Lê Anh Hùng chuyển ngữ
Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) đã bày tỏ sự kính trọng đối với ông Đinh
Đăng Định, một nhà hoạt động môi trường, blogger và cựu tù nhân lương
tâm Việt Nam, người vừa mới qua đời ở tuổi 51.
Năm 2011, nhà hoạt động Đinh Đăng Định bị kết án một cách bất công
sau khi ông phát động một thỉnh nguyện thư phản đối một dự án khai thác
khoáng sản. Ông được chẩn đoán là bị ung thư trong thời gian ở tù.
Nhà chức trách Việt Nam chỉ cho phép ông Đinh Đăng Định được điều trị
ở bệnh viện từ tháng 1.2014, trong điều kiện bị giám sát thường xuyên.
Ông được tạm hoãn thi hành án để chữa bệnh vào tháng Hai, trước khi được
trả tự do vào tháng Ba.
Ông Đinh Đăng Định qua đời vì bệnh ung thư dạ dày tại tư gia ở tỉnh Đắc Nông (Tây Nguyên) vào tối hôm qua.
“Cùng với những người bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam và trên thế giới,
chúng tôi vô cùng thương tiếc ông Đinh Đăng Định và xin thành kính phân
ưu cùng gia quyến của ông”, Rubert Abbott, Phó GĐ phụ trách Châu Á của
Tổ chức Ân xá Quốc tế nói.
“Thật là bi kịch khi nhà cầm quyền Việt Nam đã cướp đi những năm
tháng cuối đời của ông Đinh Đăng Định, ngăn cách ông khỏi những người
thân yêu của mình.”
Là một cựu chiến binh và giáo viên môn hoá học, ông Đinh Đăng Định bị
bắt vào tháng 12.2011, sau khi ông khởi xướng một thỉnh nguyện thư phản
đối dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên.
Tháng 8.2012, ông bị kết án 6 năm tù giam với tội danh “tuyên truyền chống phá nhà nước”.
Phiên toà xét xử ông chỉ diễn ra trong 3 giờ đồng hồ; bản án được giữ
nguyên trong phiên phúc thẩm kéo dài 45 phút sau đó. Quyền tự do của
ông vì thế đã bị chối bỏ trong một quá trình tố tụng bất công và tuỳ
tiện như chính những cáo buộc nhằm vào ông. Rời khỏi phiên toà phúc
thẩm, ông bị đẩy vào xe thùng và bị nhân viên an ninh dùng gậy đánh vào
đầu.
Rất nhiều người khác vẫn đang phải chịu cảnh tù đày ở Việt Nam chỉ vì
họ đã nói lên sự thật, một số tù nhân lương tâm thậm chí còn bị giam
giữ nhiều năm trong những điều kiện khắc nghiệt.
“Cần biến cái chết đầy bi kịch của ông Đinh Đăng Định thành lời kêu gọi thức tỉnh ở Việt Nam”, Rupert Abbott nói.
“Việt Nam phải phóng thích ngay lập tức và vô điều kiện tất cả các tù
nhân lương tâm; giống như ông Đinh Đăng Định, họ đã không làm gì ngoài
việc bày tỏ ý kiến của mình một cách ôn hoà.”