Trong dịp giỗ Tổ vừa qua – 10 tháng 3 âm lịch (9 tháng 4/2014), ở xã
Bình Đà quận Hà Đông đã làm lễ giỗ rất linh đình, khánh thành một tấm
bia đá lớn trên đó có khắc ‘’bài văn giáng bút‘’ của nhà văn hóa Vũ
Khiêu ca ngợi công đức của Quốc tổ Lạc Long Quân.
Trong bài văn bia dài, có những câu: Gò Tam Thai mộ thiêng Quốc Tổ
Đất Hiền Lương Quốc Mẫu về Trời
Đất Hiền Lương Quốc Mẫu về Trời
và:
Cho hay Quốc Tổ tự buổi xưa lập ấp dựng làng
Đại Việt khởi nguyên tại Bình Đà – địa linh nhân kiệt .
Mạng Tễu của nhà nghiên cứu hán nôm Nguyễn Xuân Diện có
ngay bài ra ngày 10/4, vạch rõ sai lầm kinh hoàng của bài văn bia. Sai
lầm kinh hoàng vì xưa nay chưa có ai xác nhận là Quốc Tổ nước ta Lạc
Long Quân sinh ra tại vùng Bình Đà và có mộ chôn ở vùng này. Cũng chưa
có một tài liệu lịch sử nào xác nhận Bà Âu Cơ – Quốc Mẫu dân ta – đã
‘’về trời» từ vùng đất Hiền Lương – Bình Đà này.
Kinh hoàng hơn nữa là người đầu têu phạm sai lầm ấy lại là nhà văn
hóa trứ danh bậc nhất của chế độ, Giáo sư, Viện sỹ Vũ Khiêu, từng là
Viện trưởng Viện Xã hội học, phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội, gíáo
sư triết học Học viện Chính trị Quốc gia, Huân chương Độc lập hạng Nhất,
năm 2000 được phong Anh hùng Lao động thời Đổi mới. Năm nay ông bước
vào tuổi 98.
Kinh hoàng là do nhà văn hóa hàng đầu của chế độ này đã có 30 tác
phẩm văn học – văn hóa và hơn 30 tác phẩm khác cùng sáng tạo với người
khác, trong đó có những tác phẩm đồ sộ như Đẹp bàn về thẩm mỹ trong văn
học,Anh hùng và Nghệ sỹ , Cao Bá Quát, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Trãi…
Kinh hoàng hơn nữa là lão trí thức Vũ Khiêu tự cho mình là tiên, là
thánh khi ông coi việc ông viết ra bài văn bia là ‘’giáng bút‘’, vì xưa
nay khi nói giáng bút là mọi người đều hiểu là do có thần hay tiên,
thánh nhập vào mình để viết ra những áng văn thiêng liêng, rồi biến mất,
gọi là thăng. Người trần tự nhận là tiên thánh khó có thể coi là nhà
văn hóa lương thiện.
Trước đây chỉ có ông Tiến sỹ Hoàng Quang Thuận đạo văn của ông quản
lý khu du lịch Yên Tử để viết nên tập thơ Thi vân Yên tử, cũng huênh
hoang là do được Thần Phật nhập vào ông, coi là những bài thơ thiêng, có
giá trị văn học tuyệt đỉnh để Bộ Ngoại giao tính chuyện gửi đi ứng cử
giải Nobel Văn học.
Cũng trong dịp này trên mạng Tễu nêu lên chuyện vẫn nhà văn hóa Vũ
Khiêu đã đứng ra viết bài giới thiệu bản in mới của Truyện Kiều do tác
giả là kỹ sư Đỗ Minh Xuân ‘’khảo dịch‘’. Trong bản in gọi là «khảo dịch»
này tác giả tùy tiện tự mình sửa rất nhiều câu chữ của nguyên bản
Truyện Kiều như hiện được lưu hành rộng rãi, sửa đến hơn 900 trong hơn
3000 câu, nói là cho độc giả thời nay dễ hiểu cốt truyện, vì bản gốc có
quá nhiều chữ gốc Hán và có quá nhiều ẩn dụ, điển tích.
Giáo sư Vũ Khiêu nhận định đây là một mẫu mực sáng tạo ‘’làm cho
truyện Kiều trở nên hiện đại, phổ thông, đại chúng và trong sáng‘’.
Xin nêu vài thí dụ: ‘’Sè sè nắm đất bên đường‘’ sửa là ‘’se se… ‘’;
‘’Trải qua một cuộc bể dâu‘’ sửa là « … mỗi cuộc… ‘’; ‘’Hồ Điệp Trang
Sinh‘’ sửa là ‘’trong mộng, thực sinh‘’; ‘’ Châu Trần còn có Châu Trần
nào hơn‘’ sửa là ’’Lứa đôi còn có cần gì nhiều hơn»; ‘’đỉnh Giáp non
Thần‘’ sửa là ‘’tiên nữ giáng trần‘’; ‘’Nàng Ban ả Tạ cũng đâu thế này‘’
sửa là ‘’Xưa nay hiếm thấy sai đâu thế này‘’; ‘’Hợp Phố ‘’ sửa là ‘’chủ
cũ‘’; ‘’lỏng buông tay khấu‘’ sửa là «lỏng buông cương ngựa‘’…
Đã có ngay 60 phản hồi trên mạng Tễu nhận xét cả tác gỉ Đỗ Minh Xuân
và nhà văn hóa Vũ Khiêu đã hỗn láo với cụ Nguyễn Du, lao vào một cuộc
phiêu lưu lẩm cẩm, phi văn hóa, hạ thấp, thông tục hóa một tác phẩm quý
giá, vì chính những điển tích dù cho là của Trung Hoa vẫn là một phần
giá trị của tác phẩm văn học, đã có chú thích, chú giải, và có cả từ
điển về Truyện Kiều rồi.
Rất mong nhà văn hóa cao tuổi Vũ Khiêu hãy tỉnh lại. Tùy tiện đưa cái
nôi Quốc Tổ từ vùng Việt Trì – Phú Thọ về vùng Bình Đà – Hà Đông là một
việc làm hỗn xược với tiền nhân, với lịch sử, là việc làm phi văn học,
cũng là việc làm phi pháp rất đáng trách của một người có học vấn, am
hiểu về các di tích lịch sử được xếp hạng, không thể tùy hứng được.
Đúng là đang có tình thế hỗn và loạn về chính trị lan rộng sang văn
học và văn hóa. Khi các nhóm lãnh đạo chỉ lo cho lợi ích riêng tư của
phe nhóm mình, bỏ mặc cho nhân dân theo kiểu sống chết mặc bay, sau ta
là trận Hồng Thủy cũng được, thì mọi hiện tượng kỳ quái vượt qua mọi
tưởng tưởng đều có thể xảy ra. Thái độ của Bộ Văn hóa,Thể thao và Du
lịch và tỉnh bơ về sự kiện xảy ra ở Bình Đà, cũng như việc Bộ Giáo dục
và Đào tạo làm ngơ về chuyện sửa văn Truyện Kiều hàng 900 chỗ cũng là
chuyện không lấy gì làm lạ trong thời hỗn và loạn này.
Blog Bùi Tín (VOA)