩ là khá lớn. Trước đây thì trở
ngại đó lớn lắm nhất là đối với người trong nước.
Ngay cả như ông Trần Độ hay ông Hoàng Minh Chính chúng ta thấy các
ông cũng không được cộng đồng hải ngoại tiếp đón một cách hồ hởi nhưng
bây giờ thì cách biệt giữa trong nước và hải ngoại đã dần dần thu hẹp
nhưng dù sao thì nó vẫn là một trở ngại.”
Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ có lẽ là người có kinh nghiệm cập nhật nhất
đối với khó khăn tại hải ngoại của người tranh đấu, ông nói:
“Ra nước ngoài để sống đối với bất kỳ một người nào thì đã là một
việc khó khăn huống chi đối với những người tù chính trị ra khỏi nhà tù
mà lại bị chính quyền cộng sản Việt Nam đưa thẳng từ nhà tù sang Mỹ thì
trong tay họ không có bất cứ một điều kiện nào cũng như hỗ trợ nào khác.
Trong bất kỳ trường hợp nào thì sự giúp đỡ của cộng đồng người Việt
Nam ta tại Hoa Kỳ không những là rất quan trọng mà theo tôi là tuyệt đối
cần thiết. Bời vì nó mang lại sự giúp đỡ vật chất nhất định cho những
người đấu tranh vì dân chủ nhân quyền mới ra tù.”
Điếu Cày được người Việt hải ngoại yêu mến vì tự thân anh là một
người tranh đấu chống Trung Quốc. Kế đến anh luôn tỏ ra bản lĩnh trong
tù so với nhiều người tranh đấu khác và điểm quan trọng nhất là xu thế
áp đặt ý kiến của các nhà đấu tranh tại hải ngoại không còn được ủng hộ
như trước đây.
Điều kiện kiếm sống đối với một người đơn thân như anh không mấy khó
khăn nếu anh tiếp tục sống cuộc sống đơn giản, đạm bạc dành thời gian để
tư duy và làm việc toàn phần cho mục đích tranh đấu.
Điếu Cày còn người thân và bạn bè đồng chí ở lại trong nước rất nhiều
vì vậy anh không cô đơn như nhiều người nghĩ. Anh có niềm tin vào ngày
trở về và niềm tin ấy có lẽ chỉ trở thành sự thật nếu tập thể người Việt
hải ngoại giúp cho anh thực hiện nó.
Điếu Cày không thể tự chòi đạp trong một không gian mà anh chưa từng
biết đến. Nếu cộng đồng người Việt hải ngoại cùng nắm tay nhau với anh
thì đó không phải biểu hiện của sự yếu đuối, trái lại nhiều cánh tay có
thể cùng nâng cánh cho con đại bàng này trong giờ phút đầu tiên tập bay
vào khung trời tự do dân chủ lộng gió của nước Mỹ.
Được như vậy thì rời khỏi đất nước không phải là ngõ cụt, là bật gốc
hay là sự im lặng vĩnh viễn của các nhà tranh đấu như lâu nay mọi người
vẫn nghĩ.