Thứ Hai, 21 tháng 4, 2014

Đi Và Về

Hoàng Nhất Phương
Đi đâu về đâu - một câu người ta thường tự hỏi. Đóng cửa lại bước ra khỏi nhà, ai cũng biết mình sẽ đi hướng đông hay đi hướng tây, sẽ rẽ trái hay quẹo phải khi đứng trước con đường rộng lớn có muôn ngàn lối. Lang thang vô định chỉ là cách nói, để diễn tả trạng thái lửng lơ của tâm hồn trong khoảnh khắc nhàn tản, loanh quanh dạo chơi từ nơi này sang nơi khác. Gặp cảnh đẹp sẽ dừng lại ngắm nhìn, thấy điều lạ thường thì quan sát, không có mục đích nên không vội, cũng không cần lịch trình. Nhưng nói đi rồi phải nói lại, chiều hôm qua lang thang trên đường thật đấy, nhưng chiều hôm nay người ta có thể phải kiếm tìm một địa điểm cụ thể, hoặc đã có sẵn chương trình. Xét cho cùng đi là nhắm đến một location, một spotlight, một address rõ ràng. Chính vì thế nếu anh, nếu chị, nếu các bạn hay là tôi có tự hỏi: Ta sẽ đi đâu về đâu…, là điều hết sức bình thường. Thậm chí rất nhiều khi chúng ta hỏi chỉ để mà hỏi, bởi vì ai cũng mong đi đến cùng đích đường đời của mình, nếu không muốn để thời gian trôi qua một cách vô ích, nếu không muốn bị lãng quên hay bị đào thải.

Theo báo cáo đưa ra hồi Tháng Bảy 2013, Văn Phòng Thống Kê Hoa Kỳ ( United States Census Bureau - USCB) ước tính dân số trên thế giới khoảng 7,149 tỷ người. Trong số hơn bảy tỷ người đang sống trên trái đất, có một số người lúc nào cũng đứng ngồi không yên, cứ như thể được sinh ra là để đi, vừa nghe tiếng còi tàu đã muốn thu xếp hành trang lên đường. Những lần ngồi vốc cát bụi ở phương xa, những lần nằm đắp rơm thay mền ngủ giữa đồng vắng, những lần cùng ăn bữa cơm toàn đặc sản lạ miệng với dân địa phương…Tất cả những lần như vậy luôn khiến người ta bâng khuâng suy nghĩ. Nếu không khí đầm ấm của gia đình có thể lay động tâm hồn, đến nỗi khách lãng du phải cảm thán: Cây có cội, nước có nguồn, con chồn có hang, chim trời có tổ, người ta có nhà, chỉ mình ta vật vờ, phiêu hốt! Tất nhiên cuộc sống phóng khoáng và tự do của lữ khách cũng có nhiều đặc điểm, làm cho người đã an cư lạc nghiệp ngầm than thở: Phải chăng được phiêu du nay đây mai đó, như người giang hồ quen thói vẫy vùng mới là hạnhphúc!
Sự băn khoăn trăn trở của hai loại người kể trên khi họ mục kích cảnh đời riêng của nhau, cũng chính là vấn nạn có trong cõi người ta. Hơn một lần khái niệm đồng cỏ bên kia xanh tươi hơn đồng cỏ bên này trở thành phạm trù đối nghịch, khiến người ta phải làm một bài toán so sánh khi đứng trước ngả ba đường, hay khi nhìn thấy những mái nhà ngói đỏ phản chiếu dưới nắng hoàng hôn. Chân trời mờ mịt thức mây, giữa giòng sóng động dư đầy bi hoan, sẽ dẫn dắt người ta đến với những trải nghiệm đặc biệt về hạnh phúc. Hay cổng nhà quen bước chân êm, cành hoa sắc đỏ bậc thềm thư hiên, mới chính là nơi người ta có thể nếm trải hạnh phúc. Vậy hạnh phúc bắt nguồn từ đâu? Nhớ xưa tôi đã viết: Hạnh phúc là gì từ lâu đã trở thành vấn nạn, một vấn nạn chơi vơi giữa thực tế đời thường, giữa khát vọng cháy bỏng trong lòng về những ước mơ, mà ai đó tin rằng đấy mới chính là khuôn mặt đích thực của hạnh phúc mình đang theo đuổi. Ngay cả những điều được xem là dung nhan mang tên hạnh phúc ấy cũng rất khác biệt, bởi vì quan điểm và sự lựa chọn về hạnh phúc của người này rất khác với quan điểm và sự lựa chọn của người kia.

Có một điều - dù ở trong gia đình hay phiêu du khắp nẻo - hầu như ai cũng đồng ý: Người ta chỉ hạnh phúc khi thấu hiểu trọn vẹn những điều trầm lặng, kín đáo, sâu lắng, và nếm trải đủ mùi vị cay đắng ngọt bùi của cuộc đời. Đi đâu về đâu không quan trọng cho bằng người ta cảm nhận như thế nào, trong những lần đi và về. Nếu cuộc viễn du luôn đem lại bình an cho người ta, có nghĩa là hạnh phúc cùng đi với sự chuyển động của đoàn tàu lăn trên thiết lộ; những nơi dừng chân ghé lại dù chỉ trong khoảnh khắc, chính là nơi bình yên chim hót của lữ khách. Một khi khói lam chiều vương trên mái ngói là biểu tượng giúp người ta thường tại, có nghĩa là hạnh phúc đồng nghĩa với cảnh nhà sum họp; ra đi khi trời vừa sáng trở về lúc hoàng hôn, là điều mà những ai có tinh thần an cư lạc nghiệp muốn nắm bắt.
Tùy theo nhận thức, người ta sẽ chọn đời sống quy củ nề nếp trong gia đình, chịu lãnh nhận trách nhiệm và chia sẻ ngọt bùi với những ai có liên hệ. Hay là người ta sẽ chọn đời sống tự do, đi khắp bốn phương tám hướng, tung hoành ngang dọc cho thỏa chí tang bồng. Chọn như thế nào là do tâm nguyện. Đi đâu về đâu không quan trọng cho bằng cảm nhận của từng cá nhân, trong những lần đi và về. Có người quan niệm lãng du mới là hạnh phúc, bởi vì họ thấy cuộc đời như gió như mây, qua sông ngoảnh lại dư đầy bi hoan. Con đường trước mặt huy hoàng, trông lên đỉnh ngọn trăng vàng bình dương. Có người khẳng định xây dựng mái ấm gia đình mới là hạnh phúc, bởi vì họ cho rằng giữa giòng chiêu sóng tam giang, thuyền đi nước chảy bến ngàn nhớ xưa. Đò chiều thiền quán đại thừa, trong mơ cố quận dạ thưa đến nhà. Đi đâu về đâu, đúng hay sai tốt hay xấu là câu chuyện riêng của đời người. Những câu chuyện riêng ấy hội tụ lại thành một lăng kính có nhiều khía cạnh. Từng khía cạnh của mặt này lại tài bồi hỗ tương cho từng khía cạnh của mặt kia, cuối cùng kết thành giao diện chung của thế giới, trong đó có đầy đủ những lần đi và về của toàn thể nhân loại.
Tôi thinh lặng nghe tiếng thì thầm vang lên từ đáy sâu nội ngã: Đi đâu về đâu không quan trọng cho bằng cảm nhận của bản thân, trong những lần đi và về. Cõi người ta theo bốn mùa thường tại, phân ly rồi lại đoàn viên, ra đi rồi lại trở về, nơi nào cũng thấy một bầu trời với ngần ấy những vì sao. Tôi nhìn thấy hơn bảy tỷ dân số cùng nối vòng tay lớn với chí nguyện gìn giữ tự do-hòa bình-hạnh phúc, cho tất cả mọi người đang đi và về trong ngôi nhà chung là Trái Đất.

Hoàng Nhất Phương

5:54am Thứ Sáu ngày 14 tháng 3 năm 2014

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"