Nguyễn Yến Ngọc
Ngày nói dối hay ngày cá tháng tư, không còn lạ với người Việt. Nó
được du nhập và được người Việt đón nhận dễ dàng. Thậm chí cũng đã có
những “kiểu đùa khủng” của giới nghệ thuật… về ngày này. Nhưng thực chất
đó có phải đùa hay bản chất của nói dối được bộc lộ?
Nhìn lại xã hội Việt Nam, một xã hội được xem “vàng thau lẫn lộn”,
đường biên thật-giả bị xóa nhòa. Khi mà nói dối không được đưa lên bàn
cân, nó được xem như “tiêu chí phát triển” của đời sống hàng ngày. Cả xã
hội chạy đua nói dối để sống. Nói dối để tồn tại, để… vượt người khác.
Nói dối trở thành bản chất của người Việt, nói dối trở nên bình thường,
và đương nhiên nói dối mà không biết ngưỡng mồm, không áy náy lương tâm.
Một xã hội, về buôn bán thì “ăn gian bán lận”, dùng đủ các món nghề đề
qua mặt người dân; về giáo dục thì chạy đua thành tích, coi chữ trên
người, tạo hành lang để nói dối lộng hành. Kết quả điều tra xã hội học
của GS Trần Ngọc Thêm vẫn còn thời sự cho giáo dục Việt Nam: tỉ lệ nối
dối cha mẹ ở học sinh cấp 1 là 22%, cấp 2 là 50%, cấp 3 là 64% và sinh
viên là 80%... (Đăng trên báo tuoitre.vn); về giới nghệ thuật thì ơi
hời, dối trá đến mơn trớn... đến nỗi có người đã phát ngôn: “Dối trá mới
là Showbiz?” (Đăng trên báo laodong.com.vn) . Hoa hậu, ca sĩ, nghệ sĩ…
đã không ít người nhờ dối trá mà thành danh đó sao.
Xã hội Việt Nam là một xã hội đề phòng người khác. Đề phòng trong
giao tiếp, trong quan hệ, trong công việc,… mọi người đều bị ám ảnh bởi
nói dối. Ra đường, tiếp xúc với ai cũng phải cẩn trọng, nhất là lúc
công việc lại càng cẩn thẩn… kẻo bị lừa. Vì thế, ở Việt Nam mới có thuật
ngữ công ty ma, hàng giả, người giả mạo… cuối cùng là cuộc sống giả.
Ngày nói dối theo Phương Tây là ngày hội vui vẻ, để đùa vui, tinh
nghịch và hài hước. Với người Việt Nam nói dối mục đích không phải vậy.
Nói dối được coi là qua mặt người khác, là “phát tài phát lộc”, có khi
là “ơn của trời ban” khi nói dối thành công. Hơn nữa, nói dối ở Việt Nam
không có khái niệm ngày, mà nó đi liền với cuộc đời. Có lẽ, 364 ngày
người Phương Tây đã sống thật rồi, và chỉ dùng 1 ngày “nói dối”, để giảm
stress. Còn người Việt Nam cả năm đã nói dối thì ngày “cá tháng tư”,
hãy “ăn cá thật”. Phải làm ngược lại, thế mới văn hóa và mới hội nhập!
Nên chăng, chính phủ cần phát động ngày 1/4, hàng năm là ngày nói thật
cho người Việt Nam ?!
Ở Việt Nam vào ngày cá tháng tư, có người khi bị lừa, thì nói “cố ý tin để nó được vui”.