Ông Cù Huy Hà Vũ đã cùng vợ đến Washington DC hôm 7/2 sau khi được phóng thích
Một nhà quan sát trong nước cho rằng việc trả tự do cho ông Cù Huy Hà
Vũ là quyết định có lợi cho chính quyền Việt Nam trong vấn đề đối nội
lẫn đối ngoại.
Trả lời phỏng vấn BBC ngày 8/4, nhà báo tự do Phạm Chí Dũng nói ông
"đặc biệt thú vị" trước tin ông Cù Huy Hà Vũ được phóng thích.
Ông Dũng cho rằng điều này một phần là do tác động từ chuyến thăm của
Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman tại Hà Nội hồi đầu tháng Ba
năm nay và chuyến thăm của Ngoại trưởng John Kerry hồi tháng 12 năm
ngoái.
'Lợi ích của nhà nước'
Bình luận về nguyên nhân dẫn đến việc ông Vũ được trả tự do, ông Phạm Chí Dũng nói:
"Ông Cù Huy Hà Vũ thực chất theo tôi là một tù nhân không phải quá căng thẳng đối với nhà nước."
"Đối với chính sách không được công bố của nhà nước Việt Nam hiện
nay, người ta chỉ muốn các tù nhân chính trị như ông Cù Huy Hà Vũ đi
càng nhiều càng tốt, đi được chừng nào thì nhà nước khỏe chừng đó."
"Hôm qua có một blogger kể với tôi là được công an gợi ý đi nước
ngoài. Công an phường nói với anh ta như thế này: "Thôi anh đi định cư ở
nước ngoài đi, anh ở đây bọn tôi cực quá, cứ hàng tuần, hàng tháng phải
làm báo cáo cho cấp trên. Anh đi thì bọn tôi khỏe"."
"Đó là một tâm lý đặc thù trong chính quyền Việt Nam hiện nay, khi họ
quản không được thì họ bắt, và khi bắt mà họ không thể làm công tác dân
vận được thì họ thả."
"Thế nhưng họ thả thì phải có lý do", ông Dũng nói, đồng thời cho
rằng việc ông Vũ bị nhiều căn bệnh như tim mạch và huyết áp là "lý do
nhà nước Việt Nam có thể dựa vào và để ông đi mà không phải quá căng
thẳng."
Nhận định về những lợi ích ở trong và ngoài nước mà chính quyền Việt
Nam có được trong việc trả tự do cho tiến sỹ Vũ, ông Dũng nói:
"Một là đối với cộng đồng quốc tế, họ muốn cho thấy 'chúng tôi có tôn
trọng quyền con người và đã trả tự do cho tù nhân chính trị', dù họ
chưa bao giờ thừa nhận là ở Việt Nam có tù nhân chính trị cả."
"Thêm nữa là họ đáp ứng được một chút trong các khuyến nghị của các
nước thành viên trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Việt Nam đã
tham gia Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc trong năm 2013, và đã tham
gia thì phải có một chút tôn trọng, thay vì sự thiếu tôn trọng như trước
đây."
"Đối với trong nước thì tất nhiên họ có thể lấy lòng được một số dân
chúng, đặc biệt là trong giới bất đồng chính kiến và giới dân chủ, làm
cho người ta có một chút niềm tin đối với chế độ."
"Đối với chế độ hiện nay, niềm tin của dân chúng và các tầng lớp là
rất quan trọng, không có niềm tin thì mọi thứ sẽ rất dễ bị sụp đổ."
Chủ trương về lâu dài?
"Thế nhưng nói như dân biểu Ed Royce, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của
Hạ viện Hoa Kỳ, thì vẫn còn vô số tù nhân lương tâm đang ngồi trong
những nhà tù của Việt Nam. Danh sách những người này không được công bố
trước quốc tế," ông Dũng nói.
"Ngoài ông Cù Huy Hà Vũ ra, đó là những người chịu phải chịu khổ nạn
nhiều nhất và cần được phóng thích trong thời gian sớm nhất."
Trả lời câu hỏi của BBC về việc quyết định trả tự do cho ông Cù Huy
Hà Vũ có nói lên một chủ trương gì về lâu dài hay không, ông Dũng nói:
"Tôi cho đó là tín hiệu, còn về một chủ trương thì tôi chưa chắc chắn."
"Tất cả đã bắt nguồn từ chuyến đi của ông John Kerry qua Việt Nam. Đó
là chuyến đi quan trọng thứ hai, tiếp nối cho chuyến đi của ông Trương
Tấn Sang với Tổng thống Barack Obama tại Washington. Điều đó đã mở ra
một mối quan hệ mà tôi cho là tương đối ổn thỏa giữa hai nước."
"Thời gian này, bên cạnh việc ông Cù Huy Hà Vũ được trả tự do, còn có
hai sự kiện đáng chú ý, là việc ông Đinh Đăng Định được đặc xá, dù đó
là một quyết đinh đặc xá quá muộn màng. Thứ hai là tù nhân lương tâm
Nguyễn Hữu Cầu, một đại úy của quân lực Việt Nam Cộng hòa được đặc xá
sau 37 năm trong nhà tù của chế độ."
"Đó là những tín hiệu mới mà những năm trước chưa bao giờ xảy ra
trước đây và chúng ta có thể coi là những tín hiệu cho một lộ trình có
tính mở hơn trong thời gian tới."
"Nhưng mở đến thế nào thì sẽ còn tùy thuộc vào vấn đề Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương."