Chủ Nhật, 6 tháng 4, 2014

Trẻ tử vong vì vaccine viêm gan B – chuyện chưa có hồi kết?

Mẹ Nấm
Ngay từ đầu tháng 4, sau một thời gian im lặng, cơ quan điều tra Việt Nam – một trong những cơ quan giỏi nhất thế giới đã cung cấp thông tin đồng loạt cho các báo đăng tải liên quan đến việc 3 trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm vaccine viêm gan B tại bệnh viện Hướng Hoá (Quảng Trị).
Bản tin trên báo Lao Động ngày 2 tháng 4 viết như sau: Y tá Nguyễn Thị Thuận (BVĐK huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) đã bị bắt tạm giam về tội “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính”. Tình tiết mới nhất: Y tá Thuận đã chỉ ra nơi cất giấu 3 vỏ lọ thuốc tiêm gây tử vong cho 3 trẻ sơ sinh và điều khiến dư luận bàng hoàng là... thay vì vaccine, y tá Thuận đã tiêm nhầm thuốc gây mê Esmeron….
…Khai nhận của y tá Thuận tại cơ quan điều tra phù hợp với thực tế diễn tiến sự việc: Thuốc được tiêm nhầm là Esmeron – một loại thuốc gây mê có chức năng hỗ trợ gây mê toàn thân để đặt nội khí quản, để tạo dãn cơ trong phẫu thuật.
Về vỏ lọ, một BS chuyên ngành phòng dịch ở Hướng Hóa nói, hai loại vỏ lọ đựng vaccine viêm gan B tiêm cho trẻ sơ sinh và đựng thuốc gây mê Esmeron có kích cỡ gần bằng nhau, chỉ một 9 một 10, cũng có nắp đậy caosu giống nhau; điểm khác nhau chủ yếu là dung dịch vaccine 0,5ml/ống, trong khi Esmeron chứa dung dịch nhiều gấp 5 lần.

Chi tiết này cho thấy y tá Thuận đã không thực hiện nguyên tắc “3 tra 5 đối” (3 kiểm tra, 5 đối chiếu - trong đó có kiểm tra tên thuốc) trong hành nghề: Sau khi hút vào ống tiêm cho trẻ sơ sinh 0,5ml, trong lọ thuốc Esmeron vẫn còn 4/5 lượng thuốc, trong khi hút trong lọ vaccine thì hết sạch 100%; vậy mà có đến 3 lần thao tác vứt ống thuốc còn dung dịch rất nhiều mà không hề có phản ứng, nghi ngờ gì cả. Câu hỏi là tại sao có thuốc Esmeron chung trong tủ bảo quản của vaccine? Tại cơ quan điều tra, một số nhân viên y tế liên quan trong vụ án này đã khai nhận rằng, thuốc gây mê Esmeron đã được “gửi chung” vào tủ đông đựng vaccine. (1)
Kết luận đầu tiên về cái chết của ba trẻ sơ sinh sau khi khám nghiệm tử thi do cơ quan công an điều tra đưa ra là “sốc phản vệ”. Thời điểm tháng 10/2013, báo chí đã đưa tin về việc y tá chích nhầm thuốc Ocxytocin (thuốc gây co bóp tử cung) cho trẻ thay vì vaccine viêm gan B. Tuy nhiên sau đó thông tin này đã bị cơ quan công an bác bỏ.

Thuốc Oxytocin (gây co bóp tử cung) bên trái và Vaccine viêm gan B bên phải
Theo nguồn tin riêng của Báo Lao Động, cơ quan chức năng đã đưa ra kết luận ban đầu về nguyên nhân tử vong của 3 trẻ sơ sinh sau khi tiêm vắcxin viêm gan B ngày 20.7 tại BV Đa khoa Hướng Hóa (Quảng Trị).Thời điểm tiêm chủng, BV mất điện nên nhân viên tiêm chủng đã dùng điện thoại soi tìm vắcxin. Do ở đây, vắcxin được bảo quản chung với thuốc gây co tử cung Oxytocin nên thay vì lấy vắcxin viêm gan B, họ đã lấy nhầm thuốc gây co tử cung tiêm cho 3 cháu bé. Vì thế, 3 ca tử vong đều giống nhau. Điều này được làm rõ khi cơ quan chức năng lấy thuốc còn lại trong xilanh đã tiêm cho các cháu và kiểm tra. Sai phạm thứ hai, khi tiêm chủng cho trẻ sơ sinh, nhân viên y tế đã không đưa vào phòng tiêm riêng cho trẻ mà vẫn để ở phòng tiêm cho người lớn.
Hiện nay, cơ quan công an đã quyết định khởi tố vụ án để làm rõ việc hai nhân viên y tế BV Đa khoa Hướng Hóa, Quảng Trị sơ ý vô trách nhiệm, vi phạm quy định an toàn tiêm chủng dẫn đến chết người. (2)
Y tá Nguyễn Thị Hải Thuận (có một số báo đưa tin là Nguyễn Thị Thuận) cũng có lời phát biểu với báo chí khẳng định mình không tiêm nhầm thuốc như sau:
Vụ 3 trẻ tử vong tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa, nếu nguyên nhân là do nhầm thuốc thì đây là sự cố lần đầu tiên xuất hiện trong hơn 25 năm thực hiện công tác tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam. Tuy nhiên, nữ y tá trực tiếp tiêm vắc-xin viêm gan B cho cả 3 cháu bé vào sáng ngày 20/7 khẳng định, đã không tiêm nhầm thuốc. Nếu có kết quả chính thức của cơ quan điều tra là do tiêm nhầm thuốc thì chị sẽ hoàn toàn không đồng tình với kết luận đó. (3)
* Điểm đáng lưu ý là bản tin này đã bị VTC gỡ bỏ ngay trên link gốc (4)
Sau 6 tháng điều tra công an không đưa ra được bằng chứng cụ thể và nữ y tá Thuận đã được phục hồi công tác.
Đến đầu tháng 4/2014, cơ quan công an đã khởi tố bắt tạm giam nữ y tá này với tội danh “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính”.
Kết luận do công an đưa ra là y tá đã tiêm nhầm thuốc gây mê Esmeron cho trẻ, thay vì vaccine viêm gan B.
Quay trở lại với kết luận khám nghiệm tử thi ban đầu là “sốc phản vệ”, theo tìm hiểu kiến thức chuyên môn với dược sĩ, bác sĩ nhi khoa và bác sĩ chuyên khoa tôi nhận được giải thích như sau: Esmeron là thuốc gây mê nếu do quá liều thuốc giãn cơ thì bệnh nhi sẽ lịm đi từ từ rồi ngưng thở nên nguyên nhân tử vong trước hết sẽ là suy hô hấp chứ không phải sốc phản vệ. Phản ứng của sốc phản vệ và suy hô hấp dẫn đến tử vong cũng rất khác nhau. Đơn cử như bị tiêm thuốc mê quá liều thì trẻ lịm đi, hơi thở yếu dần, da mặt tái xanh, tay chân mềm oặt không cử động. Trong khi đó sốc phản vệ thì thường chân tay co giật, hơi thở gấp rút khò khè, mặt mũi đỏ lên và trẻ bứt rứt, quấy khóc. Không thể lầm lẫn giữa hình ảnh mổ xác do shock phản vệ và suy hô hấp được.
Bên cạnh đó để giải thích thêm về việc lầm lẫn thuốc khi tiêm, ý kiến chuyên môn đưa ra như sau: Esmeron có dạng chai thuốc hình dáng bên ngoài nhìn bằng mắt thường có thể thấy hơi giống vaccine viêm gan B nhưng nắp khác, tên khác. Một liều (01) vaccine 0.5ml chỉ tiêm cho 01 bé, trong khi một lọ Esmeron từ 5-10ml. Theo quy định an toàn mà nhân viên tiêm chủng phải tập huấn hàng năm mỗi lần tiêm xong là huỷ luôn bơm tiêm vào thùng chứa chất thải rắn y tế. Nên chuyện lầm lẫn sau khi rút thuốc khỏi chai là lý do khó có thể chấp nhận.

Thuốc gây mê Esmeron 5ml bên trái và Vaccine viêm gan B 0.5ml bên phải
Các loại thuốc gây mê, thuốc độc sử dụng trong bệnh viện được kiểm soát rất chặt chẽ. Nếu có xảy ra việc tiêm nhầm thuốc (như kết luận của cơ quan điều tra), tại sao không có việc kiểm tra cơ số thuốc của phòng mổ để thấy ngay có sự hao hụt 3 ống Esmeron mà không ghi chép hoặc giải thích là được đã sử dụng cho bệnh nhân nào? Nên nhớ, 3 ống thuốc độc trong cùng một buổi sáng và 7 tháng để có kết luận điều tra cuối cùng.
Tại sao nữ y tá Nguyễn Thị Hải Thuận không phi tang 3 vỏ thuốc đã tiêm nhầm cho trẻ mà lại cất giấu ngay tại bệnh viện để sau 7 tháng giao nộp cho cơ quan công an sau khi đã được phục hồi công tác là điều khiến tôi phải suy nghĩ.
Cũng trên bản tin tháng 10/2013, chính Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã khẳng định trước báo giới chuyện trẻ tử vong ở Quảng Trị là không liên quan đến vaccine mà do người thực hiện tiêm chủng. Thông tin từ đâu ra để bộ trưởng kết luận như thế trong khi cơ quan công an lại dè dặt với báo giới?
Tôi có quyền nghi ngờ việc định hướng thông tin nguồn từ việc tiêm nhầm thuốc Ocxytocin sang Esmeron hay không?
Tôi có quyền nghi ngờ kết luận tử vong sốc phản vệ ngay từ đầu do chính cơ quan công an đưa ra hay không?
Và quan trọng hơn hết, tôi có quyền đặt dấu hỏi cho chất lượng của vaccine khi không chỉ có 3 cháu bé ở Hướng Hoá (Quảng Trị) tử vong vào ngày 20/07/2013 và một cháu bé vào ngày 22/07/2013 tại Bình Thuận (6) hay không?
Đã có ai đặt vấn đề nghiêm túc về chất lượng vaccine và tại sao cứ tiếp tục sử dụng những loại vaccine đã gây tử vong, biến chứng hàng loạt ở trẻ em hay chưa?
Quyền lợi của nhóm lợi ích nào cao hơn sự an toàn tính mạng của con trẻ?
Và tại sao các chuyên gia y tế, các bác sĩ lại im lặng trước vấn đề có tính cộng đồng này?
Nếu bạn có con nhỏ, và đứng trước mối bận tâm về việc tiêm chủng cho con mình, bạn sẽ bắt đầu từ đâu nếu không phải bằng việc đòi hỏi sự minh bạch thông tin về chất lượng dịch vụ và yêu cầu cải thiện nó?
Sự im lặng và thờ ơ của chính chúng ta – những người làm cha mẹ ít nhiều cũng đã góp phần tạo nên sự tệ hại hiện nay.
Đã có ai đặt câu hỏi rằng tại sao Bộ Y tế không cho công bố kết quả kiểm định về độ an toàn của chính vaccine từ một cơ quan độc lập thay vì các tuyên bố bằng miệng chung chung là không liên quan đến chất lượng vaccine? Trên thực tế nếu nguồn vaccine không an toàn, thì người tiêm chủng không có lỗi, mà lỗi từ nhà sản xuất (producer). Trên thế giới, đã có những tai biến thuốc men gây chết người, người ta truy cứu trách nhiệm của producer, chứ không thể qui tội cho người kê toa, hay người chích thuốc.
Bạn có tin vào kết luận của cơ quan công an hay không?
Tôi không tin. Bởi ít nhất ở Việt Nam hiện nay, với thành tích dối lừa dư luận của Bộ Y tế sau vụ đổ vấy nguyên nhân dịch tả cho mắm tôm, cũng như tình trạng người dân thích đến đồn công an tự tử thì tôi nghĩ mình hoàn toàn có quyền nghi ngờ kết luận của cơ quan công an điều tra sau 7 tháng trời.
Vấn đề tôi quan tâm hiện nay không phải chỉ là lẽ công bằng cho một nhân viên y tế như nữ y tá Nguyễn Thị Hải Thuận, mà chính những động thái vụng về của cả Bộ Y tế và cơ quan công an làm tôi thêm nghi ngờ thêm về chất lượng của vaccine – nguồn thuốc mà hàng triệu trẻ em Việt Nam sẽ phải tiếp tục chích vào cơ thể trong nhiều năm tới.
P/S: Chân thành cám ơn quý anh chị và bạn bè đã cung cấp thêm cho tôi nhiều kiến thức và thông tin mà tôi thiếu để hoàn thành bài viết này.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"