Lan Trần
Ngồi buồn kể mọi người nghe chuyện y tế ở Đan Mạch :D
Hồi mới sang đây mình thấy bác sĩ bên này chán vô cùng tận. Con mình ốm, ho ơi là ho cho đi khám, bác sĩ cứ bảo là bị virus, không sao đâu, về nhà độ dăm ngày là khỏi. Chả bù cho ở nhà, đi bác sĩ một cái là có các loại thuốc chữa bệnh cho con. Nghe con ho buốt hết cả ruột, thế là mẹ lôi kháng sinh mang từ Việt Nam qua cho con uống, uống 1 liều 5 hôm thì nó cũng khỏi. Có lần con mình bị đi ngoài, bác sĩ sau một hồi khám xét cũng bảo không sao đâu, về cho uống nhiều nước saft (nước pha với nước ngọt kiểu siro dâu nhà mình) ăn bánh mặn nhiều một chút là được. Khổ, cả một ngày nó bị như vậy, chả chịu ăn, người cứ ỉu như bánh đa ngâm nước mẹ bèn nghiền becberin ra, trộn với mật ong bắt con uống, uống có mấy thìa mà nó cầm rồi khỏi luôn. Thế là mình lại càng không tin bác sĩ Đan mạch Vì không tin nên là mình cũng tự chữa bệnh luôn, ốm đau gì cứ a-lô cho bác sĩ ở Việt nam, thuốc thì thường có sẵn trong tủ thuốc gia đình vì cứ ai qua là mẹ mình cũng gửi thuốc. Tủ thuốc chả thiếu cái gì, từ kháng sinh nhẹ tới nặng, thuốc long đờm, thuốc giảm ho, hen, dị ứng, tra mắt, tra mũi, đau đầu, cảm cúm... Coi như 3 năm đầu tiên ở đây mình chả mấy khi đi bác sĩ cho dù là bác sĩ ở Đan mạch được miễn phí :D
Cho đến một lần bà ngoại gửi kháng sinh liều cao qua một bạn sang đây và lần gửi đó bị hải quan sân bay giữ lại nói mình phải xin giấy bác sĩ thì mới được lấy lại. Mình liên hệ với bác sĩ của mình, ông ấy biết mình bị hen nhưng rất ngạc nhiên là tại sao mình phải dùng kháng sinh mạnh tới vậy. Ông ấy nói đó là kháng sinh loại mới, ở Đan mạch vẫn dùng rất dè dặt và chỉ dùng cho bệnh nhân bệnh rất nặng, nằm viện và điều trị dưới sự giám sát của bác sĩ. Mình có kể cho ông ấy nghe cách mình vẫn được chữa ở Vn. Ông ấy khuyên mình nếu bị bệnh thì nên đến ông ấy khám và cho thuốc, vì nếu mình cứ tự chữa bệnh, nếu có chuyện gì xảy ra, bác sĩ ở đây họ không biết đường nào mà chữa cho mình. Mình nghe xuôi xuôi và bắt đầu chăm đi bác sĩ Đan Mạch hơn.
Khi bắt đầu nói chuyện nhiều hơn với bác sĩ, rồi Internet cũng phổ biến hơn, thông tin tìm kiếm dễ dàng hơn, hoặc cũng có thể mình đỡ ngố hơn mới thấy mình chao ơi là liều. Đúng là virus thì đâu có kháng sinh nào mà chữa được. Uống mà khỏi thì chẳng qua tới lúc là nó khỏi, thuốc kháng sinh mà mình dùng giống như là placebo vậy. Có rất nhiều ảnh hưởng phụ của kháng sinh liều cao mà mình không biết tới. Ngoài ra thì uống kháng sinh nhiều làm cơ thể quen dần với các loại kháng sinh đó và khi ốm thật thì lại phải dùng một loại khác mạnh hơn mới khỏi bệnh. Mình có hỏi mẹ mình, nhưng mẹ vẫn bảo ở nhà thì không thế được, virus không cần kháng sinh nhưng cơ thể yếu, dễ bị viêm nhiễm (bà dùng từ bội nhiệm) nên phải dùng kháng sinh luôn mới khỏi được... Hic hic, thì cũng phải tin bà, nhưng mình cũng bắt đầu tin bác sĩ ở đây hơn chút xíu. Năm đó mình lại bị một đợt hen, đi khám bác sĩ, ông bác sĩ nói lần này cho mình liều thuốc mạnh hơn một chút vì biết mình chuyên dùng kháng sinh loại mạnh. Ngoài ra, ông ấy bảo có một loại thuốc xịt mới đang thử nghiệm, phát miễn phí cho bệnh nhân, nếu mình chịu ông ấy sẽ kê đơn và đưa thuốc cho dùng. Mình đồng ý và nhận được một loại thuốc mà... mình đã dùng ở Việt Nam từ 3-4 năm trước, hichic. Mình đặt câu hỏi: có phải thuốc mới cứ đem hết qua mấy nước quản lý còn lỏng lẻo rồi sau đó mới được dùng đại trà trên thế giới hay không? Cũng may là từ hồi đi khám theo bác sĩ Đan Mạch, cả nhà mình đều bớt ốm hơn, ai cũng khoẻ ra, chắc một phầm bắt đầu quen với thời tiết ở đây.
Tuy nhiên mình vẫn chê y tế Đan Mạch lắm. Này nhé, có ngã rạn xương, gãy tay đi tới cấp cứu cũng phải ngồi chờ. Từ lúc tới nơi, chờ chụp phim, chẩn đoán hình ảnh, bó bột xong khéo mất 7-8-9 tiếng. Chả phải như ở nhà, mình quen một chút, hay trả tiền đi bệnh viện tư là được phục vụ ngay, chả phải chờ một giây nào. Mình lại lớn lên ở một tập thể của một bệnh viện đầu ngành ở nhà, hàng xóm có biết bao nhiêu y bác sĩ giỏi, mẹ lại làm y tế nên lúc nào cũng được ưu tiên, vậy nên mình càng phàn nàn dữ :D
Cho đến lần gia đình mình có người bệnh nặng, nửa đêm bác sĩ trực tới nhà rồi gọi cấp cứu đưa đi luôn. Sau đó mọi thứ đều tự động, từ chăm sóc người bệnh đến chữa trị bệnh đều do bệnh viện ở đây lo hết. Không có xếp hàng, không có chờ đợi, cũng không cần phong bì phong bao, bác sĩ y tá ở đây họ ân cần hết chỗ nói. Mình hiểu ra rằng hệ thống y tế ở đây ưu tiên cho những trường hợp khẩn cấp nguy hiểm tới tính mạng. Vì nguồn lực có hạn nên những bệnh khác chưa "nguy hiểm" lắm bị xếp sau, chẳng hạn rạn xương thì hơi đau một chút nhưng không chết được nên thời gian chờ đợi có thể hơi lâu một chút. Nguồn lực của họ tập trung vào các ca cứu người trước :) Kể ra chưa phải là hoàn hảo nhưng cũng không phải không có lý.
Sau lần đó thì mình cũng chứng kiến thêm các trường hợp khác, khi bác sĩ ở đây nghi ngờ có bệnh rủi ro tới tính mạng hoặc các bệnh cần được điều trị gấp, bác sĩ họ sẽ gửi mình đi làm ngay các xét nghiệm cần thiết, nếu đúng thì việc điều trị cũng diễn ra ngay lập tức, không phải xếp hàng hay chờ đợi lâu. Mọi thứ đều được sắp xếp giữa các ban ngành để điều trị cho bệnh nhân từ a-z, không có chuyện mình phải chạy đi hỏi nơi này nơi kia. Nếu được cho về nhà điều trị ngoại trú, bệnh nhân cũng được cho số điện thoại liên lạc trực tiếp với khoa mình điều trị mà không phải đi qua tổng đài...
Hic, cũng không phải tự nhiên mà hôm nay mình ngồi kể về y tế Đan mạch. Sáng nay mình vừa được "đi tour" bệnh viện ở đây. Cách đây 2 tuần, mình tự nhiên cảm thấy mệt hơn bình thường, tuy nhiên bụng bảo dạ, bà bầu mệt là chuyện thường. Gọi cho bác sĩ gia đình hẹn giờ khám, y tá trực nói nếu mệt bình thường và khám thai định kỳ thì 2 tuần sau mới có giờ cho mình. Sau khi nghe mình giải thích thì cô ấy hứa sẽ yêu cầu bác sĩ gọi lại để nói chuyện với mình. Sau khi nói chuyện thì bác sĩ cho giờ tới khám luôn ngay sau đó. Kể từ hôm đó thì bác sĩ đặt sẵn lịch cho mình phải làm những gì và khuyên mình xin nghỉ làm việc. Sau khi có hết kết quả xét nghiệm, dù là mình mới bắt đầu ở ngưỡng tiểu đường thai kỳ, bệnh viện họ sắp hẳn một ngày cho mình đi siêu âm, nói chuyện với bác sĩ, y tá để chuẩn bị cho mấy tuần còn lại, rồi phát thiết bị lấy máu, đo máu tại nhà, hướng dẫn cách tự thử máu để kiểm soát chế độ ăn uống hàng ngày... Họ còn gửi mình tới nói chuyện với bác sĩ dinh dưỡng để tư vấn về chế độ ăn uống (taxi bệnh viện miễn phí)... Ở bệnh viện, cũng có những chỗ phải xếp hàng chờ khá lâu, y tá trực nào cũng thấy tất bật, vậy mà ai cũng niềm nở, tận tình. Có người sợ mình không hiểu họ nói gì còn đứng dậy dẫn mình tới tận nơi cần tới. Trước khi tới bệnh viện, có một danh sách những điều mình nên chú ý chuẩn bị trước trong đó có câu bảo mình nên đem theo sách hay gì đó theo để làm lúc chờ đợi mặc dù phòng chờ nào cũng có các loại báo và tạp chí. Mỗi khi gặp 1 bác sĩ, y tá để nói chuyện về một vấn đề cụ thể, bao giờ họ cũng có tài liệu (chỉ là photo đen trắng) đi kèm để mình về nhà đọc lại và tìm hiểu thêm... Những thứ tưởng như rất nhỏ nhưng giúp ích rất nhiều bởi có phải ai cũng siêu việt nhớ hết thông tin đâu. Đấy, y tế Đan Mạch là thế, vẫn nhiều thứ để chê đấy nhưng có những thứ không thể không khen.
Hiền Nguyễn: Thực ra có người nói nhà em cực đoan. Nhưng mà cả hai vợ chồng đều làm chuyên về vi sinh, nên nhà em cực kỳ hạn chế dùng kháng sinh, dùng thuốc cho con và bản thân hai vợ chồng. Gôku từ bé đến giờ trộm vía rất ít ốm, chỉ uống thuốc kháng sinh 1 lần vì viêm tai. Tuy nhiên khi đã dùng kháng sinh thì nhà em tuân thủ rất chặt chẽ liều lượng sử dụng, thời gian sử dụng (nếu yêu cầu dùng 7 ngày thì dùng đúng 7 ngày). Ngay cả việc hạ sốt cũng cố gắng hạ sốt bằng cách chườm ấm (hơi vất vả tí vì phải canh cả đêm để chườm cho con) nhưng bù lại con không phải dùng đến thuốc và tăng sức đề kháng cho con. Việc dùng thuốc kháng sinh ở VN rất bừa bãi, và em vẫn tin rằng nếu từ bé con ít dùng đến thuốc thì sức đề kháng tốt, vẫn sẽ ko phải dùng đến kháng sinh khi không cần thiết. Em có một số bạn ở VN, chăm con từ bé cũng cố gắng hạn chế dùng thuốc và con khỏe hơn nhiều. Trong nghành của em đến giờ mọi người rất hay bàn đến nguy cơ một ngày nào đó sẽ có loại vi sinh vật gây bệnh có thể kháng hết tất cả các loại kháng sinh, và tới lúc đó thực sự sẽ là hiểm họa. Thế nên cố gắng cho con một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, một sức đề kháng tốt thì tốt hơn nhiều việc phải dùng thuốc. Việc tuân thủ dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ là cần thiết, tránh việc tự chữa.