Theo blog Hiệu Minh
Sắp đến ngày 30.4 rồi. Đường phố lại tràn ngập cờ hoa, khẩu hiệu, các
phương tiện truyền thông lại có các bài viết với những câu từ đẹp nhất
để ngợi ca chiến thắng, đặc biệt vào những năm chẵn. Sẽ có hàng triệu
người vui, nhưng Bác Kiệt đã nói, có hàng triệu người buồn.
Trong tâm trạng một người đã đi lính “Bên thắng cuộc”, đã tham gia
chiến dịch mùa xuân năm 75, tôi không nghĩ nhiều về niềm vui chiến
thắng, tôi nghĩ nhiều về Hòa hợp dân tộc.
Sống ở chế độ nào thì phải phụng sự chế độ ấy. Đó là điều đương
nhiên. Khi chiến tranh hai miền xảy ra, tất cả đều bị cuốn vào cỗ máy
chiến tranh do nhà cầm quyền hai bên vận hành: Thanh niên trai tráng
trực tiếp cầm súng chiến đấu, các lực lượng còn lại làm công tác phục vụ
cho cuộc chiến. Ai cưỡng lại sẽ bị ghép vào tội phản bội Tổ quốc.
Nói cách khác, chiến tranh là cuộc chơi của nhà cầm quyền, của các
chính trị gia, mà bên nào cũng cho rằng mình là chính nghĩa. Người dân
phải hành động theo chỉ đạo của nhà cầm quyền, không có sự lựa chọn nào
khác.
Vậy có công bằng không, khi cuộc chiến kết thúc, tất cả những người
và gia đình có người tham gia vào cuộc chiến “bên thua cuộc” đều bị phân
biệt đối xử. Nhiều người bị tù đày. Họ và gia đình họ có thể chống lại
hoặc đứng ngoài cuộc chiến để tránh được hậu quả xấu khi kết thúc chiến
tranh? Đó là điều không tưởng được chia đều cho cả hai bên.
Có một điểm chung giành cho cả hai, kể cả bên thắng và thua. Đó là
những đau thương mất mát, là những người lính, và cả những người không
trực tiếp cầm súng, ngã xuống nơi chiến trận, là những người thương bệnh
binh, là nỗi đau của các bà mẹ mất con, những gia đình mất người thân
và cho đến bây giờ, di chứng chiến tranh, nhiễm chất độc còn dai dẳng.
Đau xót hơn, di chứng về sự chia rẽ thắng thua vẫn còn sau gần 40 năm khi chiếc xe tăng húc đổ cổng dinh Độc Lập ngày 30-4-1975.
Dưới góc nhìn nhân văn thì tất cả đều là con người, đều chung nòi
giống, đều là con cháu Lạc Hồng. Chả lẽ chỉ một bên biết đau, được chăm
sóc đền bù, được vỗ về an ủi, bên kia là gỗ đá sao?
Nhà nước mình từ lâu đã có chủ trương và việc làm cụ thể để hòa hợp
dân tộc. Đây là chủ trương đúng đắn và cần thiết. Một Dân tộc muốn phát
triển mạnh mẽ, cần nhiều yếu tố, trong đó đoàn kết là yếu tố vô cùng
quan trọng. Có khác gì một gia đình, một dòng họ, lục đục kéo dài hỏi
làm sao phát triển được.
Cuộc chiến đi qua đã được 39 năm nhưng hố sâu ngăn cách vẫn thăm
thẳm, cũng chỉ vì việc làm cụ thể chưa được bao nhiêu, nhiều cái còn
hình thức. Nếu nói đúng bản chất thì các nhà Lãnh đạo hiện nay chưa thực
tâm hàn gắn, còn nặng thành kiến, còn cảnh giác, còn phân biệt đối xử.
Mời khách vào nhà phải thực lòng, cửa phải rộng mở, thái độ vồn vã
với nụ cười trên môi. Nếu mời vào mà khóa cửa thì chỉ là lời đãi bôi,
khách biết ngay tấm lòng giả dối của chủ nhà
Người Mỹ đã làm được một việc đầy tính nhân văn, để thiên hạ ngưỡng
mộ. Khi chiến tranh Nam Bắc Mỹ kết thúc. Bên thắng cuộc tuyên bố: trong
chúng ta không có ai là người chiến thắng. Cùng với tuyên bố bất hủ ấy
là những việc làm cụ thể đầy tính nhân văn. Vì vậy, vết thương chiến
tranh được hàn gắn rất nhanh. Sao mình không học những việc làm tuyệt
vời như vậy?
VN mình đã không làm được như họ. Nhưng chúng ta cần sửa sai trong
suy nghĩ, cần bao dung, cần thực tâm , cần những việc làm cụ thể, chẳng
hạn:
- Ngày 30.4 nên gọi là ngày “ Hòa hợp Dân tộc” thay cho cách gọi trước đây
- Có chế độ trợ cấp chăm sóc các thương binh, các bà mẹ có con là Liệt sĩ trong chính quyền Việt nam cộng hòa
- Tìm kiếm hài cốt bị mất tích của những người lính trong chế độ VNCH
- Có chế độ trợ cấp, chăm sóc các người lính VNCH ( cả con cái họ) bị nhiễm độc da cam trong cuộc chiến
- Không phân biệt thành phần khi tuyển dụng nhân lực vào bất kỳ cơ quan nhà nước nào
- Không dùng các từ ngữ làm tổn thương những người trong chế độ VNCH ( Ngụy quân, Ngụy quyền, bán nước, tay sai cho Mỹ…)
Và rất rất nhiều những việc làm khác nữa
Chỉ có những việc làm cụ thể, hướng thiện, chân thành…mới tạo được
niềm tin của nhân dân trong nước và cộng đồng kiều bào nước ngoài, mới
đắp lành vết thương chiến tranh, mới tạo được đoàn kết Dân tộc và mục
tiêu Hòa hợp Dân tộc mới thành công.
Nguyễn Quang Cảnh. Hà Nội. 22-4-2014
PS. Chị Khánh Ly sẽ về biểu diễn tại Hà Nội và có vài lời trên video “Tôi
là người đã sống qua hai thế kỷ, là kẻ kể chuyện rong trong suốt hơn 50
năm. Tôi đã kể cho các bạn nghe về tình yêu đôi lứa, tình bằng hữu,
tình quê hương. Các bạn đến với tôi ngày hôm nay không phải tôi đẹp hơn
như tuổi hai mươi, cũng không phải vì giọng hát tôi còn như thuở thanh
xuân, mà vì những năm tháng cách xa, tôi đã trở thành kỷ niệm. Tôi sẽ
rất hạnh phúc được gặp lại nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong những khoảnh
khắc quý giá trên sân khấu quê nhà“
Đây cũng là một thông điệp về Hòa hợp dân tộc.