Thứ Tư, 9 tháng 4, 2014

"Hãy “uốn” lợi ích cá nhân để đường Trường Chinh được thẳng!"

An Thanh Lương
Kính gửi các Ông:
- Thiếu tướng Phạm Ngọc Lan
- Đại tá Nguyễn Tâm Trinh
- Thượng tướng Phạm Thanh Ngân
- Trung tướng Phạm Tuân
- Đại tá Nguyễn Tiến Sâm - nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT
- Trung tướng Nguyễn Đức Soát
Sở dĩ tôi phải ghi rõ tên và chức vụ của các vị mà hầu hết đã hồi hưu vì trong bài phỏng vấn của báo Tiền Phong (ngày 8/4/2014) với Thiếu tướng Phạm Ngọc Lan và Đại tá Nguyễn Tâm Trinh, chẳng biết có phải đại diện cho các vị hay không nhưng đã có nhắc đến tên các vị.

Tôi biết các vị đều là sĩ quan cao cấp của quân chúng phòng không – không quân, những người đã có công rất lớn trong cuộc kháng chiến chỗng Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Tôi cũng hiểu khi các vị bước chân lên máy bay và bay vút lên bầu trời tức là các vị đã tự giác đảm nhận sứ mệnh của một cảm tử quân, vì thế các vị đều xứng đáng là những anh hùng của lực lượng vũ trang . Nhiều bạn bè đồng chí của các vị đã chiến đấu và hy sinh anh dũng, đã không có may mắn được quân đội “chia sẻ” lợi ích để có nhà cao cửa rộng như các vị hôm nay.
Sân bay Bạch Mai là đại bản doanh của quân chủng Phòng không- Không quân, nên từ sau khi hòa bình thống nhất đất nước, bộ đội, thôi thì không biết ai quyết định nên cứ gọi chung chung như vậy đã xẻ cái sân bay oanh liệt một thời này để xây dựng trụ sở, nhà bảo tàng và chia cho các hộ gia đình xây cất nhà cửa, hình thành nên các phố “nhà binh” như Lê Trọng Tấn, Nguyễn Ngọc Ngạn, Nguyễn Viết Xuân, Hoàng Văn Thái… (chả biết gia đình ông Xuân có được căn hộ nào trên con phố mang tên ông).
Riêng các sĩ quan cao cấp thì được cấp đất đủ xây dựng biệt thự trên con phố chính là đường Trường Chinh.
Hồi đó, đã hơn hai chục năm rồi, mỗi khi đi qua con đường Tàu bay này, chúng tôi vẫn trầm trồ chỉ trỏ nhà này của tướng này, nhà này của tướng kia với một sự “thán phục”.
Nhưng rồi cái gì đến sẽ phải đến. Hà Nội đã xây cầu Vĩnh Tuy, con đường vành đai II phải mở rộng, và thế là chuyện giải tỏa đã đụng đến nhà các quan chức quân đội và cũng như người dân thôi, các ông đã nhảy dựng lên bám vào quá khứ huy hoàng của mình.
Báo chí đưa tin “né nhà quan, bẻ cong đường Trường Chinh”. Có lẽ coi mình không phải là quan nên khi trả lời phỏng vấn của báo Tiền Phong , tướng anh hùng Phạm Ngọc Lan đã bức xúc “Đây là ơn nghĩa dành cho bộ máy đầu não bảo vệ vùng trời, chúng tôi không đồng ý với cách đặt vấn đề tránh nhà quan chức”.
Xin tướng Lan hãy bình tĩnh. Lúc lái máy bay, ông mới chỉ là một phi công, một đại úy làm theo lệnh cấp trên. Bộ máy đầu não phải to và quan trọng hơn nhiều . Đó là những tướng lĩnh ở Bộ quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu, là Quân ủy Trung ương, là Bộ Chính trị.
Các ông lấy lí do nhà các ông có trước quy hoạch mở rộng đường có sau nên phải chấp nhận đường có hình cái “ghi đông xe đạp”, nhìn trên bản đồ thì đúng là như vậy. Tôi thật phục anh nào so sánh hình tượng con đường bị nắn cong với cái ghi đông xe đạp, cũng như báo Tiền phong đã giật tít một bài báo nữa cũng rất hình tượng: Hãy “uốn” lợi ích cá nhân để đường Trường Chinh được thẳng”.
Quá đúng và quá chuẩn! Khi các vị tướng bị giải tỏa dù chỉ một phần năm chiều sâu của ngôi nhà như tướng Phạm Ngọc Lan mà ông đã nổi đóa lên thì không biết ông có thông cảm với người nông dân ở Dương Nội, ở Văn Giang và rất nhiều nơi trên đất nước này bị tước đoạt hết ruộng đất , tước đoạt hết quyền được sống và gắn bó với mảnh đất của cha ông, mảnh đất mà bao thế hệ người Việt Nam đã sẵn sàng hy sinh đời mình để thực hiện khẩu hiệu”người cày có ruộng” hay không.
Sắp đến tháng 5 lịch sử, tôi bỗng nhớ đến chiến công của các chiến sĩ biệt động Hà Nội đánh bom cảm tử phá hủy hàng chục máy bay của Pháp ở sân bay Bạch Mai ( lúc đó ta chưa có không quân) để phối thuộc chiến đấu với bộ đội chủ lực đang bao vây cứ điểm Điện Biên Phủ. Những chiến sĩ biệt động đặc công đó ai còn ai mất, và nếu còn, liệu có ai kể công và được phân đất xây biệt thự như các vị tướng tá quân chúng phòng không - không quân sinh sau đẻ muộn hay không? Chính họ đã hy sinh xương máu góp phần giải phóng thủ đô, và từ đó các vị mới có cơ hội tiếp cận sân bay Bạch Mai, rồi biến nó thành tài sản riêng của quân đội và xẻ thịt nó không thương tiếc. Nay thì còn đâu cái hình hài của sân bay Bạch Mai nữa?
Mà không chỉ có sân bay Bạch Mai, bộ đội đi đến đâu là chiếm đất đến đấy. Hà Nội chưa là gì so với đất đai nhà cửa quân đội chiếm dụng ở Sài Gòn. Chính quyền Hà Nội và các thành phố bó tay trước lực lượng vũ trang. Ngay như Hòang thành Thăng Long, sau rất nhiều năm tranh đấu cuối cùng Bộ Quốc phòng mới chịu nhả di tích lịch sử thế giới này cho Hà Nội quản lý. Và người dân mới có điều kiện tham quan nơi xưa kia các vua chúa đã từng ở. Thế đó. Vậy nên sự phản ứng của Thiếu tướng Lan, của Đại tá Trinh cũng là điều dễ hiểu!
Chỉ xin các vị hãy nghĩ đến tòan cục mà hy sinh chút lợi ích cá nhân để phục vụ cái quyền lợi chung của xã hội. Nếu cứ lập luận “nhà tôi có trước, cầu vượt của các ông có sau” thì biết bao nông dân cũng sẽ kêu lên đình chùa mồ mả cha ông chúng tôi có trước đường các ông bây giờ mới vẽ ra. Thế thì đất nước này loạn to. Các vị lại lập luận hãy lấy vào đất của công tức là đất của quân chúng mà né nhà chúng tôi ra. Ôi sao các vị khôn thế! Các vị hãy suy nghĩ cho kĩ về cái tít của một bài báo: Hãy “uốn” lợi ích cá nhân để đường Trường Chinh được thẳng!
Đau lắm thay, nếu còn có lương tri!
Hãy thử hỏi, vì uốn cong con đường hình chiếc ghi đông xe đạp thì ngay giữa Hà Nội sẽ xuất hiện một điểm đen giao thông. Tai nạn chết người có thể xảy ra. Mà người Hà Nội mê tín sẽ xây miếu thờ người chết oan uổng ngay trước của biệt thự của các vị thì không biết các vị sẽ nghĩ sao mỗi khi từ nhà bước ra đường?
An Thanh Lương
6543.1396842651_thumb.jpg

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"