Lê Mạnh Hùng
Khi các lãnh tụ chính trị bắt đầu viết lại những gì xảy ra
trong quá khứ, người ta phải nên lo sợ cho tương lai. Tại Nga, Trung
Quốc, Hungary và Nhật Bản, những cố gắng gần đây để thay đổi, viết lại
lịch sử là những dấu hiệu báo động của tinh thần dân tộc quá khích gia
tăng.
Tháng Giêng năm nay, Tổng Thống Vladimir Putin chủ trì một hội nghị
nhằm đưa ra một cuốn sách giáo khoa lịch sử dùng trong các trường học.
Và tổng thống Nga than phiền rằng những sách giáo khoa lịch sử hiện nay
đầy những “cặn bã ý thức hệ” và “mạ lỵ vai trò của nhân dân Liên Xô
trong cuộc chiến chống lại phát xít.” Ông phủ nhận những lời tố cáo rằng
các nước Ðông Âu bị Liên Xô chiếm đóng sau năm 1945 mà nói rằng chính
Liên Xô đã cứu các nước này ra khỏi họa phát xít.
Ý nghĩa chính trị của việc thay đổi lịch sử này trở nên rõ ràng trong
cuộc khủng hoảng chung quanh Ukraine. Moscow đã liên tục tìm cách mô tả
chính phủ mới tại Ukraine như là “phát xít,” nói rằng những lãnh tụ mới
của nước này là những người thừa kế ý thức hệ của những người Ukraine
theo Ðức Quốc Xã chống lại Liên Xô của Staline.
Ðiều mỉa mai là nước Nga của ông Putin lại có quan hệ nồng ấm với
Hungary, nước độc nhất trong số những quốc gia cựu cộng sản có thể nói
là có một thái độ có cảm tình với quá khứ cực hữu. Chính phủ Hungary của
ông Viktor Orban có vẻ đang khuyến khích việc phục hồi danh dự cho Ðô
Ðốc Miklos Horthy, vị lãnh tụ độc tài, kỳ thị Do Thái của giai đoạn
trước Chiến Tranh Thứ Hai vốn liên minh với Hitler chống lại Liên Xô.
Một số những tượng của ông Horthy đã được dựng lại tại một số nơi trong
nước cũng như là một tấm bảng kỷ niệm tại Budapest. Người ta cũng viết
lại sách giáo khoa lịch sử để đưa “tinh thần ái quốc” vào học đường.
Cũng giống như với Nga, các lân bang của Hungary cũng có lý do để
quan ngại về việc viết lại lịch sử này. Một trong những lý do khiến
nhiều người cánh hữu Hung sùng bái ông Horthy là vì ông là con người chủ
trương một nước Hung lớn (Greater Hungary) trong đó họ hy vọng có ngày
lấy lại những lãnh thổ mà Hung bị mất đi sau Thế Chiến Thứ Nhất.
Tại Châu Á cố nhiên là những cố gắng viết lại lịch sử còn nhiều hơn.
Trước hết là Nhật. thủ tướng Nhật, ông Shinzo Abe đã chỉ trích một số
sách giáo khoa lịch sử của Nhật có một quan điểm quá “tự ti” về lịch sử
mình. Lời nói này của ông Abe đã làm cho các chính phủ Trung Quốc và Nam
Hàn giận dữ. Họ nói ngay cả trước khi ông Abe lên, sách lịch sử Nhật
cũng đã giảm nhẹ những tội ác của lính Nhật tỷ như cuộc tàn sát tại Nam
Kinh năm 1937 hay việc quân đội Nhật sử dụng nô lệ tình dục từ các nước
bị trị như Hàn Quốc.
Thế nhưng Bắc Kinh thì cũng chẳng khá gì hơn. Chủ Tịch Tập Cận Bình
vừa qua đưa ra kế hoạch “thanh xuân hóa xã hội Trung Quốc” tại Viện Bảo
Tàng Lịch Sử vừa được hoàn tất tại Bắc Kinh. Viện bảo tàng này dành
những diện tích khổng lồ thuật lại tội ác của quân Nhật khi xâm lược
Trung Quốc vào những năm 1930 cũng như là tội ác của Anh, Pháp và những
nước ngoài khác “đổ vào Trung Quốc như một bầy ruồi.” Nhưng viện bảo
tàng này, cũng như các sách giáo khoa lịch sử của Trung Quốc không hề
nhắc đến con số hàng chục triệu người chết dưới sự cai trị của đảng cộng
sản dù rằng dưới “bước tiến nhảy vọt” hay là “cách mạng văn hóa.” Mục
tiêu của việc viết lại lịch sử này là đưa những giận dữ của dân chúng
hướng ngoại, tới những nước lân bang thay vì hướng nội nhắm vào chính
phủ mình.
Nhưng ngay tại Anh cũng đã có những tranh cãi chung quanh lịch sử dạy
tại các học đường và trong dân chúng. Khi tôi sang Anh và nhập tịch dân
Anh, thì không ai đòi hỏi rằng phải có một cuộc thị mới được nhập tịch.
Nhưng nay thì không. Và trong các môn thi đó có lịch sử. Và lịch sử đó,
theo những người chỉ trích phải là lịch sử ca ngợi nước Anh. Gần đây
lại nổ ra một cuộc tranh cãi về dạy lịch sử tại các trường học Anh. Bộ
Trưởng Giáo Dục Michael Gove đã tạo ra một đợt chỉ trích gay gắt từ phía
những sử gia khi ông than phiền rằng lịch sử dạy tại các trường học đã
cho học sinh một quan điểm quá tiêu cực về nước Anh. Tỷ như về chiến
tranh thứ nhất, học sinh cần phải được dạy rằng đó là một cuộc chiến
chính đáng bảo vệ tự do chứ không phải chỉ là một cuộc đổ máu vô vị.
Thành ra ta có thể thấy rằng không có gì bất thường trong những cố
gắng của các lãnh tụ chính trị trong việc tìm cách ảnh hưởng cung cách
lịch sử nước mình được dậy và được hiểu. Nhưng vẫn có những khác biệt
quan trọng cần phải đưa ra giữa những cố gắng chính đáng và những cố ý
xuyên tạc.
Thứ nhất các nhà chính trị không thể nào phủ nhận những sự kiện lịch
sử cụ thể. Ông Gove có thể biện hộ rằng Thế Chiến Thứ Nhất là một cuộc
chiến chính đáng. Nhưng ông không tìm cách phủ nhận trận đánh sông Somme
trong đó Anh hy sinh 60,000 quân chỉ trong mấy tiếng đồng hồ như kiểu
một số người Nhật thân cận ông Abe phủ nhận rằng không hề có sự tàn sát
tại Nam Kinh.
Ðiều quan trọng thứ hai là phân biệt giữa việc khuyến khích các cuộc
thảo luận và không cho thảo luận. Một điều đáng buồn và đáng e sợ là một
số người Nga tiếp tục đưa ra một cái nhìn tích cực về Stalin. Nhưng
quan điểm đó còn không đáng lo ngại bằng việc im lặng không cho nhắc đến
tất cả những gì xảy ra dưới thời Mao như hiện nay tại Trung Quốc.
Các nhà chính trị cũng như các sử gia và kể cả các công dân thường
đều có những quan điểm riêng và cách nhìn riêng về lịch sử nước mình.
Nhưng lợi dụng quyền lực chính trị để ép buộc một quan điểm lịch sử duy
nhất tại trường học và các phương tiện truyền thông là một điều rất nguy
hiểm như ta đã thấy xảy ra hiện nay tại Nga và Trung Quốc.