Thứ Ba, 15 tháng 4, 2014

Tháng Tư hệ lụy cái ngụy lên ngôi

Người Bến Nghé (ĐXT)
Theo blog Sáng Tạo
nguy_van_tha
Tháng tư nhìn lại ấy vậy mà đã 39 năm, một chế độ bức tử, một quân đội tan hàng, một miền Nam tan hoang. Hàng triệu gia đình lâm vào cảnh chồng sĩ quan ngụy, bố biệt kích ngụy, ông nội ngụy binh thời Pháp, gia đình bên vợ diện ngụy quân, bên chú ruột diện ngụy quyền…Cứ thế dây mơ rễ má chỉ vì diện ngụy mà người người điêu đứng, nhà nhà nát tan sau tháng tư đen.
Quy vào diện này diện nọ chưa đủ, người ta còn đầu độc trẻ thơ bằng những câu vè rẻ tiền ghi trong sách giáo khoa, thậm chí có câu,
Ngụy là gì em hay thắc mắc Cô bảo rằng lũ giặc hại dân Ngụy quyền với lại ngụy quân Là phường bán nước buôn dân ấy mà!

Dạy trẻ như thế mà vẫn có kẻ tin, cho nên các cụ ta thường nói chính trị là bẩn thỉu, chiến tranh là vô luân dù nó có nhân danh cái gì đi nữa.

Nhìn lại lịch sử bốn nghìn năm văn hiến (nhưng chinh chiến cũng nhiều), Đại Việt ta vốn dĩ có đặc điểm hay chia cắt, phân tranh, nên các phe đối nghịch hay dùng cái ‘ngụy’ để áp đặt cho nhau. Từ thời hậu Trần đã có ngụy Hồ, thời Hậu Lê có từ ngụy Mạc. Sang thời chúa Nguyễn, Gia Long liệt anh em nhà Tây sơn là bọn ngụy Tây, và gọi sách mé là Ngụy Nhạc, Ngụy Huệ, khiến sử gia Trần Trọng Kim sau này đã lên án đòi phải được bạch hóa ngụy sử để trả lại vị trí cho Quang Trung đại đế, người anh hùng đại phá quân Thanh.
Trong chiến tranh bất kể đông tây kim cổ, được thì làm vua thua làm ‘ngụy’, cướp chính quyền mà thắng thì là ‘cách mạng’, thất bại trở thành phiến quân. Hồ Quý Ly khi thất thế bị liệt là ‘giặc Hồ’, ở miền Nam Nguyễn Chánh Thi làm đảo chính hụt từ chủ tướng xuống hàng ‘phản loạn’, ba năm sau Dương Văn Minh may mắn hơn trở thành người hùng của cách mạng hồ hởi lên ngôi. Biến cố Tháng tư không nằm trong ngoại lệ. Chế độ bị bức tử chịu mất tên và căn cước chính trị ‘Việt nam Cộng hòa’ trở thành ‘ngụy quyền Sài-gòn’, binh lính thành ‘ngụy quân’, các nguyên thủ của họ bỗng dưng bị gọi bằng ‘thằng’, một sự đứt đoạn đổi đời thay trắng thành đen.

Nhìn lại cuộc chiến Việt nam, khi hai chế độ một Bắc (VNDCCH) một Nam (VNCH) đều là những thực thể có thật có thủ đô có chánh phủ được cộng đồng quốc tế công nhận, thì người ta quên một điều là từ cuối năm 1960 đã lấp ló phía sau một cái ‘ngụy’ khi phía Bắc việt phát động chiến dịch xâm chiếm miền Nam, cho ra đời một tổ chức được ngụy trang dưới cái tên Mặt trận giải phóng miền Nam.Về sau cũng có một chánh phủ bù nhìn và một lực lượng mang tên Quân giải phóng để cho danh chánh ngôn thuận. Đáng chú ý là trên chiếc xe tăng sô-viết phá cổng Dinh Độc Lập trưa 30-4, bộ đội Bắc Việt không trương cờ đỏ sao vàng mà ngụy trang dưới là cờ của Mặt trận giải phóng. Cờ bay trên nóc dinh là phút ‘huy hoàng’ cuối cùng của tổ chức hữu danh vô thực này trước khi bị xóa sổ ít ngày sau đó.
Năm 1976, quốc hội chính thức khai tử cái gọi là ‘Chánh phủ lâm thời Cộng hòa miền nam Việt nam’ mà đa phần gốc người Nam bộ, mỉa mai thay người vượt biên sớm nhất lại là Trương Như Tảng, nguyên bộ trưởng tư pháp của chánh phủ ngụy tạo, ít năm sau Dương Quỳnh Hoa bộ trưởng y tế xin trả lại thẻ đảng của Cộng sản Việt nam. Họ Trương sang tới Pháp có viết một hồi ký, ‘Mémoir d’un Vietcong’ (Hồi ký của một Việt cộng), có dịch sang tiếng Anh nhưng không gây được tiếng vang vì thiên hạ hiểu rằng chanh vắt rồi thì vỏ phải quăng.

Trùm tuyên truyền của phát-xít Đức có lý khi ông nói cái gì cứ nói dối hoài cuối cùng sẽ thành sự thật. Từ khi cái ‘ngụy’ lên ngôi, nó trở thành phổ biến trong ngôn ngữ sinh hoạt miền Nam, mà gia đình nào cũng có phần dính dấp, chẳng hiểu thế nào mà nó đi dần vào vô thức. Riết rồi trong cách xưng hô chẳng ai phật lòng, chẳng mấy quan tâm.
Chuyện kể ông hàng xóm của tôi, một cán bộ tập kết hay dẫn thằng út tôi và vợ con ông về quê dưới Long an mỗi lần giỗ tết, đã ân cần giới thiệu với bà con, ‘bố nó sĩ quan ngụy đang học tập ngoài Bắc’. Con cháu vợ tôi vượt biên bị công an hỏi chồng chị làm gì, dạ thưa …chồng em sĩ quan ngụy, xin anh tha cho em về nuôi con. Chuyện nghe dù vô tâm cũng muốn trào nước mắt.

Bản thân tôi với người Hà nội cũng có vài giai thoại. Lần đầu khi ra Bắc lấy hộ chiếu trước khi đi Mỹ, thuê một phòng ở ga Hàng Cỏ, giơ thẻ chứng minh nhân dân cho cô tiếp viên, một lúc sau trả lại thẻ, liếc qua liếc lại cô hỏi tôi, chắc chú là sĩ quan ngụy đi cải tạo về, tôi chột dạ sao cô biết, cô hạ giọng, chú cẩn thận khi giao tiếp. Gặng hỏi cô bảo có cái dấu (ngụy) ghi ngầm trong thẻ chỉ chúng cháu làm văn phòng mới biết!
Hai mươi năm sau, trở lại Hà-nội với tư cách ‘Việt kiều’. Vào ngõ hẻm thăm một người thân, hỏi thăm số nhà, cô bé trạc tuổi teen đon đả chỉ đường còn lễ phép hỏi thêm, chắc bác hồi trước là … sĩ quan ngụy, có phải thế không ạ? Khách chỉ biết gật đầu, mỉm cười rồi quay đi.
Cũng là cái hay và chẳng biết có là cái may cho đất nước mình, từ đầu thiên niên kỷ, các báo chính thống bắt đầu đổi giọng, nguỵ quyền Sài gòn thành chính quyền Sài gòn, ngụy quân thành các sĩ quan nhân viên chế độ cũ. Rồi từ khi các đồng chí láng giềng muốn chơi cha, sự kiện Hoàng Sa, Gạc Ma bỗng dưng thành điểm nóng. Hình ảnh Ngụy Văn Thà. người hạm trưởng ở lại với biển Đông năm xưa trở thành anh hùng chống ngoại xâm được cả nước biết tên. Bài thơ ‘Người anh hùng họ Ngụy’ của một nhà thơ cộng sản như khơi dậy một điều lô-gích ‘những người yêu nước, chết vì nước, không thể nào là ngụy’ càng làm bẽ mặt những người một thời áp đặt nó.

Cụm từ VNCH như một thực thể của lịch sử dần dà được phục hồi, nhiều báo mạng đã đăng nguyên văn ‘Bạch thư tố cáo Trung quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa’ với lời lẽ đanh thép của Luật sư Vương Văn Bắc, ngoại trưởng của VNCH mà bốn thập niên sau khi được đọc lại tôi muốn nổi da gà. Cũng chẳng còn là điều cấm kỵ khi một đài Truyền hình sát nách Sài gòn (tỉnh Đồng Nai) nhân kỷ niệm 39 năm sự kiện Hoàng sa đã cho công chiếu trận đánh Hoàng Sa, một cuốn phim tư liệu do phía VNCH thực hiện, với đầy đủ cờ quạt, mũ áo, chiến cụ, hạm đội hiên ngang rẽ sóng thẳng tiến Hoàng Sa và hình ảnh Ngụy Văn Thà cùng con tàu Nhật Tảo với 68 thủy thủ đoàn vĩnh viễn nằm lại với đảo. Tư liệu vật thể này như một bằng chứng hùng hồn dùng để xác minh chủ quyền biển đảo của ta trên Biển Đông.
Gần đây, thành phố Lá me xanh có bề dày 300 năm của đất Bến Nghé, thủ đô một thời của miền Nam dù đã mất tên nay lại lấp lánh trên Ga Hàng Cỏ theo tuyến đường Bắc-Nam, dòng chữ điện tử ‘Chuyến tàu nhanh Hànội-Sàigòn khởi hành lúc…’ trở thành quen thuộc với khách lên tàu những dịp xuôi Nam.

Cái gì của lịch sử xin trả về cho lịch sử, mà lịch sử thì rất công bằng. Người Bến Nghé xin khép lại bài viết và coi cái ‘ngụy’ người ta áp đặt như là một hệ lụy tất yếu sau tháng Tư đen nhằm hạ nhục và trả thù một tập thể ngã ngựa vốn dĩ đã có thời là một phần và chứng nhân của lịch sử. Còn chuyện bán nước, nhượng đảo hay không thì sự kiện Hoàng Sa đã tỏ lộ chân lý sáng ngời không cần tranh cãi, ‘những người yêu nước, chết vì nước, không thể nào là ngụy’.
Người Bến Nghé (ĐXT)
Cali, 39 năm Tháng tư nhìn lại
Nguồn: Tác giả gửi

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"