Thứ Hai, 7 tháng 4, 2014

TÔI THAM DỰ THÁNH LỄ AN TÁNG THẦY ĐINH ĐĂNG ĐỊNH





Một Giáo Dân  - Trước 7h sáng nay ngày 8/4/2014, tôi có mặt tại Thánh Đường Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, số 38 Kỳ Đồng, Q. 3, TP. Sài Gòn, cùng với đông đảo bà con giáo dân lẫn những người từ nhiều nơi trong nước, về đây để cầu nguyện và tiễn đưa người một người “tù lương tâm”, thày giáo yêu nước và anh hùng Đinh Đăng Định về cõi Vĩnh Hằng. TÙ NHÂN LƯƠNG TÂM LÀ GÌ? Tức là những người vì có lương tâm, sống với lương tâm mà bị tù đày! Không những phải tù đày, mà thày Định còn phải chết! Như thế thì đã rõ nguyên nhân cái chết của thày Định, và rất nhiều người yêu nước khác: CHẾT VÌ LƯƠNG TÂM, VÌ CHÍNH NGHĨA! Người vì có lương tâm mà phải chết, thì cái chết đó ắt phải do kẻ vô lương tâm, chứ còn gì khác nữa? Thày Đinh Đăng Định nằm trong trường hợp đó!


Theo chương trình, lúc 6h30 sáng nay, lễ động quan đưa thày Định từ phòng quàn xác ra nhà thờ, tôi không đến kịp. Trước 7h thì quan tài và thân nhân đã có mặt trong nhà thờ. Giáo dân và người yêu mến thày Định, cùng với những người “theo dõi” (đương nhiên) thày đã đầy chặt nhà thờ. Một thày học viện của nhà dòng Chúa Cứu Thế trang nghiêm đĩnh đạc tuyên đọc lịch sử bản thân của thày Định (hay còn gọi là “lý lịch”. Ngay từ giờ phút đầu này, tôi đã thấy một không khí hào hùng tràn ngập ngôi Thánh Đường, và bao phủ những người tham dự. Tôi nghĩ khi nghe đọc đoạn tiểu sử này, có thể nhiều người đã giật mình vì sự nói thẳng, nói thật không chút e dè trong nội dung bài tiểu sử của thày Định. Từ đó cho mọi người biết rằng Thày Định bị chính quyền CS bắt và khép tội chống đối, lật đổ, bị tuyên án 6 năm tù giam cho đến khi gần chết mới được trả về để… chết! Và lý do thả thày thì ông chủ tịch nước đã nói rõ: vì chính quyền phải “đối phó với tình hình trong và ngoài nước (dĩ nhiên là đang lên án chế độ!)! 
Cái “tội” của thày là dám đứng lên phản đối dự án khai thác bô- xít ở Tây Nguyên, và kêu gọi mọi người ký kiến nghị dừng dự án này để bảo vệ môi trường sống của người dân, đồng thời cảnh báo việc chính quyền “rước ma (Trung Cộng) về giày mả tổ”, và nguy cơ mất nước về tay giặc Tàu! Thày còn kêu gọi đa nguyên đa đảng để dân có quyền và có cơ hội chọn lựa người hiền tài ra giúp nước, thay vì độc đảng, mà lại còn hèn kém, tư lợi, ác độc, tham lam…, khiến đất nước tan tành, dân chúng điêu linh! Vì Thày can đảm tranh đấu bảo vệ sự an toàn cho cuộc sống người dân, cho dân chủ, đa nguyên đa đảng, trong khi CS muốn duy trì sự độc tôn thống trị đất nước này, và sẵn sàng dâng đất nước cho ngoại bang để lo tư lợi, nên thày đã phải trả giá bằng cái chết! 
Chủ tế là Linh Mục Nguyễn Thể Hiện, trưởng ban Công Lý-Hòa Bình của DCCT, và một LM khác trong dòng cùng đồng tế. Ban Quản Trị Tỉnh Dòng như Cha Giám Tỉnh Phạm Trung Thành, cha Phó GT Hồ Đắc Tâm cùng Cha thư ký Đinh Hữu Thoại và vài vị khác trong dòng đều có mặt trên cung Thánh. Một Thánh lễ trang trọng và súc động, thấm đượm đầy tình yêu thương và cảm thông chia sẻ giữa những người tham dư, nhất là dành cho thân nhân người quá cố yêu nước. Mọi người tự dưng mang tâm tình như người nằm đó là thân nhân, là ruột thịt của chính mình, hơn thế, là người ân của mình, của dân tộc mình, chỉ vì hy sinh cứu nguy cho đất nước mà vong mạng! Vì thế không ai còn thấy sợ hãi kẻ tàn ác, dù biết chúng có thể đang đứng cạnh mình. Muôn lời kinh, câu hát đồng vang lên, vừa thân thương, vừa đượm cả đau thương, nhưng vững tin vào tình yêu, vào sự chở che của Thiên Chúa. Bài giảng của vị chủ tế tuy êm đềm, nhưng cũng rất đanh thép, thẳng thừng lên án cái chủ thuyết vô thần, bất nhân tàn bạo, được xác định rõ là chủ thuyết “Mác-Lê”. Theo phân tích của LM Hiện, đó là một chủ thuyết đặt căn bản trên “CHÍNH TRỊ và KINH TẾ”, ích kỷ và đầy sắt máu, hay đúng hơn là chủ thuyết duy vật, vô thần, vô tổ quốc, nên không còn chỗ cho nhân bản, cho đạo đức, cho văn hóa, nhất là cho tình người! Chính vì thế, con người mang tính nhân bản, vị tha, nhân ái, giàu lòng yêu nước thương nòi như thày Định, đương nhiên trở thành đối nghịch, thành kẻ thù của nó, (ta không thù nhưng nó thù ta!). Mà khi đã là kẻ đối nghịch với nó, kẻ vừa tàn ác lại vừa có quyền, thì ắt sẽ là nạn nhân của sức mạnh tàn bạo đó. Thày phải trả giá, và thày đã trả giá bằng cái chết đau thương!
Trong thâm sâu mọi người, nhất là trong lòng người thân của thày, ắt dấy lên sự hận thù, hận thù kẻ gian ác bất nhân! Nhưng! Với thày Định, tuy là một người chưa biết Chúa, mà thày đã sống tinh thần của Chúa: tinh thần vị tha bác ái, đến nỗi khi đang nằm bệnh chờ chết, thậm chí thày còn xác nhận là thày bị đầu độc bằng hóa chất cho vào thức ăn uống trong khi bị giam giữ, nên bị xuất huyết bao tử và toàn thân, như hình chúng ta nhìn trên internet, nhưng thày lại khuyên vợ con không nên thù hận, và thày còn nhắc lại lời thày từng nói với bọn CA trại giam ác ôn đang hành hạ mình: “chúng ta không phải là kẻ thù của nhau!”. Hai câu “KHÔNG NÊN THÙ HẬN!” ,và “CHÚNG TA KHÔNG PHẢI LÀ KẺ THÙ CỦA NHAU”, được in rõ trên một tấm bảng lớn, đặt ngay trước phòng quàn xác thày, như một lời trăn trối, một lời chỉ dạy, hay kêu gọi mọi người còn sống hãy áp dụng đối với kẻ hại mình, thì có khác nào câu Chúa trăn trối trên Thập giá khi gần tắt hơi, Người đã ngước mắt lên trời cầu xin với Đức Chúa Cha: “Xin Cha tha cho chúng, vì chúng lầm chẳng biết!”. Vì thế thày Định là người được Chúa chọn, thày đã là con Chúa cả trước khi thày được nhận bí tích rửa tội! Câu này làm cho mọi người đều phải suy nghĩ và nghiêng mình kính phục, dù chưa từng quen biết thày! Thế nhưng, có những kẻ vô tâm, vô đạo, vẫn lạnh lùng như đui như điếc!
Ôi! Một cảnh chia tay đầy yêu thương và đầm ấm của những người dân Việt, dù không ruột thịt, không quen biết, dành cho thày Định như thế, không biết những kẻ theo dõi đám tang này vì đồng tiền, có suy nghĩ gì không, về tình nghĩa đồng bào, về lòng quảng đại của người nạn nhân tốt lành, sẵn sàng tha thứ cho kẻ thù bách hại mình, có làm cho những kẻ ác tâm đó thức tỉnh mà quay về với chính nghĩa, với đồng bào, hay vẫn trơ trơ như hòn đá vô tri? Hoặc ít ra, họ cũng phải nghĩ đến lỗi lầm của mình mà ân hận, chí ít thì họ cũng phải biết lo xa cho bản thân mai này chết đi, với tội ác đã làm cho đồng loại, cho anh em, cho Tổ Quốc, họ sẽ phải lãnh gì, và con cháu họ sẽ phải lãnh gì?
Để kết thúc, LM chủ tế kêu gọi mọi người hãy nhìn vào Thày Định, và noi gương của thày, ý thức trách nhiệm của mình trước Tổ Quốc, trước vong linh tiền nhân, trước những người đã vì đất nước, vì chúng ta mà hy sinh. Chúng ta phải biết ơn họ, và trả ơn họ bằng cách nhận ra trách nhiệm của mỗi người, là đáp lại tiếng gọi của non sông: Tổ Quốc lâm nguy! Những người con của Tổ Quốc phải tham gia giữ vững giang sơn, duy trì mảnh đất mà cha ông đã dày công xây dựng và vun đắp, như anh hùng Đinh Đăng Định và nhiều người đã nêu gương “Quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh”! Nếu chúng ta chỉ đến tham dự tang lễ một lần rồi thôi, thì thật là phũ phàng và vô tâm trước sự hy sinh của người anh em cho chúng ta, cho con cháu chúng ta, cho các thế hệ mai sau! Đứng trước xe tang của thày sắp chuyển bánh mang thày đi thiêu, lòng tôi ngậm ngùi, mắt tôi tuôn lệ! Tôi cúi đầu chào biệt thày, và thầm cảm ơn thày cho tôi, cũng như cám ơn thay cho những ai yêu mến tiếc thương thày mà không có mặt. Trên đường về, tôi chua xót thầm nghĩ: lại thêm một hạt giống Tự Do nữa mục nát đi, liệu ĐẾN BAO GIỜ THÌ CÂY DÂN CHỦ - TỰ DO MỚI MỌC LÊN VÀ ĐƠM BÔNG KẾT TRÁI TRÊN ĐẤT NƯỚC THÂN YÊU NÀY?
Lạy Thượng Đế từ nhân, là nguồn của Công Lý và Sự Thật, xin hãy đón rước linh hồn Phêrô Đinh Đặng Định vào trong vòng tay yêu thương của Người, để cho người công chính này được hưởng hạnh phúc muôn đời! Xin cho hạt giống tốt lành người anh em này đã gieo và tưới bằng máu đào, sẽ sớm đâm chồi và sinh hoa kết trái trên mảnh đất quê hương VN thân yêu của chúng con, và xin Người hãy lau sạch nước mắt cho những người thân yêu của thày còn ở lại, ủi an, che chở, đỡ nâng họ trong cơn đau khổ vì mất người chồng, người cha gương mẫu.
Tạm biệt thày Phêrô thân yêu, và hẹn gặp nhau trên Nước Trời. Trên nơi hạnh phúc ấy, xin thày hãy nhớ cầu nguyện cho quê hương sớm thoát cơn lầm than cơ cực này.

Vô cùng thương tiếc,

Saigon, Ngày 8 - 4 - 2014


Một Giáo Dân

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"