Mạnh Kim
BÀI 2: “TRIỀU ĐẠI NHÀ CHU”
Thân thế gần như không có gì đáng nói nhưng sự nghiệp Chu Vĩnh Khang
thì rực rỡ huy hoàng. Ông đã đi lên rất nhanh trên hoạn lộ và xây dựng
được một hệ thống tham nhũng gắn kết với các thành viên gia đình…
Một người làm quan…
Sinh tháng 12-1942 tại Vô Tích (Giang Tô) trong một gia đình nông dân
với tên khai sinh là Chu Nguyên Căn, đương sự rời làng năm 15 tuổi và
gia nhập đảng cộng sản Trung Quốc năm 1964. Không hiểu vì lý do gì cái
tên này đã được đổi thành “Chu Vĩnh Khang” khi Chu lên Bắc Kinh học. Tốt
nghiệp khoa địa chất thăm dò thuộc Viện dầu khí Bắc Kinh, Chu khởi đầu
sự nghiệp từ công nghiệp dầu. Theo Financial Times (31-3-2014), năm
1967, Chu là kỹ sư dầu khí tại mỏ Đại Khánh (Hắc Long Giang) gần
Siberia. Với chính sách thúc đẩy dầu khí làm trụ cột cho phát triển kinh
tế của Đặng Tiểu Bình, Chu bắt đầu thăng tiến nhanh, từ dầu bước sang
chính trị. Những vị trí đầu tiên mà Chu được bổ nhiệm là thị trưởng hoặc
bí thư tại các thành phố liên quan đến công nghiệp dầu chẳng hạn Bàn
Cẩm (Liêu Ninh) và Đông Doanh (Sơn Đông). Chính tại Liêu Ninh, Chu Vĩnh
Khang “bắt bồ” với Bạc Hy Lai (lúc đó là thị trưởng Đại Liên, thành phố
cảng thuộc Liêu Ninh).
Từ 1998-1999, Chu Vĩnh Khang làm Bộ trưởng tài nguyên đất đai, nơi
được quyền kiểm soát tất cả đất đai và mỏ khoáng khắp Trung Quốc. Sau
đó, Chu làm bí thư Tứ Xuyên. Năm 2002, Chu vào Bộ chính trị; từ năm
2007-2012 làm Ủy viên thường vụ Bộ chính trị (một “thượng tầng chính
trị” Trung Quốc với số ủy viên thời điểm đó chỉ có 9 người). Từ
2002-2007, Chu làm Bộ trưởng Bộ công an rồi từ 2007-2012 làm bí thư Ủy
ban chính pháp, nơi giám sát tất cả tòa án và lực lượng cảnh sát. Thời
Chu, ngân sách an ninh nội chính của Trung Quốc được cấp cao hơn cả ngân
sách quốc phòng. Cũng trong thời này, Chu và Bạc phối hợp thực hiện
chiến dịch trấn áp tội phạm tại Trùng Khánh đồng thời phát động phong
trào “cách mạng đỏ” (ca Hồng, đả Hắc)…
Muốn hiểu rõ hơn về Chu Vĩnh Khang, phải đến Tây Tiền Đầu (Vô Tích),
một ngôi làng nhỏ chỉ với hơn 300 dân. Tại đây, theo Wall Street Journal
(1-4-2014), lịch sử “nhà Chu” đã được khắc trên 5 tấm bia gia phả bằng
đá. Trên đó, không có tên “Chu Vĩnh Khang” mà chỉ có tên “Chu Nguyên
Căn”. Tên của Chu Bân cũng được khắc trên một bia (cùng với tên của ba
người đàn ông khác cùng thế hệ). Dân làng cho biết, năm 2013, Chu Vĩnh
Khang trở về thăm quê, lưu lại chỉ khoảng một tiếng, cùng với lực lượng
cận vệ dày đặc.
Ngày 12-2-2014, theo tờ Tài Tân (4-3-2014), một đám tang được tổ chức
trong ngôi nhà từ đường của Chu Vĩnh Khang tại làng Tây Tiền Đầu (ảnh).
Đó là đám tang của Chu Nguyên Hưng, em trai Chu Vĩnh Khang, chết vì ung
thư, ở tuổi 69. Thời gian người anh cả Chu Vĩnh Khang lên Bắc Kinh học,
ngôi nhà được giao lại cho hai cậu em. Họ không học hành nhiều nhưng
sau này nhờ cái thế của ông anh nên trở thành những nhân vật có thế lực
nhất nhì trong vùng. Dịp lễ tết, hàng đoàn xe đậu dài trước cổng nhà họ
để “cúng kiếng” cho hai ông em, trong đó có người em út Chu Nguyên Thanh
từng làm phó giám đốc Sở tài nguyên đất đai địa phương. Năm 1996, chính
quyền địa phương từng có kế hoạch giải tỏa qui hoạch xóa sổ toàn bộ
ngôi làng nhưng khi người ta nhìn thấy các tấm bia đá họ Chu thì dự án
bị hủy.
Dân làng thuật rằng, hai ông em Chu Nguyên Hưng và Chu Nguyên Thanh
phất lên rất nhanh theo đà thăng tiến sự nghiệp của Chu Vĩnh Khang. Có
lúc giành độc quyền bán rượu Ngũ Lương Dịch, Chu Nguyên Hưng được dân
làng nể sợ đến mức ai muốn tìm việc hoặc lập công ty thì cứ đến gõ cửa
đương sự để được giúp. Cũng theo tờ Tài Tân, một viên chức Vô Tích từng
chi cho “hai ông Chu nhỏ” 150.000 tệ để “chạy án” một vụ kiện. Một lá
thư “gửi tay” của “hai ông Chu nhỏ” cũng có thể giúp học sinh thi rớt
đại học được lọt vào trường cảnh sát ở Giang Tô… Ngoài việc kinh doanh
dầu khí, vợ của Chu Nguyên Thanh – Chu Linh Anh – cũng tham gia kinh
doanh nhiều lĩnh vực khác, đồng thời có “chân trụ” trong một công ty vốn
là đối tác của Tập đoàn dầu khí quốc gia chuyên khai thác khoáng sản.
Theo WantChinaTimes (5-3-2014), tính đến tháng 6-2011, giá trị các dự án
khoáng sản liên quan công ty của Chu Linh Anh lên đến 715 triệu tệ (116
triệu USD). Năm 2010, Chu Linh Anh còn đầu tư 19 triệu tệ (3 triệu USD)
vào một đại lý xe Audi...
7g tối ngày 1-12-2013, hơn 10 nhân viên thường phục bất ngờ gõ cửa
căn hộ của Chu Nguyên Thanh tại Vô Tích, cách làng Tây Tiền Đầu khoảng
40 phút đi xe. Các thanh tra viên ở đó cho đến 5g sáng hôm sau; và khi
họ rời đi, người ta thấy có cả Chu Nguyên Thanh và bà vợ Chu Linh Anh.
Cùng lúc, tại làng Tây Tiền Đầu, một nhóm thanh tra chống tham nhũng
cũng đến gõ cửa nhà Chu Nguyên Hưng, khi ông này đang thoi thóp chờ chết
bởi căn bệnh ung thư xương…
Và gần như trong cùng thời điểm (cuối tháng 12-2013), thanh tra chống
tham nhũng cũng đến nhà cậu con trai Chu Bân tại ngoại ô Bắc Kinh, nơi
Chu Bân và vợ sống với đứa con gái 5 tuổi. Như kể ở kỳ một, mẹ vợ của
Chu Bân – bà Mary Chiêm Mẫn Lợi, dù ở Mỹ – đã tận dụng ảnh hưởng của cậu
con rể và ông sui gia để làm ăn tại Trung Quốc. Chiêm Mẫn Lợi từng là
cổ đông lớn nhất công ty Beijing Hai Tian Yong Feng Oil Sales (“Bắc Kinh
Hải Thiên Vĩnh Phong thạch du tiêu thụ hữu hạn công ty”), thành lập năm
2003 (hai năm sau khi Chu Bân từ Mỹ trở về Trung Quốc). Công ty này
được giải thể năm 2009. Tài liệu đăng ký doanh nghiệp cho thấy, Hải
Thiên Vĩnh Phong là cổ đông đầu tiên của một công ty khác, Shaanxi De
Gan Oil Technology Co (“Thiểm Tây Đức Cam thạch du khoa kỹ hữu hạn công
ty”), thành lập năm 2007. Việc thành lập doanh nghiệp lòng vòng như thế
hẳn nhiên là cách để tránh bị dòm ngó.
Trả lời phỏng vấn Wall Street Journal, bà Chiêm Mẫn Lợi cho biết mình
đến Trung Quốc vài tháng vào năm 2013 và có biết chuyện cậu con rể cũng
như ông sui Chu Vĩnh Khang đang bị điều tra. Tháng 10-2013, bức ảnh Chu
Vĩnh Khang đến thăm Đại học dầu khí được đăng trên website nhà trường.
Đó là một trong những lần cuối cùng Chu Vĩnh Khang xuất hiện trước công
chúng. Cuối tháng đó, Chiêm Mẫn Lợi trở về Mỹ. Vài ngày sau, bà kể,
đường dây liên lạc với gia đình bà bị “chết” sau một cú gọi bằng dịch vụ
trực tuyến Skype. Suốt từ đó, bà không nhận được cuộc gọi nào từ gia
đình Chu Bân và cũng không thể gọi cho họ…
Cuộc chiến không bao giờ kết thúc!
Viết trên Viện chính sách Trung Quốc (17-3-2014), Andrew Wedeman,
giáo sư chính trị học Đại học bang Georgia, cho biết, từ năm 1997 đến
2012, Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc đã kết án 550.000 cá
nhân với các tội danh tham nhũng hoặc vô trách nhiệm trong đó có vụ Trần
Lương Vũ năm 2006 và Bạc Hy Lai năm 2012. Quả là tình trạng tham nhũng
Trung Quốc đã trở thành căn bệnh ung thu di căn. Số vụ án tham nhũng và
viên chức vô trách nhiệm được Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp nhận
đã tăng từ 34.326 năm 2012 lên 37.551 năm 2013. Tỉ lệ viên chức từ cấp
quận đến cấp tỉnh liên quan tham nhũng đều tăng. Tính đến thời điểm hiện
tại, đã có 8 viên chức cấp tỉnh và cấp bộ bị kết tội tham nhũng, so với
5 vào năm 2012. Ủy ban thanh tra kỷ luật đảng cho biết tỉ lệ đảng viên
đối mặt với một hình thức kỷ luật nào đó đã tăng đến 13,3%...
Chẳng đời chủ tịch Trung Quốc nào mà không hô hào chống tham nhũng.
Thời Giang Trạch Dân, Thủ tướng Chu Dung Cơ từng nói ông chuẩn bị sẵn
100 cỗ quan tài với 99 cỗ dành cho quan tham và một cỗ cho mình. Năm
2006, phát biểu trước Ban phòng chống tham nhũng trung ương, Hồ Cẩm Đào
đã nêu tội lạm quyền của nhiều viên chức Đảng dẫn đến xáo trộn xã hội và
tạo ra phản kháng quần chúng. “Cái quả bom nổ chậm ấy chôn trong xã hội
có thể dẫn đến loạt vụ nổ, đưa đến bất ổn đồng thời làm tê liệt bộ máy
nhà nước” – Hồ Cẩm Đào nói…
Vấn đề ở đây rõ ràng không chỉ là phương pháp chống tham nhũng mà còn
phải là sự mạnh tay thay đổi hệ thống đào tạo và bổ nhiệm viên chức vốn
tồn tại từ thời Mao Trạch Đông. Chừng nào mà điều này chưa thực hiện,
mọi chiến dịch “đánh hổ” hay “diệt ruồi” đều chỉ dừng ở mức xử lý vụ
việc hoặc cá nhân cụ thể nào đó chứ không phải giải quyết được cái gốc
căn nguyên. Làm thế nào có thể chống tham nhũng khi có trường hợp chính
thanh tra điều tra tham nhũng lại dính vào đường dây “chạy án” tham
nhũng?! Chống tham nhũng, trong nhiều trường hợp, lại là “phương tiện”
để trừ khử nhau trong các cuộc đấm đá nội bộ. Làm thế nào có thể chống
tham nhũng khi mà quyền lực có thể được mua và bán với những cái giá rất
cụ thể được định bằng vị trí cụ thể?! Làm thế nào có thể chống tham
nhũng khi vẫn tồn tại các nhóm lợi ích gắn kết nhau bằng quyền lợi và
quyền lực?! Diệt hổ hay ruồi gì thì cũng phải chấn chỉnh hệ thống đi đã,
từ quản trị hành chính công nói riêng đến hệ thống chính trị nói chung!