Ngựa Hoang
Thế hệ “gà công nghiệp”
“Anh à, nhỏ bạn lớp em vừa mới biết cây chuối là cây gì đó a!” đứa em lớp 10 tại một trường Phổ thông chuyên ở Long An “báo” với tôi như thế. Thấy lạ, tôi hỏi lại cho cụ thể, nó kể rằng con bạn lớp phó học tập cùng lớp, hôm qua xem hình cây chuối trên điện thoại, rồi hỏi nó đó là cây gì, nó mới trả lời. Nhờ đó nhỏ bạn nó mới biết cây chuối hình dáng ra sao. Tôi thở dài, bảo “vậy có khác gì ‘gà công nghiệp’ đâu”, đứa em bảo “ừ, thì nó nhận là mình được cha mẹ nuôi theo mô hình ‘gà công nghiệp’ mà”!!!
Bạn có suy nghĩ gì sau khi đọc câu chuyện trên?
Thực ra đó chỉ là một ví dụ điển hình cho thực trạng hiện nay của nền giáo dục, sự tồn tại của một “chuồng gà công nghiệp” hay rộng hơn là cả một “trang trại gà công nghiệp” – sản phẩm của nền giáo dục Việt Nam.
Kinh tế phát triển, xã hội đi lên, khi nhu cầu ăn no mặc ấm về cơ bản đã được đáp ứng, con người càng có điều kiện hơn để đầu tư cho việc học tập của con em mình. Thế nhưng người ta càng quan tâm, xã hội càng săn sóc, giáo dục càng cải cách thì chất lượng giáo dục lại càng đi xuống? Các em chỉ biết học, học và học. Học để chất thật nhiều chữ vào đầu, học để có điểm cao, đậu vào trường điểm, thi vào các ngành hot, học để thỏa sự kì vọng cùa cha mẹ… Để bây giờ bước ra đường, nhất là ở các thành phố lớn, chúng ta luôn bắt gặp những em học sinh uể oải với cặp kính dày cộp, đôi mắt đờ đẫn như đang muốn kiếm tìm một lối thoát cho tâm hồn của mình.
Các em không được chú tâm vào việc bồi dưỡng tâm hồn, theo đuổi đam mê, trau dồi những kĩ năng sống thiết thực. Các em không được quyền giữ lại những nét hồn nhiên, tinh nghịch mà đáng lý ra ở tuổi các em nó phải được thể hiện một cách vô tư nhất.
Mục tiêu của giáo dục Việt Nam?
Trong một buổi trò chuyện với Giáo sư Chu Hảo về chủ đề Tư duy sáng tạo tại Trường Đào tạo Truyền thông Ứng dụng (IAMS). Khi nhắc đến mục tiêu hiện tại của nền giáo dục Việt Nam hiện nay, Giáo sư cho rằng:
“Mục tiêu của nền giáo dục Việt Nam hiện nay là đào tạo ra những con người biết phục tùng – một công cụ của xã hội”, một nền giáo dục “đào tạo ra những con người có kiến thức, kỹ năng để chất vào kho chứ không được đưa ra sử dụng.”
“Giới trẻ bây giờ được sự ủng hộ của gia đình và xã hội, có mục đích học cụ thể hơn nhiều: Học nhằm kiếm mảnh bằng để làm quan và để làm giầu. Việc hoàn thiện nhân cách và văn hóa nền bị đặt xuống hàng thứ yếu. Kết quả nằm ở những mẩu đối thoại sau đây:-’Bạn có lý tưởng không’?, ’Không’!; – ‘Bạn có mục đích sống không’?, ‘Có’; -’Mục đích ấy là gì’?, ‘Học ngành ngân hàng, quản trị kinh doanh hoặc luật để có một chỗ làm tốt, lương cao’…”. Nhạc sĩ Dương Thụ trăn trở với chúng ta như thế trong bài “8 mẩu suy nghĩ về giới trẻ và ‘Élite’ trẻ”.
Ngay từ thời phong kiến, các sĩ tử “sôi kinh nấu sử” cực khổ mấy năm trời cũng để đạt mục tiêu được ghi tên bảng vàng, nhằm kiếm một chức quan để kiếm chác, coi đó là mục tiêu tối thượng. Và hiện nay, học cũng chỉ là để kiếm một tấm bằng, một ngành nghề để nuôi thân và làm giàu. Học để làm công an, làm bác sĩ… chung quy lại chỉ để kiếm một nghề nghiệp thật ổn định và nhiều tiền.
Vừa rồi Bộ Lao động – Thương binh và xã hội đã công bố một con số khiến nhiều người giật mình: 72.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp trên cả nước (tính đến cuối năm 2013). Ngoài nguyên nhân kinh tế suy thoái, con số trên còn là hệ quả của sự cộng hưởng các yếu tố: Trường đại học được cấp phép một cách dễ dãi và tràn lan; sự quản lý yếu kém; sự “gặp thời” của các “con buôn giáo dục”; sự quá coi trọng bằng cấp của xã hội và người học, học chỉ để lấy cái bằng mà không chú trọng vào việc rèn luyện, bồi dưỡng các kĩ năng sống cũng như những kĩ năng thực tế mà công việc đòi hỏi
Ngành giáo dục Việt Nam hiện vẫn đang loay hoay tìm kiếm chiến lược, triết lý, mục tiêu, và phương pháp giáo dục phù hợp. Biểu hiện rõ nét nhất chính là việc liên tục thí nghiệm trên đầu hàng lọat thế hệ học sinh, tạo nên một vòng luẩn quẩn mà mắt xích chính là các vị bộ trưởng nối tiếp nhau.
Câu chuyện về “gà công nghiệp”, câu chuyện về 72.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp cũng như nhiều câu chuyện khác mà chúng ta có thể kể về thực trạng nền giáo dục hiện nay đặt ra một yêu cầu bức thiết: phải đổi mới triệt để ngành giáo dục. Và cái thay đổi đầu tiên, nền tảng nhất và bức thiết nhất chính là thay đổi tư duy giáo dục, thay đổi “rượu” chứ không phải “bình”, nhằm tạo ra một nền giáo dục đích thực.
Nền giáo dục đích thực
Nền giáo dục đích thực là nền giáo dục mà tất cả các nước trên thế giới đều hướng tới. Các nước phát triển như Mỹ, Nhật, Hà Lan, Úc hay Israel đều đã và đang xây dựng, phát triển nền giáo dục này. Đó là nền giáo dục tạo ra những con người tự do trong suy nghĩ và hành động, có tư duy độc lập, biết bồi dưỡng tâm hồn mình bằng những đam mê và mơ ước.
Giáo sư Chu Hảo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của thay đổi tư duy giáo dục. Mục tiêu của giáo dục, theo Giáo sư, là “phải đào tạo ra con người tự do, tử tế và có nhân cách, biết lo cho bản thân, gia đình và xã hội.” Nhạc sĩ Dương Thụ cũng cho rằng: “Mục đích của việc học tập là để tạo dựng tri thức nền tảng (văn hóa nền), hoàn thiện nhân cách và phát triển cơ thể để làm người.” (8 mẩu suy nghĩ về giới trẻ và ‘Élite’ trẻ -Vietnamnet.vn)
Nền giáo dục đích thực phải tạo ra được một môi trường giáo dục kích thích sự đam mê, khát khao học hỏi, chinh phục kho tàng tri thức nhân loại, kích thích sự tận hưởng thú vui học tập của người học. Làm cho người học hướng đến việc tận hưởng niềm vui khi học chứ không phải chỉ chăm chăm nghĩ đến điểm số và bằng cấp. Nền giáo dục đó phải tạo cảm hứng và nền tảng để người học vươn ra biển lớn, chinh phục kho tàng tri thức nhân loại, vì “giáo dục không phải việc đổ đầy một cái bình mà là thắp lên một ngọn lửa.” (William Butler Yeats)
“Một nền giáo dục đích thực không dạy cho con người tranh đấu hay giành giật; nó dạy con người cách sống hòa hợp và sáng tạo; nó mở ra cho con người lòng yêu thương, niềm an lạc tự tại và không bao giờ vướng bận so sánh bản thân mình với người khác,” bậc thầy tâm linh Ấn Độ – Osho đã chia sẻ quan điểm về “nền giáo dục đích thực” như thế, “nền giáo dục đó không dạy bạn tranh giành ngôi thứ mà mời gọi bạn tận hưởng mọi thứ bạn đang làm, không màng đến kết quả, chỉ quan tâm đến hành động, tựa như một họa sĩ, một diễn viên múa hay một nhạc sĩ.”
Nền giáo dục đó phải đào tạo ra những con người vừa có học thức, vừa có ước mơ hoài bão, có tâm hồn lành mạnh, biết yêu thương, không vô cảm trước đồng loại, trước những khoảnh khắc của cuộc sống. Ở đó người ta học để hiểu biết, để làm giàu kiến thức và tâm hồn cũng như làm chủ những kiến thức và kỹ năng đó. Chứ không phải học như một cỗ máy, học để “chất chữ vào kho” và không biết sử dụng thế nào.
Việt Nam đang thực hiện công cuộc “đổi mới sâu sắc và toàn diện nền giáo dục”, nhưng nếu không thể tạo ra một nền giáo dục đích thực như trên, không sớm thì muộn đất nước sẽ đi trật khỏi đường ray phát triển của nhân loại.
Kết
Sự ổn định và đúng đắn của chiến lược giáo dục chính là nền tảng để tạo nên chất lượng cho một nền giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực cũng như nền tảng cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của một quốc gia.
Chính vì vậy, thay đổi tư duy giáo dục là một đòi hỏi cấp bách của thời đại ở Việt Nam. Phải thay đổi, tạo nên một hệ thống tư duy giáo dục tiên tiến, từ đó mới có thể đặt ra mục tiêu, phương pháp giáo dục đúng đắn để tiến tới xây dựng một nền giáo dục đích thực – một nền giáo dục tạo ra những công dân đích thực và tự do.